Đôi ba quan niệm tình yêu

Con người ta đến vì rung động, trú chân vì tình nghĩa, nhưng tôi tin tình yêu luôn trường tồn, đặc biệt ở chỗ, nó chỉ chuyển hóa từ thể khí sang thể rắn rồi cháy bỏng trở thành nước hiền hòa. Lặp đi lặp lại cho đến hết vòng tuần hoàn.

“Tình dược” - thứ ma thuật khiến người ta chìm đắm trong tình yêu liệu có thực sự tồn tại? Hòng giữ chân người yêu dấu, hòng tài tình nắm thóp đối phương, điều gì thực sự xảy ra nếu xuất xưởng “tình dược”? Người ta trông đợi cánh đồng hoa đơm sắc dẫu cho đây chẳng khác nào hành vi cưỡng ép, tôn thờ thứ tình yêu giả dối, không toại nguyện. Về nguyên tắc cơ bản, lý lẽ này được khá nhiều người tán thành, đó là người đại diện không vi phạm bất kỳ luật lệ nào trong trường hợp bất khả kháng - bất kể hành động ấy giá trị bao nhiêu.


Ngay cả khi tình dược đã có sẵn, số đông ủng hộ chỉ đề xuất sử dụng nó như một chất tái củng cố tình yêu, đồng thời tránh chỉ định cho các cá nhân cần tình yêu, tha thiết van nài công nhận vô cùng khiên cưỡng. Cũng không ai yêu cầu nên sử dụng thuốc tình yêu cốt đảm bảo mọi người đều được yêu như nhau.


Yếu tố phi điều kiện của tình yêu giải thích rõ rành tại sao những nỗ lực mua và bán tình yêu, thậm chí chiếm đoạt bằng vũ lực không chỉ thất bại mà còn khiến cộng đồng bối rối. Vì vậy, có chăng một hôm chợt ngộ ra lầm tưởng bấy lâu nay về người ta yêu, dám cá trải nghiệm này sinh nhiều ám ảnh hơn là sức hấp dẫn cảm xúc.


Trái tim không thể kiểm soát hoàn toàn 


Quả nhiên, tình yêu không thể là một vấn đề hoàn toàn theo ý muốn, mượn chân lý mà Kant đã chứng thực: “Tình yêu là một vấn đề của cảm giác, không phải do thiện chí, và tôi không thể yêu bởi vì tôi muốn. Vì vậy, bổn phận yêu thương là một điều phi lý.” (1996,161).


Vô số quan niệm độc lập về tình yêu hẳn luôn tơ vò nhập nhằng như thế. Ví như dàn trải chốt chặn nhằm cấm cửa xâm lấn giữa các tầng lớp xã hội. “Chỗ ai thì yên vị ở nấy”, người ta bảo vậy, bởi suy cho cùng hỗ trợ hay bổ sung, chẳng phải cả thảy là mối quan hệ win-win sao. Chi li hay đong đếm, nhân vật Koiko rốt cuộc chỉ cố giữ cán cân sao cho cân bằng, để rồi khi thế giới “bình thường” mà cô gày dựng bị ném vào trạng thái chông chênh, điều-gì-đến-rồi-cũng-sẽ-đến. 


Câu chuyện “What an average way Koiko goes” xoay quanh đa góc độ về tình cảm đôi lứa. Một cô chị sợ thân mật bởi di chứng từ hàng tá cuộc ly hôn của mẹ. Một phụ nữ trung niên sau bao đổ vỡ vẫn luôn nuôi dưỡng trái tim nồng nhiệt tin yêu. Chứng kiến cả mất mát, ngọt ngào, chấp nhận và từ chối, cô ngăn bản thân tự chuốc lấy bất hạnh, thay vào đó lựa chọn mảnh ghép phù hợp nhất, ví dụ hẹn hò cùng một anh chàng cũng bình thường nốt. Một mối quan hệ mới là lãnh thổ chưa được khám phá, và hầu hết chúng ta đều ẩn giấu nỗi sợ hãi tự nhiên. Hệ thống phòng thủ theo xu hướng tin rằng càng quan tâm nhiều, chúng ta càng dễ tổn thương.


Y hệt nhận định của Koiko, nhiều hay ít quá đều không tốt, thế mà cuối cùng mọi sự “bình bình” kỳ thực lại chẳng khá khẩm hơn là bao. Tưởng chừng là cuộc sống mơ ước, chưa từng trải biến động, đột nhiên đồng lượt sụp đổ khi cô nàng phát hiện mình bị lừa dối. À thì ra là vậy, sở dĩ hạnh phúc chuẩn mực chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, đâu có ai yêu cầu phải đạt tiêu chí này nọ đâu. Chọn món đồ vừa túi để giảm thiểu sự cố thì lẽ nào coi quan hệ yêu đương như nghĩa vụ, lựa cái nào vừa sức thì làm. Đến cuối cặp bài trùng hợp rơ hoá ra chỉ là sự gắn kết gượng gạo.




“Điều hiển nhiên là một người có thể quyết định yêu một số cá nhân nhất định chứ không phải người khác, ngay cả khi sau này, theo đánh giá của riêng ai, là những người nhận tình yêu hoàn hảo.” (Rainbolt 2016)


Một nghịch lý?


Từ Kant đến Jane Austen đều đồng thuận tính “khó chiều” của sự gắn bó, gần như không thể tuỳ cơ xoay chuyển. Vì tình yêu đáp ứng đặc thù của người được yêu, bao gồm sở thích cá nhân và sự chú ý có chọn lọc - những đặc điểm mà chúng ta có thể trau dồi song không hoàn toàn kiểm soát được. Dù cho cố gắng cỡ nào, các bậc cha mẹ cũng không thể sòng phẳng chuyện tâm tư với tất cả đứa con.


Mặt khác, những người bảo vệ quyền trẻ em liệt kê vô vàn điểm sáng của yêu thương để lập luận rằng được hưởng tình cảm là vấn đề công lý (Liao 2006, 2015; Richards 2010). Xét mức độ nào đó, tình yêu nằm trong tầm kiểm soát bởi vì chúng ta có thể nuôi dưỡng những khuynh hướng yêu thương đối với mỗi người. Khởi nguồn từ trân quý cốt cách, sự thay đổi trong những phẩm chất nhất định có thể thách thức, và đôi khi phá hủy tình yêu. (Brake 2011)

— — —


Nối đuôi một số quan niệm thống trị hiện nay về công bằng phân phối, người người tẩy chay chủ nghĩa bình quân may rủi đinh ninh, thật bất công khi ai đó nghèo cả thứ cơ bản mặc dù họ tuyệt đối vô tội. Có chăng vì mức độ cấp thiết cho một cuộc sống đủ tốt, đáp ứng nhu cầu tình yêu nên mang tính phận sự. Bởi lẽ, nó chỉ được định nghĩa như hình thức xác nhận quan trọng, song không phải duy nhất.


Tự nguyện yêu đương


Chấp nhận mối liên hệ “ngộ nghĩnh” giữa bất công và vi phạm quyền, đồng thời mặc định những nghĩa vụ tương quan, các thành viên thực chất đang tự giảm giá trị cá nhân xuống dưới một ngưỡng hạnh phúc nhất định. Bởi lẽ, tình yêu là ngoại lệ, chả thể thiết lập trên vài ba công thức cứng nhắc, cũng không đơn thuần san sẻ tuỳ thích một miếng bánh ngon. Có những tình huống mà theo trực giác, lòng chiếm hữu quá đỗi lớn đến nỗi những hành vi từa tựa tình yêu khiến ta không cách nào thỏa mãn được. Michael Stocker minh chứng thông qua chuyến thăm bệnh viện:


Giả sử bạn đang hồi phục sau một trận ốm dài khi Smith đến. Thoạt đầu, bạn gửi lời cảm ơn và khen ngợi nhưng anh ấy một mực bảo mình luôn cố gắng làm đúng bổn phận. Rõ ràng Smith đang nói sự thật theo nghĩa đen: về cơ bản không phải vì bạn mà anh ấy đến, mà do nhiệm vụ thúc đẩy, đích thị là phép lịch sự tối thiểu. (1976,462)


Câu chuyện này minh họa một khao khát quan trọng mà tình yêu cá nhân đòi hỏi: sự thiên vị. Chính số lượng hạn định, tôn vinh ý nghĩa của người yêu, thật hợp lý nếu phủ nhận nghĩa vụ trong một số trường hợp. Bên cạnh đó, nhà triết học thường quan tâm đến việc tính thiên vị cản trở khả năng tuân thủ các yêu cầu đạo đức như thế nào. Williams (1981,18) mô tả một người tự hỏi, liệu việc cứu mạng vợ mình có được chấp thuận về mặt đạo đức hay không, thay vì một người lạ, vì 'mọi người đã nghĩ quá nhiều'. Giờ đây, trong trường hợp người cứu hộ nghe lời con tim, người yêu của họ xứng đáng ăn mừng hai lý do: rằng họ đã được giải cứu, nhưng cũng vì họ rất có giá trị đối với người cứu hộ.


-------

Bài học về lòng nhân ái, đối nhân xử thế căn nguyên lấy đức độ làm nền, chung tay kiến tạo thế giới hòa bình, tuy nhiên đánh đồng nó với công việc làm thuê vô tội vạ quả thật lắm tranh cãi. Nào ai muốn “được” nhìn nhận như bản sao của ai kia đâu. Đôi khi không có tác nhân nào có nhiệm vụ ngăn chặn hoặc sửa chữa một bất công cụ thể, nhận định này về phần tôi mà nói tuyệt nhiên chẳng hề vướng sơ hở.



Đã đến lúc thay đổi ý nghĩa của từ “tình yêu”


"Một cảm giác mãnh liệt lúc chín muồi."  

Sau nhiều năm trò chuyện cùng các cặp vợ chồng trước, trong và sau khi kết hôn; đồng thời kề cận với nhiều bậc cha mẹ và con cái đang vật lộn trong các mối quan hệ, tôi tin chắc vào tính chất phiến diện của định nghĩa này.


Đã có quá nhiều phụ nữ thú thật rằng, những vết bầm tím hiện rõ trên khuôn mặt là bằng chứng cho những cái “đánh yêu”, lạm dụng thể xác của chồng họ. Vì họ coi tình yêu là một cảm giác, từ đó che giấu một thực tế, đó là bạn có thể cảm xúc rất mãnh liệt về ai đó, thậm chí bạn tin rằng bạn không thể sống thiếu họ, nhưng bạn không yêu người nọ.


Trong Fiddler on the Roof, khi Tevye hỏi Golde liệu cô còn yêu anh sau một phần tư thế kỷ kết hôn hay không, câu trả lời dí dỏm của cô chính xác là:


For twenty-five years I’ve washed your clothes

Cooked your meals, cleaned the house

Given you children, milked your cow

She asks then, “If that’s not love, what is?”


Chuyện đời, nhân tình thế thái cứ thế lấp đầy trăn trở, để lại tôi suy ngẫm thật nhiều. Ban đầu tại thời điểm chấp bút, tôi đoán mình sẽ khai phá lớp đất và đúc kết được luận điểm hay ho lắm, nhưng à, thì ra tình yêu vốn muôn hình vạn trạng như thế. Bố thí quan tâm, tình dục mạnh bạo hay “lạnh lùng với cả thế giới, ấm áp với mỗi mình em”, hết thảy chỉ có người trong cuộc, thậm chí lúc hết yêu mới tường tận kĩ mối tơ lòng nọ. Con người ta đến vì rung động, trú chân vì tình nghĩa, nhưng tôi tin tình yêu luôn trường tồn, đặc biệt ở chỗ, nó chỉ chuyển hóa từ thể khí sang thể rắn rồi cháy bỏng trở thành nước hiền hòa. Lặp đi lặp lại cho đến hết vòng tuần hoàn.


Tái bút: Ngồi ở vị trí trung lập, đôi ba lần tôi nghĩ mình vô cùng sáng suốt, trơn tru khi bàn về quan niệm tình yêu. Biết đâu một ngày nào đó, ai đó sẽ khiến tôi rung rinh lập trường thì sao.

-----

Tác giả: Cát Phương

Ảnh: Pinterest, Unplash

Nguồn: Taylor & Francis. (2017). Love and Justice: a Paradox?. Retrieved from April 25, 2017, from https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/00455091.2017.1319656?scroll=top&needAccess=true


Time. (2016). We Are Defining Love the Wrong Way. Retrieved from February 16, 2016, from https://time.com/4225777/meaning-of-love/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan