Độc thoại nội tâm thay đổi não bộ của bạn như thế nào?

Shannon L.Alder đã từng nói: “Ai cũng có thể có thể hành động với một bản đồ hoặc một la bàn; nhưng nếu bạn không biết mình là ai, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào bản thân sẽ về được đến nhà.”


Cách bạn nói chuyện với chính mình, hay cách bạn độc thoại nội tâm sẽ định nghĩa con người bạn. Vì vậy, bạn sẽ trở thành kẻ thù đáng sợ nhất của bản thân nếu như bạn xem nhẹ giá trị của chính mình. Bạn có hay cảm thấy tự ti không? Hãy nhớ rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn bao bọc bản thân bằng sự yêu thương và tôn trọng.


Độc thoại nội tâm tác động đến bộ não của bạn, những cuộc đối thoại hằng ngày mà bạn dành cho bản thân có thể tăng cường một số khu vực của não bộ để giúp bạn dễ dàng kiểm soát sự căng thẳng, điều khiển cảm xúc của mình, thậm chí còn giúp bạn trở nên quyết đoán hơn. Ngược lại, những cuộc nói chuyện tiêu cực với bản thân khiến bạn mệt mỏi có thể dẫn bạn đến những trạng thái suy nhược và nguy hại.


Có một sự thật kỳ lạ mà nhiều người trong chúng ta đã từng trải nghiệm vào một thời điểm nào đó. Tiêu biểu là khi bạn luôn là một người bạn hết mình với bạn bè vào lúc họ cần bạn. Bạn rất hay đưa ra những lời động viên an ủi. Dù là ở hoàn cảnh nào, bạn vẫn luôn biết mình phải nói gì. Bạn như là một nguồn động lực không thể thiếu với người khác, bạn truyền đến cho người khác lòng dũng cảm, sự nhiệt huyết, và năng lượng tích cực với khả năng giao tiếp khéo léo của mình.


Tự trách móc bản thân là việc ta thường hay làm | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Tuy nhiên, đôi khi bạn lại là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với bản thân. Điều này là do khi bạn nói chuyện với bản thân mình, tất cả những gì vang vọng trong tâm trí của bạn thường là những câu như: “Sao mình lại nói một câu ngu ngốc như thế chứ? Mình thật vụng về.” “Mình không nên thử làm lần nữa, mình biết mình vô dụng mà.” “Hãy nhìn những gì đã xảy ra hôm nay xem, mình cứ làm sai mãi, mình luôn mắc lỗi rồi lại mắc lỗi lần nữa.”


Những gì bạn nói với chính mình sẽ làm nên con người bạn, và đôi khi, bạn dành cả cuộc đời này chỉ để lăng mạ bản thân. Không dễ để bạn thay đổi cách độc thoại nội tâm của chính mình khi bạn đã làm nó quá lâu rồi. Tuy nhiên, việc thay đổi rất cần thiết vì: Độc thoại nội tâm một cách tiêu cực thay đổi não bộ của bạn. Nó khiến bạn dễ mắc các bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm.


Độc thoại trong tâm trí thay đổi não bộ của bạn và những gì bạn nói định nghĩa chính bạn


Sự tác động của độc thoại nội tâm đến hành động và tính cách luôn là một chủ đề thú vị với các nhà tâm lý học. Những cuốn sách và các bài báo về self-help và sự phát triển cá nhân thì nhiều vô số kể và chúng thúc đẩy bạn quan tâm khía cạnh này của bản thân hơn. Thực tế là chủ đề về độc thoại nội tâm đã được nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20.


Trên thực tế, người đầu tiên đặt ra câu hỏi về việc liệu khi nói ra tiếng và khi nói trong tâm trí thì não bộ có cơ chế hoạt động giống nhau hay không là một nhà tâm lý học người Nga – Lev Vygotsky. Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng phần bên trái của hồi trán dưới (inferior frontal gyrus – thuộc khu vực tạo ra tiếng nói) hoạt động khi bạn nói chuyện với chính mình. Chúng cũng hoạt động khi bạn nói chuyện với người khác.


Vì vậy, độc thoại nội tâm là một hiện tượng phức tạp và có nhiều khía cạnh. Nó nhiều đến nỗi mà bạn cần phải chú ý nhiều hơn đến cách mà nó tác động đến bộ não và sức khỏe tâm lý của bạn. Bằng chứng là một nhà tâm lý học ở trường Đại học Durham, Charles Fernyhough, đã giải thích rằng độc thoại trong tâm trí tạo ra 4.000 từ vựng mỗi phút. Theo như cuốn sách có tựa đề “The Voices Within: The History and Science of How We Talk to Ourselves” (Tiếng nói từ bên trong: Lịch sử và Khoa học của cách ta nói chuyện với chính mình) của ông ấy thì độc thoại nội tâm diễn ra nhanh hơn gấp 10 lần việc nói ra tiếng.


Do đó, tất cả những gì xảy ra trong đầu bạn – mọi ý tưởng, suy nghĩ, chỉ dẫn cho bản thân và sự quả quyết có một tác động rất lớn đến bạn, dù là về mặt tích cực hay tiêu cực.


Độc thoại nội tâm tiêu cực, tâm trạng và não bộ


Biên tập viên của tạp chí khoa học Biological Psychiatry – John H.Krystal và giáo sư ở trường Đại học Y khoa Yale đã thực hiện một nghiên cứu thể hiện tác động của tâm trạng đến bộ não. Nó đã chỉ ra việc liên tục độc thoại tiêu cực sẽ làm yếu đi các cấu trúc thần kinh ra sao. Đó là vì nó khiến con người dễ cảm thấy căng thẳng hơn.


Những kết cấu như thùy đảo (insula – thùy nhỏ ở não trước của động vật có vú) và hạch hạnh nhân (amygdala) đã hoạt động rất mạnh mẽ. Những vị trí đó có liên quan đến các cảm xúc như sự sợ hãi, sự cảnh giác với môi trường xung quanh mà đôi khi chúng khiến bạn lún sâu vào trạng thái mệt mỏi tâm lý trầm trọng. Hơn thế nữa, bạn cần chú ý hơn đến việc độc thoại tiêu cực là chất nền cho sự lo lâu. Nó thường khiến bạn rơi vào mê cung của trầm cảm. 


Suy nghĩ và sức khỏe: chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nói những lời yêu thương với bản thân nhiều hơn?


Bạn chắc đã ý thức được một điều: độc thoại nội tâm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn, cả về mặt thể chất và tinh thần. Sự độc thoại hạn hẹp sẽ làm tổn hại đến lòng tự tôn của bạn và ngăn chặn tiềm năng, nguồn lực và cơ hội của bạn. Vì vậy, bạn phải thay đổi nó.


Bạn có thể thay đổi cách độc thoại có hại này. Một cách đơn giản để làm được nó là nói chuyện với bản thân với ngôi thứ hai thay vì ngôi thứ nhất. Đây là cách để cho thấy vai trò của một người bạn mà luôn muốn điều tốt nhất cho bạn, đồng thời, sẽ luôn chú ý đến việc sửa đổi thói quen độc thoại của bạn. 



Hãy nói nhiều lời tích cực với bản thân hơn | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Ví dụ như cuộc đối thoại này: “Tôi hiểu bạn lo lắng như thế nào, nhưng hãy nhớ rằng bạn biết cách để vượt qua nó. Bạn đã từng làm nó rồi, nên hãy tin rằng bạn xứng đáng điều tốt đẹp nhất. Bạn rất mạnh mẽ mà, cứ tiếp tục cố gắng thôi”. 


Cuối cùng, quá trình này cần thời gian. Thay đổi thói quen độc thoại tiêu cực có thể sẽ khó khăn lúc ban đầu, nhưng bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt nếu bạn kiên trì làm nó. Một câu ngạn ngữ Tiếng Trung về vấn đề này đã nói rằng: “Hãy chú ý đến suy nghĩ của bạn, vì chúng sẽ trở thành lời nói của bạn. Cẩn trọng lời nói của bạn, vì chúng sẽ trở thành hành động của bạn. Để ý đến hành động của bạn, vì chúng sẽ trở thành thói quen của bạn. Chú ý đến thói quen của bạn, vì chúng sẽ trở thành vận mệnh của bạn.”


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Phoebe Trịnh

Nguồn bài viết: <https://exploringyourmind.com/your-internal-dialogue-changes-your-brain/

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan