Hành trình bước dần tới sự cô đơn

Những người lựa chọn cô đơn luôn chiến đấu lại với tình yêu. Không phải họ không có nhu cầu được yêu thương, mà là họ không nhận ra được khao khát đó...

Càng ngày càng có nhiều người lựa chọn sự cô đơn. Đâu phải ở một mình mới cảm thấy cô đơn, một người có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi họ đang thủ thỉ lời yêu bên tai ai đó. Việc yêu thương, mở lòng và tin tưởng một người sao lại khó khăn đến vậy?


Trong một bài viết tôi từng đọc, tác giả đã ví con người chúng ta như những miếng bọt biển, ngay từ những năm tháng thơ ấu, chúng ta đã hấp thụ nhiều hơn những gì mà chúng ta nhận ra trong các mối quan hệ và môi trường xung quanh. Dần dần những trải nghiệm đó trở thành một phần con người của chúng ta, chúng nhào nặn lên chúng ta - những con người trưởng thành và còn ngấm ngầm 'can thiệp' vào những mối quan hệ của chúng ta trong hiện tại nữa.


Các bậc phụ huynh luôn nỗ lực làm việc kiếm tiền để cho con mình được hưởng một cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất nhất có thể. Nhưng mặt trái của việc bận rộn mưu sinh là sự lơ là đối với đời sống tình cảm của những đứa trẻ. Thiếu thốn về mặt tình cảm, thiếu thốn sự dẫn hướng của cha mẹ buộc đứa trẻ phải gánh vác trách nhiệm và vai trò của người lớn. Đứa trẻ buộc phải tương tác với thế giới theo cách của người lớn nhưng tất nhiên với khả năng tư duy và cảm nhận của một đứa trẻ. Chúng phải giả vờ để sao cho mình 'giống người lớn' nhất có thể. Chúng phải đeo mặt nạ 'đứa trẻ biết suy nghĩ', 'biết thương yêu bố mẹ' để được công nhận, để được yêu thương nhưng bên trong chúng đầy cô đơn, hoang mang. Theo thời gian, để tự bảo vệ mình và những chiếc mặt nạ, chúng đóng cửa trái tim mình, không muốn người khác đến quá gần.









Rồi khi trưởng thành, bước vào tình yêu, sự thân mật, những cảm xúc mãnh liệt không thể kiểm soát khiến đứa trẻ bên trong hình hài người lớn đó cảm thấy sợ hãi. Chúng không muốn nửa kia nhìn thấy con người thật của mình. Chúng sợ đối mặt với các vấn đề, mà tình yêu lại không diễn ra như những gì chúng mong đợi và có thể kiểm soát cho nên với chúng, tình yêu chân thực là điều tối kỵ. Nói đến yêu ở những người này giống như việc đang sử dụng một thuật ngữ được nhắc đi nhắc lại hàng trăm, hàng nghìn lần qua những người khác, qua những điều mà họ quan sát được hay qua phim ảnh nhưng họ không thực sự cảm nhận được điều đó.


Những người lựa chọn cô đơn luôn chiến đấu lại với tình yêu. Không phải họ không có nhu cầu được yêu thương, mà là họ không nhận ra được khao khát đó. Làm thế nào một người có thể mong muốn một điều mà không thực sự biết nó là gì chứ? Nếu người đó không thể định nghĩa nó, miêu tả nó thì làm sao họ biết được rằng mình muốn được yêu thương?



BẠN CÓ TIN VÀO TÌNH YÊU?


Chắc chắn tất cả mọi người đều muốn yêu và được yêu, nhưng thực chất chúng ta cũng giống như những con người lựa chọn sự cô đơn, chẳng biết tình yêu là cái quái gì. Nhiều người viết ra những dòng tâm sự đầy tâm trạng khóc thương cho một mối tình đã mất, nhưng có mấy ai từng viết về cách mà mình muốn ai đó yêu thương mình như thế nào, viết về bản thân mong muốn cảm nhận những điểu gì khi yêu, viết về những điều mình sẵn sàng trao đi ít vị kỷ nhất cho người mình yêu.


Rất nhiều trong chúng ta chẳng thể nào đưa ra được định nghĩa về tình yêu của riêng mình vì những tiêu chuẩn lựa chọn đã vô thức được thành hình từ nhiều năm về trước dựa trên lập trình của cha mẹ, của xã hội, ‘Tôi sẽ kết hôn với một người chồng có công ăn việc làm ổn định, đã có nhà riêng, có mức lương đủ nuôi sống gia đình,’ v.v… và chúng ta quyết tâm thực hiện nó bất kể cảm xúc của bản thân với những đối tượng tiềm năng đó như thế nào.


Thật không thú vị chút nào khi phải thừa nhận rằng cuộc sống đã lập trình chúng ta, cả trong tình yêu cũng vậy. Tình yêu đối với chúng ta là một ý niệm. Chúng ta phải lòng với ý niệm về một ai đó. Chúng ta tự tạo nên những câu chuyện tuyệt vời về đối tượng tiềm năng và đắm chìm trong những ý tưởng đó. Đây cũng là lý do giải thích tại sao người ta thường nói khi yêu thường mù quáng, mọi khuyết điểm trở nên vô hình. Và rồi khi mối quan hệ sâu sắc hơn, chúng ta dần nhận ra rằng họ không chính xác như những gì chúng ta đã nghĩ. Chúng ta không kết nối với con người thực sự của họ, chúng ta chỉ đang kết nối, đang lắng nghe chính ảo tưởng của mình.


Chia tay là sự đổ vỡ, không phải là sự đổ vỡ của một mối quan hệ, mà là sự đổ vỡ của những hình ảnh lý tưởng do chính chúng ta dựng nên về người đó, bởi hiện thực không như là mơ.


Cuối cùng, tình yêu là vũ điệu chung của hai người, chúng ta chỉ có thể làm cho ai đó hạnh phúc khi chúng ta có thể làm cho chính mình hạnh phúc. Hãy rõ ràng với định nghĩa về tình yêu của chính mình, rõ ràng với những nhu cầu của bản thân và muốn được yêu như thế nào và rồi mỗi chúng ta sẽ tìm ra được công thức riêng trên hành trình tìm kiếm yêu thương.


Người viết: Mộc Yên

_ _ _ _ _ _ _ _

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại:

http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO
Bài viết liên quan