Gia đình - tình yêu đầu tiên của tôi, vết thương đầu tiên của tôi (Phần 1)

Nhưng liệu lớp vỏ thành tựu hào nhoáng đó có đủ mạnh mẽ để bảo vệ ta khỏi những con quỷ thời thơ ấu, trước khi nói đến chuyện đạt được sự hạnh phúc xa vời kia?...

Dạo gần đây, không hiểu vì lý do gì mà mình vô tình lướt qua rất nhiều bài viết liên quan đến gia đình, cụ thể là mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, và ảnh hưởng của đấng sinh thành lên chúng ta từ thời thơ trẻ. Vậy nên, hôm nay mình quyết định cũng viết một bài về vấn đề tương tự để chia sẻ với mọi người. 


Câu chuyện chẳng của riêng ai 


Bắt đầu từ câu chuyện của riêng mình và vấn đề chẳng của riêng ai, mối quan hệ gia đình mình từng rất lỏng lẻo, đặc biệt là vào những năm tiểu học và cấp hai. Bố mẹ mình khi đó là authoritarian parents điển hình: kỳ vọng rất lớn nhưng chẳng cho mình sự hỗ trợ tinh thần tối thiểu. Bố mẹ thì bận làm ăn với hai bàn tay trắng. Con cái thì bận học hành để trốn chạy khỏi đói nghèo cùng cha mẹ. Thi thoảng, mình ở tuổi đó vẫn chua xót than thở rằng: “Chắc số lần con với bố mẹ gặp nhau còn ít hơn cả gặp người ngoài”, gặp được rồi cũng chẳng khác gì đối tác làm ăn - cha mẹ chất vấn chuyện học hành, con cái ngồi yên báo cáo.  


Suốt khoảng thời gian mẫu giáo và lớp 1, mình ngập đầu cùng những lớp học thêm đến đêm muộn, và bị đánh, bị mắng, bị phạt như cơm bữa vì chuyện học hành và lễ nghi. Bị nạt nộ vì đưa giấy cho bố bằng một tay dù phải nhướn người ra xa. Bị phạt đứng xó nhà hơn một giờ đồng hồ vì xách nồi cơm bằng một tay, thay vì hai tay như lời mẹ dặn. Bị đánh vì không nuốt chửng được viên thuốc con nhộng hồi 5 tuổi. Bị đánh vì đạt điểm 8 môn Toán cuối tuần… Cũng nhiều lắm, mà lâu lắm rồi nên chẳng nhớ rõ được. 


Cảm giác khi đó của mình chắc mọi người cũng hiểu. Mình đã thấy bản thân không đủ tốt, vậy nên cố gắng bất chấp mọi sự để đạt thành tích cao, chỉ mong rằng bố mẹ sẽ ban phát chút tia cười nơi ánh mắt. Mình tự đặt ra những bộ nguyên tắc ứng xử với đấng sinh thành, dẫu cho bản thân vẫn luôn nơm nớp lo sợ rằng liệu hai người có thấy khó chịu hay không. Mình núp dưới bóng của một người con ngoan hiền và câm lặng - không bao giờ phản đối, không cất lên tiếng nói, cũng cảm thấy tiếng động bản thân gây ra vốn không hề có giá trị. 


Tổn thương thời thơ trẻ 


Nhiều mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rơi vào thế bí cũng vì những câu chuyện như vậy. Không có sự sẻ chia và thấu hiểu từ hai phía - một bên ra sức dồn ép tới đường cùng, một bên thì nằm im chịu trận cùng nước mắt. Bị đối xử theo phương thức này từ những năm đầu đời, nhiều đứa trẻ còn cho rằng đó là hiển nhiên khi chúng bị đánh, bị phớt lờ, bị nạt nộ, rằng chẳng có gì khó hiểu khi được điểm cao và vâng lời thì cha mẹ mới thương yêu. 


Hệ quả dễ thấy nhất mà chẳng mấy ai để tâm chính là cái móc nối trong tiềm thức giữa tình thương và những đáp ứng vật chất, là sự phụ thuộc của niềm hạnh phúc vào cái mỉm cười của thế giới ngoài kia. Thật đau buồn vì chẳng mấy ai tin rằng chỉ riêng sự tồn tại của họ cũng đã đáng được trân trọng và thương yêu; chẳng mấy ai nghĩ rằng niềm hạnh phúc là đến từ nội tại. 


Vài tuần trước, mình đọc được một bài đăng nói rằng người ta vẫn cứ trưởng thành và thành đạt kể cả khi bị nạt nộ, bị đòn roi, bị dạy dỗ một cách thờ ơ và khắc nghiệt đấy thôi. Mình không phủ nhận điều này. Authoritarian parenting vẫn là kiểu làm cha mẹ đứng thứ hai khi nói về việc “tạo ra” những đứa con thành đạt. 


Đây hẳn là “chứng cứ ngoại phạm” hoàn hảo cho cách giáo dục và yêu thương sai lệch, đặc biệt là khi những thành tựu vật chất và bề mặt vẫn thường xuyên được lấy làm thước đo trong xã hội hiện nay. Song, hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: “Chúng ta dùng những thành tựu đó để làm gì?” Chẳng phải đều là hướng đến niềm vui và hạnh phúc ở cuối con đường hay sao? Nhưng liệu lớp vỏ thành tựu hào nhoáng đó có đủ mạnh mẽ để bảo vệ ta khỏi những con quỷ thời thơ ấu, trước khi nói đến chuyện đạt được sự hạnh phúc xa vời kia? 


Liệu một người từng suốt ngày bị bố mẹ chỉ trích có thể vượt qua nỗi mặc cảm để yêu bản thân mà sống vui vẻ? Liệu một người từng bị đánh vì những lỗi nhỏ nhất có thể vượt qua ám ảnh bạo lực để nuôi dạy con cái bằng tình thương và có một gia đình gắn kết? Liệu một người từng luôn áp lực phải vâng lời có thể vượt qua nỗi sợ làm người khác phật ý mà sống đúng với chính mình?... Hạnh phúc sẽ không đến nếu những vết thương thơ ấu chưa khép miệng, kể cả khi có cả tấn vàng đắp lên trên miệng vết thương. 


Vậy là lỗi của cha mẹ hết sao? 


Vậy là lỗi của cha mẹ hết sao? Cá nhân mình cho rằng không phải vậy. Chúng ta không thể xác định đầu cuối chuỗi ảnh hưởng của gia đình lên mỗi cá nhân. Hãy nhớ rằng bố mẹ của mình lại là con cái của ai đó. Ta bị ảnh hưởng ra sao từ cách dạy dỗ của cha mẹ, thì cha mẹ cũng chịu những ảnh hưởng tương tự từ ông bà. Nhìn bố mẹ như những cá thể riêng biệt - không kèm theo nhãn mác “cha, mẹ” của ta, ta liền nhận ra họ cũng đáng được cảm thông, họ cũng đã tổn thương rất nhiều. 


Nhiều người cứ nói rằng bản thân cố gắng là vì cha mẹ muốn vậy, và cứ vin vào điều này đến tận lúc trưởng thành. Thật ra thì điều này chỉ đúng khi ta còn nhỏ mà thôi. Cái tuổi ham ăn ham chơi, kỳ vọng của bố mẹ là lý do ta phải học hành khổ sở. Đến khi lớn chút rồi, chẳng lẽ ta lại không tự nhận ra lý do để bản thân cố gắng: là cho bản thân mình. Làm gì có ai không sợ đói nghèo, làm gì có ai không sợ thất nghiệp,... Vậy nên, dù cho bạn có cho rằng bố mẹ sai ở đâu, thì chuyện lấy họ ra làm lý do cho nỗ lực cá nhân khi bạn đã lớn, đã trưởng thành cũng là điều không hợp lý. 


Người khác có lầm lỗi đến đâu, cũng không có nghĩa họ luôn sai và ta luôn đúng. Không nên đánh đồng, cũng đừng quy chụp. Hãy nhìn mọi vấn đề với cái nhìn khách quan và rõ ràng ở mọi hoàn cảnh. Cha mẹ có gây ra cho ta thương tổn, nhưng có những chuyện ta cũng cần nhìn lại bản thân và ngừng sống cho quá khứ, trong khi chính bản thân ta cũng đang mong cầu cha mẹ vượt qua được những ảnh hưởng thuở nhỏ của họ. Khi học được cách cảm thông, mọi chuyện liền trở nên dễ dàng và thông suốt hơn nhiều. 


Vượt qua thế nào? 


Không thể phủ nhận những tổn thương mà cha mẹ gây ra cho ta, nhưng cũng có thật nhiều lý do để ta cảm thông cho đấng sinh thành. Song, sự nhận thức và cảm thông đơn thuần sẽ không thể giải quyết được sự thật rằng: Cha mẹ vẫn cứ mắc kẹt trong quá khứ, và ta vẫn cứ tiếp tục chịu trận, hai bên không hề cùng tần số với nhau. 


Phải làm gì để cùng cha mẹ vượt qua chuỗi ảnh hưởng và tổn thương lẫn nhau không hồi kết trong gia đình? Mong rằng phần hai của bài viết sẽ giúp chúng ta giải quyết khúc mắc này.


Tác giả: Diệu

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan