Em giả vờ mạnh mẽ để ai xem?

Thứ em muốn che đậy không phải là khiếm khuyết trên gương mặt hay đôi mắt mà chính là sự tự ti trong tâm hồn. Em là em, là chính em, em không phải là ai khác và không cần phải trở thành ai khác.


Em giả vờ mạnh mẽ để ai xem?

Cuộc đời này mỗi người đều mang trong mình những chiếc mặt nạ. Ít ai biết rằng, ẩn đằng sau đó là sự che đậy khéo léo, là những góc khuất mà ban ngày chúng ta không thể nhìn thấy được.


Đến trường, em giả bộ là người nhiệt tình, hoạt náo, em muốn được thầy cô yêu quý, chan hòa với tất cả bạn bè. Cuối năm, mẹ đi họp phụ huynh, nhìn vào bảng thành tích, mẹ hài lòng, xoa đầu em và nói: “Con gái của mẹ thật ngoan, rất giống mẹ ngày xưa”. Con ngoan là vâng lời cha mẹ, cứ thế làm theo không cần suy tính, em là một bản sao, một cái bóng mà mẹ đã đặt biết bao kì vọng và tin yêu lên đó. Em muốn làm mẹ vui, vậy là em lao đầu vào học, học để ai đó hài lòng, học vì đó là cách duy nhất để những người yêu thương em hạnh phúc.


Đi làm, em giả bộ là một người hướng ngoại, em gạt bỏ tiếng nói nội tâm kêu cứu bên trong để ép mình tham gia những bữa tiệc phô trương ồn ã, em tự an ủi chính mình “Phải tìm cách hòa nhập với thế giới, mình không thể bị bỏ lại phía sau”. Em mải miết chạy theo những giá trị vốn không thuộc về em, tiếng nhạc xập xình khiến em mệt mỏi, tiếng cười nói xung quanh khiến em hoang mang vô hướng, vậy mà em vẫn quay cuồng trong chốn công sở ấy, tự hào rằng cơ hội nghề nghiệp ở đây là mơ ước không tưởng của bao người. Tôi biết, những gì em đang có, hào quang em đang mang là hạnh phúc của người khác, nhưng đó tuyệt nhiên không phải là hạnh phúc của em, bởi ngay từ đầu em chưa bao giờ học cách lựa chọn, ra quyết định và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Em tự trách bản thân mình xấu xí và thoa lên đó đủ các loại mĩ phẩm cao cấp, em không muốn để mặt mộc ra ngoài vì sợ bị đánh giá, sợ mất mĩ quan. Thứ em muốn che đậy không phải là khiếm khuyết trên gương mặt hay đôi mắt mà chính là sự tự ti trong tâm hồn. Em bắt đầu nhìn sắc mặt của người ta để nhún nhường, đã biết cách nhẫn nhịn khi bị những người có chức có quyền đặt điều vô cớ, đã biết chôn chặt cá tính của bản thân để sống theo một khuôn mẫu mà xã hội đánh giá rằng đây mới là người phụ nữ thanh lịch.


 

Con rối của mẹ

Tan làm, em gọi tôi, giọng uể oải “Uống không, mười giờ qua nhà em?”. Tôi sắp xếp tài liệu, vội vàng đến khu chung cư cũ. Đẩy cửa bước vào, căn phòng lộn xộn, trên bàn còn vương vãi mấy gói mì tôm ăn dở. Từ khi nào em bắt đầu buông thả bản thân, tôi thở dài, hỏi em một câu mà tôi đã nhắc lại không biết bao lần: “Sống giả tạo như thế, em có hạnh phúc không?”. Em vùng vằng hờ hững: “Kệ em, đời em em sống liên quan gì tới anh!”. “Nhưng anh là anh trai em, nếu em không coi anh ra gì thì còn gọi anh đến làm gì! Em có khác gì mẹ đâu, chỉ những lúc cần mới gọi anh, anh là cái rẻ rách để em thích dùng thì dùng không dùng thì bỏ sao!”. Em tự cho mình cái quyền ngược đãi bản thân, dù cho phải làm những điều em không thích. Em cười nhạt, đưa tay với lấy chai vang whisky rót một ly đầy rồi uống cạn :

-        Anh không biết đâu, để tồn tại ở chốn công sở, em đã nỗ lực rất nhiều, rất nhiều!.

Sống giả tạo cũng là một nỗ lực ư? Em đang hạ thấp giá trị của bản thân hay đang cố trở thành hình mẫu của ai đó.

-        Đứa nào, đứa nào làm em ra nông nỗi này?- Tôi gần như không kiểm soát được cơn giận của mình nữa.

Em đáp, giọng lạnh băng:

-        Chẳng có ai cả, là em tự nguyện.


Tôi không trách em, tuổi thơ chúng tôi đã trải qua những đêm dài ác mộng, từ cái cách nuôi dạy khắc nghiệt của mẹ đến những kì vọng của ba, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ không hồn, như một bản thể quên mất rằng mình còn có cảm xúc. Mẹ dạy chúng tôi phải cười mọi lúc vì khóc sẽ xấu lắm! “Con là công chúa mà, công chúa phải cười mới xinh”, “Con sẽ đạt điểm mười chứ! Sẽ đứng hạng nhất chứ”. Em đã đáp ứng những kì vọng ấy như một cỗ máy, em không hiểu rằng ranh giới giữa kì vọng và lòng tham chỉ là một khắc mong manh biến chuyển. Mẹ sinh ra em là để thực hiện những giấc mơ mà mẹ hằng ao ước, em không hơn gì một con rối mất đi cảm xúc và linh hồn. Em cô đơn mà không thể nói, em đau đớn mà không thể cảm, bởi em có nói thì chẳng ai giúp được em, kể cả tôi. Tôi cũng bị nhốt trong chiếc vòng kì vọng đó, sự bất lực vùng vẫy muốn thoát ra khỏi nơi mà tôi gọi là gia đình chỉ như tiếng vọng xa xôi khi ai đó hét lên vào trong rừng thẳm. Không một lời đáp lại. Chẳng ai nghe thấy lời kêu cứu của chúng tôi.


Khi đã trưởng thành, những tưởng những kí ức ấy sẽ không còn đeo đuổi nữa, tôi và em vẫn mệt mỏi vì phải đóng vai là con người hạnh phúc tám tiếng một ngày. Nhiều lần em muốn chết, em nói với tôi nửa đừa nửa thật về ước nguyện của mình:

-        Thế giới nhìn từ trên cao chắc đẹp lắm anh nhỉ? Em xem phim bom tấn của Marvel, thấy cảnh bay lượn của các superman ngầu lắm!

Tôi gắt lên, gõ vào đầu em lấy “cốc” một cái:

-        Ngầu cái con khỉ, mai anh mua vé cho em đi máy bay tha hồ ngắm cảnh nhé! Em mà lên thiên đàng, anh ở đây với ai? Hả!!!

Tại sao khi khổ đau và bế tắc, chúng ta chỉ muốn kết thúc cuộc sống này?

Cái chết có thực sự là cánh cửa để giải thoát mọi lỗi lẫm, để con người được thanh thản ra đi với những gì họ đã làm trong quá khứ. Dù rằng họ chết đi, thân thể sẽ hóa thành cát bụi, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, như những mảnh kí ức khổ đau ghim vào trong tim những người ở lại. Liệu rằng ở thế giới bên kia, họ có cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy người mình thương tiếp tục một kiếp sống dật dờ.


Em khóc, giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt bấy lâu nay vẫn gắng nở nụ cười giả tạo:

-        Em không muốn sống như vậy nữa, 25 năm là quá đủ rồi!!

Tôi ôm lấy em, bờ vai nhỏ run run như những ngày thơ ấu. Tôi là anh mà không thể bảo vệ em, tôi chỉ biết mắng em vô cảm, chỉ biết lo cho bản thân mình. Em không sai, em không làm gì sai cả, em không phải là mẹ, không phải là con rối của mẹ ngày ấy nữa! Đã bao lâu rồi em được khóc, em được xả ra thứ cảm xúc mà em đã tự trói buộc lên mình, nước mắt đã làm trôi đi lớp mặt nạ giả tạo để tôi được thấy em chân thật nhất. Đã bao lâu em chẳng soi gương, em chẳng muốn nhìn thấy vẻ ngoài của mình, em sợ soi gương vì sẽ thấy một bản thân vụn nát, giả tạo và không còn sinh khí. Cuộc sống bộn bề đã cuốn em theo dòng chảy, em ép bản thân mình làm việc liên tục để quên đi nỗi đau, em tìm đến sự ồn ào để lảng tránh khoảnh khắc cô đơn khi đối diện với chính mình. Cái tôi trong em, lạnh lùng và trống rỗng. Kể từ khi mẹ qua đời, những tưởng em và tôi đã thoát ra khỏi chiếc lồng sợ hãi kìm kẹp tâm hồn hai đứa trẻ, nhưng không, đứa trẻ trong em trong tôi vẫn gào khóc mỗi đêm, vẫn nũng nịu và thèm được sưởi ấm. Tôi là điểm tựa duy nhất của em lúc này, và em lại trở thành chỗ dựa bình yên khi đứa trẻ bơ vơ lạc lõng trong tôi bắt đầu cất tiếng. 


Chúng tôi vụng về băng bó cho nhau những tổn thương. Hai trái tim băng giá sẽ phải học cách trưởng thành và cùng nhau sưởi ấm. Em à, hãy sống một đời và làm những gì em muốn. Em là em, là chính em, em không phải là ai khác và không cần phải trở thành ai khác. Dù cho cuộc sống đã cho chúng ta nhiều nghịch cảnh nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đầu hàng số phận. Chúng ta thiếu thốn tình thương nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta nghèo nàn tình cảm. Anh và em có thể tạo ra tình thương với cuộc đời và san sẻ nó với những trái tim cô đơn khác, sự sẻ chia không khiến em mất đi điều gì mà còn giúp em nhận lại nhiều hơn những gì em đã cống hiến.

Em mạnh mẽ đâu cần để cho ai xem, em mạnh mẽ là để chứng minh với chính bản thân mình: “Tôi là người hạnh phúc.”


Tác giả: Lily Trương

Ảnh: Pinterest


BẢN THẢO
Bài viết liên quan