Học Ngành Tâm Lý- Bạn Sẽ Làm Nghề Gì?

Các công việc liên quan đến tâm lý học thường khá đa dạng và cơ hội nghề nghiệp chủ yếu phụ thuộc và các yếu tố như loại bằng tốt nghiệp, kinh nghiệm và chuyên ngành theo học. Theo Trung …

Các công việc liên quan đến tâm lý học thường khá đa dạng và cơ hội nghề nghiệp chủ yếu phụ thuộc và các yếu tố như loại bằng tốt nghiệp, kinh nghiệm và chuyên ngành theo học. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, ngành tâm lý học đứng thứ tư trên tổng số chuyên ngành phổ biến tại các trường đại học Hoa Kỳ; ở Việt Nam, điểm số đầu vào dành cho ngành tâm lý ở các trường đào tạo chuyên ngành này cũng dần tăng lên. Vậy chính xác có bao nhiêu công việc dành cho sinh viên chuyên ngành tâm lý?

Có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho những người theo học Tâm lý. Đặc biệt, đối với những sinh viên tiếp tục học lên thạc sỹ hay tiến sỹ chuyên ngành tâm lý học thì họ sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn với một mức lương cao hơn và cơ hội phát triển bản thân nhiều hơn.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Một chương trình học đại học chuyên ngành tâm lý sẽ là nền tảng vững chắc để nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học. Tuy nhiên thì có đến 75% sinh viên sẽ không tiếp tục học lên khi đã tốt nghiệp.

Báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ chỉ ra rằng các công việc liên quan chuyên ngành này có xu hướng bị giới hạn hơn khi chỉ dừng lại ở bậc cử nhân, tuy nhiên vẫn còn các sự lựa chọn khác. Một số công việc phổ biến của cử nhân sau khi tốt nghiệp thường là kỹ thuật viên tâm thần, giám sát y tế, và chuyên gia phục hồi chức năng. Một số cử nhân thì sẽ làm các công việc trái ngành ở các bộ phận như quản lý, bán hàng, nhân sự, tiếp thị. Các công việc đó có thể là: 

  • Bảo mẫu
  • Tuyển dụng đại học hoặc cố vấn tuyển sinh
  • Chuyên gia điều trị chỉnh hình
  • Tư vấn hỗ trợ tài chính
  • Nhân viên quản chế
  • Trợ lý nghiên cứu
  • Cố vấn trẻ vị thành niên

SAU ĐẠI HỌC

Tâm lý học bao gồm rất nhiều các lĩnh vực khác nhau và có rất nhiều loại hình chuyên gia tâm lý học khác nhau. Một số nhà tâm lý học tập trung vào các công việc liên quan đến sức khỏe,chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lý tâm thần. Những nhà tâm lý học này thường làm việc trong các bệnh viện,phòng khám sức khỏe tâm thần, hoặc trong các phòng khám tư nhân và làm việc trực tiếp với bệnh nhân đang gặp phải các triệu chứng rối loạn tâm lý hay tâm thần. Các nhà tâm lý học này thường là nhà trị liệu nghệ thuật, nhà tâm lý học trẻ em, nhà tâm lý học lâm sàng, nhà tâm lý học tư vấn, và nhà trị liệu hôn nhân và gia đình.

Ngược lại với các nhà tâm lý trên, những nhà tâm lý khác sẽ chủ yếu tập chung vào nghiên cứu. Họ thường nghiên cứu về lĩnh vực cụ thể như về não bộ, trí nhớ, sự tập chung,… và họ thường làm việc cho các trường đại học. Ngoài việc thực hành nghiên cứu tâm lý học, họ cũng có thể dạy các lớp đại học và sau đại học. Các nhà tâm lý học trong lĩnh vực này có thể là nhà tâm lý học nhận thức, nhà tâm lý học so sánh, nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà tâm lý học nghiên cứu và nhà tâm lý học xã hội.

Và một nhóm các nhà tâm lý khác làm việc trong lĩnh vực tìm ra giải pháp đề giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Ví dụ như họ có thể thiết kế không gian làm việc để tối đa hóa sự an toàn và năng suất hay làm việc trong môi trường pháp lý phân tích tâm lý nghi phạm hình sự. Các công việc liên quan đến lĩnh vực này  thường là nhà tâm lý học hàng không, nhà tâm lý học tư pháp, nhà tâm lý học nhân tố con người và nhà tâm lý học quân sự.

HƯỚNG NGHIỆP

Hàng năm, Bộ Lao Động Hoa Kỳ sẽ xuất bản cuốn “Sổ Tay Hướng Nghiệp” gồm những được và mất cho các chuyên ngành trong những năm tới. Theo “Sổ Tay Hướng Nghiệp”, công việc tâm lý dự kiến có thể tăng lên đến mức 19% trong 10 năm tới. 

Dự kiến này cho thấy ngành tâm lý tăng nhanh hơn trung bình so với các ngành khác. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là tăng trưởng thực tế trong các lĩnh vực chuyên môn riêng lẻ có thể thay đổi đáng kể. Ví dụ do nhu cầu của các ngành dịch vụ tâm lý gia tăng ở các bệnh viện và trường học, nên 2 ngành nghề tâm lý học lâm sàng và tâm lý nghiên cứu có thể sẽ tăng lên khoảng 20%. 

Và một điều quan trọng cần cân nhắc đó là trình độ học vấn, quá trình đào tạo hay kinh nghiệm cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp cho những người học ngành tâm lý học. Những ngành nghề chuyên sâu nhất định thì sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn. Vì vậy, những người có bằng cấp cao trong chuyên ngành của họ thì họ nhiều khả năng sẽ có được vị trí cao trong công việc với mức lương cao hơn.

NHỮNG YÊU CẦU VỀ HỌC VẤN VÀ ĐÀO TẠO

Nếu bạn đang cân nhắc về việc chọn tâm lý học, điều đầu tiên là bạn phải có hứng thú và mục đích rõ ràng. Tấm bằng cử nhân có thể làm điểm tựa tuyệt vời cho nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải học lên cao nếu bạn muốn trở thành chuyên gia tâm lý học.

Dành nhiều thời gian để xem xét các lựa chọn của bạn và nghiên cứu kỹ về chương trình sau đại học phù hợp với bạn nếu bạn muốn tìm một chương trình học cho phép bạn tập chung cả vào lĩnh vực chuyên môn và làm công việc đúng chuyên ngành khi tốt nghiệp. Mỗi một chương trình sẽ cho bạn nền tảng vững chắc về tâm lý học nhưng nó lại rất khác nhau về phạm vi và trọng tâm của nó.

Yêu cầu chính xác về trình độ và đào tạo khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn bạn chọn. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành nhà tâm lý học nghiên cứu, bạn cần ít nhất một tấm bằng thạc sỹ hay bằng chuyên gia tâm lý học đường mặc dù bạn hoàn toàn có thể  học lên tiến sỹ. Ngoài ra, Nhà tâm lý học đường cần phải hoàn thành khóa thực tập 1 năm và được cấp phép làm việc tại khu vực sinh sống.

Còn nếu bạn quan tâm đến việc trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng, thì bạn phải hoàn thành chương trình tiến sĩ trong lĩnh lực tâm lý học lâm sàng, hoàn thành khóa thực tập và vượt qua các kỳ thi cấp phép việc làm.

8 CÔNG VIỆC BẠN CÓ THỂ LÀM KHI HỌC CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ

  1. Nhà tâm lý học đường làm việc trong môi trường giáo dục, giúp trẻ em học sinh làm chủ cảm xúc, việc học hành và các vấn đề xã hội khác. Nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đối với sức khỏe tâm lý của trẻ em và luật giáo dục liên bang, tâm lý học đường đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất. Nhu cầu cho nhà tâm lý có trình độ học đường vượt quá số lượng nhà tâm lý hiện có, điều đó có nghĩa là cơ hội nghề nghiệp sẽ cao hơn.


  2. Tư vấn viên giúp mọi người đang gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống: hôn nhân, gia đình, cảm xúc, học vấn, lạm dụng chất gây nghiện. Gần như một nửa những tư vấn viên là làm việc cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc phúc lợi xã hội, số còn lại thì làm việc cho các tiểu bang hay chính quyền địa phương . Mặc dù có yêu cầu khác nhau ở mỗi nơi, nhưng hầu hết tất cả các bang đều yêu cầu ít nhất một bằng thạc sĩ để có thể trở thành một cố vấn. Các cơ sở làm việc thường là khối các trường K-12, cao đẳng và đại học, bệnh viện, phòng khám sức khỏe tâm thần và phòng khám tư nhân.
  3. Các nhà tâm lý học pháp y sẽ làm việc trong các lĩnh vực điều tra tội phạm và pháp luật. Công việc này nhanh trong trở thành một trong những nghề hot nhất trong ngành tâm lý học nhờ vào sự nổi tiếng của nhiều vai diễn trong các bộ phim, chương trình truyền hình và sách. Mặc dù lĩnh vực này có thể không hào nhoáng như được mô tả trên các phương tiện truyền thông, tâm lý pháp y vẫn là một lựa chọn thú vị với nhiều tiềm năng phát triển. Các nhà tâm lý học pháp y thường làm việc trong môi trường pháp lý với các chuyên gia khác để giải quyết các vấn đề gia đình, dân sự hoặc hình sự. Họ có thể được tham gia vào các hoạt động dành quyền nuôi con, rà soát yêu cầu bảo hiểm, đánh giá các vấn đề tâm lý trong vụ án hình sự, và cung cấp bằng chứng.
  4. Các nhà tâm lý học kỹ thuật sử dụng tâm lý học để kiểm tra cách mọi người tương tác với máy móc và công nghệ khác. Những chuyên gia này sử dụng sự hiểu biết của họ về tâm lý và hành vi con người để thiết kế và cải thiện công nghệ, sản phẩm tiêu dùng, môi trường làm việc và môi trường sống. Ví dụ, một nhà tâm lý học kỹ thuật có thể làm việc theo nhóm để thiết kế lại sản phẩm làm cho nó hiệu quả hơn và dễ sử dụng hơn trong tình huống thực tế. Những nhà tâm lý làm công thường có thu nhập thấp hơn những nhà tâm lý hoạt động tư nhân.
  5. Tâm lý học lâm sàng là lĩnh vực việc làm lớn nhất trong lĩnh vực tâm lý học. Các nhà tâm lý học lâm sàng đánh giá, chẩn đoán và điều trị cho những người rối loạn tâm lý hoặc tâm thần. Những chuyên gia này thường làm việc bệnh viện, phòng khám sức khỏe tâm thần hoặc làm tư. Để trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng, bạn phải có bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng và yêu cầu tối thiểu một năm thực tập. Hầu hết các chương trình học sau đại học về tâm lý học lâm sàng khá là cạnh tranh.
  6. Các nhà tâm lý học thể thao tập trung vào các khía cạnh tâm lý của thể thao và điền kinh, bao gồm động lực, hiệu suất và chấn thương. Hai lĩnh vực chính trong tâm lý học thể thao là tập trung vào việc giúp cải thiện thành tích thể thao và sử dụng thể thao để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Các nhà tâm lý học thể thao làm việc trong nhiều môi trường khác nhau trong các trường đại học, bệnh viện, trung tâm thể thao, phòng khám tư vấn tư nhân và các cơ sở nghiên cứu.
  7. Các nhà tâm lý học tổ chức (I-O) tập trung vào hành vi tại nơi làm việc, thường sử dụng các nguyên tắc tâm lý để tăng năng suất của người lao động và chọn nhân viên phù hợp nhất cho các công việc cụ thể. Có rất nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong tâm lý tổ chức công nghiệp. Ví dụ, một số nhà tâm lý học I-O sẽ đào tạo và đánh giá nhân viên và một số khác đánh giá các ứng cử viên đầu vào. Mặc dù chỉ có một vài cơ hội việc làm ở trình độ thạc sĩ, nhưng với những người có bằng tiến sĩ lại có nhiều cơ hội hơn với một mức lương cao hơn.
  8. Các nhà tâm lý học sức khỏe làm các công việc liên quan đến việc các yếu tố tinh thần, cảm xúc và xã hội ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và bệnh tật. Họ thường làm việc ở bệnh viện hoặc trong chính phủ để giúp thúc đẩy các hành vi lành mạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ, họ có thể nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe, quản lý các chương trình y tế cộng đồng và giúp mọi người sống lành mạnh hơn.

Tâm lý học là một lĩnh vực vô cùng đa dạng và cơ hội nghề nghiệp có thể trải dài từ chăm sóc sức khỏe đến nghiên cứu học thuật. Những người quan tâm đến sự nghiệp tâm lý học nên dành thời gian nghiên cứu cẩn thận các lựa chọn để xác định lĩnh vực chuyên môn nào phù hợp với nhu cầu, sở thích và mục tiêu của mình

——————————–
Dịch: Hà
Biên tập: Ngọc
Minh họa: Bảo Trân
Nguồn: https://www.verywellmind.com/student-resources-4157176

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan