Làm sao để người hướng nội phát huy tốt nhất khả năng "lắng nghe" của mình

Lắng nghe. Là một sự thực tập. Là một hành trình thấu hiểu người khác và thấu hiểu chính mình

Lắng nghe. Bạn đã bao giờ được ai đó giãi bày tâm sự? Bạn đã bao giờ “thực sự lắng nghe” một ai đó hay một câu chuyện nào đó chưa?

 

Liệu hai từ “lắng nghe” chỉ đơn thuần là “nghe" mà thôi? 

 

Bản thân là một đứa hướng nội, mình có một đặc quyền từ nhỏ, đó là khả năng “lắng nghe”. Lắng nghe với mình nó như một sự thực tập, và sự thực tập thì sẽ có những nốt thăng trầm của nó. Nếu như người hướng ngoại có khả năng bộc phát những suy nghĩ bên trọng họ thành lời, thì những con người hướng nội như mình nhiều khi lại chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nội tâm. Và nó tôi luyện cho mình khả năng lắng nghe đặc biệt. Mình còn nhớ những lần trò chuyện cùng bạn, cùng người thân, dù ít dù nhiều, họ luôn tìm thấy được sự chia sẻ, sự đồng cảm và hơn hết, là một sự nhẹ nhõm mỗi khi nói chuyện với mình. Sau nhiều lần như vậy, mình chợt nhận ra, lắng nghe là cả một nghệ thuật, mình may mắn có được đặc quyền ấy, và mình luôn cố gắng từng ngày để luyện tập hơn nữa khả năng “lắng nghe" đặc biệt ấy. 

 

Vậy thì, lắng nghe, nó không đơn thuần là ngồi xuống và mở lòng. Đối với mình, một đứa đã từng nhập tâm vào rất nhiều câu chuyện, buồn có, vui có, cả đau lòng cũng có, mình hiểu rằng, nếu bạn muốn sự hiện diện của mình thực sự có ý nghĩa, vậy thì:

 

Đừng chỉ nghe một cách thụ động, hãy lắng nghe một cách chân thành

 

“Nghe” khác với “lắng nghe". Nghe là khi bạn đang trong tâm lý tiếp nhận thông tin một cách thụ động, đôi khi là một chiều mà không có hồi đáp hoặc hồi đáp một cách hời hợt. Còn “lắng nghe" lại hoàn toàn khác. Đó là khi bạn thực sự quan tâm và thực sự “muốn" nghe câu chuyện của đối phương. Đó là khi bạn thực sự “lắng đọng" được ít nhất một điều gì đó sau cả một câu chuyện dài. 

 

Mình còn nhớ có lần mình và cậu bạn thân, cùng uống bia và tâm sự về những chuyện hết sức bình thường, về gia đình, về tình cảm, về cả những muộn phiền thường nhật của cuộc sống sinh viên. Và mình còn nhớ như in một câu của cậu ấy nói với mình “Mình là người đầu tiên cậu ấy chia sẻ những điều khó nói đó sau bao nhiêu năm". Mình cũng không lý giải được lý do tại sao mình lại có một sự “đáng tin” như vậy. Mãi cho đến sau này, mình mới nhận ra, là vì mình “giỏi lắng nghe". 

 

Mình thường biết đâu là lúc nên lên tiếng chia sẻ quan điểm, đâu là lúc nên kể câu chuyện của riêng mình, và đâu là lúc nên im lặng trìm sâu vào câu chuyện. Đó chính là sự khác nhau của nghe với lắng nghe. Khi “lắng nghe", bạn hoàn toàn chủ động đi theo mạch kể của đối phương, bạn dồn toàn bộ tâm trí vào câu chuyện ấy. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi bạn biết đâu là lúc cần hành động, và xử lý hoàn toàn một cách chủ động. 

 

Luôn biết cách đặt câu hỏi mỗi khi lắng nghe

 

Như đã nói, vì lắng nghe là trạng thái hoàn toàn chủ động. Vậy nên, bạn sẽ hiểu được câu chuyện và hiểu được cả tâm lý của đối phương. Bạn sẽ đặt câu hỏi một cách thông minh và tinh tế hơn rất nhiều. Đối với mình, mình luôn luôn tận dụng những khoảng lặng trong cuộc trò chuyện để lên tiếng đặt câu hỏi cho đối phương. Chắc hẳn, khi bạn đặt câu hỏi một cách tinh tế, đối phương sẽ cảm nhận được sự chân thành từ tận bên trong của bạn. Và họ vì thế càng dễ chia sẻ nhiều chuyện khó nói với bạn. 

 

Giao tiếp bằng ánh mắt

 

Không biết người khác ra sao, nhưng bản thân mình luôn tin vào sự giao tiếp qua ánh mắt. Nó là một kiểu giao tiếp không thể diễn tả hết bằng lời. Và mình tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ nhìn vào ánh mắt của bạn cũng có thể hiểu bạn đang suy nghĩ hay trăn trở điều gì, thì bạn đang rất may mắn trong mấy tỷ người trên thế giới này. Và hơn tất cả, bạn thực sự nên chân trọng người đó. 

 

Trong lắng nghe cũng vậy, vì bạn lắng đọng và cảm nhận được câu chuyện của đối phương, bạn chắc chắn sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc cùng đối phương. Và khi cảm xúc ấy không thể nói hết bằng lời, thì ánh mắt hai người nhìn nhau sẽ nói lên tất cả.

 

Tôn trọng những gì đối phương chia sẻ, dù đó không phải là điều bạn thực sự muốn nghe

 

Nếu ai đó tin tưởng và tìm bạn để chia sẻ, bạn chắc hẳn là một người rất quan trọng với họ, hoặc chí ít, bạn là một người đáng tin. Tất nhiên, câu chuyện không phải lúc nào cũng đi theo mạch suy nghĩ và ý muốn của bạn. Mình lại nghĩ đến những chuyên viên tư vấn tâm lý, phần nhiều trong số những người họ tham vấn đều có những câu chuyện có thể hơn mức họ tưởng tượng. Có những câu chuyện buồn, có những câu chuyện rất buồn, và có những câu chuyện không thể nói hết bằng lời. Họ có lạc lõng không? Họ có bất lực không? Bản thân mình nghĩ là có. Họ cũng là con người, và con người thì nhất định có cảm xúc chứ. Vậy nên, khi bạn đã cuốn vào một câu chuyện, khi đối phương thực sự cần sự giúp đỡ hay tư vấn từ bạn, hãy cố gắng để “lắng nghe" bằng tất cả tâm trí, và tôn trọng họ cho đến hết câu chuyện. 

 

Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng để chia sẻ và trải lòng. Vậy nên, nếu bạn được ai đó chia sẻ, hãy lắng nghe bằng cả trái tim.

 

From Hạ Mây

BẢN THẢO
Bài viết liên quan