Học tâm lý không chắc trở thành một người lắng nghe và thấu cảm tốt. Và ngược lại

Tôi học tâm lý và nhận ra sự thật rằng không phải ai học tâm lý cũng có khả năng thấu hiểu người khác và ngược lại, không học tâm lý chưa chắc không có khả năng thấu cảm.



Tôi học tâm lý và nhận ra sự thật rằng không phải ai học tâm lý cũng có khả năng thấu hiểu người khác và ngược lại, không học tâm lý chưa chắc không có khả năng thấu cảm. Có những lúc, học trong môi trường đại học, tôi không nhận được sự thấu cảm. Phải chăng khi người ta nhạy cảm đến nỗi, cảm nhận được sự thấu cảm của người khác, họ rất dễ bị mất kết nối với những người không có khả năng thấu cảm? Khi người ta nhạy cảm quá, họ chỉ có thể "cảm nhận" được gì đó, từ một người cực kỳ cực kỳ có dấu hiệu bất kỳ, đơn giản và ít nhất là khả năng lắng nghe.


Học tâm lý, tôi không có nhiều bạn, mà hầu như ở tuổi mới chớm trưởng thành, ai cũng nhận ra điều như vậy. Bạn thân thì chỉ có duy nhất một mà thôi. Đã không thân, cho dù cố gắng đến mấy cũng không xóa được khoảng cách. Những lúc ốm đau, bệnh tật, thiếu ngủ ngày càng xâm chiếm tôi mỗi ngày, nghĩa là đã đến lúc cơ thể rơi vào tình trạng cảnh báo nặng, mới giật mình nhận ra người mình cần nhất lúc này dường như không có ai cả. Tôi dường như chỉ hướng vào bên trong, ngày càng đè nén những cảm xúc chặt lại. Thậm chí là hay dễ thoái lui hơn sau những cuộc cãi vã, hay xung đột với những mối quan hệ thân thiết. 


Học tâm lý, tôi nhận ra người có thể thấu cảm bẩm sinh cực ít, người cảm thông với người khác một cách lành mạnh cũng không nhiều. Tôi đã thấy mình và một số người trở thành thứ gì đó xa lạ đối với họ, có khoảng cách thậm chí là sống ở một hành tinh khác với họ. Đơn giản vì một vài người, giống tôi, bị mất kết nối. Và chỉ có một vài người, giống mình, mới có thể thấu cảm được, với nhau. 


Có lẽ nhiều người không đồng tình về tầm quan trọng của sự thấu cảm, bởi trong một số ngành nghề liên quan đến tâm lý không cần đến điều này quá nhiều. Ví dụ như các ngành nghề trong chuyên ngành tâm lý học quản lý kinh doanh: tâm lý học tổ chức, tâm lý học du lịch, tâm lý học tuyên truyền quảng cáo… Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ viết liên quan đến những vấn đề của bản thân được giải quyết bằng sự thấu cảm, điều mà tôi vẫn tâm đắc rằng mình may mắn mà có được. Và bản thân các bài viết đều là quan điểm cá nhân của tôi và bản thân tôi học tâm lý, tôi cảm thấy nó quan trọng, chứ không hoàn toàn nói rằng học tâm lý là phải biết thấu cảm. Tâm lý học có rất nhiều trường phái khác nhau mà theo đó có rất nhiều cách ứng dụng khác nhau. Có người phải dành cả đời để tìm hiểu hay nghiên cứu, chứng minh một học thuyết. Và viết về tâm lý nếu đầy đủ một bài dạng học thuật không hề đơn giản và dễ hiểu. (Hi vọng trong tương lai, tôi có thể viết một bài rõ ràng về tâm lý học cho đại đa số người có thể tiếp cận và đọc dễ hiểu nhất).


Là một người nhạy cảm, nên tôi cần sự thấu cảm và mong muốn ai cũng nên có và hoàn toàn có thể học được điều này. Học tâm lý, tôi áp dụng được nhiều, trước hết từ việc lắng nghe, chia sẻ, không phán xét và cố gắng nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh nhất có thể. Nhờ học tâm lý, tôi gặp được một người đồng điệu về mặt cảm xúc cũng như nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, cũng giúp tôi tự trưởng thành và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Vì bản thân tôi còn gặp rất nhiều trục trặc, thậm chí là phải trải qua rất nhiều đớn đau, để học cách trưởng thành. Nên cho đến thời điểm bây giờ, tôi vẫn đang học cách mang sự thấu cảm đến những người xung quanh và lan tỏa điều đó, để một ngày nào đó, tôi cũng nhận được điều tương tự, và bạn cũng (có thể như) thế.

 

Trích Cứ khóc, cứ tan vỡ và trưởng thành

Tác giả: Yến Nhi

Art: Paul Gustave Fischer

BẢN THẢO
Bài viết liên quan