Hiểu về tâm lý học tư duy tích cực

Đâu là điều xảy ra với cơ thể khi bạn suy nghĩ? Chúng ta thường cho rằng một ý nghĩ có chăng chỉ là những từ ngữ trong não bộ khiến ta thực hiện hành động gì đó thôi, đúng …

Đâu là điều xảy ra với cơ thể khi bạn suy nghĩ? Chúng ta thường cho rằng một ý nghĩ có chăng chỉ là những từ ngữ trong não bộ khiến ta thực hiện hành động gì đó thôi, đúng chứ? Trong thực tế, câu hỏi này đã gây bối rối cho các nhà khoa học trong hàng thập kỷ qua và đáp án chính xác vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.

Vì lý do đó, đây không phải là thứ có thể được mô tả rõ ràng bằng con số, biểu đồ hay chu trình nào. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm là xóa bỏ tất cả những lẫm tưởng và thử xếp những mảnh ghép lại để tạo ra bức tranh toàn cảnh về những gì đang diễn ra.

Thế nào là một ý nghĩ?

Vấn đề đầu tiên khiến việc mô tả này trở nên khó khăn là quan điểm khác nhau của mỗi người về ý nghĩ. Ban đầu, bạn có thể định nghĩa ý nghĩ là điều gì đó bạn tự nhủ với mình.

Chẳng hạn, sáng nay khi đang nằm trên giường, bạn có thể có suy nghĩ “Mình không muốn dậy tí nào.” Hãy lấy một khoảnh khắc và phân tách ý nghĩ đó ra để thử và tìm hiểu xem nó chính xác là gì.

Liệu ý nghĩ “Mình không muốn bước xuống giường” là điều tự nhiên xuất hiện trong tâm trí bạn? Hay nó bị thôi thúc bởi điều gì đó khác? Đây có phải chỉ là quá trình vật lý của não bộ hay sự biểu thị của thứ gì đó sâu hơn như tâm hồn, tinh thần, hay là một thực thể nào khác? 

Ôi, có quá nhiều thứ để nghĩ. Và, tùy vào người bạn hỏi, bạn sẽ có những câu trả lời khác nhau.

Trong khi các nhà khoa học dùng Chủ nghĩa rút gọn (Reductionism) và tiên đoán rằng các ý nghĩ đơn giản chỉ là những thực thể vật lý, vốn có thể được giải thích bằng những thay đổi hóa học trong não bộ, các triết gia lại có thể phản biện bằng thuyết nhị nguyên rằng tâm trí bạn tách biệt với cơ thể và các ý nghĩ của bạn không thuộc não bộ. 


Tạm gác chuyện đó qua một bên, nếu ta muốn xem xét đâu là điều diễn ra trong cơ thể mình (hay cụ thể là trong đầu) khi ta suy nghĩ, thì ít nhất ta phải nhận thức được rằng các ý nghĩ hoàn toàn có thể tác động đến sức khỏe thể chất.

Chúng ta biết điều này đúng là vì một số nguyên nhân sau. Ví dụ:

  • Căng thẳng (hay những ý nghĩ tiêu cực) có thể làm bệnh tình trầm trọng hơn
  • Nỗi sợ hãi có thể gia tăng một số hợp chất hóa học nào đó vốn gây ra phản ứng “chiến đấu hay trốn chạy” nơi chúng ta.
  • Những ý nghĩ khơi nguồn cho các chuỗi phản ứng khiến các cơ co lại.

Bởi vì chúng ta biết rằng những ý nghĩ đó có thể tác động đến não bộ và cơ thể mình, nên hãy quan sát xem chúng đã làm điều đó như thế nào và đâu mới thực sự là điều diễn ra trong đầu bạn.

Giải phẫu một ý nghĩ

Hãy quay trở lại buổi sáng đó, với suy nghĩ: “Mình chẳng muốn bước xuống giường.”

Các nhà khoa học đã lập luận rằng sự việc trên không hề tự nhiên hay ngẫu nhiên. Thay vào đó, ý nghĩ của bạn gần như là một phản ứng với điều diễn ra quanh bạn.

Trong trường hợp này, có thể là chiếc đồng hồ báo thức, hành động xem giờ trên điện thoại, hay nghe thấy tiếng gì đó như tiếng xe đổ rác chạy ngang – vốn nhắc nhớ bạn về thời gian đang trôi. Trong những trường hợp khác, các ý nghĩ có thể do ký ức khơi gợi.

Bây giờ, khi bạn đã có suy nghĩ đó, thì điều gì sẽ xảy ra?

Trước khi đi đến với phần giải phẫu, hãy xem qua một số thuật ngữ khoa học thần kinh:

  • Điện thế xung lực: chuỗi điện áp đột ngột do các thay đổi hóa học (cách các nơ-ron trao đổi tín hiệu cho nhau)
  • Nơ-ron: một tế bào thần kinh chứa các tín hiệu được gửi đi.
  • Chất dẫn truyền thần kinh: Các chất hóa học truyền tín hiệu được giải phóng bởi các tế bào thần kinh để giao tiếp với các tế bào khác (ví dụ: dopamine, epinephrine, norepinephrine)
  • Vỏ não trước trán: Phần não gắn liền với tính cách, hành động lên kế hoạch, ra quyết định và các hành vi xã hội.
  • Hồi hải mã: Phần não giữ vai trò quan trọng trong các chức năng của trí nhớ.
  • Khe Xi-náp: Cấu trúc giúp cho một nơ-ron (tế bào thần kinh) gửi một tín hiệu hóa học hay xung điện đến một tế bào cụ thể nào đó.

Não bộ vận hành theo cách phức tạp với nhiều phần kết hợp và tương tác đồng thời với nhau. Vì thế, khi bạn có suy nghĩ kia vào buổi sáng, thì gần như mọi bộ phận cấu thành não khác nhau (vỏ não trước trán, hồi hải mãi, các nơ-ron, chất dẫn truyền thần kinh, v.v…) đều đồng thời tham gia.

Nếu kết quả suy nghĩ của bạn là bạn không muốn bước xuống giường thì bạn hẳn sẽ trùm chăn qua đầu, điều gì đã diễn ra cho phép hành động đó? Hay, thay vào đó là bạn quyết định rằng mình phải thức dậy và bước xuống giường, thì điều gì đã diễn ra?

Chúng ta biết rằng khi não bộ đang ra quyết định, những mạng lưới thần kinh khác nhau đang “đấu đá” với nhau. Dần dần, một trong số các mạng lưới đó trở nên chiếm ưu thế và tạo ra hành động như mong muốn.


Điều này xảy ra thông qua các tế bào thần kinh trong tủy sống được gọi là tế bào thần kinh vận động phát ra và truyền xung xuống sợi trục của chúng, di chuyển đến cơ bắp và gây ra hành động: trong trường hợp này là bạn đang trùm chăn qua đầu hoặc thực sự bước xuống giường.

Các ý nghĩ và cảm xúc

Còn những tác động về mặt cảm xúc do ý nghĩ của bạn mang lại thì sao?

Chúng ta đều biết rằng những suy nghĩ của mình có thể tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Lạc quan có liên quan đến khả năng miễn dịch tốt hơn trước bệnh tật trong khi suy nghĩ trầm cảm có thể liên quan đến giảm khả năng miễn dịch.

Vậy, nếu bạn trùm chăn qua đầu và điều đó khơi gợi các ý nghĩ khác như “Tôi mệt”, “Tôi không thể dậy nổi” hay “Cuộc sống thật khó khăn”, thì những tương tác phức tạp trong não bộ bạn có thể sẽ gửi các tín hiệu đến những bộ phận khác trên cơ thể.

Mặt khác, nếu bạn bước xuống giường và nghĩ, “Cũng không tệ lắm”, “Tôi sẽ bước xuống ngay” hay “Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời”, thì đường mòn thần kinh và các tín hiệu mà các nơ-ron của bạn gửi đi sẽ hoàn toàn khác biệt.

Chúng ta vẫn chưa biết tất cả những điều phức tạp của các quy trình này; tuy nhiên, đủ để nói rằng các ý nghĩ của bạn quan trọng. 

Não bộ của bạn liên tục nhận tín hiệu, dù là từ môi trường bên ngoài khi xét đến nhận thức hay ký ức của bạn đi chăng nữa. Sau đó nó kích hoạt nên những kiểu mẫu khác nhau thông qua các sóng não trong hàng tỷ khe xi-náp. Bằng cách đó, các ý nghĩ của bạn phát triển phức tạp hơn khi chúng tương tác với những nội dung khác được chức năng não bạn tạo ra.

Điều chỉnh suy nghĩ của bạn

Hiển nhiên là các ý nghĩ của bạn được liên kết với cảm xúc theo hai chiều. Đã bao lần bạn trải nghiệm một “shot” adrenaline (Adrenalin là một hormon có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm) sau khi có một suy nghĩ sợ hãi? Bạn đã từng có cảm giác tương tự như thế khi đi phỏng vấn xin việc hoặc vào buổi hẹn hò đầu tiên không?

Bất cứ khi nào bạn có một ý nghĩ, thì khi đó một phản ứng hóa học tương ứng xuất hiện trong cả não bộ và cơ thể bạn.

Nhận ra điều này rất quan trọng bởi vì nó cho bạn biết rằng những gì bạn nghĩ có thể ảnh hưởng đến cảm giác của bạn. Và với cùng một mã thông báo, nếu bạn cảm thấy tồi tệ, bạn có thể thay đổi điều này bằng cách thay đổi suy nghĩ.


Nếu bạn cảm thấy tồi tệ, bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều này bằng cách thay đổi suy nghĩ.

Nếu điều đó nghe có vẻ hơi bất thường, hãy quay lại tiền đề rằng suy nghĩ là các thực thể vật lý trong não bạn (chứ không phải là các lực bên ngoài tự phát và không kết nối với cơ thể bạn).

Nếu bạn chấp nhận quan điểm khoa học rằng suy nghĩ của bạn là bộ phận vật lý trong não và việc thay đổi suy nghĩ của bạn có thể có ảnh hưởng đến cơ thể bạn, thì bạn vừa có được một vũ khí mạnh mẽ.

Nhưng hãy chờ chút: nếu suy nghĩ của chúng ta luôn chỉ là phản ứng với một cái gì đó, làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi chúng?

Tất nhiên, suy nghĩ của bạn không nảy sinh từ chân không. Ví dụ, bạn đang đọc bài viết này và có được những ý tưởng mới mà nhờ nó mà bạn có khả năng tận dụng để thay đổi suy nghĩ của mình.

• Bạn đang bắt đầu nghĩ theo một cách khác.

• Bạn đã bắt đầu cung cấp cho bộ não của bạn thông tin khác nhau.

• Bạn đã chuẩn bị cho bản thân những thông tin lập trình cho bộ não của bạn để bắt đầu suy nghĩ theo cách bạn muốn.

Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình, bạn cần nhận thức được các yếu tố kích hoạt suy nghĩ của bạn và cả các kiểu suy nghĩ mà bạn có để đáp ứng với những kích hoạt đó.


Lần tới, khi bạn nằm trên giường suy nghĩ, “Tôi không muốn thức dậy”, hãy tự hỏi điều gì đã kích hoạt suy nghĩ đó.

Đâu là điều ẩn sau tâm lý học tư duy tích cực?

Cách thay đổi suy nghĩ và thay đổi cơ thể bạn

Hãy hiểu rõ rằng các tác nhân kích hoạt suy nghĩ của bạn và bạn đều có khả năng thay đổi cảm xúc và sức khỏe như nhau. Trong trường hợp người không muốn ra khỏi giường, có thể đồng hồ báo thức đã kích hoạt suy nghĩ.

Bạn đã có một mối liên hệ tinh thần giữa đồng hồ báo thức và suy nghĩ “Tôi không muốn bước xuống giường.”

Bạn đã hình thành một đường mòn thần kinh trong não, có thể nói, ngay lập tức kết nối kích hoạt đó với suy nghĩ đó. Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi phản ứng đó, bạn cần phải thay đổi kích hoạt hoặc phá vỡ mối liên kết với suy nghĩ đó.

Một cách để làm điều này là buộc bản thân suy nghĩ khác đi vào mỗi buổi sáng trong 30 ngày cho đến khi điều đó trở thành phản ứng mới đối với việc kích hoạt. Ví dụ, bạn có thể ép bản thân suy nghĩ, “Tôi thích thức dậy” mỗi ngày trong 30 ngày. Xem hiệu quả thế nào. Nếu suy nghĩ đó quá phi thực tế, có thể thử một cái gì đó như, “Thức dậy cũng không tệ lắm. Một khi tôi đã quen, tôi sẽ vui vẻ dậy sớm.”

Bạn cũng có thể thay đổi chuông báo thức để bạn ít có phản ứng cũ (suy nghĩ cũ) với chuông báo cũ.

Một khi bạn hiểu rõ điều này, bạn có thể áp dụng nó trong tất cả các lĩnh vực đời sống!

Bị kẹt xe và cảm thấy khó chịu, bực bội? Ý nghĩ, “Tôi không thể chịu nổi trình trạng giao thông” sẽ gửi tín hiệu từ não đến cơ thể để tăng nhịp thở và căng cơ. Trong khi suy nghĩ, “Tôi không thể kiểm soát điều này nhưng có thể thư giãn”, sẽ gửi tín hiệu đến cơ thể bạn để bình tĩnh lại.

Lo lắng về bài thuyết trình sắp tới? Suy nghĩ lo lắng, “Điều này sẽ thật tồi tệ, tôi rất lo lắng” sẽ khiến bạn cảm thấy hoang mang và khó chịu, trong khi suy nghĩ, “Tôi đang làm hết sức mình, đó là tất cả những gì tôi có thể làm” sẽ giúp gửi tín hiệu đến cơ thể bạn rằng thật tốt nếu bình tĩnh và thoải mái.

Những thương tổn não và suy nghĩ


Chúng ta biết rằng tổn thương đến các bộ phận nào đó của não sẽ làm tổn thương khả năng nhận thức nào đó. Điều này rất thú vị bởi vì nó nhấn mạnh điểm rằng suy nghĩ thực sự là những thực thể vật lý vừa ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của cơ thể. Các chức năng nhận thức phụ thuộc vào việc vận hành trôi chảy của các bộ phận não; khi các hệ thống này bị gián đoạn, suy nghĩ có thể bị ảnh hưởng.


Dịch: Goonie

Biên tập: Mai

Designer: Gia Khánh (nguồn ảnh: Unplash)

Nguồn bài: https://www.verywellmind.com/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan