Học cách sống trường thọ vào lúc nào là ổn?

Nên tìm hiểu về cách sống trường thọ vào lúc nào là ổn? Có phải chỉ khi lớn tuổi người ta mới cần nghĩ đến việc gìn giữ thân thể? Bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra một vài điều nho nhỏ về cách sống và cách ta vẫn luôn đối đãi với những bản thể trong từng giai đoạn cuộc đời mình.

Mở. 


Gần đây, tôi bắt đầu đọc một cuốn sách mới với tựa đề: “Ikigai: Bí mật sống trường thọ và hạnh phúc của người Nhật”. Một tối nọ, em gái nhỏ hỏi tôi: “Sao chị đã già đâu mà phải đọc về cách sống trường thọ? Chị già rồi à?” Tôi nghe xong thì ngớ người vì bất ngờ và chỉ cười cho qua vì chẳng biết trả lời em thế nào. Đúng là dạo này tôi có chút lo lắng cho tuổi thọ của mình thật. 


Một hồi chuông cảnh báo. 


Cũng đã sang tháng 12 rồi nhỉ? Nơi tôi ở vẫn luôn đầy nắng tươi và gió lộng - một sự kết hợp khó hiểu giữa trời Đông, tạo hiệu ứng thê lương đến kỳ lạ. Cái giá lạnh làm tay tôi đau nhức âm ỉ và hai bàn chân thì luôn lạnh toát. Tóc tôi rụng nhiều và yếu ớt như cây thiếu rễ. Đôi mắt này bắt đầu mờ đi từ tuần trước và trực chờ ứa nước mắt kể cả khi tôi đang vui. Còn trí nhớ thì sụt giảm đến mức báo động khi tôi đột ngột quên mất mật khẩu điện thoại gồm 6 chữ số trong suốt 2 ngày. 


Tất thảy những sự kiện tồi tệ trên đã ném cho tôi một hồi chuông cảnh báo về tình trạng sức khoẻ của bản thân và xa xôi hơn, là chuyện tuổi thọ khi tôi còn chưa chạm ngõ 20.


Bức tranh không thể sửa. 


Trong lớp học vẽ vào buổi tối cuối cùng của tháng 11, thầy dạy vẽ đang chăm chú giảng giải cho một chú học sinh lớn tuổi. Chú nhờ thầy chỉnh sửa một chút để bức tranh trông chỉn chủ và gọn ghẽ hơn. Sau một lúc ngắm nghía, thầy nói rằng, việc “chỉnh sửa một chút” khi bức tranh đã gần như hoàn chỉnh căn bản là không có tác dụng. Hướng vẽ ngay từ đầu đã không phải là chỉn chu và gọn gàng. Vậy nên, nếu bảo chỉnh để được như vậy thì chi bằng đi vẽ lại một bức mới. Hãy nhớ rằng chỉ một vài nét chỉnh sửa nhỏ sẽ chẳng thể thay đổi một bức tranh đã hoàn thiện theo một hướng hoàn toàn khác. 


Tương tự, nếu bức tranh cuộc đời ta ngay từ đầu đã được vẽ theo hướng Bắc, thì chỉ một chút thay đổi vào những phút cuối cũng chẳng thể khiến nó quay về hướng Nam được. Ta dành cả tuổi trẻ và rồi là tuổi trung niên để đâm đầu vào cuộc đua hiệu suất. Ta ỷ vào việc tuổi trẻ cho ta sức khỏe dồi dào mà thức tới sáng làm việc rồi lại cố níu giữ chút tỉnh táo cuối cùng bằng caffeine đậm đặc, hoặc ngay cả một ngày nghỉ hiếm hoi cũng bị chôn vùi vào thế giới ảo. Hai phần ba cuộc đời đã được sử dụng kiểu này, vậy việc tập dưỡng sinh lúc đã gần đất xa trời còn nghĩa lý gì không? 


Tuổi trẻ và tuổi trung niên ta bỏ đi đâu?


Ai ai cũng tự hứa rằng bản thân phải cố gắng hết sức để sau này khi về già, họ sẽ thoải mái mà hưởng thụ thành quả của sự sức cùng lực kiệt bao năm. Tôi cảm thấy việc chấp nhận lời hứa mà ta chỉ có thể thực hiện lúc cuối đời quả thực quá viển vông. Làm gì có ai lập ra một kế hoạch kéo dài tới gần trăm năm kia chứ! Bản chất cuộc đời là vô thường. Con người cũng không tránh khỏi vòng thay đổi liên tục của vận mệnh, nên khó có thể bám víu vào một bản kế hoạch rõ ràng cho cả đường đời. Hãy thử nhìn cuộc đời dưới góc độ của những người lớn tuổi, bạn sẽ thấy ở cái tuổi gần đất xa trời, họ vốn không còn mong cầu những thành tựu lớn lao mà họ ở thời trẻ đã cố gửi gắm đến tương lai nữa. 


Vả lại, chúng ta chỉ sống và cố gắng vì tuổi già thôi à? Vậy tuổi trẻ và tuổi trung niên ta bỏ đi đâu? Hay vốn dĩ ta vẫn cho rằng, với tư cách của một người trẻ tuổi, ta có đầy đủ điều kiện và quyền hạn để làm mọi thứ, dù có là tồi tệ, với bản thân mình mà chẳng sợ mất đi nó? Thật khó hiểu làm sao! Họ cứ rêu rao rằng mình cố gắng hết sức để khi về già có thể nghỉ ngơi và tận hưởng. Họ cứ làm như mình thương cái bản thể già cỗi của mình lắm. Nhưng liệu sự tàn phá trong ngần ấy năm có cho họ cái khả năng tận hưởng thành quả lúc về già? Tận hưởng và sống thoải mái không phải là bản năng, mà là những năng lực ta phải học hỏi và rèn luyện mới có được. 


Kết. 


Tôi tin rằng chúng ta nên bắt đầu đối xử bình đẳng với mọi giai đoạn của cuộc đời càng sớm càng tốt. Hãy đối xử tốt với bản thân kể cả khi ta trẻ, ta ở tuổi trung niên, rồi đến khi ta gần đất xa trời. Cái gì cũng cần có đầu có cuối. Đối đãi với bản thân tử tế ở giai đoạn một và giai đoạn hai sẽ khiến cho giai đoạn ba vì vậy cũng tốt hơn bội phần. 


Hơn hết, bởi cuộc đời vô thường, ta chẳng biết ngày mai sẽ xảy ra điều gì, chứ đừng nói đến chuyện mấy chục năm nữa. Cứ sống cho hiện tại đi đã. Chẳng ai quy định đến lúc già ta mới có quyền, hoặc có thể tận hưởng và sống thoải mái cả. Và biết đâu được, nếu không tranh thủ học cách tận hưởng lúc còn trẻ và còn trung niên, ta sẽ hoàn toàn mất đi mong cầu và cảm hứng đối với những thành quả đó khi về già hoặc còn chẳng biết cách tận hưởng chúng thế nào.  


Hãy tìm hiểu về lối sống trường thọ dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào. Yêu quý và chăm sóc bản thân dù cho bạn còn bao nhiêu thời gian và bao nhiêu sức lực trên cõi đời này chẳng có gì là bất hợp lý. Nó chỉ bất hợp lý khi bạn có thời gian lướt mạng nhưng không có thì giờ rèn luyện thân thể mà thôi. 


Tác giả: Diệu Nguyễn

Ảnh: Pinterest


BẢN THẢO
Bài viết liên quan