Điều Mà Hầu Hết Mọi Người Không Biết Về Sang Chấn Tâm Lý Và Nghiện

Mối liên hệ vô hình nhưng không thể phủ nhận giữa sang chấn tâm lý và nghiện cũng như cách điều trị dành cho chúng. Nếu bạn giống hầu hết mọi người, bạn có thể nghĩ rằng nghiện ngập là …

Mối liên hệ vô hình nhưng không thể phủ nhận giữa sang chấn tâm lý và nghiện cũng như cách điều trị dành cho chúng.

Nếu bạn giống hầu hết mọi người, bạn có thể nghĩ rằng nghiện ngập là một vấn nạn tràn lan trong xã hội. Và bạn nói đúng, một phần. Nhưng bạn chỉ đang nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề. Bản thân nó không phải là vấn đề gốc rễ mà là một giải pháp thất bại cho vấn đề sâu thẳm hơn: đại dịch của những chấn thương tâm lý khó chữa lành. Điều cần thiết là nhận ra rằng nghiện thường là triệu chứng nảy sinh từ vấn đề trong đời sống. Không phải ngẫu nhiên mà khoảng 28% những người mắc PTSD chẩn đoán được có vấn đề về nghiện và 35% khác mắc chứng nghiện hoàn toàn, nghiêm trọng, bị lệ thuộc về mặt sinh lý. Tin tốt là nó có thể điều trị được, nhưng cần nhiều nỗ lực. Vì vậy, câu hỏi phù hợp hơn khi nghĩ đến chứng nghiện không phải là tại sao mà là, trước tiên, nỗi đau và (các) sự kiện sang chấn nào trong quá khứ đã thúc đẩy nó?

Càng hiểu điều này sớm thì càng tốt. Nếu bạn đang đọc bài viết này, rất có thể bạn biết ai đó đang vật lộn trong cơn nghiện. Khoảng 50% thân chủ ở Hoa Kỳ đang theo đuổi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chứng nghiện (và do đó, theo mặc định cũng gặp chấn thương tâm lý). Nếu bạn hoặc các chuyên gia y tế chỉ tập trung vào chứng nghiện của họ thì sẽ dễ bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh. Vấn đề thực sự là nỗi đau và sang chấn (thường bắt nguồn từ những rạn nứt trong mối quan hệ sâu sắc) thúc đẩy cơn nghiện.

Với chấn thương tâm lý, hệ thống cảnh báo của não (hệ limbic hoặc trung khu nỗi sợ) có thể bị kẹt ở chế độ “bật”. Khi điều này xảy ra, phần lý trí và ra quyết định trong não của chúng ta, các lớp vỏ não bên ngoài, về cơ bản sẽ sụp nguồn vì tất cả lưu lượng máu sẽ đi đến hệ thống hoảng loạn. Nghiện bắt đầu được coi là một liều thuốc ngắn hạn hiệu quả, nhưng về lâu dài nó sẽ ngày càng có hại, tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Điều này có ý nghĩa gì về mặt chữa lành chứng nghiện và chấn thương? Nghiện là nỗ lực thất bại trong việc chữa lành và xử lý nỗi đau tiềm ẩn do vết thương cảm xúc không được chữa trị. Trên thực tế, điều ngược lại của nghiện là giảm chấn thương và chữa lành nhiều hơn, và kết nối con người. Vì vậy, nghiện phải được chữa lành cùng một lúc với chấn thương tâm lý, như Jaime Marich đã giải thích một cách rất rõ ràng.

Hầu hết mọi người và các chuyên gia y tế cho rằng tất cả những gì cần làm là điều trị một mình sang chấn hoặc một mình chứng nghiện thay vì chú ý cả hai. Phần lớn cộng đồng chung cũng có thể nghĩ rằng nếu bạn chữa lành một trong hai thứ thì thứ còn lại sẽ tự lành. Đây là một quan niệm sai lầm. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong quá trình điều trị nghiện, như trong các nhóm trị liệu 12 bước, chấn thương tâm lý thúc đẩy cơn nghiện sẽ dễ dàng bị bỏ qua. Hơn nữa, nhiều đồng nghiệp trong nước và quốc tế của tôi sợ phải điều trị chấn thương tâm lý. Họ tránh nó hoặc giới thiệu cho chuyên gia khác. Đừng hiểu sai ý tôi, có rất nhiều tiến bộ đã xuất hiện, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc hiểu về sang chấn. Tuy nhiên, mức độ “kháng cự sang chấn” đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần vẫn hiện hữu. 

Chứng trầm cảm có thể được hỗ trợ đáng kể bằng thuốc chống trầm cảm (được cho là có thể không chữa khỏi triệt để). Nhưng không có phương thuốc thần kỳ nào có thể chữa lành chấn thương tâm lý. Tương tự như với rối loạn lưỡng cực và loạn thần, thuốc tâm thần có thể giúp ích đáng kể nhưng với chấn thương tâm lý thì không giúp được gì nhiều. Với rối loạn căng thẳng sau sang chấn, thuốc có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng không thể chữa lành hoàn toàn chấn thương tâm lý đó. Tin tốt là bộ não có thể được huấn luyện để không dễ dàng rơi vào trạng thái chiến hoặc biến hoặc đóng băng (hay chế độ sang chấn), nhưng nó cần chánh niệm, liệu pháp tâm lý chất lượng như EMDR, phương pháp chữa lành toàn diện và sự dấn thân. May mắn thay, trái ngược với ý kiến phổ biến, nó không nhất thiết mất nhiều thời gian. Ví dụ, EMDR thường chỉ mất từ 3 đến 6 buổi để nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong việc chữa lành chấn thương và nghiện cùng một lúc. 

Thật không may, nhiều chuyên gia y tế và nhà trị liệu tin rằng nếu bạn chữa lành được những tổn thương tiềm ẩn thì chứng nghiện cũng sẽ giảm một cách tự nhiên. Nhưng như đã nói trên, chứng nghiện cũng cần được giải quyết. Nếu bạn không thích nhóm 12 bước thì cũng có những cách chữa trị hiệu quả như phục hồi theo SMART, Quản lý sự Điều độ và Phục hồi Dharma (trước đây được gọi là Phục hồi Lánh nạn).

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được biết đến như một tiêu chuẩn vàng trong liệu pháp tâm lý ở nhiều bối cảnh, hoặc cho nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần. Mặc dù nó hoàn toàn hữu ích trong nhiều bối cảnh nhưng nó cũng có thể không thành công trong việc điều trị chứng nghiện và sang chấn. Điều này là do một số biến thể nhất định của CBT có thể bỏ qua sự lưu giữ về mặt sinh lý của sang chấn tâm lý. Những người đang vật lộn với chấn thương và nghiện thường bị ngắt kết nối với cơ thể, các hiệu lệnh của nó, nhu cầu của nó, tín hiệu của nó, đặc biệt là các tác nhân kích hoạt sang chấn hoặc nghiện ở nó. Liệu pháp EMDR song song với hỗ trợ cai nghiện có thể hoạt động hiệu quả hơn và đi sâu hơn vào gốc rễ của vấn đề (vết thương chưa lành và sang chấn tâm lý). Càng sớm hiểu điều này, chúng ta càng có nhiều khả năng chữa lành đại dịch sang chấn và nghiện trên toàn cầu.

Dịch: eMKay

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài viết:  https://www.psychologytoday.com/us/blog/relationship-and-trauma-insights/202007/what-most-people-dont-know-about-trauma-and-addiction

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan