Đơn vị đo nỗi buồn

"Tôi trách y học phát minh ra được thuốc gây tê liệt các dây thần kinh cảm giác để con người không thấy đau mà lại bất lực không tạo ra được cái gì để tê liệt cảm xúc dù chỉ là trong thoáng qua… Để rồi trong thang đo này, chẳng hề có phép trừ cho người khổ ải."

Có một lần, người bạn trai cũ làm bác sĩ của tôi cho tôi xem một tài liệu viết về dolorimeter - công cụ đo cảm giác đau của con người. Dựa vào các yếu tố áp lực, nhiệt độ, độ sung điện và cử động của khớp khi cơ thể nhận tác động mà dolorimeter sẽ cho ra một con số phù hợp để đánh giá mức độ đau đớn sau một kích thích.


-        Không chuẩn xác lắm, nhưng người ta phải làm mọi cách để xây dựng nên khái niệm này vì cái gì trên đời cũng cần có cơ sở - anh nói.

-        Người ta làm ra cái này để đo nỗi đau về mặt thể xác, thế có thước đo nào cho nỗi đau tinh thần không?

Anh trầm ngâm một hồi rồi nói:

-        Cái đấy ngoại lệ, không đo được.

Kì lạ nhỉ, người ta chắc chắn thường xuyên cảm thấy buồn nhiều hơn là bị đau, nhưng thứ được đem ra nghiên cứu và mổ xẻ trước lại là nỗi đau thể xác. Phải chăng kể cả với những người lý trí nhất như các nhà khoa học thì nỗi đau tinh thần vẫn là gì đó thần bí và vô hạn như vũ trụ bao la?


Không lâu sau đó, khi chia tay anh, tôi có dịp tự mình xây dựng một hệ thống đo lường nỗi đau tinh thần đầu tiên trên thế giới (ít ra là tôi nghĩ vậy). Tôi gọi project nhỏ này của mình là “Đơn vị buồn” và coi đây là một cách hiệu quả để nhanh chóng vượt qua sang chấn hậu đổ vỡ tình cảm. Ở giai đoạn đầu, tôi máy móc đề ra một số quy tắc rất cụ thể: “một lần khóc tính bằng 0.2 đơn vị, khóc to thì gấp đôi, mỗi lần nhớ người ta thì thêm 0.1,…”


Một thời gian trôi qua, lỗi đầu tiên của hệ thống xuất hiện. Dường như tôi sẽ không bao giờ ngừng khóc, cũng như ngừng nhớ về anh. Bởi vậy, số chỉ nỗi đau này của tôi cứ ngày một tăng lên và dường như đang tiến về phía dương vô cực. Có những lần tôi nghĩ, nếu sau này may mắn yêu lại được người khác thì con số đấy có dừng lại hay không? Hay tôi vẫn sẽ khóc mỗi khi nhớ đến mối tình này như cách tôi nhỏ lệ mỗi khi nhớ về một lần bị kẹt trong thang máy khi bé?


Với dolorimeter, một cơn đau sẽ đi từ số 0 lên đến điểm cực đại, trước khi dần dần trở về lại con số 0. Khi đạt đến con số 0 phía sau, con người nếu không phục hồi như chưa có gì xảy ra thì ít ra cũng vì quá đau mà hết mạng rồi. Ngược lại, chỉ số của nỗi đau tinh thần sẽ chẳng bao giờ giảm đi một đơn vị nào. Chỉ số nỗi buồn sẽ trải qua một thời kì đầu tăng mãnh liệt rồi chậm lại, có thể dậm chân ở một mức nào đó rất lâu nếu bạn đã học đươc cách sống chung với nó đủ tốt để cất nó vào góc khuất nào đó. Nếu bạn yên tâm nghĩ rằng việc không nghĩ đến nỗi buồn “cũ” chắc chắn sẽ khiến chỉ số bị mai một tương tự dolorimeter, thì bạn đã sai. Mỗi lần một thứ gì đó, dù là nhỏ bé nhất, vô tình khơi gợi lại chút dư vị của kỷ niệm ấy trong bạn, con số kia sau bao lâu lại được nhẹ nhàng nhích lên. Có thể giá trị gia tăng càng về sau càng không đáng kể, nhưng dù ít hay nhiều thì giá trị ấy vẫn mang dấu dương nghiệt ngã. Nói ngắn gọn, khác với nỗi đau thể xác mà con người hoàn toàn có thể được giải thoát bằng thời gian hay cái chết, nỗi đau trong tâm hồn một khi đã mắc phải thì sẽ thành lời nguyền dai dẳng ám ảnh chúng ta cả đời.


Vì lỗi hệ thống này mà kế hoạch xây dựng “đơn vị buồn” của tôi bị gián đoạn khá lâu. Tất nhiên không phải vì các con số, theo một cách khoa học, không thể cứ thế mà tăng mãi được, mà là vì bản thân tôi khó chấp nhận việc con người chẳng bao giờ hết buồn đau được. Sau khi miễn cưỡng “tiêu hóa” sự thật trần trụi ấy, tôi lại bắt tay vào việc cộng rồi lại cộng, để quan sát chỉ số nỗi buồn của mình cứ tăng và tăng, như mãi mãi. Tôi trách y học phát minh ra được thuốc gây tê liệt các dây thần kinh cảm giác để con người không thấy đau mà lại bất lực không tạo ra được cái gì để tê liệt cảm xúc dù chỉ là trong thoáng qua… Để rồi trong thang đo này, chẳng hề có phép trừ cho người khổ ải.

Lỗi hệ thống tiếp theo xuất hiện khi tôi hay tin người yêu cũ của tôi tìm được người mới. Tôi không tránh được việc mình ghen tuông và giận dữ khi thấy hai người cùng rời đi một lúc mà một người lại đến nơi khác sớm hơn mình rất nhiều. Nhất là khi tôi luôn cho rằng một người nhạy cảm, sống bằng sự quan tâm của người khác như mình xứng đáng có nhiều tình yêu trong đời hơn là một thằng đàn ông vô tâm, lạnh lùng, chỉ biết có công việc và máy móc hóa mọi thứ. Khi này, tôi trải qua một cảm giác tuyệt vọng chưa từng có – không gào thét, không rưng rưng, không kìm nén, không nhớ nhung – tôi chỉ ngồi lặng im, nhìn vào khoảng không trong vô định để buồn cho bản thân mình.


Trong bảng quy tắc tính “đơn vị buồn” mà tôi tạo ra, không có giá trị nào được chuẩn bị cho một nỗi buồn không biểu hiện thành nước mắt, không thành lời nói, không thành một hành động ngu ngốc nào đó mà có thể mắt thấy tai nghe để mà ghi chép lại. Nhưng rõ ràng tôi đang buồn hơn bao giờ hết, buồn hơn khi tôi khóc, buồn hơn khi tôi than thở, buồn hơn khi tôi làm gì đó ngu ngốc có thể mắt thấy tai nghe.


Tôi rút ra được một điều, là nỗi buồn không những lớn dần lên theo mũi tên thời gian, mà còn biết thay hình đổi trạng theo độ chín muồi của chính nó. Nếu ví nỗi buồn câm lặng là một con người phát triển đầy đủ ở thế kỷ 21, thì khóc lóc, thét gào hay than thở chỉ là những con linh trưởng đang đứng trước ngưỡng cửa của sự tiến hóa. Tôi khám phá ra nỗi buồn câm lặng là phiên bản cao cấp nhất của cảm xúc này với cá nhân tôi, nhưng nó không nhất thiết là cách gồng gánh nỗi buồn tinh vi nhất của bạn.


Cơn đau của dolorimeter là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp kích thích nào đó, nhưng cảm xúc thì phức tạp hơn nhiều. Chúng ta có thể buồn vì nhiều nguyên nhân, nhưng cùng một vấn đề thì có người buồn, có người không buồn. Cứ như thế, tôi ngưỡng mộ những cô bạn có thể đi qua một cuộc chia tay dễ bưng như phủi bụi tay áo, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ đổ lệ mỗi khi một con thú cưng của mình ra. Tất cả con người trên đời đều chia sẻ cùng một cảm giác đau đớn thể xác, nhưng lại gặm nhấm nốt trầm của cảm xúc theo những kiểu khác nhau. Vậy nên, nếu bạn cấu tôi và tôi kêu đau, bạn hoàn toàn có thể hình dung cảm giác đau ấy như thế nào. Nhưng nếu tôi đến trước mặt bạn và nói tôi buồn, tôi có chia sẻ cả biển cả ngôn từ thì chưa chắc bạn đã có thể đồng cảm với tôi.


Một năm sau cuộc chia tay, tôi nhìn lại công trình đổ nát của mình và chấp nhận gác nó lại vĩnh viễn. Xem ra anh ấy không hề nói dối tôi khi khẳng định rằng “Cái đấy ngoại lệ, không đo được”. Mạn phép cho hỏi, có thứ công cụ hay công thức nào đủ mạnh mẽ để lưu trữ thứ dư liệu cứ tăng mãi tăng mãi như chỉ số nỗi buồn? Chúng ta lấy cái gì làm cơ sở chung nếu bản chất niềm đau của mỗi người đã rất khác nhau rồi?


Chẳng có ngưỡng giới hạn nào cho nỗi đau. Nó là con đường một chiều không đích đến – bạn không thể quay đầu đi về 0 hay thậm chí mong chờ tiến đến 0. Phía trước bạn sẽ chỉ có một trăm, một nghìn, một triệu và hơn thế nữa. Nhưng việc bạn mãi mãi mang theo một nỗi buồn cùng mình biến nó thành con người bạn của ngày hôm nay với một sinh lực mới. Nếu bạn quá tuyệt vọng và nghĩ mình chẳng còn gì sau một biến cố dữ dỗi nào đó thì hãy luôn nhớ rằng trong số một trăm, một nghìn, một trăm nghìn luôn có số 0 của sự khởi đầu.



   



 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan