Đứa trẻ và nỗi đau

“Những tổn thương của tuổi thơ luôn khó lành hơn vết thương trên da thịt”

“Những tổn thương của tuổi thơ luôn khó lành hơn vết thương trên da thịt”

Năm 21 tuổi, lại một lần nữa nhìn lại hành trình của mình đã trải qua, vậy là tôi đã có cho mình được 16 năm xa nhà, xa cha mẹ từ khi 5 tuổi. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đi đường rừng từ biên giới Campuchia băng qua cánh rừng ở tỉnh Tây Ninh để về Việt Nam và cái cảm giác nôn thốc nôn tháo đến mức khàn cả họng chẳng nuốt trôi thứ gì, chuyến đi dài 10 giờ đồng hồ với đủ loại hình thức trung chuyển bằng các loại xe khác nhau, đối với trí nhớ của một đứa con nít 5 tuổi thì bạn cũng biết độ gian nan đó như thế nào. Lúc đấy tôi đi cùng dì và ngoại của mình tìm về Việt Nam để ở nhà của của người dì thứ hai, tôi cũng chẳng biết vì sao hai người họ lại nê na tôi theo như vậy, tôi không hiểu nhưng cũng không hỏi cho đến ngày họ bỏ tôi đi, bỏ tôi ở lại nhà dì - một nơi vô cùng xa lạ, là cái nơi không phải nhà tôi “đâu có ai mà tôi quen đang sống ở đây chứ, sao mình lại ở đây” quá nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng rồi cái gì đến cũng đến, cái khoảnh khắc có lẽ cả đời này sẽ chẳng bao giờ phai, cái khoảnh khắc trả lời cho mớ thắc mắc ở trên kia đã xuất hiện chỉ ngay ngày hôm sau. Bạn hãy thử tưởng tượng hai người thân thiết của mình, là chỗ tựa duy nhất để bạn bám víu ở nơi lạ lẫm ấy đã biến mất trong một đêm, như một cơn kinh hoàng, mơ màng trong cơn hoảng loạn ấy là hàng loạt câu an ủi từ người lạ nhưng có được gì ngoài cảm giác rằng “mình là kẻ đã bị bỏ rơi”. Cơn đau thất kinh đầu tiên đã đến với tôi ở những năm đầu đời, ở cái độ tuổi chỉ là một đứa bé cần được ở trong vòng tay cha mẹ thế mà trong một đêm tôi đã sống ở một nơi mà tất cả đều xa lạ, tôi đã nếm trải được mùi vị và cảm giác của cơn đau đấy. Nỗi đau xuất hiện bất chấp bạn và tôi đang ở độ tuổi nào của đời người, là vết sẹo tâm lý đầu đời mà tôi phải mang trong mình

Thời gian diệu kỳ thật đấy, có điều gì có thể chiến thẳng được thứ thời gian được tạo hoá ban cho sức mạnh vĩnh hằng kia chứ, rồi mọi việc cũng đâu vào đó, đến trường học tập, có bạn, có nơi sống mới, ‘’cha mẹ’’ mới, thế nhưng nỗi đau vẫn mãi đau đáu nơi tâm hồn mong manh đó, có bao giờ hết đâu. Những năm tháng sau đó, tôi cũng đã bắt đầu quen với nơi ở mới đấy, tôi đến trường học như bao đứa trẻ khác, có bạn bè và những người thân mới, tôi gọi dì dượng hai của mình là bố mẹ, gọi dòng họ của dượng hai như cách gọi của người con ruột và thế là một ngôi nhà mới, những người thân mới được thiết lập. Nhìn từ ngoài, đứa trẻ vẫn trưởng thành mạnh khoẻ, nói cười bình thường đấy thôi thế nhưng điều đứa trẻ ấy vẫn luôn mong chờ là được nói chuyện với ba mẹ mình, vẫn mong ngóng tới ngày được trở về ngôi nhà thực sự của mình, được gặp cha mẹ ruột rà của mình. Hiện thực tàn nhẫn lắm, những mong ngóng mỏi mòn ấy lại không được phép khi họ gieo vào đầu tôi là những lời nói độc hại “nhớ làm gì, nhớ thì về đi khỏi ăn học gì nữa, ăn học ở đây không lo, về với ba mẹ mày cho dốt nát à”... Thời điểm đó tôi chỉ là một đứa con nít, các bạn à. Đứa trẻ ấy đã phải chịu đựng, nén hết tất những nhớ nhung uất ức vào trong, góc kẹt giường trong buồng tối là nơi đứa trẻ ấy thích nhất nó chui toàn bộ cơ thể của nó vào trong co rút lại như thể nó đang tự ôm, tự vỗ về chính mình thay cho cha mẹ nó.

Những ngày tháng tiếp theo ra sao, đứa trẻ ấy sống như thế nào, đã được gặp cha mẹ mình chưa, chuyện học tập ra sao rồi?

Tôi vẫn phải tiếp tục sống những ngày tháng ấy uất ức cùng cực ấy may thay tôi còn có các bạn của mình, trường học chính là nơi để tôi có thể bung xõa phần nào cảm xúc của mình nhưng cũng chẳng tốt đẹp gì mấy khi mà sự so sánh năng lực bắt đầu diễn ra. Sự so sánh đến từ thầy cô, đến từ gia đình và hơn hết đến từ chính mình. Tôi đã trở thành một đứa trẻ không còn được sự ngây thơ, trong sáng về thế giới này nữa, tôi là một đứa trẻ mà trong tôi là một thế giới cô đơn cùng cực, là một thế giới của những sự tiêu cực, nghi ngờ chất vấn bản thân mình mỗi khi thành tích học tập không tốt. Trong suốt hành trình trưởng thành của mình tôi luôn phải ngưỡng mộ những bạn hơn mình, những bạn thể hiện được chính mình điều mà tôi không làm được. Một đứa trẻ mang trong mình những nỗi đau bị đè nén suốt chừng ấy năm, luôn bị phủ nhận thì sự tự ti luôn là nỗi ám ảnh đeo bám đứa trẻ ấy, sự phủ nhận từ người ngoài và từ chính đứa trẻ, nó đã hoàn toàn từ bỏ chính nó. Tôi không phải là một đứa bé không giỏi, còn nhớ lại cái khoảnh khắc tôi mang tờ giấy báo họp phụ huynh về nhà, cô giáo nói tôi được hạng nhất, đợt ấy phản ứng của họ là chê cười dè bỉu tôi “nhất cái gì mà nhất, nhỏ này mà nhất cái gì nhất từ dưới đếm lên thì có”, tôi chẳng biết đó là lời nói đùa hay là gì nhưng tôi còn nhỏ lắm làm sao tôi phân biệt được sự thật giả trong lời nói ấy đâu, đáng lẽ ra lời mà tôi phải nhận được phải là sự khen thưởng nhưng tại sao thứ tôi nhận được là những lời nói như vậy. Nỗi ám ảnh năng lực cứ như thế kéo dài cho đến bây giờ vẫn chưa bao giờ xoá hết. Bạn biết không, sự tự ti đã khiến tôi chẳng thể làm được gì, tôi không có cho mình được dũng khí để có những bước tiến trong học tập, ngay cả việc đứng thuyết trình hay phát biểu trước lớp cũng khiến tôi lo sợ, run rẩy, tôi sợ những ánh mắt phán xét, những cái nhìn như thể họ đang lột trần tôi trước ánh sáng. Cơ thể của tôi cứng đờ, gương mặt gượng cười đến tê rần. Tôi nhìn những người bạn ăn nói tự tin mà nhục nhã, sự thất bại ngập tràn trong con người tôi. Có chăng sẽ được một lần nào tôi được công nhận? Không có, chưa từng có! Những điều tệ hại ấy hình thành cho tôi tính nhạy cảm, điều ấy đã khiến tôi phải hứng chịu mọi khổ sợ, sự tự hành hạ bản thân mình.  

Mang nỗi tự ti ấy mà sống suốt chừng ấy năm, đứa trẻ vẫn mãi sống trong góc kẹt của sự tăm tối, thế giới tâm hồn của nó ngập tràn những vết thương chi chít, âm ỉ đau mãi không nguôi. Đứa trẻ ấy không có ai bảo vệ nó, ôm nỗi khổ đấy tự mình liếm láp cho vơi bớt sự thống khổ tạm thời để rồi một lần nữa mạnh mẽ tiếp tục kéo dài sự sống vô nghĩa này. Nhưng, tôi biết và vẫn luôn chắc nịch một điều rằng tận sâu bên trong đứa trẻ ấy là một cái động chứa đựng những dục vọng, những khát khao, ham muốn được giỏi giang, được công nhận, được theo đuổi thứ nó mong muốn và hơn hết khát khao được mọi người khen nó một câu chỉ như thế thôi. Sâu trong bể dục vọng đấy nó luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, nó bắt mình phải tìm cho bằng được sự hiện diện của nó trên cõi đời này có phải chỉ toàn là sự đớn đau hay không, nó phải tìm ra được nó là ai trong vũ trụ bao la này….Đứa trẻ mang trong mình những khổ đau ấy nhưng chưa từng từ bỏ khát vọng tìm lại chính mình.


Người viết: Như

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan