Hội chứng Nhân vật chính – Khi bản thân bạn là trung tâm thế giới

Bạn có thường thể hiện bản thân trên mạng xã hội hoặc cố tỏ ra giống một nhân vật không phải mình? Nếu vậy, bạn nên tìm hiểu về Hội chứng Nhân vật chính.


Bạn có thường thể hiện bản thân trên mạng xã hội hoặc cố tỏ ra giống một nhân vật không phải mình? Nếu vậy, bạn nên tìm hiểu về Hội chứng Nhân vật chính.



Tất cả chúng ta đều đã từng mơ ước trở thành nhân vật chính trong bộ phim hoặc cuốn sách yêu thích. Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng mình là một anh hùng hoặc thậm chí là một nạn nhân bi thảm trong một kịch bản hoàn hảo mà bạn tưởng tượng trong đầu.


Hầu hết những kẻ mộng mơ đều tưởng tượng thực tại cuộc sống họ trải qua là một loại mạng lưới mà từ đó họ có thể phân nhánh theo mọi hướng. Nơi họ đóng vai những nhân vật trông giống họ nhưng không phải là họ. Tất cả điều này diễn ra trong tâm trí của họ, một nơi mà không ai có thể vào trừ khi họ cho phép.


Hội chứng Nhân vật chính


Ngày nay, với việc phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng được sử dụng rộng rãi, những điều hư cấu có thể trở thành hiện thực cả khi mà bạn chưa kịp nhận ra. Trên thực tế, nó có thể ảnh hưởng đến bạn và mọi người xung quanh.


Hội chứng này hiện đã được công nhận trên phương diện tâm lý. Như vậy, đây không phải là một bệnh lý, nhưng nó thường được các chuyên gia y tế thảo luận. Nó bao gồm một loạt các hành vi mà qua đó mọi người thể hiện bản thân họ như thể đang đóng vai chính trong cuộc sống của họ hoặc của người khác.


Trên thực tế, họ thể hiện và phát triển toàn bộ cuộc sống của mình thông qua mạng xã hội. Mục đích của họ là được công nhận và đánh giá cao bằng mọi cách. Tuy nhiên, họ thực hiện điều này bằng cách thể hiện mình là một người không thực sự tồn tại.


Thể hiện bản thân hay Hội chứng Nhân vật chính?


Hội chứng Nhân vật chính bao gồm loại hành vi mà mọi người liên tục thể hiện bản thân trên phương tiện truyền thông xã hội trong các tình huống khác nhau. Ví dụ: trên Instagram, việc một người nào đó công khai cuộc sống riêng của họ như thể đó là một câu chuyện dài kỳ là điều khá phổ biến. Họ nói về mọi nơi họ đã ghé thăm, nơi họ đã ăn sáng, nơi họ đã ăn trưa, v.v.


Ngày nay, chúng ta có xu hướng coi loại hành vi này là khá bình thường. Thật vậy, nhiều người đã làm điều đó vào lúc này hay lúc khác. Hơn nữa, những người nổi tiếng làm điều đó mọi lúc, theo một cách nào đó. Điều này có thực sự là một vấn đề hay không?


Thể hiện bản thân là một hành vi mà qua đó bạn truyền đạt thông tin về bản thân cho người khác. Trên thực tế, đó là một cách thể hiện cá tính của bạn thông qua việc tiết lộ những điều bạn thích và không thích cũng như cách bạn sống. Theo cách này, đây là một loại hành vi tạo động lực thúc đẩy con người.


Các chuyên gia tâm lý xã hội đã công bố một nghiên cứu có tựa đề Thuyết thể hiện bản thân: Tự tạo dựng và làm hài lòng khán giả. Các tác giả định nghĩa thể hiện bản thân như một loại động lực cho hành vi của con người. Những động lực này được kích hoạt bởi sự tồn tại đánh giá của những người khác và bởi kiến thức của họ về bạn hay cả hành vi của bạn.



Xóa nhòa ranh giới giữa hư cấu và hiện thực


Mọi người thường biểu hiện các hành vi khác với các thói quen thông thường của họ để nhấn mạnh một vài yếu tố nhất định trong tính cách của mình. Quả thực, ở một mức độ nào đó, điều này là khá bình thường.


Tuy nhiên, các vấn đề thường nảy sinh nếu họ muốn giả làm một người khác hoàn toàn. Có lẽ họ muốn làm hài lòng người khác, tìm kiếm sự công nhận, và cuối cùng, để lại dấu ấn trên mạng xã hội. Trên thực tế, đây là một hình thức tôn thờ bản thân quá mức.


Phương tiện truyền thông xã hội khiến mọi người dễ dàng rơi vào bẫy của Hội chứng Nhân vật chính. Các trang mạng này cung cấp loại hình ẩn danh cho phép mọi người tự tạo dựng lại hình ảnh bản thân. Hơn nữa, trong những trường hợp nghiêm trọng, họ thể hiện những mặt trái của mình, khi đó họ sẽ bắt đầu mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn nhân cách ái kỷ.


Phil Reed là một nhà tâm lý học. Ông ấy viết về những tác động xã hội của công nghệ. Ông tuyên bố rằng những tưởng tượng kiểu này có thể dẫn đến những hành vi tương tự những triệu chứng được thấy trong chứng rối loạn nhân cách. Phil nói rằng “những hành vi “thoát khỏi hiện thực” cũng có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người dễ phát triển các vấn đề tâm lý, như lo âu và trầm cảm, không chỉ rối loạn nhân cách”.


Đối với Phil, mạng xã hội là một phương tiện có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn này. Đó là bởi vì chúng làm mờ ranh giới giữa hư cấu và hiện thực. Ông nói rằng “mạng xã hội chỉ giúp mọi người dễ dàng và nhanh chóng hơn thể hiện một phiên bản giả của chính họ. Có những điểm tương đồng với tin tức giả – một lần nữa, đây không phải là một hiện tượng mới, mà là một hiện tượng được các phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện để hình thành”.


------------


Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Phoebe Trịnh

Ảnh: burst.shopify.com

Tham khảo: Exploring your mind (2021). Main Character Syndrome, When It's All About You [Online] Available at: https://exploringyourmind.com/main-character-syndrome-when-its-all-about-you/ [Accessed 24 August 2021]


----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan