Gia đình "méo mó"

Chúng ta có vẻ trông giống một gia đình, tuy nhiên không hẳn vậy.


 Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau (Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2010 định). Khái niệm gia đình đã xuất hiện từ rất sớm, từ thời con người còn ăn lông ở lỗ. Gia đình là thành phần không thể thiếu của xã hội, người ta còn ví von gia đình là tế bào của xã hội, góp phần phát triển và nuôi dưỡng mỗi cá nhân. Bởi vậy, hai tiếng “gia đình” là khái niệm về tình yêu thương, an toàn và trách nhiệm. Nhắc đến gia đình, con người ta thường cảm thấy tự hào, ấm áp và luôn khao khát được trở về mái ấm đầy tình thương ấy. Tuy nhiên, nơi kia đôi khi cũng có những góc khuất tâm hồn trong lòng một số người.


Đó là những đứa trẻ ao ước được tự do vùng vẫy trên đôi cánh ước mơ lại bị chính gia đình mình kìm hãm. Bao định nghĩa về thành công là phải trở thành người có địa vị trong xã hội, phải được gọi là ông này bà nọ lần lượt được dồn nén vào tâm trí của trẻ thơ. Và chúng chỉ có thể trở nên thành công khi trở thành bác sĩ hay luật sư. Và còn những lĩnh vực. Vẽ vời? Ca hát? Nhảy múa? Tất cả đều là nhảm nhí, sẽ không có người nào đạt được thành tựu và được kính trọng khi làm các ngành nghề ấy. Chính vì thế, họ đã che mất ánh sáng dẫn đến ước muốn của bọn trẻ bằng những lời tựa như “Hãy thôi mơ mộng viển vông đi”, “Bỏ quách cái tư tưởng xướng ca vô loài đó” hay “Ngừng lải nhải về mấy thứ nhảm nhí là vừa rồi đấy”. Con người hay ca tụng gia đình là nơi nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ bay cao bay xa tuy thế vẫn có một số người trẻ bị chính gia đình mình cắt đứt đôi cánh đó và bắt buộc phải đi theo con đường được vẽ sẵn, bất chấp chuyện chúng có muốn điều đó hay không. Những "đứa trẻ thơ ngây" ấy cần sự động viên và sức mạnh từ gia đình để chinh phục ước mơ, ấy vậy mà cuối cùng gia đình lại làm mờ nhạt ao ước hằng mong. Không những thế, một bộ phận gia đình còn trở thành áp lực nặng nề cho con cái. Bọn trẻ luôn trở về nhà trong trạng thái thấp thỏm lo sợ khi bài kiểm tra toán trên lớp chỉ được điểm tám, khi thất bại trên con đường khởi nghiệp hay thậm chí vì chúng đã cứu một chú chó nhỏ mà làm vấy bẩn bộ đồng phục mới. Gia đình là nơi dang rộng vòng tay chào đón các thành viên quay trở về với tình yêu thương chan chứa như lời trong bài Một triệu like của rapper Đen Vâu:



“Hạnh phúc là khi về nhà mẹ vẫn chờ ba dang rộng cửa

Những lúc như thế đời chẳng còn gì quan trọng nữa”.

 


Thế nhưng có lẽ đôi khi cũng kèm theo điều kiện: cánh cửa về nhà chỉ dành cho những kẻ xuất sắc.





Gia đình có khi lại là lớp vỏ bọc cho sự dối trá. Trên mạng xã hội, chúng ta không thể nhìn nhận chính xác về một người bởi họ có thể sử dụng những hình ảnh không thực để ngụy tạo một vẻ ngoài hoàn hảo, khiến bao người trầm trồ. Gia đình cũng thế. Chúng ta cũng có thể “cải trang” thành một gia đình hạnh phúc nhờ vào nụ cười không mấy tự nhiên của các thành viên trong đó. Phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, có khi trong một gia đình thoạt nhìn vô cùng viên mãn vậy mà lúc sau khi nở một nụ cười thân thiện với hàng xóm và đóng sập cửa lại, căn nhà đó chỉ toàn những khuôn mặt lầm lì, vô cảm. Ngoại tình, bạo hành, chứng kiến cha mẹ chúng chì chiết lẫn nhau là thứ diễn ra sau cánh cửa của một “gia đình hạnh phúc”. Những người lớn ấy đã cảm thấy nơi gia đình này chẳng còn thuộc về nữa, có những mối quan hệ ngoài luồng mà vẫn phải nở một nụ cười thật thân tình để tạo nên một lớp vỏ hoàn hảo về một gia đình êm ấm. Và kết quả là một gia đình kém hạnh phúc đang ngưỡng mộ, ca ngợi về một gia đình cũng không tròn đầy. Những đứa trẻ “trưởng thành” phải gồng mình để chống chọi với cô đơn và suy nghĩ tiêu cực khi phải chứng kiến thước phim không tròn vẹn lặp lại mỗi ngày. Hoàn cảnh bắt buộc chúng phải trưởng thành hơn so với tuổi thật và dặn lòng phải lớn thật nhanh để thoát ra khỏi “gia đình hạnh phúc”. Thế nhưng, khi đã lớn, khi đã thực sự thoát ra khỏi gia đình, bọn chúng sẽ thực sự hạnh phúc không? Hay bọn trẻ lại tiếp tục tái hiện một “gia đình hạnh phúc” hệt như chúng đã trải qua? Nhiều nghiên cứu đã cho rằng hoàn cảnh lớn lên và hành vi của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách cũng như tư tưởng về sau của chúng. Thế chẳng khác nào dối lừa tiếp nối dối lừa?



Gia đình là nơi các thành viên kết nối với nhau chặt chẽ và động viên nhau cùng phấn đấu. Cũng chính gia đình đã làm cho một vài người lại cảm thấy cô độc giữa không gian tưởng chừng thân thuộc nhất. Thời đại 4.0, con người có thêm nhiều “người bạn” mới là các thiết bị điện tử và mạng xã hội và các “người bạn” này luôn đem lại cho họ sự thích thú bất kì thời gian rảnh rỗi nào. Kết quả là chúng cuốn mất đi sợi dây giao kết của các thành viên, khiến họ chỉ chăm chăm chìm đắm vào thế giới riêng mà quên đi bữa cơm gia đình hay các buổi dạo chơi cùng người với người. Cùng ngồi trên một bàn ăn, trên cùng một chiếc ghế dài mà dường như không đôi mắt nào nhìn thấy nhau. Từ đó ta thấy một xã hội ra đời từng mái ấm nhưng nhiều thế giới riêng, nhiều bức tường ngăn cách. Đôi khi, ai đó muốn xin một lời khuyên hay động lực để bước tiếp từ những thành viên trong gia đình rồi thở dài bất lực, không thể mở lời trước sự xa cách lòng như thế. Bọn trẻ với băn khoăn tuổi dậy thì hay đang dở dang sự nghiệp đang cần sự tiếp sức từ những người điểm tựa nào ngờ họ bị cô lập trong chính ngôi nhà của mình. Chúng ta có vẻ trông giống một gia đình, tuy nhiên không hẳn vậy.





Gia đình, đôi khi lại là gánh nặng đối với một số người. Họ chưa sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân, chưa đủ dũng khí để chịu trách nhiệm thì lại bị bắt buộc phải lập gia đình. Một số người vẫn đang mải mê vẫy vùng giữa bầu trời của riêng họ thì lại bị hối thúc phải lập gia đình sớm từ người lớn và phải chịu những cái mác không tốt đẹp. Tại sao chúng ta phải tạo dựng nên một gia đình trong khi biết rõ bản thân chưa sẵn sàng cho điều đó? Tuổi tác? Ổn định? Hay thậm chí do mọi người xung quanh đều đã thành gia lập thất? Để rồi chúng ta tạo nền nền móng gia đình không vững chãi, dễ đổ vỡ. Lập gia đình không giống như dựng một mô hình đồ chơi mà có thể dễ xây đắp, dễ tháo đỡ. Việc này liên quan đến nhiều cuộc đời khác nhau, gắn kết và kéo dài nhiều thế hệ. Hãy nhớ rằng, việc tạo dựng một gia đình là sự lựa chọn, không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ.



Ngày nay, có vẻ khái niệm gia đình không dừng lại ở mối quan hệ huyết thống, chung một mái nhà nữa, mà đó có thể là một tổ chức nơi những người không quen biết, cũng chưa từng gặp mặt tạo dựng nên. Họ có thể cùng đam mê, sở thích, mục tiêu, tài năng, hoặc có thể là không hề có điểm chung. Và họ quyết định đùm bọc, nâng đỡ và lắng nghe nhau như người một nhà. Bởi mới thấy, khi người lạ còn có thể là chỗ dựa tinh thần cho nhau, chúng ta có thể “tâm sự với người lạ” thì gia đình còn có ý nghĩa đến mức nào? Hai tiếng “gia đình” nghe thân thương và ấm áp biết mấy, tuy vậy, góc khuất của nó cũng không hề đơn giản. Hãy vun đắp một gia đình đúng với vai trò của nó: bao dung và che chở, đừng để khái niệm gia đình bị bóp méo một cách vô tội vạ. Gia đình phải luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc và nơi ươm mầm khao khát mãnh liệt cho người trẻ, để họ luôn mong muốn cháy bỏng được quay trở về nhà. Đây là cũng nơi người ta có thể thoải mái bộc bạch hết suy tư, đôi điều trăn trở với người thân cận nhất. Cách hữu hiệu nhất để dẹp bỏ góc khuất trong gia đình là tạo nên một gia đình thực thụ, và những đứa trẻ trong đó, chúng sẽ lại tiếp tục xây đắp một gia đình như thế. 



Tác giả: Thảo Nguyên

Ảnh: Pinterest

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/cuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

Với mong muốn lan toả điềm đam mê viết lách người trẻ Việt, A Crazy Mind hiện tại đang tuyển dụng liên tục các tác giả trên cả nước. Thông tin chi tiết về tuyển dụng vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/tacgiaACM

BẢN THẢO
Bài viết liên quan