Đi Tìm Nguồn Gốc Của Chứng Lo Âu Và Chủ Nghĩa Hoàn Hảo Của Bạn

Một số người trong chúng ta chỉ biết bản thân là những người lớn luôn lo lắng và cầu toàn. Khi có sự cố xảy ra, ta liền cho rằng đó là lỗi của mình.

Một số người trong chúng ta chỉ biết bản thân là những người lớn luôn lo lắng và cầu toàn.


Khi có sự cố xảy ra, ta liền cho rằng đó là lỗi của mình.


Khi sai lầm xảy ra, chúng ta không thể tha thứ cho chính mình.


Chúng ta cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì cả những lỗi nhỏ nhất.


Chúng ta vội đi đến kết luận tệ nhất để có thể chuẩn bị cho nó.


Chúng ta trở nên lo âu trong xã hội vì chúng ta không tin con người thật của mình sẽ được chấp nhận.


Khi bạn đời của chúng ta trở nên xa cách, chúng ta hoảng sợ việc bị bỏ rơi.


Khi xung đột nảy sinh trong mối quan hệ, chúng ta lao vào để giải quyết tình hình, thậm chí đôi khi hy sinh cả phẩm giá của chính mình.

Ngay cả khi chúng ta đã cố gắng hết sức, chúng ta vẫn tự trách mình vì không hoàn hảo.


Nếu suy xét về quá khứ cuộc đời mình, chúng ta có thể nhận ra phản ứng cảm xúc quá mạnh của mình bắt nguồn từ việc phải trưởng thành quá nhanh và quá sớm, đặc biệt đối với những đứa trẻ nhạy cảm và có khả năng thấu cảm.


Hiện tượng “phụ mẫu hóa” (Parentification) xảy ra khi một đứa trẻ bị đặt vào tình thế phải trưởng thành ‘quá sớm’, phải gánh một khối lượng lớn trách nhiệm, hoặc phải làm cha mẹ đối với anh chị em và chính cha mẹ của chúng.


Những cá nhân nhạy cảm về cảm xúc và có khả năng thấu cảm tự nhiên với người khác sẽ tự động đảm nhận vai trò ‘người lớn nhỏ’ trong gia đình của họ – đôi khi rõ ràng thông qua các hành động thực tế, nhưng hầu hết thời gian trong ngầm ẩn và ở mức độ tâm lý.


Họ là những linh hồn già dặn, có xu hướng nhạy cảm và trưởng thành hơn so với tuổi của họ. Vì sự ấm áp, trắc ẩn và sâu sắc lạ thường của họ, các thành viên trong gia đình bắt đầu dựa dẫm vào họ, thường bằng một cách vô tình và vô thức. Nó thậm chí bắt đầu từ trong bụng mẹ khi chúng ta phát hiện ra nỗi sợ hãi của mẹ và hấp thụ tất cả những tổn thương từ các thế hệ trước. 


Việc đứa trẻ trở thành “cha mẹ” cũng có thể xảy ra nếu một hoặc cả hai cha mẹ bị bệnh về thể chất hoặc tâm thần, không có mặt ở đó, hoặc vì bất kỳ lý do gì đó nên không thể hoàn thành nhiệm vụ nuôi dạy con cái. Những đứa trẻ “phụ mẫu hóa” khi trưởng thành thường trở nên cảnh giác cao độ và trách nhiệm quá mức. Chúng quen với việc mình là người đảm bảo rằng mọi thứ đều phải theo trật tự và chịu trách nhiệm đáp ứng không chỉ nhu cầu của chính họ mà còn của những người khác. Chúng đã được điều kiện hóa để cảm thấy rằng nếu mình buông tay lái điều khiển chỉ trong một phút, mọi thứ sẽ tan rã.


Trẻ em có xu hướng tự trách bản thân về những gì xảy ra với mình.


Nếu chúng bị bắt nạt, chúng tin rằng đó là bởi vì chúng không xinh đẹp, hoặc không đủ thông minh.


Nếu chúng bị bỏ rơi, chúng cho rằng mình quá dựa dẫm vào người khác.


Nếu chúng phải gồng gánh những yêu cầu mà chúng không thể đáp ứng, chúng tin rằng đó là sự thất bại của bản thân – thất bại trong việc trở thành một đứa trẻ hoàn hảo, thất bại khi không thể chăm sóc tốt cho anh chị em của mình và không xoa dịu được cơn giận của cha mẹ.


Khi cha mẹ đổ lỗi cho đứa trẻ, đứa trẻ thực sự tin rằng chúng đã làm sai. 


Cảm giác này không biến mất mà nó còn theo chân rất nhiều người trong chúng ta đến lúc trưởng thành.


Một số đứa trẻ nhạy cảm và quá mãnh liệt sẽ được cho là đứa con khác biệt trong gia đình và là kẻ gánh tất cả tội lỗi.


Kể cả đối với những đứa trẻ không phải trải qua cảm giác bị đổ lỗi một cách rõ ràng, nếu chúng có những bậc phụ huynh không làm chủ được các trọng trách và khuyết điểm của họ, hoặc vì tính dễ tổn thương của cha mẹ khiến chúng cảm thấy chúng cần chăm sóc cho họ, thì chúng vẫn sẽ hình thành một niềm tin trong tiềm thức rằng bất kỳ chuyện gì xảy ra đều do lỗi của mình và chúng có trách nhiệm khắc phục tình hình đó.


Trên bề nổi, ta có thể nói ta không tin rằng mình phải chịu trách nhiệm cho những rối loạn chức năng trong gia đình mình.


Nhưng sâu thẳm, ta vẫn cảm thấy rằng nếu ta không phải là đứa trẻ như vậy thì mọi thứ đã có thể tốt hơn.


Đầu óc trẻ thơ của chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta bớt khó tính hơn, bớt nhạy cảm hơn thì bố mẹ đã đối xử với chúng ta khác đi.


Chúng ta nghĩ nếu chúng ta “tốt hơn” bằng cách nào đó, ví như trở thành một đứa trẻ độc lập hơn, hữu ích hơn thì những điều tồi tệ đã không xảy ra.


Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta kìm nén những nhu cầu và mong muốn của mình, nếu chúng ta không bao giờ bày tỏ sự thất vọng hay buồn bã, họ đã ít tức giận hơn.


Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta cảnh giác cao độ hơn và thấu cảm sâu sắc hơn, nhặt nhạnh những manh mối nhỏ nhất từ sự bộc phát của cha mẹ mình, chúng ta đã có thể bảo vệ anh chị em của mình.


Chúng ta nghĩ nếu chúng ta là người bạn tâm giao và cố vấn của cha mẹ, chúng ta đã có thể xoa dịu nỗi đau của họ.


Sự thôi thúc sâu thẳm mong muốn “sửa chữa mọi thứ” là nguồn gốc của nhiều nỗi đau khổ trong chúng ta. Mặc dù trong vô thức, chúng ta vẫn tin một cách khổ sở rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể và nên kiểm soát mọi thứ đang diễn ra. Niềm tin này tuy không có ý thức nhưng vẫn xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta dưới dạng nỗi lo âu mãn tính, những cảm giác tội lỗi không tên và việc mất khả năng cảm thấy an toàn.


Một lý do khiến chúng ta không thể buông bỏ quá khứ là niềm khao khát sâu thẳm rằng chúng ta sẽ có thể làm cho mọi thứ trở nên ‘đúng đắn’.

Có một thực tế phũ phàng rằng, dù chúng ta cố gắng đến đâu, không có gì là hoàn hảo, và gia đình chúng ta vẫn sẽ luôn phủ nhận những việc làm sai trái của họ.


Ngay cả trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể kiểm soát được sự bất trắc.


Khi điều tồi tệ xảy ra, chúng ta có thói quen đổ lỗi cho bản thân, mãi chìm đắm trong vòng luẩn quẩn của tội lỗi và xấu hổ.


Nhưng bạn đang đọc bài viết này vì bạn đã chịu đựng đủ rồi.


Phần trẻ con trong bạn vẫn kinh hãi trước những xung đột, sợ hãi bị bỏ rơi và bị từ chối.


Tuy nhiên, phần khôn ngoan và lành mạnh trong bạn lại muốn thoát khỏi thứ niềm tin mù quáng khiến bạn mắc kẹt.


Nghệ thuật của việc đầu hàng/buông bỏ là trọng tâm trong rất nhiều bài học thực hành về tâm linh và chữa lành; việc biết rằng chúng ta không thể kiểm soát thực tại có thể mang lại sự thanh thản lớn nhất.


Để đòi lại tình yêu cho bản thân, chúng ta phải phá bỏ những rào cản từ thời thơ ấu, những điều kiện đã rèn luyện chúng ta luôn phải cảnh giác cao độ trước các tín hiệu cảm xúc, đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình và cảm thông cho người khác đến mức đánh mất chính mình.


Điều bạn có thể làm cho chính mình là tự giải thoát bản thân khỏi những nhiệm vụ bất khả thi: giải cứu, giúp đỡ hoặc chăm sóc về mặt cảm xúc cho bất kỳ ai khác.


Không phải lỗi của bạn khi bạn không thể chữa khỏi bệnh trầm cảm, nghiện rượu, nghiện ngập, nghiện làm việc và sang chấn tâm lý cho cha mẹ bạn.


Bạn không cần phải trừng phạt bản thân vì đã không đạt được một tiêu chuẩn bất khả thi nào đó.


Bạn không bao giờ có nhiệm vụ phải sống tiếp cuộc sống chưa trọn vẹn của cha mẹ mình.


Bạn không thể nào bảo vệ anh chị em của mình khỏi những rắc rối cha mẹ bạn gây nên.


Bạn chưa bao giờ cần phải trấn tĩnh hay an ủi bất cứ ai. Bạn chỉ là một đứa trẻ.


Bạn được phép không hoàn hảo, mắc sai lầm và làm rối tung mọi chuyện.


Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì để xứng đáng tồn tại. 


Bạn không cần ở đây để giúp đỡ người khác, đạt được nhiều thành tựu hay phải cực kỳ năng suất. Bạn xứng đáng được tồn tại là chính bạn.


Bạn không cần phải hy sinh nhu cầu của mình để đáp ứng người khác. Mọi người có thể tự lo cho chính mình.


Bạn không thể thay đổi cha mẹ mình là ai, cách họ cư xử hoặc những gì họ tin tưởng.


Có thể sẽ không bao giờ có sự công bằng, nhưng hạnh phúc của bạn không cần phụ thuộc vào những gì họ nói hoặc nghĩ.


Bước đầu tiên để giải tỏa những tổn thương trong quá khứ là tha thứ cho bản thân – ngay cả khi không có lỗi gì để phải ‘tha thứ’ ngay từ đầu.

Hãy để nó ra đi. Bạn đã làm quá đủ rồi. 


Tự trút bỏ gánh nặng và sống cuộc sống của riêng bạn, thay vì sống theo kịch bản của bất kỳ ai.


Đây là một bài thơ của Rilke về việc giải tỏa những gánh nặng mà bạn không thể nắm giữ:


“Đừng sợ nỗi đau. Hãy để trọng lượng của nó trở lại

vào đất;

vì nặng là núi, nặng là biển.

Những cây bạn trồng thời thơ ấu đã lớn

quá nặng. Bạn không thể mang chúng theo.

Hãy thả mình vào không khí, xuôi theo những gì bạn không thể nắm giữ.” 


(Rilke trong bản dịch của Anita Barrows và Joanna Macy— “Điều bạn không thể nắm giữ.”)

Dịch: eMKay

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài viết: https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-emotional-intensity/201903/get-the-roots-your-anxiety-and-perfectionism

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan