Đến khi nào kẻ cưỡng bức mới được nhìn nhận như một tên khốn giết người?

Hãy nhìn nhận kẻ cưỡng bức như thể một tên khốn giết người. Bởi chúng đã giết chết tâm hồn của nạn nhân và chẳng ai có thể sống mà đánh mất tâm hồn cả! Không một ai, nếu sống thì có chăng đó cũng là sự tồn tại!

Trên báo chí hàng ngày đều có những tin tức chấn động xuất hiện nhan nhản trên báo chí về tội ác. Từ thấp đến cao, nào là hành hung cho đến giết người không có gì không thể xảy ra.


Bởi lẽ đó, thế giới 7 tỷ người như hiện nay, việc những kẻ xấu tự tung tự tác không còn là điều quá lạ lẫm. Thậm chí có những hành động man rợ như thể thời trung cổ khiến người ta rùng mình. Yêu đương dẫn đến ghen tuông sau đó là mâu thuẫn. Và rồi cái kết cho mối tình chóng vánh ấy là bản án tù đày cho kẻ “Giết bạn gái phi tang bằng cách phân thành nhiều khúc.”,…


Man rợ thế đấy, nhưng luật pháp luôn có bản án cho cái tội gọi là GIẾT NGƯỜI. Từ chung thân cho đến tử hình. Nói chung, khi đụng đến mạng người thì việc mạng đền mạng là thứ không thể tranh cãi.


Nhưng còn với tội ác mang tên CƯỠNG BỨC thì sao?


Tại sao tôi lại mở đầu bằng hành động giết người và kéo sang hành vi cưỡng bức? Nó liệu có liên quan hay không? Hay chỉ là một cách nối tiếp mơ hồ của một người viết như tôi. Xin thưa, tôi không hề lan man hay mơ hồ như mọi người nghĩ.

Bởi, với tôi những tên khốn ấy một khi đã động vào thân thể của người phụ nữ khi chưa có sự cho phép, đồng nghĩa với việc giết chết một mạng người!



Họ không chết bởi cái thân xác thô sơ ấy. Cái họ chết chính là mặt tinh thần, là tâm hồn và là một trái tim đập rộn ràng cho tình yêu, cho sự nghiệp. Không phải cái chết chỉ đơn giản là khi ta không còn ý thức và khi hơi thở hóa thinh không mà còn là khi trong lòng ta như thể một cánh đồng khô cằn, chai sạn. Có ai sống được khi tâm hồn đã nhuốm nhơ nhuốc đâu, đúng chứ?


Tôi không đơm đặt hay cường điệu hóa việc mình đang nói. Bởi bạn hãy nhìn xem vấn đề phụ nữ bị cưỡng hiếp ngày càng tràn lan trên các trang báo điện tử ngày qua ngày mà xem, họ đã phải trải qua và chịu đựng những gì?


Vào ngày 6 tháng 4 vừa qua trên trang Facebook cá nhân của nhà thơ Dạ Thảo Phương đã đăng đàn tố cáo tội ác về hành vi cưỡng bức của ông Lương Ngọc An - Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói đây là một tin tức chấn động và là vết dơ lớn khó thể chấp nhận.

Nhà thơ đã gói gọn sự việc kéo dài suốt 22 năm trong những dòng chữ đanh thép pha trộn sự đau đớn.


Cô ấy có tội gì để phải nhận lấy sự tra tấn tàn bạo như thế?


Tôi đã tự hỏi khi đọc những dòng chữ tận tâm can ấy. Ông ta đã cưỡng bức nạn nhân đến mức cô ấy có thai và đứa bé đã không thể có mặt trên trần thế này như lẽ thường tình: “Do bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp, tôi đã có thai, và đã không giữ được đứa con đầu tiên của mình. Đó là một đau đớn khôn tả, một ám ảnh không nguôi mà tôi đã phải một mình ôm giữ đến tận hôm nay.” (Trích từ bức thư trên FB của nhà thơ Dạ Thảo Phương)


Ôi, thật đáng kinh tởm, thật đáng khinh cho kẻ gây tội ác nhưng vẫn bình thản sống với cái chức danh cao quý trong giới văn nghệ sĩ hiện nay. Trong khi đó, nạn nhân là nhà thơ Thảo Phương đã biết bao lần tìm đến cách tự tử nhưng bất thành. Ông ta đã tống một cô gái với tâm hồn trong trẻo vào "cửa tử" khi cô chỉ trong độ tuổi 20. Huống hồ chi cô ấy còn là người ru đời bằng những vần thơ.


Dù chỉ là người xa lạ. Dù chỉ nghe chuyện này lần đầu. Dù sự thật chưa được xác nhận, nhưng tại sao tôi lại thấy nực cười bởi những kẻ làm tội ác nhưng vẫn mãi nhởn nhơ trên chiếc ghế uy quyền của mình. Sẽ như thế nào nếu quá khứ của ông chính là thứ giết chết hoàn cảnh bấy giờ của con cái ông. Khi làm việc ác, người như ông có nghĩ đến viễn cảnh tương lai của bản thân không, hay là sự mù quáng và dục vọng đã che lấp ý chí làm người của ông rồi!


Qua chuyện của nhà thơ Dạ Thảo Phương ngày hôm nay, tôi bất chợt cảm thấy số phận phụ nữ có chăng vẫn còn quá rẻ rúng? Chẳng có bản án nào thích đáng để răn đe những gã đàn ông mất nhân tính ấy cả.


Cả trong bộ phim Hope của Hàn Quốc được công chiếu vào năm 2013 cũng đã làm dấy lên làn sóng dư luận một thời. Đứa trẻ ấy cũng đã bị cưỡng hiếp bởi một gã đàn ông đốn mạt. Nhưng rồi bản án cho kẻ gây ra tội ác cũng chỉ kéo dài 12 năm. 12 năm rồi sẽ qua, và khi tên khốn ấy ra tù, cô bé cũng chỉ vỏn vẹn 20 tuổi. Một sự thật quá tàn nhẫn có đúng không? Chẳng ai có thể xóa nhòa ký ức và tổn thương cho So Won được cả.



Phim ảnh đã thể hiện thành công hiện thực trong đời sống đến lạnh lẽo. Nhưng bất công vẫn còn đó bất công dai dẳng. Ngày nay ở Việt Nam, việc giáo dục giới tính cho các con thật sự vẫn chưa phổ biến. Thậm chí việc đụng chạm, tiếp xúc còn là điều bố mẹ ngại nói với con trẻ. Tôi nghĩ chúng ta nên thay thế những bộ môn khô khan hay giảm những tiết toán trừu tượng bằng nhiều giờ học kỹ năng sống, bảo vệ cơ thể khi bị xâm hại và cả vấn đề tình dục với trẻ vị thành niên. Chúng có quyền và nghĩa vụ được biết!


Tôi cũng là một cô gái. Tôi không viết bài này vì rảnh rỗi hay vì mục đích thu hút sự chú ý. Tôi viết vì tôi cũng từng là nạn nhân của hành vi “đụng chạm” ấy. Mặc dù không “nghiêm trọng” như cách người khác định nghĩa về mức độ trong câu chuyện của tôi, nhưng nó khiến tôi không thể nào quên.


Nhớ lại, đó là năm tôi học cấp ba. Tôi vẫn thường một mình đạp chiếc xe Martin đi học ở trường Nguyễn Công Trứ như mọi hôm. Và rồi ngày hôm ấy, trong tà áo dài trắng vi vu cùng cơn gió chiều thoáng đãng, có một gã chạy xe máy phía sau tôi, hắn cứ thế mà chạy thật nhanh đến và dùng tay đụng chạm vào ngực của tôi rất mạnh. Ban đầu, vì quá hốt hoảng tôi dừng ngay xe lại và nhìn theo hắn, nhưng hắn vẫn tỏ ra rất bình thản bởi con đường ấy đang rất vắng.


Lấy lại bình tĩnh, tôi bắt đầu đạp tiếp về nhà. Trong suốt đoạn đường ấy tôi đã khóc và ý thức được rằng mình vừa bị xâm hại. Mặc dù tôi chẳng bị gì nghiêm trọng nhưng nó đã làm tôi hoảng loạn. Về đến nhà, mẹ thấy tôi mắt còn đỏ thì hỏi tôi bị gì. Tôi kể lại thì phản ứng của mẹ bình thản hơn tôi nghĩ, mẹ nói “trời ơi tưởng chuyện gì.” Vậy với mẹ, đó không phải là “chuyện gì” to tát mà mẹ hình dung hay sao?


À thì ra, tôi đâu có bị té xe, đâu có bị bạn bè ăn hiếp, đâu có bị điểm kém. Chẳng qua là bị một tên biến thái sờ soạng mà thôi. Kệ đi, con trai là thế! Đó là những gì tôi nhận được. Ừ thì, tôi vẫn ổn. Chuyện đó có hay ho gì để mà kể, kể chỉ để nhận đồng cảm hay nhận sự dè bỉu mà thôi. Nghĩ lại thì thấy chắc mẹ không muốn tôi lo lắng nhiều nên thế, mẹ có an ủi tôi nhưng cốt yếu với mẹ tôi vẫn không sao kia mà.


Còn với bạn bè, họ nói thế này lúc tôi kể ra: “Mày bị vậy là còn nhẹ đó, tao đi làm thêm còn bị thế này, thế kia cơ. Xã hội này ghê lắm, những chuyện thế này mày nên quen dần đi.”

Tôi xin hỏi, quen là quen thế nào ạ? Quen việc để thân thể của mình cho người khác đụng chạm sao? Đó là tư tưởng gì vậy chứ? Thay vì đồng cảm và khuyên nhủ, ngược lại họ lại cho rằng trường hợp của tôi quá nhẹ nhàng. Vậy chẳng lẽ đến khi tôi bị cưỡng bức thì họ mới chú ý đến hay sao?


Hãy nhìn xem, từ những việc nhỏ bé ấy con người ta đã xem thường thì làm sao lên án những hành vi cưỡng bức tàn bạo cơ chứ?


Không chỉ là chuyện cấp ba, mà tôi còn nhớ vào khoảng thời gian tôi độ mười một, mười hai tuổi. Khi ấy tôi đi đám cưới của một người chị hàng xóm, trong lúc mọi người cùng nhau vào thang máy. Vì đông đúc và chen chúc, tất cả mọi người đều đứng nép vào nhau. Lợi dụng lúc ấy, đã có một ai đó cố tình đưa tay chạm vào chỗ nhạy cảm của tôi. Tôi biết đó là cố tình chứ không phải sơ ý gì cả, nhưng khi tôi nhìn lên cũng là lúc thang máy mở cửa và mọi người ùa ra.


Mặc dù chuyện của tôi chỉ là việc vặt cỏn con so với những nạn nhân khốn đốn khác, nhưng nó đã làm tôi nhớ mãi. Thì ra để thỏa mãn nhu cầu bản năng trong giây lát của những tên vô lại ấy, cơ thể quý giá của tôi phải chịu đựng bàn tay dơ bẩn ấy. Thật đáng kinh tởm.


Sinh ra là phụ nữ đã là khổ trăm bề, vậy cớ sao họ lại phải chịu những nỗi đau không đáng có như vậy? Mặc quần áo ra đường quá ngắn cũng bị người ta dòm ngó đến mình. Tôi cảm thấy nực cười với tư tưởng bởi con gái mặc đồ mát mẻ nên mới khiến con trai dở trò đồi bại. Tại sao cách ăn mặc của một cá nhân lại khiến một người thực hiện tội ác vậy chứ? Với tôi, đó thật ra chỉ là cách biện minh cho những thú tính không thể kiểm soát được của những tên đồi bại mà thôi.



Về vấn đề cưỡng hiếp phụ nữ, cho dù là nhẹ hay nặng xin hãy một lần nhìn nhận đích đáng và có những mức án hợp lý để mang đến sự công bằng cho cả hai giới. Đừng đổ tội cho người phụ nữ, đại loại như rằng vì họ đẹp nên không tránh được sự việc đó.


Xin nhớ rằng họ là nạn nhân, đã là nạn nhân thì không phải là người gây ra lỗi. Hay quy chụp lỗi lầm từ kẻ thủ phạm. Hãy trừng trị hợp lý, văn minh, công bằng. Cho dù là quan chức cấp cao đến mấy, nếu đã phạm phải vấn đề xâm phạm nhân quyền, xâm phạm thân thể xin hãy đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh.

Xin hãy tôn trọng giới nữ!

Xin hãy trừng trị kẻ cưỡng hiếp bằng những mức phạt cao nhất!

Xin đừng xem thường những nạn nhân của việc bị cưỡng hiếp!


Hãy nhìn nhận kẻ cưỡng bức như thể một tên khốn giết người. Bởi chúng đã giết chết tâm hồn của nạn nhân và chẳng ai có thể sống mà đánh mất tâm hồn cả! Không một ai, nếu sống thì có chăng đó cũng là sự tồn tại!

 

Tác giả: Yên Lam

Nguồn ảnh: Pinterest

 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan