Những ngày đầu tiên tự chữa lành cho bản thân, tôi tìm được từ khóa: EQ - trí tuệ cảm xúc. Lúc đó, họ nói rằng những người có trí tuệ cảm xúc cao đều hạnh phúc. Nhưng khổ nỗi, tôi có cố gắng xem bao nhiêu video, đọc bao nhiêu sách, tôi cũng vẫn trong trạng thái mơ hồ không hiểu trí tuệ cảm xúc là gì? Nó biểu hiện thực tế là như thế nào? Tôi vẫn mơ hồ lắm.


Nhưng bây giờ, sau khi trải qua quá trình học hỏi và áp dụng nó, tôi có thể tự tin chia sẻ về trí tuệ cảm xúc cho mọi người cùng nghe rồi.

____________________________




EQ - Trí tuệ cảm xúc là gì?

Cách bạn thể hiện cảm xúc của bản thân làm sao khi nói chuyện, cả người nghe và bản thân đều cảm thấy đẹp lòng.


Nó có hai ý:



  1. Thể hiện cảm xúc của bản thân.
  2. Người nói và người nghe đều đẹp lòng.


Tôi thì mới có làm được ý thứ nhất thôi, còn ý thứ hai tôi vẫn còn phải học hỏi thêm nhiều lắm.


Thực ra để mường tượng được người có EQ cao khá khó khăn đối với tôi, bởi vì xung quanh tôi hầu như mọi người đều hành động theo hai cách:

  • Hoặc là theo bản năng : Nghĩ gì nói nấy, nghĩ gì làm nấy. Mắng hoặc đánh con cái không thương tiếc.
  • Hoặc là kìm nén cảm xúc.

Bố mẹ thì mắng con cái, con cái phải kìm nén. Những người lớn tuổi hơn thì luôn nhìn thấy lỗi lầm của người nhỏ hơn để rồi cay nghiến hoặc có những hành động đánh đập, hăm dọa người nhỏ tuổi, ... Còn những người nhỏ hơn thì vì phản kháng sẽ có những lời nói chưa được trau chuốt của mình mà làm phật lòng người lớn. Từ đó dẫn đến tổn hại cho bản thân cả về cơ thể lẫn tâm hồn. Một số khác chọn kìm nén trong lòng để rồi một ngày không chịu nổi được nữa mà chọn cách xa lìa thế giới. Nên tôi cũng chẳng thể tưởng tượng nổi người có một EQ cao là như thế nào.


Nhưng may quá, chúng ta có mạng xã hội, có Internet, nên tôi biết kha khá những người có EQ cao. Bạn có thể tìm hiểu về Jin - BTS, Khang Khang - hot tiktoker trên Douyin (Trung Quốc) và Hà Mã tấu của Schannel. Đặc điểm chúng tôi thấy ở những người này là cảm xúc của họ được thể hiện ra một cách rất tự nhiên nhưng chả ai mất lòng cả. Ngược lại họ còn khiến người khác thấy đáng yêu hoặc dễ thương vì cách thể hiện duyên dáng của họ. Họ có thể nổi giận, có thể trách móc, có thể lì lợm hay đôi lúc phạm phải sai sót, nhưng bằng một cách nào đấy, họ vẫn có thể cười tươi mà tiếp tục đón nhận những điều mới khác. Không như chúng ta, ngồi dằn vặt mãi xem người khác có nghĩ gì về mình hay không hay có phật lòng gì với mình hay không?


Vậy làm sao để hạnh phúc - cười nhiều như họ? Vậy thì phải tìm hiểu cách thể hiện cảm xúc của bản thân rồi.


____________________________________

Như đã nói ở trên thì EQ có hai ý, chúng ta cùng vào từng ý một nhé!



1. Thể hiện cảm xúc.



Bước 1: Hãy học cách tha thứ cho những sai sót của bản thân.

Vì dù bạn có làm sai chuyện lớn hay chuyện nhỏ, thì người khác cũng không tha thứ cho bạn đâu, họ sẽ ghim đó! Những người bên cạnh bạn càng cố gắng bới lông tìm vết của bạn để hạ thấp bạn (hoặc là chỉ để thỏa mãn cảm xúc giận dữ hay thích đi cà khịa của họ) thì bạn càng phải tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân. Nếu như bạn cũng tự dằn vặt mình về cái lỗi mà bạn đã gây ra, thì bạn cứ mãi bị kẹt trong suy nghĩ của chính mình thôi. Học được cách tha thứ cho bản thân, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn một chút. Cậu tôi từng nói rằng: "Quá khứ thì cũng là quá khứ rồi, quan trọng là ngày mai bạn có tốt hơn hôm qua không thôi?"

Bởi vậy, hãy nhường chỗ cho những suy nghĩ tích cực hơn thay vì ngồi tự vấn lương tâm nhé!



Bước 2: Nhận ra mình sai và đúng.

Bước này giúp bạn nhìn nhận rằng mình đã thể hiện thế nào, sai ở đâu và đúng ở đâu. Nó sẽ giúp bạn biết mình đang ở vị thế nào trong cuộc hội thoại.

Chẳng hạn như tôi nhé: Trong cuộc cãi nhau với ông, không bao giờ tôi dám nói câu : "Ông là người như thế này, ông là người như thế kia". Bởi vì dù sao là phận cháu, chỉ cần bản thân mình nói lời như thế có nghĩa là mình sai rồi. Kể cả ông có nói tôi là con ngu hay con này con kia, tôi đều cố gắng nhịn mà không quát ông. Vì chỉ cần mở miệng nói câu đánh giá người khác khi đang cãi nhau, bất cứ trường hợp nào thì mình đều là người sai. Nên tôi chỉ có thể cãi theo cách -> Bước 3



Bước 3: Thành thật với cảm xúc của bản thân.

Tôi đã đọc cuốn "Không làm thinh với cảm xúc" của tác giả Gill Hasson. Cuốn sách cho tôi cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân cũng cách mà cảm xúc chúng ta đang bảo vệ bản thân mình.

- Lo lắng đang bảo vệ chúng ta khỏi những điều không hay.

- Sợ hãi bảo vệ chúng ta khỏi những điều nguy hiểm.

- Giận dữ bảo chúng ta phải dừng ngay hành động gây nguy hiểm lại.

- Ghen ghét bảo vệ chúng ta khỏi những điều không hợp với bản thân.

- ......


Khi tôi đã hiểu nó như vậy, cái tôi cần nói mỗi khi tôi trở nên tiêu cực là: "Tôi đang cảm thấy ...(từ về cảm xúc) ...". Rồi tôi viết nó ra giấy xem là mình đang cảm nhận thế nào. Cứ như vậy mình sẽ đỡ bị tiêu cực và hiểu rằng cảm xúc của "người bên cạnh" là họ đang bảo vệ chính họ mà thôi.


Bạn có thể tham khảo bánh xe cảm xúc để có thể hiểu một chút về nó.


Bánh xe cảm xúc với 8 cảm xúc cơ bản nằm ở vòng thứ hai.



Bước 4: Bạn không phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác.

Nó chỉ đơn giản là cảm xúc của người khác thì họ tự đi mà giải quyết đi, bạn chỉ có thể giải quyết cảm xúc của mình thôi. Bạn chỉ có thể điều khiển cảm xúc của bạn, bạn không thể điều khiển cảm xúc người khác được đâu. Họ nghĩ gì là việc của họ, còn bạn phản ứng sao với điều đó thì phải dựa vào bạn rồi.



Bước 5:

a) Hãy xin lỗi khi điều bạn làm khiến "người bên cạnh" tổn thương.

Anh Nguyễn Hữu Trí đã nói rằng: "Xin lỗi vì hành động của bạn khiến "người bên cạnh" tổn thương, chứ không phải là mong đối phương tha thứ."

Có rất nhiều người họ ngại một lời xin lỗi, chỉ đơn giản là họ ngại thể hiện và "người bên cạnh" xung quanh họ không làm như thế. Người Việt ta thường kị trong việc thể hiện quá nhiều cảm xúc ra bên ngoài, họ sợ rằng khi mà thành thật với bản thân quá thì sẽ không tốt. Nhưng chúng ta cũng được dạy nên học cách xin lỗi như người Nhật hoặc người Trung như một câu cửa miệng vậy. Nên là chúng ta đang học cách hành xử văn minh hơn mà thôi.

Chịu trách nhiệm cho hành động của mình cũng là một điều đáng quý.


(*) Người bên cạnh: Người mà họ có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân (ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè, ...).

(*) Người khác: Họ không có ảnh hưởng đến bản thân, và họ chỉ công kích bạn để thỏa mãn cảm xúc của họ.


b) Nói lời cảm ơn.

Cái này thường sẽ giúp ích cho việc thể hiện cảm xúc. Đôi khi, nó cũng khiến chúng ta dễ thương hơn.



Tổng kết lại 6 bước tôi rút ra được. Bước nào cũng có một phần quan trọng của nó. Nếu học được cách thể hiện cảm xúc thì bạn đã có thể hạnh phúc hơn từng ngày rồi đấy, phải không nào?



2. Người nói và người nghe đều hài lòng.


Cái này thì đại khái là: Trong cuộc nói chuyện, bạn biết vấn đề đang ở chỗ nào và bạn nhìn ra nó.


Chẳng hạn:


- Hôm qua dì tôi cứ trách móc đứa em vì nó đã để cho bạn bè biết dì là giáo viên (mặc dù nó không cố ý). Chủ yếu điều đấy xuất phát từ nỗi sợ là nếu không cẩn thận thì sẽ có người đến kiếm chuyện. Tôi hiểu được điều đó. Và tôi giải thích cho hai đứa em là: "Chỉ vì mẹ em sợ sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động của hai đứa nên mẹ mới trách móc nặng nề thế thôi, nên là làm thì làm rồi, lần sau cố gắng đừng như thế nữa là được"


Tôi đã áp dụng các bước 1, 2, 3 như tôi đã nói ở trên. Đầu tiên là nhìn ra ai mới đang là người có vấn đề thực sự, rồi chọn cách giải thích hợp lí, đúng tâm trạng, tình huống.


Muốn nhìn ra được vấn đề nằm ở đâu thì các bạn hãy chăm viết suy nghĩ, cảm xúc của mình ra giấy, hoặc đi tìm câu trả lời cho tất cả những câu hỏi của bạn( Tại sao bố mẹ lại thích mắng con cái? Làm cách nào để bố mẹ không mắng tôi nữa? ...) Tôi cũng hay áp dụng cách này cho bản thân và thấy nó cực kì hiệu quả. Đặc biệt là trong trường hợp lí sự với các bậc trưởng bối thì tôi có thể chứng minh rằng mình không ngu dốt đến nỗi phải ngồi nghe các ông dạy đời mình nữa rồi.



Kết lại:


"Trí tuệ cảm xúc là thứ có thể luyện tập được" - Điều này hoàn toàn đúng đắn. Không phải luyện tập vì lấy lòng hay nịnh nọt ai, mà là để yêu bản thân chúng ta hơn mỗi ngày. Tôi từng nghĩ đến một câu nói: "Bạn đối xử ra sao với bản thân, thì bạn cũng sẽ đối xử với người khác như vậy". Nếu bạn yêu thương bản thân mình hơn, mở lòng lắng nghe cảm xúc của bản thân thì bạn mới có thể yêu thương, mở lòng với người khác được. Bạn cảm nhận được nỗi đau, bạn mới có thể đồng cảm được với nỗi đau của người khác. Bạn khiến mình hạnh phúc, thì người khác cũng sẽ hạnh phúc. Nên hạnh phúc đều nằm trong lòng bàn tay của bạn cũng như cách bạn hàng động. Đừng để trái tim kia mãi đóng cửa, hãy mở nó ra để đón nhận hạnh phúc nhé.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan