Đứa trẻ "hư" - Phần 2

Sự vô tình đã huỷ hoại con trẻ.

PHẦN 2


Thằng bé nhìn tôi, dường như một suy nghĩ nào đó cứ chạy đi chạy lại trong đầu nó, khiến nó sốt sắng hỏi:

- Chị không thấy em hư à?

Đôi mắt đen láy mang chút gì đó dò hỏi, rồi lại mong chờ. Tất cả xuất hiện ở thằng bé mới sáu tuổi trước mặt tôi đây khiến tôi nhất thời không nói nên lời. 


Tôi lại đưa tay xoa đầu thằng nhóc. Tôi chợt nhận ra mái tóc nó rất mềm, như những sợi tơ mượt mà vậy. Dù bộ đồ nó đang mặc, hay cái bướng bỉnh bên ngoài của thằng bé đều như một lớp gai che đi cái mềm mại đúng ra nên xuất hiện ở đứa trẻ này. Chỉ có lúc này, nó mới tạm cất đi những chiếc gai, để trở về dáng vẻ vốn có. 

Không để nó đợi quá lâu, tôi trả lời:

- Dĩ nhiên là không. Sao em lại nghĩ thế? 


Thằng nhóc có vẻ không tin lắm, nó đáp luôn:

- Vì ai cũng nói em là đứa hư nhất, tất cả mọi người luôn. Cô giáo trên lớp bắt em phải ngồi một mình, không được ăn chung với các bạn. Bố mẹ các bạn cũng không cho các bạn chơi chung với em lúc tan học, em hỏi thì bạn em bảo “Mày hư lắm nên bố mẹ cấm tao chơi cùng”. Cô chú đến chơi lúc nào cũng nói em hư nhất nhà. Mẹ em cũng bảo là vì em nên mẹ mới khổ, vì em mà mẹ mới bị đánh. Chẳng bao giờ có ai khen em cả… 

Vừa nói, thằng bé vừa cúi đầu, lặng lẽ đung đưa đôi chân nhỏ. Giọng nói nó vẫn đều đều, nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn không tên của một đứa trẻ, nỗi buồn sau những tổn thương chằng chéo về cả thể xác và tinh thần. 


Thằng bé không chú ý lắm đến sự im lặng hay ánh mắt của tôi, nó tiếp:

- Nhưng em có làm gì đâu. Bố em cứ nhìn thấy em là đánh, là chửi. Mẹ thì chẳng thèm quan tâm đến em, từ bé đến giờ em chưa được bố mẹ đưa đi chơi lần nào cả, đưa đón em đi học cũng là ông bà nội, còn mẹ thì cứ đi làm suốt. Hôm nào em cũng phải ở nhà một mình, chờ đến tối muộn mới được ăn cơm… Còn các bạn cứ nói em hư nên bị đánh là đáng đời, em mới cãi nhau với chúng nó, thế là cô giáo phạt em đứng xó. Nhưng bọn kia thì chẳng làm sao cả. Tối về cô còn gọi cho mẹ em, làm em lại bị đánh, em ghét cô, ghét bố mẹ, ghét hết.

Thằng bé dường như đang trút hết những nỗi buồn, thiệt thòi nó chịu đựng bấy lâu. Qua lời thằng bé, những trận đòn roi vô lý, tiếng cha mẹ cãi cọ rồi tiếng vỡ tan của đồ vật khắp nơi như hiện hữu ngay trước mắt tôi. Cái cảnh sống như thế đã biến một đứa trẻ hồn nhiên với đôi mặt đen láy đang ngồi bên cạnh tôi đây, trở nên gai góc và bướng bỉnh. Có lẽ một người ngoài như tôi chẳng thể hiểu hết được, nhưng tôi có thể biết những nhẫn tâm của người lớn và sự cô đơn họ gieo cho con trẻ đã và đang xé nát dần linh hồn của một mầm non. 


Những hạt mưa phùn vẫn rơi lất phất, tôi cũng thằng nhóc ngồi trên băng ghế bên ngoài lớp học vỡ lòng. Cuộc nói chuyện của hai chúng tôi không có rào cản về tuổi tác hay vai vế, cũng không có bất kỳ sự định kiến nào. Thằng nhóc thu lại vẻ ngang ngược mà mấy phút trước nó vẫn phô ra trước tôi, trở về dáng vẻ cô đơn quá đỗi của một đứa trẻ. Nó kể thêm cho tôi nghe những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, như bài vẽ được cô vẽ một bông hoa (tương đương điểm thưởng) hay bài toán khó cả lớp chỉ nó làm được. Nó kể ngày mùng Tám tháng Ba nó cố gắng viết thật đẹp để mang điểm Mười về tặng mẹ thế nào. Nó chẳng nhận ra những bất công và tổn thương những kẻ mang danh cha mẹ đã đem tới, vẫn hồn nhiên chờ đợi một tình yêu thương từ họ. 

(Một đứa trẻ cũng cảm thấy cô đơn. Nguồn ảnh: Pinterest)


Tôi tự hỏi, nó có từng biết bản thân đang bị bỏ rơi hay chưa, bởi những người nó vẫn gọi là bố mẹ ấy. Nhưng rồi, tôi cũng hy vọng là nó không biết. Một đứa trẻ còn quá nhỏ để nhận ra những điều khắc nghiệt như thế, dù đôi khi những thương tổn là quá rõ ràng. 


- Chị là người đầu tiên hỏi em có lạnh không - Thằng bé vui vẻ nói - Ngày trước em bị ốm mẹ cũng không hỏi em có mệt không. Chẳng ai hỏi em gì cả.

- Những bạn đang chơi cùng em thì sao? 

- Chúng nó sợ em đánh nên mới nhường đồ chơi thôi - Thằng bé ngó nghiêng ra phía cổng, rồi lại quay vào - Em tan học lâu rồi, nhưng hình như ông bà quên đến đón em thì phải. 

Tôi không muốn gợi thằng bé những chuyện buồn nữa, tôi lái sang chủ đề khác:

- Em học lớp Một rồi hả?

- Vâng, em Sáu tuổi rồi. 

- Thế học có mệt không?

Thằng nhóc đáp lại:

- Không mệt một tí nào luôn. Em còn học được cả cách nấu cơm với dùng máy giặt nữa!

- Siêu thật đấy, chị thấy bạn nào cũng than đi học mệt lắm, thế mà em lại không mệt.

Thằng bé hình như vui lắm, nó cười tít mắt rồi đung đưa cái chân nhỏ một cách thoải mái. 


Lại ngồi một lúc, thằng bé bỗng vỗ vỗ tay tôi rồi nói:

- Chị ơi, chị bế em được không?

- Bế à? Được chứ!

Thằng nhóc vui vẻ nhảy xuống khỏi ghế, nó giang hai tay rồi ôm lấy tôi. Tôi dùng lực bế thốc thằng bé lên, nó coi vậy mà cũng khá nặng.

- Chị ơi, chị tung em lên đi!

- Tung á?

- Vâng. Giống như máy bay ý!


Tôi gồng tay, nhẹ nhàng tung nhẹ thằng nhóc lên, cẩn thận hết sức để nó không ngã. 

Thằng bé bật cười khanh khách, đôi mắt nó híp lại, mái tóc mềm hơi bay. 

Tôi đặt nó xuống đất, nó vẫn rất vui:

- Cứ như em đang bay ý! Lâu rồi em chưa được bế, thích quá!


Đúng lúc này, tiếng chuông reo báo hiệu lớp em tôi tan học. Quả nhiên, chỉ một phút sau, cả đám trẻ ùa ra khỏi cửa. Chúng sà vào tay bố mẹ đang chờ sẵn, em trai tôi cũng nhìn thấy tôi, nó nhanh chóng lấy cặp rồi chạy đến. 

Thằng nhóc có vẻ hơi lưu luyến, nó hỏi tôi:

- Chị phải về rồi à? 

Tôi mỉm cười khẽ đáp:

- Ừ, em trai chị ra rồi.

Thằng nhóc không nói gì, nó lặng lẽ đứng cạnh tôi. 


Tôi dắt xe ra cổng, quay người lại, thằng bé vẫn ngồi một mình trên băng ghế, cô đơn. 

Tôi quay lại, nói với nó: “Em không phải một đứa trẻ hư đâu”

Thằng bé cười, nó giơ bàn tay nhỏ xíu tạm biệt tôi.


(Hết)

-----

Tác giả: Cấn Khánh Linh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan