Hiểm Nguy Của Việc Luôn Cố Làm Hài Lòng Người Khác (People-pleasing)

Bạn cảm nhận được áp lực nhói lên trong huyết quản. Một cục nghẹn ở cổ họng khi những người đồng nghiệp nhìn bạn chằm chằm. Họ đang mong đợi một câu trả lời. Họ mong đợi bạn đồng ý. …

Bạn cảm nhận được áp lực nhói lên trong huyết quản. Một cục nghẹn ở cổ họng khi những người đồng nghiệp nhìn bạn chằm chằm. Họ đang mong đợi một câu trả lời. Họ mong đợi bạn đồng ý. Từng thớ thịt trong bạn muốn hét lên rằng “KHÔNG, TÔI KHÔNG THỂ.” Nhưng cứ như là bị ai khống chế, bạn tự động cười nhẹ nhàng và nói, “Vâng, tôi sẽ làm nó, cảm ơn vì đã nhờ tới tôi.”

Yes means no? | White Outs

Chuyện QUÁI QUỈ gì đang diễn ra vậy?! Tại sao bạn lại không thể nói “không” và rồi bỏ đi?

Nếu bạn cũng như tôi, thì thói chuyên làm hài lòng người khác (people-pleasing) đã tàn phá cuộc đời bạn. Nó đã làm nghiền nát tinh thần của bạn không biết bao nhiêu lần. Nó đã cướp đi sự bình yên trong tâm trí, sự kiểm soát cuộc đời cá nhân (personal empowerment) và lòng can đảm hướng đến mục tiêu và ước mơ của bạn. Nó đã đánh gục bạn khi bạn xuống tinh thần và kéo bạn xuống vũng lầy. Nó cũng có thể góp phần vào các căn bệnh mãn tính như là rối loạn lo âu, trầm cảm, nghiện hoặc đồng phụ thuộc (co-dependency)(*).

Vậy chính xác thì people-pleasing là gì…và làm thế nào để sửa chữa căn nguyên của nó?

16 thói quen của người chuyên làm hài lòng người khác

Vào một thời điểm nào đó, chúng ta đều đã từng chật vật với people-pleasing. Suy cho cùng, là những sinh vật xã hội, chúng ta có bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè và khát khao được hòa nhập với mọi người. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa khát khao được chấp nhận và làm hài lòng người khác. Việc làm hài lòng người khác không phải chỉ là một nhược điểm thi thoảng xuất hiện: nó là một thử thách hằng ngày.

Sau đây là 16 thói quen thường thấy:

  • Bạn gặp khó khăn trong việc nói “không”
  • Bạn cảm thấy khó có thể thẳng thắn và nói ra chính kiến
  • Bạn cẩn trọng quá mức về khả năng bị từ chối bởi người khác (luôn luôn đề phòng)
  • Bạn là một người emotophobe (sợ những cảm xúc tiêu cực)
  • Bạn vị tha/nhân từ một cách quá đáng
  • Bạn thường xuyên phải chịu đựng khi giúp đỡ người khác
  • Bạn có ý thức thấp về bản thân và nhập nhằng ranh giới giữa các cá nhân
  • Bạn trở nên phụ thuộc / đồng phụ thuộc về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ tình cảm / bạn bè
  • Bạn luôn khao khát có được sự chấp thuận của mọi người
  • Bạn có một mong muốn được yêu thích dù là gì đi chăng nữa
  • Bạn đau khổ trong nhiều ngày hoặc tuần khi bị ai đó chỉ trích
  • Bạn có lòng tự trọng thấp
  • Bạn hành động dựa trên việc người ta nghĩ gì về bạn
  • Bạn lúc nào cũng thông cảm với người khác, nhưng lại không cảm thông chính mình
  • Bạn tin một cách mù quáng vào “sự tốt đẹp” của người khác kể cả khi họ ngược đãi bạn
  • Bạn sợ mất kiểm soát bản thân vì bạn đang kìm nén quá mức

Người ta cũng nói là people-pleasing có thể dẫn đến những hội chứng như là rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) và rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder).

Vì sao sống “quá tốt bụng” có thể nguy hiểm

Rõ ràng là không có gì sai khi bạn tốt bụng cả. Nhưng có một thôi thúc ở thần kinh giục bạn phải tốt bụng thì rất nguy hiểm với hàng tá lý do. Và sau đây là lý do tại sao:

1. Bạn kìm nén RẤT NHIỀU cảm xúc

Một điều không thể tránh được là, việc luôn muốn được yêu thích và được người khác cần đến lúc nào cũng dẫn đến việc phải kìm nén rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Tôi đang nói đến giận dữ, ghét bỏ, cay đắng, khó chịu, đau buồn và áp lực – bất kì thứ gì trái ngược với hình ảnh vị tha bạn muốn thể hiện. Có thể bạn sẽ không nhận thức được rằng bạn đang đè nén những cảm xúc này, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Bạn không thể luôn luôn thật lòng hi sinh vì người khác, từ chối và quên đi chính mình, cùng lúc hi vọng rằng mình vẫn luôn cảm thấy ổn về lâu dài.

Việc kìm nén cảm xúc cuối cùng sẽ dẫn tới suy sụp về thể chất hoặc tâm lý. Nhiều bệnh mãn tính cũng bắt nguồn từ thôi thúc muốn làm hài lòng người khác.

2. Áp lực khủng khiếp của việc “giữ thể diện”

Một trong những điều tồi tệ nhất của việc lúc nào cũng làm người tốt chính là áp lực kinh khủng mà bạn phải chịu khi giữ hình ảnh bản thân. Thật là vui khi lúc nào cũng là người tốt trong mắt mọi người. Thật là vui khi tránh được những cảm xúc tiêu cực và được mọi người xem như một vị thánh. Nhưng điều này có cái giá của nó: sự căng thẳng kinh niên. Thường thì sự căng thẳng này không thể nhận biết được, nhưng nó cứ chực chờ ở đó, luôn luôn buộc bạn đeo chiếc mặt nạ người tốt lên cho dù nó đang hành hạ bạn.

Are You A People Pleaser? It's Now Time To Please Yourself | The ...

3. Bạn bị lợi dụng bởi mọi người

Khi bạn là người luôn làm hài lòng người khác, bạn có nguy cơ bị lạm dụng. Những kẻ ái kỷ (narcissists), ma cà rồng hút năng lượng (energy vampires), những kẻ bắt nạt và những kiểu người độc hại khác bâu lấy bạn như bâu lấy miếng thịt tươi sống. Ranh giới mỏng manh, lòng tự trọng thấp và niềm khao khát vô độ muốn làm người khác hài lòng biến bạn thành một mục tiêu “lợi dụng và lạm dụng”. Và trong vô thức, bạn cảm thấy được cần đến, nên bạn lại vô tình tiếp tục chu kỳ độc hại đó.

Như trong bài hát nổi tiếng của Eurythmics “Sweet dreams are made of this”: “Mọi người đều tìm kiếm thứ gì đó. Một số người muốn lợi dụng bạn. Một số người muốn bạn lợi dụng họ. Một số người muốn lạm dụng bạn. Một số người lại muốn được lạm dụng …”

4. Bạn có một nhu cầu mãnh liệt muốn được kiểm soát mọi thứ

People-pleasing thoạt nghe như là một hành động vị tha. Nhưng people-pleasing thực chất lại là một hành động ích kỷ bởi vì bạn muốn kiểm soát phản ứng của một ai đó đối với bạn bằng cách hành xử theo một cách nhất định.

Thực tế, people-pleasing nghiêng về thôi thúc muốn nắm quyền kiểm soát hơn là muốn làm hài lòng người khác. Việc muốn được mọi người yêu mến chỉ là một triệu chứng của khao khát muốn nắm kiểm soát vì trong thâm tâm, bạn cảm thấy bất lực và vô dụng. Đây là lý do tại sao people-pleasing rất mệt mỏi – nó đi ngược lại với dòng chảy cuộc sống, và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để duy trì.

5. Không một ai biết được “con người thật” của bạn

Việc bạn che giấu quá nhiều thứ vì sợ không được chấp thuận đã khiến bạn trở nên cực kỳ thận trọng. Thực ra, nếu bạn là một people-pleaser, bạn có lẽ sẽ sợ những việc ví dụ như là say xỉn, vì có thể bạn sẽ nói hết ra những suy nghĩ thầm kín. Nói cách khác, bạn sẽ không còn làm chủ được bản thân mình nữa.

Khi bạn là một people-pleaser thì không ai có thể biết con người đích thực của bạn – họ chỉ thấy được bộ mặt bạn cho họ thấy. Không may là khao khát muốn được yêu mến và chấp nhận thường có tác dụng ngược, làm cho bạn cảm thấy càng cô đơn và xa cách qua thời gian. Cuối cùng, bạn lại cảm thấy như mình “vô hình”, cho dù bạn liên tục đứng trong ánh đèn sân khấu.

What Are The Strange Gifts of Children of Narcissists? – part 3 ...

Làm cách nào để ngưng trở  thành người chuyên làm hài lòng người khác

Hiển nhiên là bạn sẽ tự hỏi, “Làm cách nào để tôi có thể ngừng việc này?”

Để tôi nói cho bạn biết, có rất nhiều lời khuyên tệ hại ngoài kia. Và giải pháp để vượt qua được cơn nghiện này (bởi vì nó là vậy đó), là KHÔNG giơ ngón giữa với ai cả.

Tôi không ủng hộ giải pháp “giơ ngón giữa” bởi vì nó trẻ con và mang tình đối phó.

Thay vào đó, tôi gợi ý những cách khó hơn nhưng khôn ngoan hơn:

·        Chịu trách nhiệm với sự hạnh phúc của bạn [1]

·        Học cách trở nên quả quyết [2]

·        Cảm nhận và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực/đau lòng [3]

·        Học cách tìm giá trị bản thân từ BÊN TRONG, không phải từ bên ngoài [4]

Tôi đã cho đường dẫn của một bài viết phù hợp cho mỗi mục trên. Cứ click vào điểm nào bạn cảm thấy cần cải thiện.

Với tư cách là một người đã từng đau đầu với tính cách thích làm hài lòng người khác (Enneagram 9 INFJ), tôi biết điều này mang tính tự hủy hoại như thế nào. Bởi vì mong muốn được mọi người chấp nhận, tôi đã phải chịu đựng những thời kỳ khắc nghiệt của sự lo âu và cơn đau mãn tính, đó là chưa kể hàng tá cảm xúc bị kìm nén qua nhiều năm.

Thế nhưng bước đầu tiên để vượt qua vấn đề này là chuyển sự tập trung của bạn từ thế giới bên ngoài đến thế giới bên trong. Cuối cùng thì, qua thời gian và sự luyện tập những điểm trên, bạn sẽ có thể nói một cách chân thành và cởi mở “Đã đến lúc tôi quan tâm đến bản thân” như tôi bây giờ đây.

Nếu bạn có lời khuyên nào về vấn đề này, hãy bình luận bên dưới nhé.

(*) Đồng phụ thuộc (co-dependency) là sự tận tụy quá mức trong một mối quan hệ, thậm chí hy sinh cả nhu cầu cá nhân và tâm lý của bản thân.

Dịch: M.
Biên tập: Tuấn Ngọc
Minh họa: (Ảnh tham khảo trên internet)
Nguồn: https://lonerwolf.com/people-pleasing/
A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan