Hiểu đúng về “sống cho hiện tại”. Làm thế nào để hiện thực hóa lối sống này trên cơ sở tâm lý học?

Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng tôi nhìn nhận cụm từ “sống cho hiện tại” một cách rõ ràng và khoa học hơn, cụ thể là dựa trên cơ sở Tâm lý học.

Sau khi tiếp xúc với wabi sabi, tôi biết đến sự tồn tại của khái niệm “sống cho hiện tại”

Với tư cách là một kẻ nghiện lên kế hoạch, cách sống mới lạ này ngay lập khiến tôi hứng thú và bằng một cách vô định nào đó, tôi bắt đầu tập sống cho hiện tại. Song, chặng đường này ngày càng khó khăn. Ngay cả khi đã tìm đến Phật giáo, tôi vẫn chẳng thể cho bản thân một giải pháp hiệu quả để sống cho hiện tại. 


Cuối cùng, tôi nhận ra mình sẽ chẳng thể tiếp cận một vấn đề mà không dùng đến lập luận, chứng cứ, và những phép móc nối, nên đành quay lại tìm lời giải đáp ở một thứ thực tế và gần gũi hơn là Tâm lý học. Vậy nên, trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng tôi nhìn nhận cụm từ "sống cho hiện tại" một cách rõ ràng hơn và khoa học hơn nhé. 




Thế nào là “sống cho hiện tại”?

Theo đuổi một thứ mà không biết chính xác về nó là nguyên nhân gây ra sự bấp bênh và mù mờ xuyên suốt chặng đường sau đó. Đây là bài học tôi đúc kết sau khi cố gắng sống cho hiện tại suốt gần 4 tháng mà không nắm được định nghĩa cụ thể và chi tiết của cụm từ này. Có thể bạn đã biết hoặc chưa biết, nhưng định nghĩa của “sống cho hiện tại” vẫn được đề cập ở đây để tránh tình huống không mong muốn nêu trên.  


Nhìn từ góc độ Tâm lý học, “sống cho hiện tại” là một lối sống hay một phong cách sống (lifestyle) có ích lợi. Theo Myrko Thum - một tác giả, một chuyên gia trong lĩnh vực Phát triển cá nhân - sống cho hiện tại là việc chúng ta ý thức và biết rõ những gì đang diễn ra ngay tại khoảnh khắc này. Người sống vì hiện tại không bị xao nhãng bởi những suy ngẫm về quá khứ hoặc những lo lắng cho tương lai. Họ tập trung hoàn toàn vào “ngay tại đây và ngay lúc này”. Mọi sự chú ý của họ được dâng hiến cho khoảnh khắc hiện tại. 


Vậy “khoảnh khắc hiện tại” có nghĩa là gì? 


“Khoảnh khắc hiện tại là thứ duy nhất không chứa đựng thời gian. Nó là điểm nằm giữa quá khứ và tương lai. Nó luôn ở đó và là mốc thời gian duy nhất chúng ta có thể tiếp cận. Mọi thứ xảy ra đều xảy ra ở hiện tại. Mọi thứ đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra cũng chỉ có thể xảy ra ở hiện tại. Sẽ là bất khả thi cho bất cứ điều gì tồn tại bên ngoài nó.” - Myrko Thum. 


Định nghĩa này phần nào nói lên rằng chuyện băn khoăn về quá khứ hay phiền muộn về tương lai đều không mang lại những kết quả khả thi hoặc chắc chắn, vậy nên không đáng để chúng ta phí hoài nhiều thời gian cho chúng đến vậy. 




Sống cho hiện tại có thực sự cần thiết? 

Có một hiện thực là mọi người đang nói quá nhiều về chuyện “sống cho hiện tại”, đến mức lạm dụng cụm từ này. Sống cho hiện tại có cần thiết đến mức như vậy? Hãy cùng nhìn vấn đề từ góc độ: Nếu sống hoàn toàn cho hiện tại, điều gì sẽ xảy ra? Đặt giả thiết chúng ta thực sự có khả năng đấy. 


Nếu sống hoàn toàn cho hiện tại, làm sao chúng ta có thể đúc rút kinh nghiệm và học từ những trải nghiệm quá khứ? Khi mà trên thực tế, não bộ con người học tập rất hiệu quả từ quá khứ, đặc biệt là những sự kiện tiêu cực?


Nếu sống hoàn toàn cho hiện tại, làm sao chúng ta có thể lên kế hoạch cho tương lai và chuẩn bị cho những gì sắp xảy đến? Sống trọn ngày hôm nay là tốt, nhưng bỏ mặc ngày mai chắc chắn cũng là một viễn cảnh tệ hại. 


Tóm lại, cá nhân tôi không ủng hộ việc quá tôn sùng và đâm đầu vào lối sống cho hiện tại. Mọi sự luôn có hai mặt của nó. Chúng ta tốt hơn nên cân bằng việc suy nghĩ cho quá khứ, hiện tại, và tương lai. Trên thực tế, suy nghĩ quá nhiều cho hiện tại là rất hiếm. Vì thế vấn đề ở đây cũng chỉ là làm thế nào để bớt lo lắng về quá khứ và tương lai, đồng thời sống cho hiện tại đúng nghĩa mà thôi. 


Sự cân bằng ở đây có thể đạt được bằng cách phân chia lịch trình sinh hoạt và làm việc. Ví dụ khi làm việc thì chúng ta có thể thoải mái suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Còn khi nghỉ ngơi và sinh hoạt thường nhật, hãy cố gắng sống cho trọn từng khoảnh khắc hiện tại. 


Nếu sống hoàn toàn cho hiện tại, điều gì sẽ xảy ra?





Tại sao thật khó để sống cho hiện tại? 


Nhịp sống hối hả mà cả thế giới đang trải qua 

Tiếp xúc với xã hội là một phần bắt buộc của cuộc sống. Việc này buộc chúng ta phải nương theo nhịp điệu hối hả mà cả thế giới đang trải qua. Không có nhiều người biết về “sống cho hiện tại”. Lại càng hiếm ai có khả năng làm được điều này. Liệu ai sẽ có dũng khí từ bỏ một phần công việc hoặc các mối quan hệ để đi “sống cho hiện tại”? 


Xu hướng tự nhiên của bộ não 

Bộ não có xu hướng rong ruổi đây đó. Mỗi ngày, chúng ta có khoảng 50,000 tới 70,000 suy nghĩ. Và có tới 95% số suy nghĩ đó được tạo ra một cách vô thức. Bên cạnh đó, chúng ta thường cố gắng chỉnh sửa các ký ức để chúng trở nên tuyệt vời và đáng nhớ hơn những gì đã thực sự diễn ra. 


Sống cho hiện tại gây ra cảm giác lo âu 

Có thể bạn cũng nhận ra điều này. Khi dồn sự tập trung vào thời khắc hiện tại, chúng ta tự nhiên cảm thấy rất vô định và mù mờ. Điều này gây ra cảm giác lo lâu và vô tình khiến trải nghiệm sống cho hiện tại trở nên có hại hơn là có lợi. 




5 lời khuyên cho hành trình sống vì hiện tại  


Việc sống cho hiện tại nhất định sẽ đem đến nhiều phép màu cho cuộc sống nếu ta thực sự sống như vậy, chứ không phải chỉ dán cái nhãn đó cho cách sống của mình. Lối sống này giúp chúng ta vui vẻ hơn, hỗ trợ điều trị các vấn đề về tâm lý, và nâng cao khả năng giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Vậy còn chần chừ gì mà không bắt đầu chặng đường sống cho hiện tại nhỉ? 


Dưới đây là 5 lời khuyên giúp bạn sống cho hiện tại theo đúng nghĩa. Không cần thiết phải thực hành tất cả. Hãy chọn lấy phương thức phù hợp nhất hoặc vận dụng từng cái một. 


Bắt đầu bằng việc ý thức về dòng suy nghĩ của bản thân

Ý thức được dòng suy nghĩ đang dừng chân ở nơi nào - quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thay vì cố trốn chạy khỏi hiện thực đó, là một bước đệm quan trọng để đưa nó về hiện tại khi cần thiết. Miễn là bạn ý thức được, bạn nhất định có khả năng tự điều chỉnh. Hơn hết, việc này có thể chặn đứng dòng suy nghĩ của bạn khi nó có ý định chìm đắm trong quá khứ hoặc tương lai. 


Suy nghĩ về quá khứ và tương lai không hề có hại. Thứ có hại thực sự là bạn chìm đắm trong những suy nghĩ như vậy. Vậy nên, trên chặng đường sống cho hiện tại, đừng quá nhạy cảm hoặc cảm thấy tội lỗi chỉ vì bản thân lỡ chạm vào một ký ức hay một viễn cảnh tương lai. 


Suy nghĩ về quá khứ hay tương lai vì một lý do rõ ràng 

Ví dụ, bây giờ, tôi cần suy nghĩ về sự thất bại này trong quá khứ để rút kinh nghiệm cho công việc sắp tới. Hay, hiện tại, tôi cần nghĩ về cuộc sống của bản thân trong 2 tháng tới để chuẩn bị cho chuyến công tác dài ngày. 


Có một mục tiêu rõ ràng cho việc suy nghĩ sẽ giúp bạn tự giác chấm dứt nó khi đã hoàn tất nhiệm vụ. 


Tập trung vào hơi thở

Hơi thở là một phần quan trọng của yoga và thiền định. Chú ý vào từng nhịp thở là con đường đưa ta trở về thực tại nhanh chóng. Bởi hơi thở vốn luôn hiện hữu ở đây và ngay lúc này. Hãy nhắm mắt lại, hít thật sâu và thở ra thật chậm, chú ý vào từng nhịp thở rồi tâm trí bạn sẽ ngưng đọng ở ngay thời khắc này. 


Đừng dán nhãn cho việc hít thở. Bạn không cần tìm đến yoga hay thiền định để có thể hít thở sâu và chậm. Một cái nhãn chỉ khiến ta thêm áp lực và lại có thêm một mối quan tâm làm ta bận lòng mà thôi. Hãy hít thở một cách vui vẻ và đầy thích thú ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào bạn muốn. 


Viết nhật ký sáng và tối 

“Morning pages”: Vào sáng sớm, ngay sau khi thức dậy và trước khi làm bất cứ việc gì, hãy viết tay 3 trang nhật ký về tất cả những gì lướt qua tâm trí bạn. Bạn không cần quan tâm những suy nghĩ đó là gì. Hãy cứ viết ra mọi thứ. Hành động này có thể coi là dọn dẹp não bộ, nhờ đó mà tâm trí được thông suốt, sẵn sàng cho một ngày mới ngập tràn suy nghĩ sắp bắt đầu. 


Tối: Hãy viết nhật ký về một ngày vừa qua ngay trước khi đi ngủ hoặc sau khi đã làm hết các nhiệm vụ bắt buộc và quan trọng trong ngày. Hãy viết về những sự kiện đáng nhớ và những cảm xúc đi kèm với chúng. 


Nếu có thể, hãy thực hiện điều này mỗi ngày và bạn sẽ thấy bản thân sống cho hiện tại nhiều hơn và dễ dàng hơn. Những dữ kiện mới được xử lý mỗi ngày. Nhờ thế mà khi cần nhìn vào quá khứ và tương lai, chúng ta không cần suy nghĩ quá lâu rồi vô tình chìm đắm nữa. 


Hoà mình vào thiên nhiên

Không một thiết bị điện tử, kể cả điện thoại, hãy hoàn toàn hoà mình vào thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây có thể là khu vườn nhỏ xanh mát hoặc ngọn núi đầy lá vàng khô. Cảnh sắc thiên nhiên luôn có sức hút kỳ diệu đối với tâm trí của chúng ta và nó giúp chúng ta trở về thực tại. 


Cách lý giải của wabi sabi cho nhiệm màu này là vẻ đẹp phù du của thiên nhiên gợi chúng ta về sự vô thường của vạn vật, qua đó nhắc nhở ta trân trọng những kỳ diệu đang ngập tràn cuộc sống này. Từ tia nắng dịu xuyên qua kẽ lá tới một ngọn gió thoảng làm tóc mai bay - tất cả đều có thể biến mất bất cứ lúc nào. Điều này cho ta động lực sống hết mình vì khoảnh khắc còn đang đong đầy nơi thực tại. 


Nguồn tham khảo: positivepsychology.com

Ảnh: The Beauty of Japan

BẢN THẢO
Bài viết liên quan