Hoài niệm và vấn vương (phần 1)

Trong ánh sáng lập lòe của đèn điện neon cũ, Thành chau mày trước dòng chữ “Xin hãy cứu tôi!”


Phần 1: Cuộc gặp gỡ kì lạ


Trong cơn mưa rả rích kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, chàng nhà báo trẻ che vội chiếc cặp da trên đầu rồi chạy ùa từ toa xe lửa vào quán nước bên trong nhà ga Sài Gòn ngay khi tàu vừa dừng lại.

Loay hoay mãi với chiếc com - lê ướt sũng, Thành cau có nhìn ngó xung quanh đoàn người từ Hà Nội rồi tặc lưỡi: “Đến tận đây rồi mà vẫn còn xui xẻo thế này cơ đấy! Mưa với chả gió!”

“Ây chết!” Trong lúc mân mê chiếc cà vạt bị xiêu vẹo sang một bên, bất chợt người phụ nữ xa lạ bồng theo một đứa trẻ không khéo mà va vào anh.

“Cô đi mà không nhìn sao?” Thành có chút bất mãn giương to đôi mắt trách cứ.

“Xin lỗi anh, mưa quá nên tôi trượt chân!”

Đứa bé trên tay nhìn thấy gương mặt dữ tợn của đối phương mà òa khóc nức nở.

Giữa cơn mưa như trút nước ấy, tiếng người nhốn nháo từ tứ phương cũng chẳng thể che lấp nổi tiếng khóc của thằng bé kháu khỉnh này. Nó nằm gọn trước ngực mẹ rồi cứ mặc sức mà la toán cho đã đời.

Thành vốn là người ghét ồn ào, nhất là tiếng ồn từ trẻ con. Cũng vì thế mà anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ lách người sang chỗ khác, đi khuất khỏi bóng dáng của người phụ nữ đang sốt vó lên dỗ dành con.

“Cô làm gì mà còn đứng đó, mau đi nhanh lên!” Ở phía xa, tiếng nói ra lệnh của một người đàn ông chạc khoảng ba mươi vang lên khiến hai mẹ con họ giật bắn mình. Cô vội lấy bình sữa đút vào miệng thằng bé cho nó nín rồi lật đật đi theo con người có khí chất uy quyền ấy.

.…

Đã là hai giờ sáng, ở nơi đất khách quê người, Thành trằn trọc trên chiếc giường gỗ trong nhà nghỉ mãi không ngủ được.

Anh bật người dậy, châm điếu thuốc rồi đứng cạnh cửa sổ tối đen như mực.

“Khỉ gió, sao lại giao cái đề tài khó nhằn như vậy chứ!” Nhớ đến cuộc nói chuyện của mình và chủ tòa soạn báo “Đời Sống”, Thành cay cú dụi điếu thuốc nghi ngút xuống gạt tàn lẩm bẩm một mình.

...

Thành là nhà báo trẻ, chuyến đi vào Sài Gòn lần này cốt yếu là để lấy tin. Họ bảo anh thu thập và viết về nạn bạo lực gia đình ở miền Nam. Lần công tác này kéo dài hai tháng, đồng thời đây là điều kiện để anh được thăng chức tổ trưởng sau ba năm làm báo.

Ánh mắt đau đáu, Thành buông tiếng thở dài. Anh muốn từ chối chuyến đi và chủ đề bài viết lần này, nhưng nghĩ cơ hội thăng chức không phải ai cũng có nên do dự không dám nói “không” với sếp. Cứ thế vận theo định mệnh, Thành xách chiếc cặp da cũ sờn lên đường vào Nam một mình.

Dù chỉ vỏn vẹn ba năm dấn thân vào công việc “người lấy tin”, nhưng Thành cũng đã để lại không ít tiếng vang trong đồng nghiệp. Anh liên tiếp được nhận bằng khen và hoàn thành công việc không sai sót chút nào cả.

Ngoài ra, cũng vì tài năng và gương mặt điển trai trầm buồn, Thành đã mang đến vấn vương trong tim ít nhiều cô gái. Nào là bạn học và cả đồng nghiệp. Nhưng anh chẳng quan tâm đến chuyện trai gái một thoáng nào cả, thậm chí còn ghét cay ghét đắng là đằng khác. Có lẽ là có lý do gì đó!

Buổi sáng tinh mơ bắt đầu bằng loạt thanh âm của gà gáy và tiếng gõ mõ của ngôi chùa bên cạnh, Thành nhíu mày. Anh đưa tay xoa đều hai bên thái dương với vẻ mệt mỏi.

“Lại xui xẻo nữa rồi, xem ra vào Sài Gòn chẳng may tí nào!” Vẫn thói cũ, Thành ngồi dậy chưa xong đã lẩm bẩm trong miệng. Vì dầm mưa hôm qua nên anh lên cơn sốt cao.

Chiếc áo sơ mi trắng nhăn nhúm, Thành co người tựa lưng vào bức tường lạnh lẽo. Giá như có một ai đó ở bên, thì anh không phải cô đơn trong những cảnh ngộ thế này. Nhưng xem ra thà chịu đựng còn hơn là dính đến chuyện yêu đương, Thành đã từng cự tuyệt không biết là bao nhiêu cô gái.

Mất hơn nửa tiếng, anh cuối cùng cũng ăn vận chỉnh tề, xách theo chiếc cặp da như thường lệ, điểm đến đầu tiên trong ngày hôm nay chính là “Hiệp hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em”. Thành sẽ đến đó để hỏi thông tin về những trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cầm thông tin địa chỉ trên tay, Thành lóng ngóng vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh. Vì mới đến đây lần đầu, nên sự lúng túng là không thể tránh khỏi. Nhà báo trẻ thở dài, anh đưa chiếc la bàn về phía mặt trời rồi nhăn mặt ngao ngán.

“Ui trời, đi qua hai con hẻm nữa mới tới sao?” Cơn cảm mạo khiến Thành toát mồ hôi ướt đẫm thân áo khi đi bộ. Anh thở dốc. Đáng ra phải nhờ chú xe ôm chở vào tận nơi, nhưng vì nhìn dáng vẻ con người ấy lọng khọng, lại lớn tuổi, nên Thành muốn tự mình vào hẻm mà không phiền người ta.

Trong giây phút loạng choạng suýt nữa thì mất thăng bằng vì lên dốc cao, bất ngờ bàn tay ai đó nhanh chóng níu lấy anh từ phía sau.

“Nè anh gì ơi, anh không sao chứ?”

Tiếng nói văng vẳng, Thành nửa tỉnh nửa mơ anh cố gắng mở to mắt xem đó là ai, nhưng không được nữa rồi cơn đau đầu đã khiến anh ngất lịm.

Bên tai lúc bấy giờ chỉ còn đó tiếng hô hoán của một người phụ nữ trẻ đang địu con sau lưng.

Hai tiếng đồng hồ thoáng chốc trôi qua, Thành giật mình bật dậy nhìn ngó xung quanh rồi nhận ra mình đang nằm trong một căn phòng xa lạ. Anh đưa tay dở tấm chăn ra khỏi mình rồi từ từ buông thõng chân xuống sàn nhà.

“Đây là đâu vậy chứ, mình bị ngất sao?”

“Anh tỉnh rồi ạ?” Tiếng mở cửa vang lên từ phía sau.

Thành quay người lại, thấy cô thì có chút giật mình.

...

“Anh uống cốc nước ấm nhé!”

“Cảm ơn cô… nhưng đây là?”

“Nhà tôi đấy, vì anh ngất nên…”

“À vâng… tôi hiểu rồi, làm phiền cô quá!” Thành đưa tay gài cúc áo ngay cổ tay, rồi lịch sự uống một ngụm nước trước khi đặt nó ngay ngắn lên bàn.

“Nhìn anh thế này, tôi đoán là anh không nhớ tôi rồi.” Người phụ nữ mỉm cười đan hai tay về phía trước nhìn anh nhẹ nhàng.

“Nhớ cô? Ý là tôi và cô quen biết nhau?”

“Không phải quen biết mà là tình cờ gặp ấy. Tối hôm qua ở ga Sài Gòn, tôi va phải anh.”

“Ga Sài Gòn?” Thành mang máng nhớ lại kí ức tối hôm qua. Đúng là có người va phải anh, nhưng gương mặt của con người ấy anh chẳng tài nào nhớ nổi. Vốn dĩ anh chẳng muốn để tâm đến phụ nữ, thế nên không nhớ cô là chuyện bình thường.

“Hôm qua cũng vì sơ suất nên tôi khiến anh khó chịu, dù gì cũng xin lỗi nhé… Nhưng lạ thật sao chúng ta lại gặp nhau lần nữa chứ nhỉ?”

Thành không muốn dây dưa nhiều với người lạ, thậm chí đây là nhà của phụ nữ. Anh khoác chiếc áo lên mình một cách vội vàng như muốn rời khỏi.

“Rất cảm ơn cô vì ngày hôm nay, tôi không biết lấy gì để đáp trả ân tình này…”

“Đáp trả gì chứ, coi như là tôi xin lỗi anh chuyện hôm qua được không ạ?”

“Tôi… nhưng mà tôi có điều thắc mắc.”

“Sao ạ?”

“Chỉ mới gặp tôi vài phút tối hôm qua mà cô vẫn nhớ mặt tôi kĩ vậy sao?”

Cô nhìn xuống chiếc cặp da rồi chỉ vào: “Có nhiều thứ khiến tôi nhớ mà, nó là một trong số đó!”

“À… vâng!” Thành cười trừ, anh ngại ngùng đưa chiếc cặp cũ sờn về sau lưng.

Trong giây phút ấy, bất chợt cơn gió từ ngoài cửa sổ lùa vào trong nhà làm tung bay mái tóc của cô. Vết bầm tím chằng chịt trên xương quai xanh lồ lộ trước mặt Thành. Chiếc mái che đi một bên mắt cũng phản chủ mà tung bay trong gió, người phụ nữ không kịp trở tay nên vô tình những vết thương ấy đã đập vào mắt chàng nhà báo trẻ.

Anh lùi về sau một bước, từng mảng kí ức như luồng điện xẹt qua đầu. Mười năm trước Thành đã luôn phải đối diện với những vết sẹo ấy, không chỉ là bầm tím mà còn rỉ cả máu của mẹ mình. 

...

Mẹ Thành là nạn nhân của bạo lực gia đình, và đó là lý do khiến anh chùn bước trong đề tài lần này. Nhưng đã là nghề nghiệp, anh biết mình không được để chuyện cá nhân chi phối nên đành nuốt sự ám ảnh vào trong mà đối diện khó khăn.

Thấy ánh mắt của anh chăm chăm vào vết thương của mình có chút hoảng sợ, cô lấy tay che mặt chạy ra ngoài.

Thành đứng đó, không nói năng gì nhưng dường như anh đã hiểu vấn đề của người phụ nữ ấy. Lảo đảo từng bước chân bước ra sân, anh biết cô vì mặc cảm nên trốn chạy vào góc nào đó, nên chỉ đành để lại bức thư cảm ơn rồi rời khỏi.

Về lại nhà, nằm dài trên chiếc giường gỗ gác tay lên trán, Thành nhận ra tâm can mình vẫn như cơn sóng ngoài biển lớn, không thể lặng yên được. Anh là người từng chịu tổn thương, nay lại khơi dậy nó một lần nữa, anh sợ mình không kham nổi. Hơn nữa, anh không đủ dũng khí để nhìn thẳng vào ánh mắt của những người phụ nữ ấy. Ví như cô là một minh họa điển hình của ngày hôm nay, anh đã không giữ vẫn được tâm trí mà khiến cô e ngại phải chạy trốn.

Suy nghĩ một lúc lâu, Thành lết thân mình ỉu xìu như cọng bún dậy, anh rướn người với lấy chiếc điện thoại trong cặp da dưới chân giường. Anh có chút bất ngờ vì mình lại gặp nạn nhân bị bạo lực nhanh đến vậy.

Sau đó, một vật gì đó rơi ra khi bàn tay anh rút khỏi ngăn cặp. Chàng nhà báo trẻ bật sáng đèn bàn rồi cúi xuống nhặt nó lên.

Trong ánh sáng lập lòe của đèn điện neon cũ, Thành chau mày trước dòng chữ “Xin hãy cứu tôi!”


Tác giả: Yên Lam

Nguồn ảnh: Pinterest

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan