Điều Gì Sẽ Xảy Ra Khi Bạn Cố Thờ Ơ Với Những Triệu Chứng Bệnh Tâm Thần Của Mình?

Anosognosia là một rối loạn chức năng tri giác, khi con người thiếu sự hiểu biết sâu sắc về các hành vi, triệu chứng và bệnh tật của bản thân. Trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, …

Anosognosia là một rối loạn chức năng tri giác, khi con người thiếu sự hiểu biết sâu sắc về các hành vi, triệu chứng và bệnh tật của bản thân. Trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, các chuyên gia thường cho biết nhiều người bị tâm thần phân liệt không có khả năng tự nói về những triệu chứng mà họ gặp phải bởi sự ảnh hưởng của anosognosia. Do đó, những chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đã đưa ra một số việc cần làm được cho là tốt nhất đối với những người bị tâm thần phân liệt, bao gồm trói bệnh nhân lại khi họ phát bệnh và chọn thuốc mà không có sự cho phép của cá nhân hay giảm sự ưu tiên có liên quan đến người mắc rối loạn đó.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã chứng kiến ​​nhiều thành viên trong gia đình trải qua chứng bệnh này. Dì tôi sống trong một viện dưỡng lão, bố tôi vẫn thường xuyên đến thăm bà. Ở đây, các nhân viên thường khuyên rằng tôi nên giả vờ xuôi theo những ảo tưởng của dì mình để không làm cô ấy buồn. Chú tôi, anh trai cô, đã qua đời vì chứng tâm thần phân liệt (như được nêu trong giấy chứng tử). Ngoài ra, phía ngoại tôi có một người cậu cả đời sống một mình, thậm chí tôi từng thấy ông lang thang trong nhà và tự trò chuyện với chính bản thân. Không ai trong số họ nhận được sự chăm sóc theo đúng nhu cầu của họ. Từ những trường hợp nêu trên có thể thấy rõ rằng, nếu tôi mắc rối loạn tâm thần, tôi cũng có khả năng bị bỏ bê, không được quan tâm, chăm sóc như những người thân của mình. Vì vậy, khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ở tuổi 16, tôi đã giấu nhẹm đi và phủ nhận những triệu chứng đó. Tôi không muốn bất cứ ai có quyền kiểm soát hành vi của mình nhiều hơn tôi. Tôi tin tưởng cộng đồng sức khỏe tâm thần đủ để họ biết rằng tôi bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm và lo âu nói chung; nhưng mãi đến bảy năm sau, tôi mới thú thực với một bác sĩ tâm thần rằng mình bị ảo giác.

Vượt qua sự phủ nhận bệnh tình của bản thân

Trớ trêu thay, bác sĩ tâm thần từng chẩn đoán cho tôi khi còn học cấp ba lại nhận thấy rằng tôi cần một chất để có thể giúp tôi ổn định tâm trạng, vì vậy ông ấy đã cho tôi dùng thuốc chống loạn thần trong 5 năm. Những liều thuốc đó đã góp phần vào việc che giấu các triệu chứng loạn thần khiến tôi ngày càng phủ nhận các triệu chứng của mình nhiều hơn. Vài năm trước, tôi đã dùng hết bốn loại thuốc, và đó cũng là lúc tôi phải đối mặt với các triệu chứng của mình: một cơn cuồng nộ, trầm cảm và ảo giác, tất cả đều ập đến cùng một lúc.

Khi bắt đầu ngưng sử dụng thuốc, trong tôi xuất hiện những tiếng nói ảo giác thì thầm bên tai hàng ngày, đôi khi hàng giờ. Tôi nghe như có ai đó đang trách móc, mắng nhiếc mình, xúi giục tôi tự sát và đối xử tồi tệ với những người thân yêu của tôi. Tôi còn ảo tưởng rằng mình là Chúa Jesus. Tôi đã đăng những dòng trạng thái trên Facebook mà một người bạn sau đó đã cho rằng trông tôi có vẻ có dấu hiệu loạn ngôn. Mặc dù đã ra sức che giấu những triệu chứng bệnh của mình, một vài người vẫn nhận ra những triệu chứng ấy và trách móc tôi, rằng tôi là một kẻ tâm thần phân liệt “vô trách nhiệm”, nhưng tôi vẫn không quan tâm và tiếp tục phủ nhận điều đó.

Sau đó, tôi đến gặp một bác sĩ tâm thần chuyên về y học chức năng hoạt động theo quan điểm chăm sóc toàn bộ cơ thể. Liệu pháp điều trị ông ấy đề xuất với tôi là một lối sống lành mạnh, tích cực và chỉ giới thiệu thuốc cho tôi khi tôi đồng ý.

Vào một buổi hẹn khi đang trao đổi về những hành vi của tôi, vị bác sĩ đã cho tôi biết rằng quầy lễ tân nhận thấy tôi đã có những biểu hiện kỳ lạ khi đi ngang qua họ. Ông cũng đề cập đến một email mà ông nhận được có liên quan đến chứng bệnh hoang tưởng của tôi, trong đó cho rằng một công ty đã đánh cắp ý tưởng của tôi về việc trở thành Leonardo da Vinci và tôi yêu cầu công ty đó phải bồi thường. Ông nói rằng tôi đã bị mắc rối loạn tâm thần.

Dòng suy nghĩ của tôi lập tức dừng lại, mồ hôi ướt đẫm trên tay. Tôi quay mặt nhìn vào chậu cây trong góc tường vì cảm thấy xấu hổ khi nhìn ông ấy. Đó là lần đầu tiên ai đó nhắc về những điều tôi đã quyết liệt che giấu trong nội tâm bấy lâu nay, lần đầu tiên tôi nghe ai đó nói về chứng rối loạn tâm thần của mình một cách trực tiếp, thẳng thắn, chính vì vậy tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng.

Tôi đã đối phó với chứng loạn thần của mình thế nào?

Tôi dần nhận thức được rằng bệnh tâm thần của mình đang ở mức độ nghiêm trọng. Do đó, thay vì phủ nhận, tôi đã tìm cách để đối phó với chúng. 

Khi bắt đầu chấp nhận và quan sát tình trạng của bản thân, tôi nhận thấy các giai đoạn loạn thần của mình hoạt động theo bốn giai đoạn.

Giai đoạn một

Khi một kích hoạt xảy ra, nhận thức về thực tại của tôi như bị tan chảy. Tôi trở nên mất cân bằng, sự phủ nhận thực tại chầm chậm xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của tôi. Tôi bắt đầu phủ nhận mọi sự tồn tại căn bản. Tôi cho rằng mình không có thực, thế giới cũng không, tất cả chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Giai đoạn hai

Ở giai đoạn này, bệnh của tôi phát triển lên một bậc mới, đó là hình thành niềm tin về những ảo tưởng. Tôi gặp căng thẳng bởi những triệu chứng trong giai đoạn này nhiều như những căng thẳng đến từ bản thân các kích hoạt. Tôi bắt đầu chạm đến những thứ mà mình tạo ra trong tưởng tượng. Tôi tin rằng người ngoài hành tinh là có thật. Mặc dù chưa nói chuyện với họ bao giờ, nhưng tôi biết có những thực thể ngoài kia đang trò chuyện với tôi và tôi thực sự là một người đặc biệt.

Giai đoạn ba

Đây là giai đoạn phát triển mạnh của chứng loạn thần. Tôi nghe thấy những tiếng nói và cảm nhận được rằng chúng đang tác động đến tôi về mặt cảm xúc. Tôi cảm thấy đau khổ, tổn thương bởi những lời lăng mạ và sỉ nhục. Tôi cảm giác như thể tôi đang nghe một người mẹ ngược đãi nói chuyện, như thể tôi bị mắc kẹt trong một căn phòng một lần nữa mà không có nơi nào để đi.

Giai đoạn bốn

Tôi bị loạn thần và không có cách nào để tôi có thể quay lại ngoại trừ việc chờ đợi đến giai đoạn này. Điều mơ hồ duy nhất mà tôi biết về thực tại đó là có điều gì đó không ổn. Mặt khác, tôi lại tin rằng mọi ảo tưởng của mình là có thật. Đây chính là thời điểm mà anosognosia bắt đầu xâm chiếm tôi. “Tôi không bị bệnh. Tất cả những điều này là thật.” Tôi cố gắng ngủ thật lâu để những ảo tưởng của bản thân có thể tan biến.

Tôi đã nhận ra rằng tính thực tại của tôi không hoàn toàn biến mất trong một giai đoạn, trái với những gì mô tả. Tôi có khả năng sử dụng các kỹ thuật nền tảng tương tự như khi tôi bị rối loạn sau sang chấn (PTSD). Tôi đến một căn phòng cách ly mọi giác quan khi cơn ảo giác ập đến và âm thầm trấn an bản thân. Tôi khám phá được rằng những điều mà tôi trải qua ở mỗi giai đoạn không phải là những trải nghiệm lộn xộn, không có kiểm soát, vì thế nó không có gì quá đáng sợ.

Một chiến lược hữu ích khác chính là nhờ sự trợ giúp của những người thân yêu, để họ nhắc nhở tôi về việc tôi là ai và thực tại đang diễn ra như thế nào. Việc được định hướng từ bên trong để có thể quay về thực tại đã thực sự giúp giảm thiểu tác động của anosognosia trước bệnh tâm thần phân liệt của tôi. Tôi đủ tin tưởng người khác để chia sẻ với họ về ảo tưởng của mình. Họ nhẹ nhàng nói với tôi rằng mọi thứ đều ổn, những điều đó đều do rối loạn của tôi gây ra, và do đó tôi không còn phủ nhận sự tồn tại của nó nữa.

Sarah là một nhà văn chuyên viết về chủ nghĩa hoài nghi và bệnh lý tâm thần. Bà đã được nên tên trong những tạp chí Free Inquiry, Huffington Post, và Eclectica về quyền con người, những bài tường thuật về người theo chủ nghĩa hoài nghi và những bài văn xuôi thực tế mang tính sáng tạo. Chuyên ngành của bà là tâm lý học và khoa học thần kinh, bà từng làm việc tại một phòng nghiên cứu khoa học thần kinh trong một thời gian ngắn. Hiện tại, bà là chuyên gia phân tích cho một văn phòng luật ở St. Louis, nơi mà bà từng làm diễn giả cho chương trình Ending the Silence của NAMI.

Dịch: Trương Thị Tú Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn: https://www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/June-2019/What-Happened-When-I-Denied-My-Symptoms

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan