Hãy Sống Thật Với Cảm Xúc Của Chính Bạn

“ Nếu muốn thấy cầu vồng, bạn cần phải chấp nhận cơn mưa trước đã.” Dolly Parton.

“ Nếu muốn thấy cầu vồng, bạn cần phải chấp nhận cơn mưa trước đã.” – Dolly Parton.


Trong cuộc sống, có vẻ như có một vài quan niệm về việc những cảm xúc nào là không tốt và những cảm xúc khác là tốt. Dù cho có những cảm xúc, chẳng hạn như sự vui vẻ, có thể đem đến cho chúng ta cảm giác tốt hơn so với sự buồn bã, có một điều quan trọng chúng ta nên nhớ là không có cảm xúc nào là tốt và xấu cả. Chúng ta là những bản thể có cảm xúc, dễ xúc động với đa dạng những trạng thái khác nhau, tất cả những điều này đều là có mục đích cho cuộc sống của chúng ta. Cảm xúc cho chúng ta khả năng trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống này. Cảm xúc cũng giống như một chiếc lưới bảo vệ để chúng ta biết khi nào chúng ta đang gặp nguy hiểm và khi nào những ranh giới của chúng ta đang bị đe dọa. Việc cho phép bản thân thể hiện những cảm xúc bạn đang cảm thấy mà không có hề phán xét chúng là một điều rất quan trọng. Nếu không, những cảm xúc bị đè nén có thể sẽ được thể hiện qua những thái độ hoặc cách cư xử không lành mạnh.


Cảm xúc làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn và khiến cho sự tồn tại của chúng ta thâm trầm, sâu sắc hơn. Chúng ta không phải là những sinh vật nông cạn, hời hợt chỉ có thể cảm nhận được một cảm xúc nhất định. Một thế giới chỉ tồn tại niềm vui và hạnh phúc sẽ không thể tránh khỏi việc mất đi vẻ đẹp rực rỡ vốn có theo thời gian. Chúng ta cần phải được trải nghiệm những cảm xúc như buồn, không hạnh phúc để biết cách thật sự trân trọng những cảm xúc trái ngược khác. Nếu không biết đến sự đen tối của nỗi buồn chúng ta sẽ không thể trân trọng ánh sáng của niềm vui. Chẳng hạn như, việc cảm thấy nỗi đau khi một người thân yêu ra đi là điều bình thường để chúng ta có thể thấy được sự trân trọng mới mẻ cho những thành viên khác trong gia đình của mình. Nỗi đau mất mát sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu sâu sắc hơn và thân thiết hơn cho những thành viên khác trong gia đình.


Cảm xúc không thể tắt và bật lên giống như một công tắc đèn điện. Cảm xúc có một vòng đời. Ban đầu thì chúng còn nhỏ, chúng lớn lên đến một mức độ nhất định rồi nhạt dần. Chúng ta thường xen vào quá trình đó bằng cách đánh giá và bóp méo những cảm xúc của mình. Chúng ta cố gắng để tránh phải cảm thấy nỗi đau khổ và tìm kiếm những cảm giác sung sướng, dễ chịu. Chúng ta có một xu hướng tự nhiên là cố gắng để sống cuộc sống của mình mà không phải cảm nhận một cảm xúc tiêu cực nào. Chẳng hạn như, chúng ta có thể thấy thất vọng và giận dữ với chính mình thay vì một thành viên nào đó trong gia đình – người đã làm tổn thương chúng ta. Sau đó có lẽ chúng ta sẽ thấy tội lỗi vì đã cảm thấy như vậy và trong lòng mình, chúng ta sẽ chỉ trích chính mình vì quá nhạy cảm. Chính điều này khiến cho chúng ta dồn nén những cảm xúc của mình. Một thời gian sau, những cảm xúc bị dồn nén và che giấu sẽ thể hiện qua những hành vi gây hấn thụ động – một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng – đối với người này.


Tôi thường nhìn thấy kiểu hành vi này ở những cặp đôi. Sau mỗi một sự bất đồng nào đó, thường sẽ có những tổn thương, oán giận và sự bực tức không được thể hiện ra. Cặp đôi đó sau đấy sẽ vội vã trở về với trạng thái hạnh phúc và sẽ thấy rất băn khoăn bứt rứt trước khả năng rằng mọi chuyện đang không ổn chút nào. Nếu những cảm xúc cơ bản này không được thể hiện ra, mặc dù bạn có thể sợ hãi, chúng sẽ thường dẫn đến những bất đồng nho nhỏ trong tương lai và những bất đồng này có thể sẽ tạo ra sự xa cách rất lớn. Tất cả những cảm xúc mà cặp đôi đó sợ phải cảm thấy và chia sẻ sẽ bùng nổ và tạo ra một vấn đề lớn hơn giữa họ.


Việc cho phép mình thật sự sống với những cảm xúc của chính bản thân là một điều quan trọng. Bằng cách này chúng ta có thể biết được chúng ta cảm thấy như thế nào và vượt qua những cảm giác đó. Chẳng hạn như những khi bạn đang buồn. Điều quan trọng ở đây là bạn không đánh giá nỗi buồn đó. Bạn có thể hít một hơi thật sâu và biết rằng bạn đang cảm thấy buồn. Tôi không khuyến khích bạn để bản thân bị nhấn chìm trong những nỗi buồn. Lúc đầu, bạn có thể để bản thân mình cảm nhận nỗi buồn qua những sự xuất hiện ngắn, nhỏ và có thể kiểm soát được. Bằng cách cho phép mình được cảm nhận và cố gắng để luôn cảm thông với bản thân, bạn sẽ bắt đầu mở rộng khả năng truyền tải cảm xúc của mình và bình thường hóa những cảm giác như buồn bã, thất vọng và giận dữ.


Tôi nghĩ rằng bạn nên tập cách cảm nhận những cảm xúc của mình vào lần tới khi bạn đang xếp hàng chờ đến lượt thanh toán ở cửa hàng và người đứng trước bạn quá chậm chạp. Để phục vụ cho ví dụ này, hãy coi như người đó đang cố ý kéo dài thời gian. Họ di chuyển chậm chạp, nói chuyện không ngừng cứ như họ không còn một nơi nào khác để đến. Hãy nghĩ đến điều này như một cơ hội lý tưởng để luyện tập cho những cảm xúc của bạn. Hãy bắt đầu bằng cách hít một hơi thật sâu bằng mũi của bạn và cho phép mình cảm nhận trọn vẹn cảm giác không thoải mái, có thể là khó chịu. Khi bạn thở ra, hãy nghĩ hoặc thậm chí tự nói với bản thân mình, “mình hoàn toàn có thể cảm thấy như thế này.” Đừng phán xét những gì bạn đang cảm thấy. Việc bạn đang khó chịu hoặc bực bội không biến bạn thành một người xấu. Điều này có thể áp dụng với tất cả các cảm xúc không mấy dễ chịu mà bạn cảm thấy. Hãy cho phép mình cảm nhận những cảm xúc của chính mình mà không có sự tham gia của giọng nói bên trong bạn đang cố gắng để khiến bạn thấy tệ về những cảm xúc của mình.


Đây có vẻ là một lời khuyên đơn giản và hiển nhiên, nhưng nếu bạn thật sự chú tâm đến những suy nghĩ của bạn suốt cả một ngày, bạn sẽ nhận ra bạn phán xét những cảm xúc của mình thường xuyên như thế nào. Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết này, tôi rất muốn được nghe những suy nghĩ của bạn về vấn đề này. Hãy thoải mái để lại một bình luận phía dưới bài viết này.

Thân mến,

Dr. Perry

——————————–

Dịch: Minh Trang

Biên tập: Ngọc

Minh họa: MieCkan

Nguồn: https://makeitultrapsychology.wordpress.com

Nguồn ảnh: Pinterest


A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Vì vậy, chúng tôi cần sự đóng góp và ủng hộ của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan