Hiệu Ứng “Người Ngoài Cuộc” Dưới Góc Nhìn Tâm Lý Học

Nếu bạn chứng kiến một tình huống khẩn cấp xảy ra ngay trước mắt, có phải bạn chắc chắn sẽ thực hiện vài hành động để giúp đỡ người đang gặp rắc rối không? Tất cả chúng ta đều tin …

Nếu bạn chứng kiến một tình huống khẩn cấp xảy ra ngay trước mắt, có phải bạn chắc chắn sẽ thực hiện vài hành động để giúp đỡ người đang gặp rắc rối không? Tất cả chúng ta đều tin rằng điều này sẽ diễn ra, tuy nhiên các nhà tâm lý học lại cho rằng việc bạn có can thiệp hay không còn phụ thuộc vào số lượng người đang có mặt tại lúc đó.

Hiệu ứng “người ngoài cuộc” là gì?

Hiệu ứng “người ngoài cuộc” nói đến hiện tượng mà trong đó số lượng người có mặt càng nhiều, thì khả năng mọi người giúp đỡ một người gặp nạn càng ít. Khi một tình huống khẩn cấp xảy ra, những người quan sát có nhiều khả năng hành động khi có ít hoặc không có người nào khác ở đó. Việc trở thành một phần của đám đông dẫn đến việc không một ai đứng ra chịu trách nhiệm cho một hành động nào đó, hay nói cách khác là không hành động.

Trong một loạt các nghiên cứu cổ điển, nhà nghiên cứu Bibb Latané và John Darley nhận thấy rằng thời gian mà người tham gia nghiên cứu hành động và tìm kiếm sự giúp đỡ thay đổi khác nhau tùy thuộc vào số lượng người quan sát có trong phòng. Trong một thí nghiệm, các đối tượng được đặt vào một trong ba hoàn cảnh khác nhau: một mình trong một phòng, ở trong phòng với hai người tham gia khác hoặc ở trong phòng với hai người đóng giả là người tham gia bình thường.

Khi những người tham gia ngồi điền vào bảng câu hỏi, khói bắt đầu tràn ngập khắp căn phòng. Khi những người tham gia ở một mình, 75% trong số họ báo cáo phòng có khói cho những người thực hiện thí nghiệm. Ngược lại, chỉ có 38% trong căn phòng có hai người tham gia khác báo cáo phòng có khói. Trong nhóm cuối cùng, hai người đóng giả nhận thấy có khói nhưng họ bỏ lơ nó, kết quả chỉ có 10% báo cáo rằng phòng có khói.

Các thí nghiệm sau đó của Latané và Rodin (1969) cho thấy 70% người tham gia sẽ giúp đỡ một người phụ nữ gặp nạn khi họ là nhân chứng duy nhất. Nhưng chỉ có khoảng 40% đề nghị hỗ trợ khi có nhiều người khác cùng có mặt ở đó.

Vụ án Kitty Genovese

Ví dụ được nhắc đến thường xuyên nhất về hiệu ứng “người ngoài cuộc” trong các sách giáo khoa nhập môn tâm lý học là vụ sát hại dã man một phụ nữ trẻ tên là Catherine “Kitty” Genovese. Vào thứ Sáu, ngày 13 tháng 3 năm 1964, Genovese 28 tuổi đang trên đường đi làm về. Khi gần đến lối vào căn hộ của mình, cô đã bị tấn công và bị đâm bởi một người đàn ông mà sau đó được xác nhận là Winston Moseley.

Mặc dù Genovese đã liên tục kêu gọi giúp đỡ, nhưng không ai trong số hàng chục người sống ở khu chung cư gần đó nghe thấy tiếng khóc của cô để gọi cảnh sát báo cáo về vụ việc. Cuộc tấn công đầu tiên bắt đầu lúc 3:20 sáng, nhưng phải đến 3:50 mới có người liên lạc với cảnh sát.

Bài báo trên tờ New York Times đã đăng tin giật gân về vụ việc và đưa ra một số thông tin không chính xác. Một bài báo trong số tháng 9 năm 2007 của Hiệp hội các nhà Tâm lý học Hoa Kỳ đã kết luận rằng câu chuyện bị lan truyền sai sự thật là do sự công bố những thông tin sai lệch liên tục trên các bài báo và sách giáo khoa tâm lý.

Mặc dù vụ án của Genovese trở thành đối tượng bị xuyên tạc với những thông tin không chính xác, vẫn có rất nhiều trường hợp khác được báo cáo trong những năm gần đây. Hiệu ứng “người ngoài cuộc” rõ ràng có thể có tác động mạnh mẽ đến hành vi xã hội, nhưng chính xác là tại sao nó lại xảy ra? Tại sao chúng ta không giúp đỡ khi chúng ta là một phần của đám đông?

Giải thích về Hiệu ứng “người ngoài cuộc”

Có hai yếu tố chính góp phần tạo nên hiệu ứng “người ngoài cuộc”. Trước tiên, sự hiện diện của người khác tạo ra sự khuếch tán trách nhiệm. Bởi vì cũng có những người khác ở đó, các cá nhân sẽ không cảm thấy nhiều áp lực rằng mình cần phải hành động. Trách nhiệm hành động được chia đều giữa tất cả những người có mặt lúc đó.

Lý do thứ hai là nhu cầu cần phải cư xử đúng mực và được xã hội chấp nhận. Khi những người khác có mặt ở đó không phản ứng, các cá nhân thường coi đây là một tín hiệu cho thấy việc phản ứng là không cần thiết hoặc không phù hợp.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người xem ít có khả năng can thiệp nếu tình huống đó mơ hồ. Trong trường hợp của Kitty Genovese, nhiều người trong số 38 nhân chứng đã chia sẻ rằng họ nghĩ họ chỉ đang chứng kiến một “cặp đôi đang cãi vã” mà không nhận ra người phụ nữ trẻ đang thực sự bị sát hại.

Một cuộc khủng hoảng thường hỗn loạn và tình hình không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những người chứng kiến có thể tự hỏi chính xác là điều gì đang xảy ra. Trong những khoảnh khắc như vậy, mọi người thường nhìn những người còn lại trong nhóm để xác định điều gì là phù hợp. Khi họ thấy rằng không có ai phản ứng, đây là một tín hiệu cho biết có lẽ họ không cần hành động.

Ngăn chặn hiệu ứng “người ngoài cuộc”

Ta có thể làm gì để khắc phục hiệu ứng này? Một số nhà tâm lý học cho rằng, cách đơn giản và có lẽ là tốt nhất để phá vỡ vòng lặp này chính là nhận thức được chúng. Khi đối mặt với một tình huống đòi hỏi phải hành động, việc hiểu được cách mà hiệu ứng “người ngoài cuộc” đang cản bước bạn sẽ giúp bạn vượt qua nó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên đặt mình vào nguy hiểm.

Nhưng nếu bạn là người cần hỗ trợ thì sao? Làm thế nào để bạn có thể kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh? Một chiến thuật thường được đề xuất là chọn ra một người cụ thể trong đám đông đó, giao tiếp bằng mắt và yêu cầu họ giúp đỡ. Bằng cách cá nhân hóa đối tượng trợ giúp, mọi người sẽ khó từ chối giúp đỡ bạn.

Dịch: Phuong Hoang

Biên tập: Catthi

Minh họa: Weisomniac

Nguồn bài viết: https://www.verywellmind.com/the-bystander-effect-2795899

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan