Điểm mù trong nghiên cứu cảm xúc con người

Một báo cáo khoa học mới cho thấy rằng những thay đổi trên khuôn mặt không phải là thước đo chính xác về cảm xúc, hành vi và ý định của một người..


Hiện nay, phần mềm đọc cảm xúc thông qua gương mặt đang được triển khai và thử nghiệm cho nhiều mục đích khác nhau như giám sát, tuyển dụng, chẩn đoán lâm sàng hay nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, một báo cáo khoa học mới cho thấy rằng những thay đổi trên khuôn mặt không phải là thước đo chính xác về cảm xúc, hành vi và ý định của một người.


Một nhóm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học tâm lý, thần kinh và máy tính viết trong bài đánh giá nghiên cứu chuyên sâu của họ: "Không thể khẳng định một người đang hạnh phúc từ nụ cười, giận dữ từ vẻ mặt cau có hay buồn bã từ cái cau mày - điều mà nhiều công nghệ hiện nay đang cố gắng làm khi áp dụng những gì được cho là chân lý trong khoa học".


Báo cáo xuất hiện trên tạp chí Psychological Science in the Public Interest, và do Chủ tịch APS (Association for Psychological Science) - Lisa Feldman Barrett từ Đại học Northeastern, Ralph Adolphs của Viện Công nghệ California, Stacy Marsella, Đại học Northeastern và Đại học Glasgow, Aleix M. Martinez từ Đại học Bang Ohio và Seth D. Pollak từ Đại học Wisconsin-Madison.



Các tác giả đã chỉ ra cộng đồng và một số nhà khoa học tin rằng có những nét mặt biểu thị sáu loại cảm xúc: tức giận, buồn bã, hạnh phúc, ghê tởm, sợ hãi và ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi xem xét hơn 1.000 phát hiện đã được công bố về các chuyển động và cảm xúc trên khuôn mặt, họ nhận thấy rằng các thiết kế nghiên cứu điển hình trên thực tế không nắm bắt được sự khác biệt trong giữa cách mọi người truyền tải và biểu đạt cảm xúc trên khuôn mặt. Các tác giả nói: Một cái cau mày hoặc một nụ cười có thể thể hiện nhiều hơn một cảm xúc tùy thuộc vào tình huống, cá nhân hoặc nền văn hóa.


“Trung bình, khi mọi người tức giận khoảng 25% thời gian họ tỏ ra cau có, tuy nhiên, họ cũng thay đổi khuôn mặt của họ theo những cách khác” Barrett giải thích. “Họ có thể khóc, hoặc cười, hoặc mở to mắt và thở dốc. Đôi khi họ cũng cau có khi không tức giận, chẳng hạn như khi họ đang tập trung hoặc khi bị đau bụng. Tương tự, hầu hết các nụ cười không ngụ ý rằng một người đang hạnh phúc và hầu hết thời gian những người hạnh phúc có những cách biểu đạt khác ngoài nụ cười. "


Trong một bài báo khác trên tạp chí, Alan Cowen và Dacher Keltner từ Đại học California, Berkeley; Disa Sauter từ Đại học Amsterdam; và Jessica L. Tracy từ Đại học British Columbia đã lưu ý rằng hầu hết các nhà khoa học đồng ý biểu cảm trên khuôn mặt có ý nghĩa, ngay cả khi chúng không chính xác từng cái với mô hình sáu loại cảm xúc cơ bản. Họ đề xuất một mô hình mới để nghiên cứu các phản hồi về mặt cảm xúc ở tất cả các mức độ phức tạp và biến thể của chúng. Họ nói rằng cách tiếp cận này sẽ đo lường không chỉ các dấu hiệu trên khuôn mặt, mà còn cả chuyển động cơ thể, biến động trong giọng nói, chuyển động của đầu và các chỉ số khác để nắm bắt các phản ứng có sắc thái như nụ cười ngượng ngùng hoặc sự cảm thông.


Barrett và các đồng tác giả của cô cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng cần giải quyết khi thuật ngữ “biểu cảm khuôn mặt” đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, giáo dục và y tế, cũng như trong an ninh quốc gia.



------------

Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Ori

Ảnh: burst.shopify.com

Tham khảo: 

Association for Psychological Science (2019). Weaknesses in Emotion-Expression Research Outlined in New Report [Online] Available at: https://www.psychologicalscience.org/news/releases/emotion-expressions-pspi.html [Accessed 18 August 2021]

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan