Hội chứng liên thông giác quan: Tôi nghe thấy màu sắc và nhìn được âm thanh

Đã bao giờ bạn nghe một bài hát mà một thế giới màu sắc hiện ra trước mắt bạn ngay lập tức hay chưa?


Hội chứng liên thông giác quan là hiện tượng mà trong đó sự kích thích ở thính giác, xúc giác hay thị giác sẽ tạo ra một hiệu ứng cảm giác đi kèm ở một giác quan khác. Ví dụ, một trong những dạng thức phổ biến nhất của hội chứng liên thông giác quan là liên hệ những con số, ngày trong tuần hay tháng với một màu sắc nhất định. Cụ thể, một người sẽ luôn nhìn thấy những con số hay ngày tháng đó cùng với một màu sắc không đổi. 


Không nhiều người có hội chứng này nhưng hiện tượng này phổ biến hơn ta nghĩ. Thực tế, có rất nhiều người không biết rằng cách họ tiếp nhận những kích thích nhất định khác biệt so với những người khác cho tới khi họ nói chuyện với ai đó và nhận ra rằng điều này không “bình thường”. 


Hiện tượng này không hẳn là gây ra sự khó chịu. Thậm chí, cả những người trải qua hiện tượng này không thể tưởng tượng ra thế giới mà không nhận thức theo cách họ làm. Đối với họ, điều này có vẻ buồn. Chính vì vậy, chúng ta sẽ không nói về hiện tượng này như một bệnh lý mà là một cách nhận thức thế giới khác biệt và phong phú hơn. 


Những loại hội chứng liên thông giác quan


Có rất nhiều loại hội chứng liên thông giác quan khác nhau. Ví dụ, có những người có thể liên tưởng tới màu sắc trong khi nghe nhạc, và đó không phải là một ảo ảnh. Không phải là do họ nhìn thấy màu sắc và tin rằng đó là một phần thực tế mà thay vào đó, khi họ nghe thấy một bản nhạc, họ sẽ chìm ngập trong thế giới màu sắc. Mỗi màu sắc sẽ gợi đến một nốt nhạc cụ thể nào đó.


Nhà khoa học Jamie Ward cho rằng, người mắc hội chứng liên thông giác quan sẽ trải nghiệm thế giới theo một cách khác thường và có thêm một giác quan kích thích quanh họ. Từ ngữ có thể gợi lên hương vị, mỗi con số đi cùng một màu sắc nhất định, nỗi đau cũng có thể gợi nhắc tới một mùi vị hay màu sắc, sự tiếp xúc với các bề mặt khác nhau gợi lên một cảm giác… Như vậy có rất nhiều cách khác nhau trải nghiệm hiện tượng này.



Ảnh:Jill Burrow _ Pexels


Hội chứng liên thông giác quan và nghệ thuật


Nhận thức về thế giới xung quanh theo một cách phong phú như vậy có thể kích thích sự sáng tạo. Điều này rất hữu ích với những người cống hiến cho nghệ thuật, bởi họ có thể thể hiện cách thế giới hiện hữu với họ thông qua các tác phẩm của mình.


Một họa sĩ New York, Carol Steen, đã sử dụng chính tình trạng này để truyền cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật của mình. Cô khẳng định mình có thể quan sát màu sắc,cảm nhận vị và hương của nỗi đau. Như một cách truyền cảm hứng, cô sử dụng thuật châm cứu để đánh thức những cảm giác này và chuyển chúng vào trong những tác phẩm nghệ thuật của mình


Có những ví dụ về những người trải nghiệm hội chứng liên thông giác quan nổi tiếng như đại văn hào Vladimir Nabokov. Ông khẳng định rằng với ông, việc kết hợp những con chữ “NZSPYGV” sẽ tạo thành cầu vồng. Ngoài ra, còn có nhà vật lý học đạt giải Nobel Richard Feynman và nhà triết học Ludwig Wittgenstein. 


Hội chứng liên thông giác quan có di truyền hay không?


Ngày nay chúng ta biết rằng người mắc chứng liên thông giác quan có nhân tố về gen và sinh học, mặc dù những gen có liên quan vẫn chưa được xác định chính xác. Bố mẹ có thể truyền cho con cái hội chứng này nhưng những cảm xúc hay cách trải nghiệm hội chứng này thì không giống nhau.


Người ta phát hiện ra rằng những trải nghiệm về hội chứng này trong những cặp song sinh không giống nhau, thậm chí một trong các anh chị em ruột có hội chứng này trong khi người kia lại không. Một khả năng khác, bố mẹ là người mang gen nhưng lại không có hội chứng này, và đặc tính của gen được biểu hiện ở đời con. 


Những đứa trẻ thường phát hiện mình có hội chứng liên thông giác quan khi ở tuổi vị thành niên: khi nói về một âm thanh hay một con số, chúng nhận ra rằng mọi người không thấy theo cách chúng thấy. Ví dụ, theo Ward, một đứa trẻ miêu tả những âm thanh thông qua màu sắc sẽ nói rằng tiếng ếch kêu thường có màu nâu, nhưng hôm đó lại có màu xanh dương do âm thanh ngày hôm đó to hơn. 


Ảnh: Cottonbro _Pexels


Liên thông giác quan trong não bộ


Vùng V4 trong não bộ của chúng ta chịu trách nhiệm cho việc nhận biết các màu sắc. Trong một thí nghiệm với 12 người, Julia Nunn quan sát được rằng phần vỏ não này sẽ được kích hoạt khi người có hội chứng liên thông giác quan nhắm mắt trong lúc lắng nghe một bài phát biểu. Điều này chứng tỏ rằng một kích thích (về âm thanh) tự động gợi lên kích thích khác (về màu sắc).


Thêm vào đó, việc khơi gợi một cảm giác thông qua một cảm giác khác gần như là tức thì và luôn giống nhau. Một vài người nhận ra cảm giác liên thông khi ho đọc được con số hay từ ngữ trên một tờ giấy dù biết rằng tờ giấy đó trắng tinh. Người khác nói rằng họ nhìn thấy nó kiểu như một “tấm màn ẩn bên trong” hoặc như thể đang lơ lửng. 


Tóm lại, hội chứng liên thông giác quan có thể được miêu tả là : 


  • Ổn định theo thời gian, cảm nhận một cảm giác không đổi với mỗi kích thích khác nhau (luôn là một màu sắc đi kèm một con số cụ thể)
  • Quen thuộc, và có thể di truyền.
  • Cụ thể, nó luôn xuất hiện cùng với một kích thích tương tự.
  • Nó xảy ra rất nhanh. Ngay sau khi ta đọc một từ, nghe một bài hát, chạm vào một bề mặt hay nhìn thấy một con số, cảm giác đi kèm sẽ tự động xuất hiện.


Những loại liên thông giác quan khác


Hiện tượng này xảy ra ở những người nhận thức môi trường xung quanh theo một cách đặc biệt từ khi sinh ra, có thể là do thừa hưởng từ những gen có liên quan. Tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất để trải nghiệm. Bạn cũng có thể trải nghiệm những điều tương tự thông qua việc sử dụng LSD (thuốc gây ảo giác).


Hội chứng này thậm chí xảy ra ngay cả khi bị mất thị lực. Những người khiếm thị thông qua thính giác vẫn trải nghiệm những hình ảnh thị giác trong tâm trí. Bằng cách này, hội chứng liên thông giác quan trở thành một hiện tượng vẫn gợi lên những tò mò cho nhiều nhà khoa học và câu hỏi về cách chúng ta cảm nhận thế giới. 


 _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _


Dịch bởi : Van Anh

Biên tập : Phoebe Trịnh

Nguồn bài viết : https://exploringyourmind.com/synesthesia-hear-colors-see-sounds/


BẢN THẢO
Bài viết liên quan