Gương mặt bạn có thể là chìa khóa cho sự thành công

"Ăn quả nhớ kẻ chân mày" thực sự không chỉ là một câu nói đùa ....

Chúng ta đều biết rằng: Cách chúng ta cười, khuôn miệng và độ mở của hàm răng khi giao tiếp có thể tạo nên những ấn tượng khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng không phải là đặc điểm duy nhất trên khuôn mặt có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. Một loạt các nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý tại Mỹ cho thấy rằng chiều rộng của khuôn mặt, độ nghiêng của đầu và thậm chí các sợi lông kì quặc mọc trên gương mặt của bạn (nhất là ở nam giới) đều là yếu tố để đánh giá mức độ chuyên nghiệp của bạn khi làm việc.


Khi nghiên cứu về tỷ lệ chiều rộng trên chiều cao (fWHR) của khuôn mặt con người, có hai ý kiến đối lập nhau cùng xuất hiện. Một số nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa tỉ lệ gương mặt và tính cách con người trên các đối tượng nam giới: họ khẳng định người nào sở hữu gương mặt có chiều rộng lớn hơn sẽ thường có xu hướng chống đối xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, khi khảo sát trên diện rộng, điều đó lại không đúng với một số người. Ví dụ, trong một nghiên cứu, một nhóm do Dawei Wang thuộc Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern dẫn đầu đã khảo sát 1.179 giám đốc điều hành - cũng như đồng nghiệp, cấp dưới và giám sát viên của mỗi người tham gia - về hành vi của họ tại nơi làm việc. Thông qua việc chụp ảnh, họ đã tính toán fWHR của mỗi cá nhân. Kết quả là Wang và các đồng nghiệp không tìm thấy mối quan hệ đáng kể nào giữa chiều rộng khuôn mặt của cá nhân và các đặc điểm khác, chẳng hạn như cảm xúc, thói hoài nghi hoặc các vấn đề đạo đức.


Các phát hiện mâu thuẫn này cho thấy rằng: mặc dù tỉ lệ fWHR có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá những người mà chúng ta không biết rõ, nhưng những tác động này sẽ giảm đi khi chúng ta có cơ hội làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn. Để giải thích cho điều đó, các nhà khoa học cho rằng: Sự sai lệch trong nhận thức này có thể là do “sự không phù hợp về mặt tiến hóa”. “Thế giới hiện đại khác với môi trường bạo lực của tổ tiên chúng ta, nơi các cơ chế tâm lý của con người phát triển theo những cách quan trọng. ". Các phán đoán xã hội được hình thành trên cơ sở fWHR, có thể không còn chính xác trong văn hóa ngày nay nữa."

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể vận dụng chúng, theo những cách khác nhau, để tăng cơ hội thăng tiến và tiềm năng lãnh đạo của chúng ta ở nơi làm việc.


Belinda M. Craig của Đại học Curtin và Đại học New England gần đây đã chứng minh điều này trong một nghiên cứu. Họ thực hiện một thí nghiệm, trong đó những người tham gia sẽ phải phân loại các biểu hiện cảm xúc trên ảnh của những người đàn ông có để râu và không để râu. Qua một loạt các thử nghiệm, Craig và các đồng nghiệp nhận thấy rằng những người tham gia nhận ra sự tức giận trên những khuôn mặt có râu nhanh hơn, tuy nhiên họ lại nhận ra niềm vui hay nỗi buồn trên những khuôn mặt đó chậm hơn. Những người tham gia đã đánh giá những người có râu thể hiện sự tức giận rõ rệt hơn và trông vui tính, thân thiện hơn những người không có râu.

Khá thú vị khi giờ đây bộ râu lại trở thành một công cụ hữu ích giúp người khác định hình cảm xúc của chúng ta. Khi tức giận, bộ râu làm nổi bật các nét góc cạnh của đường quai hàm, khiến chúng ta trông hung dữ hơn. Ngược lại, khi chúng ta buồn, bộ râu vô tình lại che bớt những biểu cảm chán nản, vì vậy trông chúng ta bớt phần đau khổ.


Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một sự thật bất ngờ: Việc để râu giúp những người đàn ông tránh các xung đột trong quá khứ, nâng cao vị thế xã hội và tăng khả năng tiếp cận bạn tình. Tuy nhiên, khi xét trên phương diện chính trị, các cử tri thường đánh giá các ứng cử viên có râu là người bạo lực, lệch lạc và tham nhũng.


Theo nghiên cứu của Zachary Witkower (Đại học British Columbia) và APS Jessica L. Tracy (Đại học British Columbia), lông mày của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến việc trông bạn có thật sự chuyên nghiệp hay không.


Trong một loạt năm bài nghiên cứu với 1.517 tình nguyện viên, các nhà khoa học nhận thấy rằng: những bức ảnh với góc đầu nghiêng xuống thay vì hướng về phía trước được đánh giá là người có tố chất của một người lãnh đạo: quả quyết, nghiêm khắc và mạnh mẽ. Nhưng khi các nhà nghiên cứu loại bỏ hoàn toàn lông mày của những người trong bức ảnh, những đánh giá đó biến mất. Trên thực tế, góc độ lông mày của mỗi cá nhân có thể dự đoán ở họ khả năng thống trị và thay đổi nhận thức người khác.



Trên thực tế, hành động nghiêng đầu về phía trước sẽ tạo ra hình chữ “V” với lông mày trên gương mặt một người. Đó là hình ảnh thường thấy ở những cá thể động vật cấp cao (bao gồm cả con người), có thể chất mạnh mẽ và mang tính đe dọa. Điều đó lí giải cho việc một cá nhân rất đỗi bình thường cũng có thể trông hung dữ và hiếu chiến nếu được chụp ở một vài góc ảnh nhất định.


“Chuyển động của đầu làm thay đổi diện mạo của khuôn mặt một cách có hệ thống bằng cách tạo ra các ảo giác về hoạt động của khuôn mặt,” các tác giả khẳng định. 


Nói cách khác, trong công việc, cũng như trong cuộc sống, dù muốn hay không thì bạn cũng sẽ được đánh giá thông qua gương mặt đầu tiên trước khi bạn kịp mở lời nói chuyện.


Dịch: Rabbie

Biên tập: Rabbie

Ảnh: Unsplash 

Nguồn bài viết gốc: https://www.psychologicalscience.org/news/minds-business/how-facial-features-influence-perceptions-of-professional-dominance.html

Tài liệu tham khảo

Craig, B. M., Nelson, N. L., & Dixson, B. J. W. (2019). Sexual selection, agonistic signaling, and the effect of beards on recognition of men’s anger displays. Psychological Science, 30(5), 728–738. https://doi.org/10.1177/0956797619834876

Kosinski, M. (2017). Facial width-to-height ratio does not predict self-reported behavioral tendencies. Psychological Science, 28(11), 1675–1682. https://doi.org/10.1177/0956797617716929

Lin, C., Adolphs, R., & Alvarez, R. M. (2018). Inferring whether officials are corruptible from looking at their faces. Psychological Science, 29(11), 1807–1823. https://doi.org/10.1177/0956797618788882

Wang, D., Nair, K., Kouchaki, M., Zajac, E. J., & Zhao, X. (2019). A case of evolutionary mismatch? Why facial width-to-height ratio may not predict behavioral tendencies. Psychological Science. https://doi.org/10.1177/0956797619849928

Witkower, Z., & Tracy, J. L. (2019). A facial-action imposter: How head tilt influences perceptions of dominance from a neutral face. Psychological Science, 30(6), 893–906. https://doi.org/10.1177/0956797619838762



BẢN THẢO
Bài viết liên quan