Đứa trẻ ấy sẽ không chết, thế nên, đừng sợ trưởng thành

Tết trẻ con, “Không muốn lớn lên!” là câu nói được bình luận trên nhiều diễn đàn, cũng được nhiều hưởng ứng nhất.

Nhiều lần tham gia các buổi chữa lành, mình luôn tần ngần trước một câu hỏi: Điều gì đã khiến bạn tổn thương trong quá khứ? Tần ngần, không phải vì không biết đáp án mà vì mình không dám đối diện, đáp án lại là gia đình mình.


Nhà mình không có gì quá đặc biệt, là một gia đình cơ bản và tiêu chuẩn của một vùng nông thôn, hơi sâu và hơi xa trong tỉnh nhỏ. Ba mẹ thương nhau, dĩ nhiên, và thương mình. Nhưng tình yêu của người lớn đôi khi không đi cùng sự thấu hiểu, và tinh tế. Phòng riêng chắc chắn là ước mơ của nhiều đứa trẻ, vào năm lớp 7 thì ước mơ đó thành sự thật. Nhưng ba mẹ để tủ quần áo chung của cả nhà vào phòng nên phòng mình không có khóa. Mẹ mình có thói quen là bất ngờ mở cửa bước vào hoặc thỉnh thoảng sẽ hé hé cửa phòng nhìn vào xem. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu nó không đi kèm với những phỏng đoán như kiểu: đang cầm điện thoại thì chắc chắn là chơi, đọc sách trên giường thì chắc chắn là ngủ,... Cho đến bây giờ, mình cũng hay bị giật mình và rất lo lắng khi có người phía sau lưng, tiếng bước chân “cộp, cộp, cộp…” luôn khiến mình mất bình tĩnh và bất an vô cùng. 


Trên hành trình trở thành người thân của nhau, những tổn thương vô tình đã khiến chúng ta trở thành người lạ. Đến tận năm 20 tuổi, cửa phòng mình vẫn không có khóa. Năm Covid thứ nhất mình ở nhà suốt 4 tháng, cũng là thời gian ở nhà lâu nhất kể từ khi mình xuống tỉnh học cấp 3. Mẹ vẫn nguyên thói quen cũ, có lẽ đó là cách yêu thương của mẹ, cũng có thể là chút níu kéo cuối cùng cảm giác kiểm soát con cái. Chỉ có điều, cửa phòng không có khóa cũng không thể mở được cánh cửa trong lòng đã khóa chặt. Chuyện cánh cửa chỉ là một vết thương rất nhỏ so với khoảng cách rất lớn giữa hai thế hệ. Ba mẹ, chỉ là đang dùng cách mà họ được yêu thương để yêu thương chúng ta, nhưng không may, cách ấy đã không còn đúng với thế hệ này.

Reply 1988 có một câu thoại bất hủ: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.” Ngày đầu tiên bạn ra đời, cũng là lần đầu tiên ba mẹ gặp bạn. Năm bạn 10 tuổi cũng là lần đầu tiên ba mẹ gặp bạn-của-năm-10-tuổi. Bạn cũng không biết phải trải qua năm 17 tuổi của bản thân thế nào, vậy ba mẹ làm sao biết phải cư xử thế nào với chúng ta của năm 17 tuổi? Họ chỉ đang cố gắng làm những điều họ từng nhận, thay đổi những điều họ cho là không đúng, để yêu thương. Lúc nhỏ, ba và mẹ mình đều từng bị đánh, bị chửi rất nhiều, như kiểu trẻ con nhà nông ăn roi mà lớn. Thế nên, từ nhỏ đến giờ, dù mình làm gì cũng chưa từng bị đánh một lần nào, như ba mình nói: Không muốn để con mình phải lớn lên theo cách mình trải qua. Mẹ mình lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, mẹ học rất giỏi, rất thích kinh tế, nhưng lúc đó chỉ đủ tiền cho người con trai duy nhất trong nhà đi học Đại học. Thế nên, từ nhỏ đến giờ, dù mình muốn học gì, bất cứ giá nào mẹ cũng tìm mọi cách để mình học thứ mình muốn, như mẹ mình nói: Không phải muốn mình làm ông này bà nọ gì, chỉ không muốn mình trải qua cảm giác tủi thân như mẹ đã từng.


Mình biết, rất nhiều gia đình còn tồn tại những câu chuyện đau lòng hơn nữa, những mâu thuẫn không thể hóa giải và những vết thương mãi mãi không thể chữa lành. Bên trong gia đình ấy, những đứa trẻ đang tổn thương không thể làm gì khác hơn chấp nhận và chờ một ngày được trở thành người lớn. Mà rất nhiều năm sau này, những “người lớn” ấy vẫn mãi mang trong lòng ám ảnh tuổi thơ. 


Trong suốt những năm 18, 19, 20 tuổi, mình vật lộn với ý nghĩ này và không ít lần đau khổ, bên trong đầy cự tuyệt nhưng bên ngoài vẫn bước vào thế giới rộng lớn, vẫn khoác lên mình hai chữ “trưởng thành”. Như kiểu bạn phải ra trận, nhưng tay không tấc sắt, cũng chẳng có nổi một manh giáp lành. Trong cuộc chiến đó, mình là kẻ tổn thương tự cho mình cái quyền tổn thương người khác, có những vết thương đã lành, có những vết thương mỗi khi trái gió trở trời lại nhức nhối. Và mình biết, có thể bạn cũng đang bước vào cuộc chiến đầu đời ấy, cuộc chiến với chính bản thân mình, cuộc chiến giúp bạn làm chủ cuộc sống!


Có lẽ mình đã kịp đi đến hồi kết của trận đầu tiên, để hiểu được một điều rằng: Cuộc sống vốn khó khăn, ai bảo vệ sự vui vẻ của bản thân mới là người chiến thắng thật sự. Người tưởng chừng vô tư nhất, cũng chính là người có nội tâm mạnh mẽ nhất. 


Khi bạn thực sự trưởng thành, đứa trẻ bên trong không chết đi, nó sẽ được nội tâm kiên định của bạn bảo vệ.


Thế nên, đừng sợ trưởng thành! 


BẢN THẢO
Bài viết liên quan