Học Cách Buông Bỏ Quá Khứ Để Sống Cho Tương Lai: 7 Cách Giúp Bạn Bỏ Lại Quá Khứ Đằng Sau

“Đừng ngoảnh mặt nhìn lại và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng khoảng thời gian bạn hoài niệm là khoảng thời gian tốt đẹp hơn bởi nó đã qua rồi. Những năm tháng đã qua có vẻ là những năm …

“Đừng ngoảnh mặt nhìn lại và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng khoảng thời gian bạn hoài niệm là khoảng thời gian tốt đẹp hơn bởi nó đã qua rồi. Những năm tháng đã qua có vẻ là những năm tháng yên bình, trong khi tương lai lại là một đám mây xa mù mịt đáng gờm.” – Beryl Markham.

Tất cả chúng ta đôi khi đều sống với quá khứ của chính mình, nhất là khi quá khứ ấy tràn ngập những kỷ niệm ngọt ngào và vui vẻ. Thế nhưng, có những lúc, ta mải mê chìm vào quá khứ với nỗ lực “lặp lại” những điều đã diễn ra, đặc biệt là khi những trải nghiệm đó không được tốt đẹp cho lắm. Sau tất cả, ta hoàn toàn có thể tin rằng dù có cố gắng hết sức có thể, ta cũng không thể “lặp lại” những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Chúng ta có một lựa chọn. Ta có thể tiếp tục sống trong quá khứ theo cách chẳng có ích gì cho bản thân, thậm chí còn gây hại bởi việc này ngăn chúng ta sống cho hiện tại và bước tiếp trong tương lai. Việc ám ảnh về những câu nói “lẽ ra ta sẽ làm/nên làm/có thể làm” sau cùng cũng chỉ làm lãng phí thời gian, năng lượng và cảm xúc của chúng ta. Thay vào đó, ta có thể rút ra những bài học từ kinh nghiệm của bản thân để không đi vào vết xe đổ một lần nữa, để những lựa chọn và quyết định mình đưa ra trở nên sáng suốt hơn. Khi để lại quá khứ phía sau, bạn học cách chấp nhận những chuyện đã qua và sẵn sàng bước đi khỏi chúng.

Dưới đây là 7 cách giúp bạn đóng lại cánh cửa quá khứ. 

1. Có ý thức trong việc quyết định buông bỏ quá khứ.

Bạn có thể cho rằng điều này là hiển nhiên, nhưng không. Có ý thức nghĩa là nhận thức được điều gì đã diễn ra với bạn và hiểu được nó đã tác động đến bạn ra sao. Bạn không chỉ đơn thuần là bị sa lầy trong những xúc cảm mù quáng. Việc đưa ra quyết định tức là bạn đã cân nhắc giữa những lựa chọn và quyết định theo đuổi con đường của sự nhận thức và sáng suốt.

2. Chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản thân.

Về cơ bản, việc thực hiện những hành động cần thiết giúp bản thân tiến về phía trước phụ thuộc vào bạn. Hãy tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi như: Bạn đang giữ chặt lấy ai hay điều gì, và tại sao? Việc níu giữ quá khứ khiến bạn cảm thấy thế nào? Cảm giác có khá hơn khi sống trong những hoài niệm, mơ tưởng về những thứ có thể đã xảy ra, thay vì đối mặt với hoàn cảnh thực tại? Có dễ dàng, nhẹ nhàng hơn khi cứ nghĩ hoài về một tình huống đã xảy ra theo cách của nó, hay theo cách mà bạn ước là đã từng như vậy, thay vì những điều thực sự đã diễn ra? Có phải bạn đang dùng “sự níu kéo” này như một lời bao biện cho tình trạng lấp lửng của bản thân? Nói cách khác, liệu rằng việc sống quá khứ có đang ngăn trở bạn tiến về tương lai phía trước? Bạn có đang có né tránh việc đối mặt với những mất mát trong quá khứ và những khoảng trống do chúng tạo ra không? Bạn nghĩ rằng điều gì sẽ xảy đến nếu bạn chấp nhận buông bỏ quá khứ? Việc thành thật với bản thân nhất có thể sẽ tạo ra cho bạn kết quả tích cực về mặt lâu dài. Những đau đớn, thương tổn, cơn tức giận và nỗi thất vọng sẽ giảm bớt khi bạn dành chỗ cho những suy nghĩ tốt đẹp và thực tế hơn về hoàn cảnh.

3. Chấp nhận quá khứ như chính nó. 

Hãy nghĩ về 5 giai đoạn của sự đau khổ (theo Elizabeth Kubler-Ross) như một mô hình giúp bạn đối mặt với việc bỏ lại quá khứ ở phía sau. Mô hình này liên quan đến sự đau khổ và mất mát khi những người thân yêu của ta qua đời. Tuy nhiên, có đôi khi, những sự kiện trong quá khứ cũng gây ra cảm giác như những mất mát và lúc này, cảm xúc đau khổ trở nên thích hợp để bày tỏ sự tiếc thương cho những mất mát đó. Trong mô hình của Kubler-Ross, các giai đoạn trước sự chấp nhận bao gồm chối bỏ, giận dữ, thương lượng và suy thoái. Mục đích cuối cùng là chấp nhận quá khứ như chính nó, chứ không phải như phiên bản mà bạn mong muốn. Đó là sự chấp nhận thực tế rằng mọi thứ không thể duy trì được nữa. Khi bạn chấp nhận thực tại, nó sẽ mở ra cho bạn những cánh cửa đến với những điều mới mẻ, những góc nhìn khác nhau, và có lẽ là cả một nhận thức rộng lớn hơn.

4. Tạo ra một kế hoạch cho tương lai trước mắt của bạn.

Hãy xác định đâu là thứ quan trọng nhất ngay lúc này và tiến lên phía trước. Bạn có thể không biết tương lai của mình sẽ ra sao, nhưng hãy thực hiện từng bước dù là nhỏ nhất để bạn tiến gần hơn đến tương lai. Có lẽ bạn nên sắp xếp lại các ưu tiên để có thể khám phá những khả năng và cơ hội khác nhau. Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và trải nghiệm những điều mới mẻ. Quan trọng hơn hết là sự cố gắng nỗ lực của bạn, dù cho kết quả có ra sao. Nếu bạn không thể nhìn thấy lối đi rõ ràng ngay trước mắt, hãy tự tạo ra một lối đi riêng cho chính mình.

5. Tập trung vào những điểm mạnh của bản thân.

Đâu là mặt tích cực của bạn? Bạn có những tài năng, năng khiếu và giá trị nào? Đâu là nơi bạn có thể tạo ra những biến chuyển tích cực cho cuộc sống của mình? Một lần nữa, những thay đổi dù là rất nhỏ đều thực sự cần thiết. Bạn có thể thay đổi điều gì ngay bây giờ? Điều gì bạn có thể thực hiện ngay lập tức? Xác định đâu là thứ bạn cần, đâu là thứ khiến bạn vui, đâu là thứ đem lại sức mạnh cho bạn thay vì đặt lợi ích của người khác lên trước và/hoặc cố gắng làm hài lòng họ. Hãy ở cạnh những người thực sự quan tâm bạn, những người luôn thấu hiểu, ủng hộ và động viên bạn.

6. Tha thứ cho bản thân và người khác.

Sự tha thứ cho phép bạn chấp nhận những sự việc xảy ra trong quá khứ dù cho những thắc mắc và mối quan tâm về chúng vẫn còn lẩn quẩn trong tâm trí bạn. Người ta thường hành động cho bản thân mình mà không muốn làm tổn hại đến người khác. Việc mải mê đắm chìm trong quá khứ và những cảm xúc xung quanh nó sẽ khiến bạn cảm thấy bế tắc và cau có. Thay vì dành quá nhiều thời gian và năng lượng để cố lý giải những điều mà bạn có lẽ sẽ không bao giờ tìm thấy câu trả lời, và/hoặc viết lại hay tưởng tượng lại những sự kiện đã qua, việc cho phép bản thân tha thứ cho quá khứ và người khác để bước sang chương kế tiếp của cuộc đời có thể tốt đẹp và hữu ích hơn nhiều.

Tương tự như vậy, hãy tha thứ cho những hành động của mình trong quá khứ và những điều liên quan. Bạn có thể đã làm hết sức mình và điều đó có thể vẫn chưa đủ. Hoặc, hoàn cảnh khi đó không cho phép bạn đạt được kết quả như bạn mong muốn, hay bạn đã không hiểu được hoàn cảnh thực tế và/hoặc mục đích của những người có liên quan. Đừng đổ lỗi cho bản thân vì những điều bạn không biết hay không hiểu.

7. Bài học từ quá khứ.

Bất cứ việc gì xảy đến với chúng ta trong cuộc sống đều mang đến những điều mới mẻ để ta hiểu rõ hơn về bản thân mình. Có một điều trớ trêu nhưng lại khá chính xác, đó là các sự kiện và các mối quan hệ tưởng chừng như để lại nhiều ảnh hưởng lên cảm xúc của chúng ta nhất lại chẳng là gì cả. Cảm giác giận dữ, đau đớn, thất vọng và buồn bã mới là những thứ không dễ dàng vượt qua. Khi mọi thứ không đem lại kết quả, chúng ta cảm giác như mọi mong muốn của mình đều bị cướp đoạt. Chúng ta có thể cảm thấy bị chối bỏ, lòng tự tôn của ta như đang bị công kích. Mọi thứ dường như đang sụp đổ; ta cảm giác như vận mệnh không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình. Thế nhưng, những bài học cuộc sống đều có ý nghĩa tốt đẹp nếu bạn để tâm đến chúng. Nếu bạn có thể chờ đủ lâu để nắm được thông điệp mà cuộc sống mang lại, bạn sẽ khám phá được rất nhiều cơ hội để phát triển, và sau cùng hãy đưa ra những quyết định ngày một sáng suốt hơn để bạn chạm đến cuộc sống mà mình mong muốn.

Dịch: #Zealous

Biên tập: Catthi

Minh họa: Nguyễn Thảo

Nguồn bài viết: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/in-flux/202001/7-strategies-put-the-past-behind-you

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan