Học cách ngừng im lặng, ngay cả khi bạn đang tập trung suy nghĩ

“Tôi thực sự không biết làm thế nào để tham gia vào cuộc trò chuyện. Khi những người khác đang cười đùa và pha trò, tôi chẳng biết phải nói gì. Họ có thể nói chuyện không ngừng, tôi thì không". Nếu bạn từng rơi vào tình huống như vậy, đừng lo lắng vì bạn không hề đơn độc


Tôi thường là người ít nói, đặc biệt là trong các nhóm hoặc với những người lạ. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi có điều gì không ổn. Trên thực tế, việc trở thành “người trầm lặng” là điều hết sức bình thường đối với những người hướng nội, những người nhút nhát, hoặc những người không cảm thấy có nhiều động lực để phải trò chuyện nhiều.


Những chỉ dẫn này nói về việc làm thế nào để hạn chế việc quá “ít nói” ở nơi làm việc, ở trường học hoặc trong các nhóm nói chung. Tôi sẽ chỉ bạn cách khiến bản thân từ người trầm lặng trở nên hoạt ngôn hơn và chiếm nhiều không gian trò chuyện khi bạn muốn.


Phần 1. Làm thế nào để ít im lặng hơn


1. Ít nghĩ hơn đến tiêu chuẩn của bạn về những điều đáng nói


“Tôi thực sự không biết làm thế nào để tham gia vào cuộc trò chuyện. Khi những người khác đang cười đùa và pha trò, tôi chẳng biết phải nói gì. Họ có thể nói chuyện không ngừng, tôi thì không.”


Nếu bạn thiên về lo lắng nhiều hơn, bạn có thể đang lo lắng quá độ về việc mà mọi người sẽ phán xét hay quan tâm đến những điều bạn nói Nếu bạn phân tích những người am hiểu về giao tiếp xã hội, bạn sẽ nhận thấy rằng họ chẳng hề lo lắng về việc phải nói gì. Họ có thể nói những điều hiển nhiên, và không ai phán xét họ vì điều đó.


Bạn nên biết rằng hòa nhập xã hội không thực sự là để trao đổi thông tin đáng giá. Nó thiên về việc tận hưởng khoảng thời gian thú vị bên nhau. Hãy nói kể cả khi những điều này không quá khôn khéo, quan trọng hoặc có giá trị.


2. Luyện tập bộc lộ suy nghĩ của bạn


Hãy tập nói ra mọi thứ mà bạn suy nghĩ miễn là nó không khiếm nhã hoặc thiếu hiểu biết. Điều này có thể giúp bạn quyết định điều gì nên nói và điều gì không nên nói.


Miễn là điều đó không khiếm nhã, đủ thoải mái để nói là được. Bạn có thể mất nhiều thời gian khi luôn phải nghĩ ngợi điều đó có thể khiếm nhã hay không. Một quy tắc đơn giản hơn để bắt đầu đó là "đừng nghĩ tiêu cực về ai đó hoặc điều gì đó". Nếu bạn nói với một tâm thế tích cực thì hãy an tâm là điều bạn nói dường như vô hại 


3. Không sao đâu, việc bạn mất thời gian để trả lời là hoàn toàn bình thường


“Tôi chỉ cảm thấy như trước khi tôi có thời gian để suy nghĩ và hiểu được chuyện gì đang xảy ra, một người khác đã đáp lại với một ý kiến giống tôi hoặc là khá dí dỏm . Chỉ là tôi có đôi chút thất vọng vì tôi cảm thấy mình chậm chạp và kém cỏi”.


Dành thời gian để nghĩ ra những điều cần nói là bình thường và nó không liên quan gì đến trí thông minh cả. Nếu có thì theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, những người thông minh thường cẩn thận hơn và cần nhiều thời gian hơn để diễn đạt thành lời.


Thay vì trả lời bằng điều gì đó dí dỏm, hãy đáp lại bằng phản ứng tự nhiên:


  • Nếu ai đó nói điều gì đó mà bạn cho là buồn cười, hãy mỉm cười để thể hiện rằng bạn đánh giá cao lời nói đùa hơn là cố nghĩ ra điều gì đó khôn khéo để đáp lại.
  • Nếu ai đó nói điều gì đó thú vị, hãy hỏi thêm nhiều hơn về điều đó thay vì cố gắng đáp lại bằng điều gì đó thú vị.


4. Đưa ra những nhận xét về quan điểm và môi trường xung quanh


Những người sành đời sẽ đưa ra những nhận xét đơn giản. Họ biết rằng đó là một cách hay để khuấy động những cuộc trò chuyện mới. Lời nhận xét không cần phải khôn khéo. Ngay cả một lời nhận xét rõ ràng nhất cũng có thể truyền cảm hứng cho một chủ đề trò chuyện mới.


Bạn: "Wow, kiến trúc tuyệt vời".

Người bạn kia: “Ừ, nó trông giống kiểu châu Âu.” (Bây giờ thật tự nhiên để bắt đầu nói về kiến trúc, Châu Âu, thiết kế, v.v.)


Đưa ra những nhận xét đơn giản và để ý xem nó có thể khơi dậy những cuộc trò chuyện thú vị như thế nào.


5. Đặt câu hỏi khi bạn có thắc mắc về điều gì đó


Hãy đặt câu hỏi khi bạn không biết.


Nếu ai đó nói rằng “Tôi là một nhà bản thể học (người nghiên cứu về đối tượng nào đó có trình bày bài bản và khoa học)”, đừng nói “Uh… được đấy” và lo lắng rằng bạn sẽ trở nên ngớ ngẩn vì không biết nó là gì. Hãy phát huy tính tò mò của mình bằng câu "Nhà bản thể học là gì?"


Mọi người tán dương khi bạn đặt những câu hỏi chân thành. Nó dẫn đến nhiều cuộc trò chuyện thú vị hơn và bạn đang ra hiệu rằng bạn quan tâm đến họ.


6. Tập trung vào cuộc trò chuyện hơn là vào bạn


Hãy tập trung sự chú ý của bạn vào cuộc trò chuyện, giống như khi bạn tập trung vào một bộ phim hay. Khi bạn làm vậy, bạn sẽ ngừng lo lắng về bản thân và nghĩ cách vượt qua. Điều đó giúp bạn cảm thấy ít ngượng ngùng hơn.


Khi tập trung tất cả sự chú ý vào một điều gì đó, chúng ta cũng đâm ra có khuynh hướng tò mò vào chúng hơn Điều đó giúp bạn dễ dàng nghĩ ra những câu hỏi để tiếp tục cuộc trò chuyện. “Nó hoạt động như thế nào?,” “Trông nó ra sao?,” v.v.


Mỗi khi trong đầu bạn nảy ra ý nghĩ rằng cuộc trò chuyện này sắp kết thúc đến nơi rồi, hãy buộc sự chú ý và tò mò của bạn trở lại cuộc trò chuyện.


7. Trau chuốt câu trả lời của bạn


Tránh trả lời các câu hỏi chỉ với từ có hoặc không. Nếu ai đó đặt một câu hỏi, thường là vì họ muốn tiếp cận và kiểm tra xem liệu bạn có hứng thú trò chuyện với họ hay không.


Nếu ai đó hỏi rằng ngày cuối tuần của bạn như thế nào, thay vì chỉ nói "tốt", hãy chia sẻ đôi chút về những điều bạn đã làm. “Cũng tốt lắm. Tôi đã đi bộ một quãng xa vào Chủ nhật và tận hưởng mùa hè. Bạn đã làm gì vậy?”


8. Chia sẻ về bản thân


Điều hoang đường là mọi người chỉ muốn nói về bản thân họ. Họ cũng muốn biết họ đang nói chuyện với ai: Thật không thoải mái khi cởi mở với một người mà bạn không biết gì về họ.


Hãy tạo thói quen chia sẻ đôi chút về bản thân giữa những câu hỏi của bạn.


  • Nếu ai đó nói với bạn về công việc của họ, hãy chia sẻ về việc bạn đang làm.
  • Nếu ai đó nói về thể loại nhạc họ yêu thích, hãy chia sẻ dòng nhạc bạn thích.
  • Nếu ai đó nói về quê hương của họ, hãy cho họ biết bạn đến từ đâu.


Điều quan trọng là chia sẻ một lượng thông tin tương đương. Nếu ai đó tóm tắt công việc của họ trong một vài câu, bạn cũng nên làm như vậy. Nếu ai đó giải thích chi tiết những gì họ làm, bạn cũng có thể đi chi tiết hơn.


Trước khi bạn chia sẻ về bản thân, hãy thể hiện rằng bạn thực sự tò mò về những gì họ nói:


9. Hãy thật tâm tò mò và hỏi để hiểu rõ


Những cuộc trò chuyện thường bổ ích hơn khi chúng ta đào sâu vào trải nghiệm của ai đó trước khi chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của chính mình.


Nếu ai đó đã đến thăm Tây Ban Nha, trước tiên hãy hỏi về trải nghiệm của họ để hiểu nó như thế nào. Sau đó, sau khi thể hiện bạn thật lòng quan tâm đến câu chuyện của họ, bạn có thể chia sẻ một trong những trải nghiệm liên quan của mình.


10. Nuôi dưỡng sự quan tâm đến mọi người


Hãy xem mỗi người lạ như một bản đồ với nhiều khoảng trống. Việc của bạn là tìm ra những khoảng trống đó. Họ đến từ đâu? Họ thích làm gì trong cuộc sống? Ước mơ và suy nghĩ của họ là gì? Quan điểm và cảm xúc của họ về những điều bạn nói?


Bạn có thể nuôi dưỡng sự quan tâm đến mọi người giống như bạn có thể nuôi dưỡng niềm yêu thích đối với nghệ thuật, thơ ca hoặc rượu vang. Sự quan tâm này có thể giúp bạn tò mò hơn và dễ dàng bắt chuyện hơn.


11. Nhắc nhở bản thân rằng bạn không cần phải khôn khéo


Tôi nghĩ rằng tôi phải nghĩ ra những điều khôn khéo để để không bị phán xét khi nói ra. Trên thực tế, bạn không cần phải thông minh hay hóm hỉnh chút nào. Trên thực tế, cố tỏ ra thông minh hoặc dí dỏm có thể khiến bạn suy nghĩ quá mức và căng thẳng.


Khi bạn kiểm soát và kiềm chế bản thân, điều này sẽ khiến cuộc trò chuyện diễn ra bớt suôn sẻ hơn và thậm chí có thể làm tổn hại mối quan hệ của bạn về lâu dài.


Nếu chú ý đến cách trò chuyện của những người giao tiếp sành sỏi, bạn sẽ nhận thấy rằng họ thường nói những câu rõ ràng hoặc nêu ra một chủ đề trò chuyện rất đơn giản. Một trong số đó có thể phát triển thành các chủ đề thú vị hơn. Nhưng đừng e ngại khi khởi đầu một chủ đề nói chuyện đơn giản.


12. Ra hiệu rằng bạn thân thiện


Bản thân việc im lặng không phải là điều kỳ lạ. Nó chỉ trở nên kỳ lạ nếu mọi người lo lắng rằng bạn không thích họ hoặc bạn đang có tâm trạng không tốt. Bằng cách ra truyến thông điệp ngầm rằng bạn là người thân thiện, bạn sẽ loại bỏ được lo lắng đó. Do đó, mọi người sẽ hiểu rằng bạn chỉ là một người có bản tính trầm lặng.


Dưới đây là một vài cách để thể hiện sự thân thiện:


  • Một nụ cười thoải mái tốt hơn là một khuôn mặt căng thẳng
  • Giao tiếp bằng mắt thay vì cúi gằm mặt xuống
  • Thỉnh thoảng đặt một câu hỏi thể hiện rằng bạn quan tâm, chẳng hạn như “Lâu nay bạn sao rồi?


[Photo by Gary Barnes from Pexels]


13. Hãy xem những khoảng lặng thi thoảng như một điểm tích cực


Sự im lặng có thể cho mọi người thời gian để suy ngẫm và khiến cuộc trò chuyện trở nên trầm tư và thú vị hơn. Đừng coi đó là một thất bại nếu đôi khi có những khoảng lặng. Những sự im lặng này chỉ gây bất tiện nếu bạn khiến chúng khó xử.


Phần 2. Khắc phục những lý do cơ bản khiến bạn có thể im lặng


1. Phải biết rằng im lặng không phải là một nhược điểm, đó là một đặc điểm tính cách


Tôi từng tin rằng tôi có điều gì không ổn bởi vì tôi không hoạt ngôn. Trên thực tế, im lặng liên quan nhiều hơn đến tính cách và sự rèn luyện mà chúng ta đã trải qua.


Hãy hiểu rằng nếu bạn không sai thì bản thân bạn sẽ chẳng thể hiểu được bạn đang chưa tốt. Bạn có thể học cách tiếp tục cuộc trò chuyện lý tưởng nếu bạn muốn.


  • Nếu bạn giống tôi, bản tính là một người hướng nội, tôi sẽ chỉ bạn cách để trở nên hoạt bát hơn (khi bạn cần/muốn trở thành người hướng ngoại).
  • Nếu bản tính bạn là người nhút nhát, có thể bạn sẽ hứng thú đọc những hướng dẫn của chúng tôi về cách để thôi trở nên nhút nhát.


2. Điều chỉnh những kiểu suy nghĩ tiêu cực và phi thực tế


Hãy ý thức về những lời mà bạn tự nói với bản thân mình. Đôi khi, tiếng lòng từ nội tâm của chúng ta vọng lại những điều như:


  • Mọi người sẽ nghĩ tôi thật ngu ngốc.
  • Không ai quan tâm đến những gì tôi nghĩ.
  • Họ sẽ cười nhạo tôi.
  • Họ sẽ nhìn chằm chằm vào tôi và điều đó sẽ rất khó xử.


Hãy lắng nghe cẩn thận những điều tiếng lòng của bạn cất lên. Nếu nó nói rằng bạn ngu ngốc, liệu có bằng chứng phản đối không? Có bao giờ bạn nói chuyện với mọi người mà cảm thấy họ dường như chẳng mảy may nghĩ rằng bạn ngu ngốc?


Điều chỉnh tiếng lòng từ nội tâm của bạn mỗi khi nó coi thường bạn. Điều này giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về bản thân. “Có cảm giác như họ sẽ cười nhạo tôi, nhưng lần trước họ đã không làm như vậy, vì vậy điều họ làm như bây giờ thật phi thực tế”.


3. Phải biết rằng bạn cần cảm thấy có chút băn khoăn để cải thiện


Hãy xem sự khó chịu về cộng đồng là một điều gì đó tốt đẹp. Rốt cuộc, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn nên làm điều gì đó thoát khỏi vùng an toàn của mình. Mỗi phút bạn cảm thấy không thoải mái và lo lắng, bạn sẽ trưởng thành hơn một chút.


Đừng coi lo lắng và khó chịu như là dấu hiệu dừng lại. Hãy xem nó như một dấu hiệu phát triển. Nếu hoạt ngôn hơn khiến bạn không thoải mái, đó là dấu hiệu bạn nên tiếp tục. Nó có nghĩa là bạn đang trưởng thành hơn.


4. Gặp bác sĩ trị liệu


Bác sĩ trị liệu có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề cơ bản để biết lý do tại sao bạn lại ít nói như vậy. Mặc dù sách và các phương pháp tự lực khác cũng có thể hữu ích, nhưng bác sĩ trị liệu có thể dẫn dắt bạn trong suốt quá trình và mang đến cho bạn một góc nhìn bên ngoài.


Phần 3. Làm thế nào để không trầm lặng trong các nhóm


Việc dè dặt trong các nhóm là điều phổ biến vì mức năng lượng thường cao hơn và khó nghe được giọng nói của bạn hơn. Những lời khuyên này đã giúp tôi hoạt ngôn nhiều hơn trong các nhóm.


1. Góp ý đơn giản và nhỏ nhặt


Nói những điều nhỏ nhặt để đóng góp vào cuộc trò chuyện nhóm. Điều đó đủ để ra hiệu rằng bạn thân thiện và hứng thú với việc tham gia. Nếu bạn hoàn toàn im lặng, mọi người có thể cho rằng bạn đang cảm thấy khó chịu hoặc bạn không thích họ.


Nó có thể là một điều gì đó đơn giản như…


"Ừ, tôi cũng đã nghe nói về điều đó."

"Thật thú vị, tôi không hề biết tới chuyện đó luôn."

"Haha hài hước thật"


2. Thể hiện rằng bạn lắng nghe và mọi người trong nhóm sẽ xem bạn là một phần của cuộc trò chuyện ngay cả khi bạn không nói gì nhiều


Hãy ra những dấu hiệu cho thấy bạn chăm chú lắng nghe trong các cuộc trò chuyện nhóm và mọi người sẽ xem bạn là một phần của cuộc trò chuyện ngay cả khi bạn không nói gì nhiều. Phản ứng giống như bạn sẽ phản ứng khi ai đó đối thoại 1-1 với bạn:


  • Nhìn vào người nói chuyện ngay cả khi lúc đầu họ không nhìn bạn.
  • Phản hồi bằng những tiếng như là “hmm”, “ah”, v.v.
  • Khi thích hợp, hãy cười hoặc đưa ra những câu cảm thán như “tuyệt đấy” hoặc “gì cơ!”.


Hãy thử làm vậy và để ý xem cách người nói chợt bắt đầu nhìn vào bạn khi trò chuyện. Bạn trở thành một phần của cuộc trò chuyện.


Một vài người cảm thấy dường như họ không có “quyền” được coi thường điều người nói muốn nói với họ. Hãy coi đó như việc tạo ấn tượng tốt với người nói: Bạn sẽ khiến họ vui vẻ bằng cách thỏa nguyện cho họ sự chú ý của bạn.


3. Trò chuyện theo bản năng


Các cuộc trò chuyện nhóm diễn ra chớp nhoáng. Giống như bạn chụp lấy một quả bóng bất ngờ lao về phía mình mà không cần suy nghĩ đến cách phản ứng tốt nhất. Tương tự với các cuộc trò chuyện nhóm - bạn nên tập trung đáp lại theo bản năng. Chỉ cần bắt được bóng.


Tất cả chúng ta đều có khả năng trò chuyện theo bản năng. Như một hành vi chắc chắn, đôi khi chúng ta ngừng phản ứng theo bản năng. Chúng ta cố gắng giảm thiểu rủi ro nói sai điều gì đó.


Như tôi đã nói trong chương trước về hướng dẫn này, hãy tập nói bất cứ điều gì miễn là không khiếm nhã. Theo thời gian, khi bạn thấy không có gì xấu xảy ra, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi nghĩ gì nói đấy mà không cần nghĩ quá lên mọi chuyện.


4. Uống cà phê để thúc đẩy nhiệt huyết của bạn


Nếu bạn im lặng chỉ vì bạn không muốn nói chuyện, cà phê có thể giúp bạn hoạt ngôn hơn. Hãy thử nghiệm xem nó ảnh hưởng đến bạn như thế nào và bạn cần bao nhiêu - một vài người cần rất nhiều, những người khác chỉ cần một cốc nhỏ.


Ngược lại, nếu bạn im lặng vì cảm thấy lo lắng, bạn nên tránh uống cà phê vì nó có thể khiến bạn lo lắng hơn.


5. Hãy thể hiện tâm trạng khớp với giọng điệu khi nói chuyện với mọi người trong nhóm


“Nhiều lần có cơ hội nói chuyện với một nhóm bạn, tôi nhún vai hoặc cười một cách lúng túng vì quá e sợ tôi nói điều gì sẽ làm hỏng mạch cảm xúc vui vẻ”


Nếu bạn từng trải qua việc nói điều gì đó làm hỏng bầu cảm xúc vui vẻ, nó có thể là do cách bạn truyền tải hơn là điều bạn đã nói. Nếu mọi người đang đùa giỡn một cách tràn đầy năng lượng, nhưng bạn lại có vẻ ngập ngừng hoặc nói lầm bầm, điều đó có thể làm cho bầu không khí chùng xuống.


Thay vì lo lắng về việc phải nói ĐIỀU GÌ, hãy chú ý đến CÁCH bạn nói: Phù hợp với tâm trạng và giọng điệu (âm lượng, sự vui vẻ) của cả nhóm.


6. Dùng tông giọng lớn hơn và giao tiếp bằng mắt nếu bạn bị phớt lờ


Nếu bạn nhìn đi chỗ khác hoặc nói với giọng yếu ớt, bạn đang ra hiệu rằng những điều bạn nói là không hề quan trọng. Mọi người sẽ vô thức cho rằng bạn chỉ đang suy nghĩ lung tung và đó không phải là điều gì quan trọng.


Hãy thử dùng tông giọng lớn hơn và duy trì giao tiếp bằng mắt. Tôi đã bị sốc bởi sự khác biệt này tạo ra ra sao!


7. Bắt chuyện trước mà không đợi khoảng lặng khi người khác nói xong


Nếu bạn nhã nhặn trong các cuộc thảo luận nhóm cũng như trong các cuộc trò chuyện 1-1, bạn sẽ không có nhiều cơ hội để nói chuyện.


Các cuộc trò chuyện nhóm thiên về sự giải trí và ít tìm hiểu nhau hơn. Mọi người đều ổn khi bị ngắt lời trong một cuộc trò chuyện nhóm năng nổ hơn là trong một cuộc trò chuyện 1 đối 1 điềm tĩnh.

Đừng thảo luận nghiêm túc với mọi người, mà là thoải mái trò chuyện ngay khi họ đã nêu quan điểm của họ.


Người nào đó: Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi thích châu Âu hơn vì không phải lúc nào bạn cũng cần đến xe hơi cần xe hơi. Có vẻ như bây giờ tôi phải đi xe hơi chỉ để…

Bạn: Ừ, tôi đồng ý, ngoại trừ New York là ngoại lệ. Giờ đây họ cũng có hệ thống chia sẻ xe đạp.


8. Hướng một câu hỏi đến một cá nhân


Nếu bạn muốn tham gia vào một cuộc trò chuyện, bạn có thể hướng câu hỏi đến một người cụ thể. Khi bạn làm vậy, người đó sẽ càng thôi thúc trả lời nhiều hơn. Hãy đảm bảo rằng câu hỏi có liên quan đến chủ đề và phù hợp với tất cả mọi người.


“John, tôi thích những điều bạn từng nói về…”


“Liza, bạn có nghĩ điều đó cũng đúng với…”


[Photo by Gary Barnes from Pexels]


9. Nhớ rằng mọi người luôn chú tâm vào bản thân và có đầy nỗi bất an  


Hầu như mọi người đều có những điều mà họ muốn thay đổi về bản thân. Mọi người có những bất an về giọng nói, chiều cao, cân nặng, mũi, miệng, mắt, khả năng hoặc tính cách của họ.


Hầu như mọi người đều để tâm đến việc người khác nhìn họ như thế nào. Bởi vì phải chú tâm vào bản thân, họ ít tập trung đến những người khác. Hãy nhắc nhở bản thân rằng những người bạn gặp không chú ý nhiều đến cách bạn xuất. Họ chú ý nhiều hơn đến cách họ xuất hiện.


10. Học cách thoải mái khi trở thành tâm điểm của sự chú ý


Đôi khi, chúng ta giữ im lặng vì cố gắng tránh sự chú ý. Nếu trường hợp này xảy ra với bạn, bạn hãy tập với việc có được sự chú ý của người khác hơn là tránh né.


Khi bạn dành nhiều thời gian hơn để trở thành tâm điểm của sự chú ý, bạn dần trở nên thoải mái hơn với điều đó, ngay cả khi lúc đầu nó có vẻ đáng sợ.


Dưới đây là một vài ví dụ về những điều bạn có thể luyện tập để học cách trở thành tâm điểm của sự chú ý:



  1. Đưa ra quan điểm cá nhân của bạn về một chủ đề
  2. Kể một câu chuyện
  3. Chia sẻ điều gì đó về bản thân
  4. Đưa ra một câu trả lời trau chuốt cho một câu hỏi thay vì lời hồi đáp ngắn gọn.


Hãy nhắc nhở bản thân: Thực hiện những điều không thoải mái nhiều lần là cách tốt nhất để trở nên tự tin hơn.


Phần 4. Khắc phục tình trạng im lặng kéo dài


1. Thực hành những kỹ năng trò chuyện của bạn


Học hỏi các kỹ năng trò chuyện để cảm thấy tự tin hơn và có khả năng bắt chuyện.


Ví dụ, một kỹ năng mà những người giỏi quảng giao cần có là cân bằng giữa việc đặt những câu hỏi chân thành và chia sẻ về bản thân. Trò chuyện qua lại như thế này giúp xây dựng sự kết nối nhanh hơn so với việc chỉ nói về bạn hoặc người khác.


2. Học cách làm cho các cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn và không bị kẹt ở những mẩu chuyện tán gẫu ngắn


Hãy hỏi điều gì đó riêng tư về bất cứ chủ đề nào bạn nói để không bị vướng vào mẩu chuyện tán gẫu ngắn.


Dưới đây là một ví dụ đơn giản để bạn hiểu tôi đang nói gì:


Nếu bạn có một cuộc nói chuyện ngắn về thời tiết, hãy hỏi họ xem khí hậu yêu thích của họ là gì. Lúc này, bạn không nói về thời tiết nữa, mà là về những gì bạn thích trong cuộc sống. Nói cách khác, bạn chuyển từ mẩu chuyện tán gẫu ngắn sang chân thành tìm hiểu nhau.


Biết cách làm cho cuộc trò chuyện trở nên cụ thể và thú vị, như vậy, sẽ giúp bạn tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người: Sẽ thú vị hơn để bắt chuyện khi bạn biết rằng mọi người sẽ hứng thú đến việc trò chuyện với bạn.


3. Tham gia vào tổ chức Toastmaster


Toastmasters là một tổ chức quốc tế nhằm rèn luyện kỹ năng nói của bạn. Bạn có thể tham dự một buổi gặp mặt tại địa phương dành cho người mới bắt đầu và luyện tập cũng như nhận phản hồi về kỹ năng nói của mình.


Tôi đã từng e ngại với tổ chức toastmaster vì tôi nghĩ rằng họ dành cho những người vốn đã là những diễn thuyết tuyệt vời - nhưng nó lại dành cho những người giống như chúng tôi, những người muốn cải thiện kỹ năng nói của mình.


4. Rèn luyện lòng trắc ẩn để vượt qua tự ti


Đôi khi, nguyên nhân sâu xa của việc ít nói là do bản thân quá tự ti. Lòng tự trọng là cách bạn đánh giá bản thân. Nếu bạn đánh giá thấp bản thân, điều đó có thể khiến bạn không thoải mái khi lên tiếng.


Cách mạnh mẽ nhất để thay đổi sự thiếu tự tin của bạn là thay đổi cách bạn nói chuyện với chính mình. Đó chính là lúc lòng trắc ẩn xuất hiện. Nếu tiếng lòng trong nội tâm của bạn nói "Tôi là kẻ thất bại", thách thức nó bằng lý lẽ thực tế hơn. "Lần này tôi đã thất bại, nhưng nhiều lần trước đó tôi đã thành công". Cái nhìn thực tế hơn về bản thân có thể cải thiện sự mặc cảm của bạn.


5. Phân tích hành động những người quan hệ rộng


Hãy chú ý đến hành vi của những người xung quanh bạn, những người giỏi về mặt giao tiếp xã hội. Họ thực sự nói gì? Họ nói như thế nào? Chú ý đến điều này có thể dạy cho bạn những sắc thái tinh tế.


Trong số tất cả những lời khuyên trong danh sách này, nó là một trong những điều đã giúp tôi nhiều nhất. Nghiên cứu chúng chủ yếu dạy tôi rằng mọi thứ bạn nói không nhất thiết phải khôn khéo hay suy nghĩ kỹ càng.


6. Tham gia các lớp học ứng khẩu


Trên sân khấu ngẫu hứng, bạn sẽ rèn luyện khả năng ứng biến của mình. Tôi đã tham gia kịch ngẫu hứng trong nhiều năm và nó giúp tôi tự nhiên hơn và nói đùa khéo hơn. Nó cũng thú vị và giúp bạn thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn của mình một chút.


Tìm hiểu trên Google “Kịch ngẫu hứng” cùng với tên thành phố của bạn để tìm kiếm các lớp học tại địa phương.


7. Đọc một cuốn sách về kỹ năng xã hội hoặc về cách để bắt chuyện


Cải thiện toàn diện các kỹ năng xã hội và kỹ năng hội thoại của bạn bằng cách đọc một cuốn sách về chủ đề này. Khi làm vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì biết cách hành động và dễ dàng tận dụng ngoại cảnh để trò chuyện nhiều hơn.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Roam

Ảnh: pexels

[Online] Available at: 

<https://socialpronow.com/blog/stop-being-quiet-one-social-settings/> [ Last updated January 15, 2021]


BẢN THẢO
Bài viết liên quan