Điều Gì Khiến Cảm Giác Cô Đơn Luôn Bủa Vây Bạn?

Cũng như hạnh phúc, nỗi buồn và sự tức giận, cô đơn là một trong những cảm xúc phổ biến nhất ở con người. Đó là điều mà mọi người đến từ mọi nền văn hóa và mọi địa điểm …

Cũng như hạnh phúc, nỗi buồn và sự tức giận, cô đơn là một trong những cảm xúc phổ biến nhất ở con người. Đó là điều mà mọi người đến từ mọi nền văn hóa và mọi địa điểm khác nhau đều phải trải qua lúc này hay lúc khác. (Gierveld & Van Tilburg, 2010)

Chúng ta cảm thấy cô đơn khi những người thân yêu dần xa cách với ta hoặc khiến ta cảm thấy như thể mình không còn được chào đón nữa. Chúng ta cảm thấy cô đơn khi chẳng có bạn bè hay người đặc biệt cùng chia sẻ mỗi ngày, hay khi người chúng ta quan tâm không có cùng cảm nhận với mình. Dù bạn bao nhiêu tuổi hay đến từ đâu, tất cả chúng ta đều có thể hiểu được cảm giác cô đơn là thế nào.

May thay, cô đơn không ở bên ta quá lâu. Chúng ta có thể dễ dàng xử lý bằng cách kết thêm bạn mới, tiếp xúc với những người thân yêu, hết lòng giúp đỡ ai đó, và làm những điều khiến bản thân cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, nếu bạn vướng phải những cảm giác cô đơn nặng nề và tái diễn, rất có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng hơn nhiều.

Vậy, nếu bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn mà không biết vì sao, dưới đây là 9 nguyên nhân khả dĩ dành cho bạn:

1. Bạn chưa biết cách kết nối với người khác

Bạn khao khát sự gần gũi nhưng lại không biết kết nối với người khác theo cách có chiều sâu và đầy ý nghĩa. Việc vắng bóng những mối quan hệ cá nhân thân thiết trong cuộc sống được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cảm xúc cô đơn luôn âm ỉ trong lòng chúng ta (Dykstra, 2006; Ernst & Cacioppo, 1999). Bạn thân thiện với nhiều người và thường xuyên trò chuyện với họ, thế nhưng mối quan hệ giữa các bạn lại không được đặt nền móng vững chắc. Bạn cảm thấy cô đơn bởi việc tán gẫu với ai đó về tin tức hay thời tiết vẫn chưa đáp ứng đủ về mặt cảm xúc cho mình.

2. Bạn trở nên e ngại trước sự thân mật

Một lý do khác có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn không phải vì bạn không biết cách rung động trước ai đó, mà là vì bạn không muốn. Những người ngại sự thân mật thường giữ khoảng cách về mặt cảm xúc với mọi người xung quanh. Họ không muốn quá gắn kết với ai đó nên thường tạo cho bản thân một rào chắn vô hình để tự vệ (Firestone & Catlett, 2009). Mặc dù hành động này bảo vệ họ khỏi việc bị khước từ, bị bỏ rơi, và tổn thương, thế nhưng nó lại góp phần cản bước họ đến với sự kết nối cảm xúc, tình yêu đích thực và những tình bạn có ý nghĩa. Bạn có nghĩ đây có thể là nguyên nhân khiến mình cảm thấy cô đơn không?

3. Bạn đang trải qua quá nhiều thay đổi

Gần đây bạn có từng chuyển trường hay chuyển đến một thành phố mới không? Bạn đang trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp trung học hay đại học? Bạn có cảm thấy bất an về những điều sẽ diễn ra ở tương lai phía trước? Cảm giác cô đơn, lạc lõng và hoang mang là những cảm xúc hoàn toàn bình thường khi bạn đang trải qua những thay đổi lớn trong cuộc sống. Và, trong quá trình trưởng thành, đôi lúc chúng ta mãi đầu tư cho những mối quan hệ nhất định và bỏ quên những mối quan hệ mà ta đã từng rất thân thiết. Sự thay đổi có thể là điều đáng sợ, thế nhưng việc sống mãi trong quá khứ sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy cô độc và cô đơn hơn. Bởi trong lúc bạn mải mê đắm chìm vào những thứ đã qua đi, mọi người xung quanh bạn đã dần rời bỏ nó và tiến lên phía trước.

4. Bạn không thể thoát khỏi việc lệ thuộc cảm xúc của mình vào người khác

Sự lệ thuộc cảm xúc xảy ra khi bạn phụ thuộc vào ai đó để hình thành những cảm nhận về bản ngã và giá trị của bản thân mình  (Herrick, 1992). Khi bạn lệ thuộc cảm xúc vào người khác, bạn xem họ là nguồn hạnh phúc của mình và đặt những nhu cầu của họ lên trên bản thân, điều này vốn dĩ là không hề lành mạnh. Bạn dành mọi sự ưu tiên cho họ, cố gắng hết sức để giúp họ đạt được điều họ muốn, và kết cục là bạn đánh mất bản thân trong mối quan hệ đó. Khi dâng hiến toàn bộ sức lực của mình cho người chỉ quan tâm đến việc bạn có thể làm những gì cho họ, bạn đang tự hình thành cho mình một lối sống cô đơn và đó có thể là nguồn cơn gây ra những xáo động cảm xúc nơi bạn.

5. Bạn đã đánh mất bản thân mình

Nguyên nhân nêu trên cũng dẫn đến việc bạn quên mất bản thân mình là ai khi không có họ ở bên. Việc đánh mất bản thân có thể khiến bạn cảm nhận rõ rệt nỗi cô đơn, bởi người mà bạn dành hầu hết thời gian của mình giờ đây đã trở thành một người hoàn toàn xa lạ. Bạn có biết đâu mới là điều bạn mong muốn trong đời không? Bạn đang hướng cuộc sống của mình đến những giá trị và nguyên tắc nào? Điều gì khiến bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc? Hãy dành thời gian khám phá nội tâm và lắng nghe trái tim mình để có được câu trả lời về việc bạn thực sự là ai, đồng thời học cách sống cuộc đời của chính mình mà không lệ thuộc cảm xúc vào những người xung quanh.

6. Bạn đang cảm thấy bị hiểu sai

Các nghiên cứu cho thấy cảm giác bị hiểu sai góp phần đáng kể vào cảm nhận của một người về sự cô đơn (Condon, 2008). Khi phải vật lộn để có được cảm giác thuộc về và gắn kết với ai đó, chúng ta không thể ngăn mình khỏi cảm giác như thể không một ai thực sự hiểu mình hay biết mình đang trải qua những gì. Một số người chỉ có thể liên quan đến chúng ta hoặc nhìn thấy được chúng ta thực sự là ai, thậm chí không phải là gia đình hay bạn bè thân thiết. Chúng ta cũng có thể cảm thấy như thể mình bị những người xung quanh phán xét và tẩy chay bởi chúng ta hoàn toàn khác biệt với họ, đây có thể là một trong những cảm giác cô đơn nhất trên đời.

7. Bạn đang đấu tranh để giành lấy cảm giác được coi trong

Gần đây bạn có gặp tổn thương không? Bạn có bị người mình yêu bỏ rơi hay phải kết thúc một mối quan hệ quan trọng? Việc phải đối mặt với cảm giác bản thân không được coi trọng thường kéo theo nỗi cô đơn trong bạn. Việc vượt qua nỗi đau như thế là vô cùng khó khăn, và thậm chí việc ngăn chúng xác định ý thức về giá trị của bản thân bạn còn khó khăn hơn. Chính vì thế, nỗi đau ấy có thể khiến mọi người cảm thấy mình nhỏ bé và không quan trọng, như thể nếu họ biến mất thì cũng chẳng ai quan tâm. Và đó chính là nỗi cô đơn đáng sợ nhất.

8. Bạn đang lãng phí thời gian với người không phù hợp

Một số người cảm thấy cô đơn khi không có ai bên cạnh, thế nhưng cảm giác cô đơn sẽ còn lớn hơn khi chúng ta ở bên những người không phù hợp với mình. Khi phải làm bạn với những người mình không thích hay hẹn hò với ai đó không phù hợp, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức hơn so với khi bạn ở một mình. Bạn ở bên họ vì bạn sợ cảm giác cô đơn, nhưng lại không nhận ra rằng họ mới chính là nguồn gây ra nỗi cô đơn trong bạn. Bạn cần phải tìm kiếm mối quan hệ mà mình thực sự mong muốn, chứ không nên chấp nhận dấn thân vào những gì đã sẵn có

9. Bạn đang phải trải qua cơn trầm cảm

Cuối cùng nhưng có lẽ là quan trọng nhất, nếu bạn không tìm thấy mình trong số những lý do trên, nếu bạn vẫn phải vật lộn với nỗi cô đơn ngay cả khi có nhiều mối quan hệ thân mật và ý nghĩa trong cuộc đời, có lẽ nguyên nhân nằm ở cơn trầm cảm mà bạn đang mắc phải. Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (2013), cảm giác cô đơn mãn tính là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của chứng trầm cảm lâm sàng. Chứng bệnh tâm thần này thường khiến chúng ta thu mình lại và gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác; nó khiến ta trở nên cô lập, khốn khổ, và thờ ơ, không còn hy vọng, niềm vui hay động lực để làm bất cứ việc gì.

Print

Cô đơn không phải là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về chứng lo âu, trầm cảm, hay những chấn thương chưa lành. Vậy nên, thay vì phủ nhận, điều quan trọng hơn cả là hãy học cách đối mặt với nỗi cô đơn của bạn. Hiểu được đâu là nguyên nhân ẩn sau nỗi cô đơn là bước quan trọng đầu tiên để vượt qua nó. Vì thế, nếu gần đây bạn thực sự cảm thấy cô đơn thì đã đến lúc tái kết nối với những người thân yêu và chính bản thân bạn. Đừng do dự tìm đến chuyên gia sức khỏe tinh thần nếu bạn cảm thấy nỗi cô đơn vượt xa tầm kiểm soát của mình.

Dịch: Goonie

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn bài viết: https://psych2go.net/9-reasons-why-you-feel-lonely/  

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan