Hội chứng "cháy sạch" là gì? 5 cách để ngăn chặn tình trạng này (đặc biệt cho người nhạy cảm cao)

Thực tế, những người nhạy cảm thường dành sự quan tâm đặc biệt tới những người xung quanh. Tuy nhiên, họ có thể bị mắc phải hội chứng “cháy sạch" nếu như họ vẫn tiếp tục thờ ơ với việc chăm sóc bản thân.


Thực tế, những người nhạy cảm thường dành sự quan tâm đặc biệt tới những người xung quanh họ. Tuy nhiên, họ có thể bị mắc phải hội chứng “cháy sạch" nếu như họ vẫn tiếp tục thờ ơ với việc chăm sóc bản thân. Việc cân bằng giữa chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác liên tục gần như là điều không thể, nhất là với những người nhạy cảm cao. 


Người nhạy cảm cao có điểm mạnh là rất giàu lòng vị tha và tình thương, ngay cả với động vật. Vì vậy, họ có hai con đường để phát huy tính cách ấy. Thứ nhất là làm các công việc liên quan đến giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn như nhà tâm lý trị liệu, y tá, giáo viên,...Mặt khác, họ có thể tham gia các hoạt động phi lợi nhuận như nhận trẻ về nuôi, cứu hộ động vật, hoặc đơn giản là bạn tâm giao của gia đình, bạn bè mỗi khi họ cần giúp đỡ hoặc chia sẻ.


Những điều đó hoàn toàn bình thường, thậm chí đáng khích lệ, nhưng nó sẽ “phản tác dụng" nếu chúng ta không biết cách kiểm soát. Vô tình, chúng ta có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng nếu hy sinh quá nhiều cho người khác mà bản thân thì lại “bỏ bê". Lúc này, ngay cả những câu hỏi bình thường như “Tôi cần gì lúc này? Cảm xúc của tôi lúc này như thế nào?” bạn cũng không thể trả lời.


Những dấu hiệu phổ biến của hội chứng “cháy sạch”

1/Sức khỏe thể chất bắt đầu không ổn


Khi chúng ta mắc phải hội chứng “cháy sạch”, cơ thể của chúng ta sẽ cảm nhận được nó. Ví dụ, chúng ta trải qua những cơn đau đầu, nôn ói, mụn cơ thể, những cơn đau hoặc những những triệu chứng mệt nhẹ thường xuyên. Hội chứng “cháy sạch" cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống miễn dịch của chúng ta, từ đó nó có thể gây ra các bệnh phổ biến như cảm cúm, cảm lạnh hoặc những bệnh dễ lây nhiễm khác.


2/Hội chứng mệt mỏi mãn tính (Chronic fatigue)


Khi rơi vào hội chứng “cháy sạch", cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là “choáng ngợp" quá mức tưởng tượng. Triệu chứng mệt mỏi này không giống như cảm giác được xả hơi sau một tuần bận rộng vào cuối tuần hoặc sau một đêm khó ngủ. Hơn thế, cảm giác mệt mỏi và chán chường này dai dẳng và nặng nề hơn rất nhiều. Bạn có thể cảm thấy rất mệt và nghỉ ngơi rất nhiều, ngủ cả nửa ngày hoặc ăn nhiều đồ ăn ngon chẳng hạn. Thế nhưng dù bạn có tìm mọi cách thư giãn, bạn vẫn bị cảm giác mệt mỏi đó đeo bám.



Hội chứng mệt mỏi mãn tính là cảm giác tiêu cực dai dẳng lâu ngày | Nguồn: The Independence




3/Thờ ơ


Khác với lúc ban đầu, nhiệt huyết và đam mê giúp đỡ người khác dường như không còn mạnh mẽ nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy mọi điều mình làm chẳng có ý nghĩa gì nữa và tự dưng, bạn bỏ bê và tất nhiên, đến cả bản thân cũng không màng. 



4/Những vấn đề về sức khoẻ tinh thần


Không có gì quá ngạc nhiên khi hội chứng “cháy sạch" ảnh hưởng phần nào đó lên sức khoẻ tinh thần của chúng ta. Hai triệu chứng phổ biến nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu. 



5/Liên tục thực hiện những hành vi không lành mạnh để trốn tránh sự “cháy sạch"


Thực tế, khi chúng ta bị quá tải, chúng ta sẽ tìm đến bất cứ thứ gì để làm tê liệt cảm xúc này ngay lập tức. Thật không may, những hành động này thường không lành mạnh, thậm chí gây tổn hại đến cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của chúng ta. Ví dụ, khi mắc hội chứng này, bạn có thể muốn giành hàng giờ để vùi đầu vào game hay xem video trên mạng liên tục không rời mắt. Nguy hiểm hơn, khi những hoạt động giải trí không phát huy tác dụng ngay lập tức, lạm dụng các chất kích thích hay ăn uống vô tổ chức là cách nhanh hơn để “trốn tránh" cái cảm giác kiệt quệ và tê liệt.



6/Cảm thấy hối hận


Thực tế, hối hận có nhiều hình thức khác nhau. Bạn đã bao giờ có những suy nghĩ tiêu cực hoặc tự chỉ trích bản thân vô cớ? Đó là khi hội chứng “cháy sạch" phát huy tác dụng. Bạn tự trách móc mình tại sao lại làm ra những chuyện như vậy, như thi rớt, làm người khác buồn mặc dù những việc đó hoàn toàn không nghiêm trọng như bạn nghĩ. Cháy sạch là khi chúng ta không còn hơi sức và tâm trí để suy nghĩ nữa, tất cả những gì hiện lên trong đầu chúng ta lúc này là một màu đen, hoặc xám xịt. Cho dù có cố gắng thế nào nhưng chúng ta vẫn cứ luẩn quẩn trong hố đen ấy, không cách nào thoát ra được.



7/Suy giảm lòng thương (Compassion fatigue)


Hội chứng này thực tế có nguồn gốc từ lĩnh vực y học, khi các bác sĩ và y tá phải tiếp xúc với quá nhiều hoàn cảnh đáng thương, đến nỗi họ trở nên trơ lì về mặt cảm xúc. Đến một thời điểm nào đó, lòng trắc ẩn của họ sẽ mờ nhạt, thậm chí là biến mất. Còn đối với người nhạy cảm cao, nếu chúng ta trao đi quá nhiều sự cảm thông, hoà cùng nỗi đau của người khác mà không cho phép bản thân một quãng nghỉ, chắc chắc một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy bị ngộp thở, và không biết liệu có nên tiếp tục.



Hội chứng suy giảm lòng thương | Nguồn: People matters



Tại sao hội chứng “cháy sạch" lại đặc biệt xảy ra với những người nhạy cảm cao?


Thực tế, nếu bạn là người nhạy cảm hoặc quen ai đó tương tự, bạn sẽ cảm nhận được những người nhạy cảm vốn dĩ có một lòng trắc ẩn từ nhỏ. Họ hiểu cảm giác khi một người phải chịu tổn thương hơn ai hết và tất nhiên, họ không muốn điều tệ hại đó xảy ra tương tự với những người xung quanh họ. Vì vậy, họ thà chọn cách hy sinh bản thân để khiến người khác được hạnh phúc, được sống vui vẻ không lo âu.


Thứ hai, những người nhạy cảm cao thường suy nghĩ mọi thứ rất sâu và cảm thấy nặng lòng hơn những người bình thường khác. Bạn thử nghĩ mà xem, chúng ta quan tâm người khác một lần, hai lần, rồi vài lần không sai, điều đó hoàn toàn đáng khen ngợi. Tuy nhiên, nếu chúng ta liên tục trải qua và được nghe câu chuyện bi thương của người khác, liệu chúng ta có còn giữ được sự tĩnh lặng hay bình yên trong tâm hồn. Những người nhạy cảm suy nghĩ rất nhiều, liệu họ có quên được những câu chuyện buồn đó và cười nói vui vẻ ngay được, hay họ lại bị chính những câu chuyện chân thành đó làm tổn thương lại, khiến họ chìm vào mạch cảm xúc buồn khôn xiết của người mà họ giúp đỡ. Kết quả là, họ rất dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần với những triệu chứng như khó ngủ, cáu giận thất thường hay suy nghĩ tiêu cực..



5 cách để ngăn chặn hội chứng “cháy sạch" (đặc biệt giành cho những người nhạy cảm cao)


Thực tế, những cách sau đây sẽ phát huy tác dụng tốt nhất với bạn nếu bạn thực hiện nó sớm ngay cả khi chưa có dấu hiệu “cháy sạch".



1/Tự hỏi bản thân xem liệu bạn đã thành thật với chính mình hay chưa


Chúng ta có thể nhận ra người khác đang vui, buồn hay nóng giận nhưng lại không dễ để nhận ra cảm xúc thật của mình, nhất là khi bạn lại có một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm. Mỗi khi như vậy, bạn có thể bình tĩnh lại và tự hỏi bản thân hai câu:


  • Dốt cuộc bây giờ mình đang cảm thấy như thế nào?
  • Mình thực sự cần gì ngay lúc này?


Bạn càng trả lời thành thật bao nhiêu, bạn càng có cơ hội hiểu bản thân bấy nhiêu. Hai câu hỏi này nghe qua thì tưởng chừng rất đơn giản nhưng với người nhạy cảm, họ không hay suy nghĩ cho bản thân mà giành nhiều tâm tư để lo lắng cho người khác. Thế nhưng, nếu ngay cả bản thân bạn còn không hiểu mình muốn gì, mình cảm thấy ra sao, bạn không yêu thương bản thân mình đủ nhiều thì bạn làm sao có thể toàn tâm toàn ý quan tâm tới người khác. Và khi không giành hết tâm huyết và tấm lòng chân thành mỗi khi muốn giúp đỡ ai đó, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng kiệt sức và dần dần, động lực trong bạn mất dần đi. Và cuối cùng, tất nhiên, “cháy sạch" sẽ đến vẫy chào bạn và nói “Đây là cái giá phải trả cho việc thờ ơ với chính bản thân mình".



Hãy nói chuyện và lắng nghe tiếng nói bên trong con người bạn | Nguồn: Huffpost


2/Cố gắng để nói “không" nhiều hơn


Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh có quá nhiều lời đề nghị giúp đỡ mà không cách nào để từ chối, đặc biệt khi bạn lại rất nhạy cảm. Đó là lúc bạn phải thẳng thắng và dám nói “không". Khi hoàn cảnh của bạn không cho phép để giúp đỡ một ai đó hoặc việc đó hoàn toàn có thể xử lý được nếu không có bạn hay người cần giúp không quá quan trọng với bạn, bạn có thể từ chối khéo léo. Từ chối đôi khi là rất khó với ngay cả những người bình thường nhưng nếu chúng ta dần dần thay đổi từ tư duy, chúng ta nhất định sẽ thể hiện tốt.


Hãy nói không một cách thoải mái, chân thành. Ví dụ, khi đồng nghiệp nhờ bạn soạn giúp một đoạn văn bản hay đi in hộ tập hồ sơ, bạn có thể từ chối khéo léo bằng cách “Mình rất muốn giúp bạn, nhưng hiện tại mình rất tiếc vì phải xử lý nốt đống công việc này, khi nào xong mình chắc chắc sẽ giúp bạn hoặc nếu không kịp, bạn có thể nhờ người khác được không, lần sau nhất định mình sẽ bù" .


Bạn đừng nghĩ từ chối là điều gì đó quá đao to búa lớn. Đối phương sẽ cảm thấy ít bị tổn thương hơn nếu bạn nói từ chối chân thành thay vì nhận lời gượng ép và làm cho có.



3/Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn


Thực tế, với những người nhạy cảm, họ luôn nghĩ cho người khác rất nhiều nhưng đôi lúc lại vô tình thờ ơ với bản thân. Họ nghĩ mình phải khiến người khác hạnh phúc, vui vẻ mỗi ngày mà quên rằng bản thân hoàn toàn có quyền để được yêu thương. Trước khi mọi thứ đi quá xa ngoài tầm kiểm soát, hãy để tâm tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của bản thân THƯỜNG XUYÊN. Bạn không cần phải chuẩn bị gì quá cồng kềnh hay đắt đỏ để làm bản thân mình tích cực lên. Mỗi hành động nhỏ, nhưng chân thành sẽ thực sự tạo ra sự thay đổi tích cực rất nhiều lên cuộc sống của bạn, ví dụ như đọc một cuốn sách đã lâu ngày ngủ yên trên giá, đi dạo ngoài công viên một mình hay đơn giản là tự thưởng cho bản thân một bữa ăn ngon. Tất cả điều đó sẽ hình thành cho bạn thói quen chăm sóc bản thân. Dù sau này bạn có gặp chuyện gì không vui, khiến bạn muốn bỏ cuộc, thì những giây phút hạnh phúc ấy sẽ nhắc bạn quay trở về với thực tại, nhắc bạn vẫn còn trách nhiệm để biến mình trở thành phiên bản hoàn hảo nhất.



4/Mở lòng với người khác


Rất khó để một người nhạy cảm có thể tâm sự thật lòng và chân thành với người khác. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ mãi lo lắng hay suy nghĩ cho người khác mà “tạm gác" lại cảm xúc của mình thì thật có lỗi với chính bản thân bạn quá. Bạn có thể bắt đầu tâm sự những chuyện thường ngày trong cuộc sống với những người bạn thực sự tin tưởng, lắng nghe chia sẻ và lời khuyên từ họ thay vì thế chủ động khi giúp đỡ người khác như trước. Bạn có thể kể cho người đó nghe hôm nay bạn cảm thấy thế nào, bạn muốn làm gì nhất vào một ngày đẹp trời như vậy hay bạn cần họ giúp đỡ gì. Chỉ khi mạnh dạn nói ra suy nghĩ và dòng cảm xúc đang “ẩn náu" bên trong chính mình, bạn mới cảm thấy nhẹ nhõm và có động lực để làm nhiều điều có ý nghĩa hơn nữa. Hãy mở lòng dù cho đó là những câu chuyện hết sức bình thường như bữa cơm thường ngày. Như vậy, trái tim bạn mới không bị “đóng băng" và máu trong đó mới không chỉ chảy mỗi một chiều.



5/Tìm sự trợ giúp từ bác sĩ tâm lý nếu có thể


Có lẽ bạn luôn nghĩ phải có bệnh mới đi gặp bác sĩ tâm lý. Thế nhưng, suy nghĩ đó là hoàn toàn hạn chế và nó có thể giết chết bạn lúc nào không hay. Nếu có điều kiện, hãy xin tư vấn từ bác sỹ tâm lý về cảm xúc của bạn, về điều bạn luôn trăn trở hay đơn giản bạn muốn tìm một người nào đó để tâm sự những chuyện khó nói. Bác sỹ tâm lý không phải được đào tạo để “chữa bệnh", họ được đào tạo để “trở thành những người bạn đáng tin cậy". Bạn sẽ cảm thấy thoải mái mỗi khi nói chuyện với họ, cho dù bạn hoàn toàn bình thường.


Nếu bạn không đủ điều kiện để tìm gặp bác sỹ tâm lý, đừng quá lo lắng, hãy chăm sóc bản thân bạn mỗi ngày, vì chỉ khi bạn hiểu chính mình và có thể nói chuyện chân thành với bản thân, bạn mới có thể mở lòng mà tâm sự với người khác.


Editor: Ori

Tham khảo: https://highlysensitiverefuge.com/how-to-combat-burnout-when-youre-a-highly-sensitive-person/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan