Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO – Fear of Missing Out)

Về cơ bản, có hai cách để nhìn nhận về mặt khắc nghiệt của việc bỏ lỡ: hoặc là quan sát theo hướng Cổ điển, hoặc là quan sát theo hướng Lãng mạn

Chúng ta liên tục nhận được những lời gợi ý dồn dập về những gì chúng ta có thể làm (đi trượt tuyết, học ở Colorado, thăm Maldives hay tham quan Kim tự tháp). Bạn bè của ta cũng nói không ngừng về những gì họ đã hay đang chuẩn bị làm: “Tất cả bọn mình đều đã đến quán bar hay ho này”; “Cô ấy chuẩn bị làm lễ cưới ở một nhà thờ vùng quê nhỏ, sau đó sẽ có một cuộc dã ngoại”; “Mặt trời lúc ấy đang lấp ló cạnh Cảng Sydney”...



Có hàng sa số những gợi ý về sự quyến rũ của cuộc sống ở những nơi khác: một bài báo về những nhà hàng cho gia đình ở Brooklyn, một cuốn tiểu thuyết tội phạm lấy bối cảnh ở Trieste, bảng thông báo điểm đến ở sân bay chứa đầy những nơi tuyệt vời chỉ cách một chuyến bay như Moscow, Paris, … Thế giới hiện tại luôn đảm bảo chúng ta phải biết được mình đã bỏ lỡ những gì. Nó là một điều dễ hiểu nhưng trong đó sự ảnh hưởng một cách mạnh mẽ và đau đớn của Hội chứng Sợ bỏ lỡ (FOMO) là không thể tránh khỏi.


Về cơ bản, có hai cách để nhìn nhận về mặt khắc nghiệt của việc bỏ lỡ: hoặc là quan sát theo hướng Cổ điển, hoặc là quan sát theo hướng Lãng mạn.


Theo kiểu Lãng mạn, việc bỏ lỡ gây ra cảm giác cực kỳ bứt rứt, khó chịu. Ở một nơi nào đó, những con người danh giá, thú vị và hấp dẫn đang sống một cuộc sống mà lẽ ra cũng là của bạn. Bạn sẽ rất hạnh phúc, nhưng chỉ khi có mặt ở đó, tại bữa tiệc ấy, với những con người kia hoặc làm việc ở một văn phòng trên Quảng trường Washington hay tận hưởng kỳ nghỉ trong một căn nhà gỗ ở Jutland. Thực sự bạn chỉ muốn khóc thật to mỗi lần nghĩ như vậy.


Trường phái Lãng mạn tin vào ý tưởng rằng có một trung tâm cụ thể nào đó, nơi những thứ tuyệt vời đang diễn ra. Tại một thời điểm thì nó là New York, vài năm sau lại là Berlin; rồi đến lượt London. Bây giờ nó chắc chắn là San Francisco và năm năm sau nó có thể là Auckland – hoặc Rio.


Khía cạnh lãng mạn cho rằng, loài người được chia làm một nhóm lớn gồm những con người tầm thường – và một nhóm nhỏ gồm những thành viên ưu tú: nghệ sĩ, doanh nhân, những con người sắc sảo của thế giới thời trang và những nhà sáng tạo dựa trên công nghệ, kỹ thuật. Là một người thuộc kiểu Lãng mạn thực sự có thể khiến tâm hồn bạn cảm thấy mệt mỏi. Cha mẹ đôi khi khiến bạn phát điên: cuộc sống của mẹ chỉ có một màu nhàm chán. Làm sao mẹ có thể chấp nhận điều đó? Tại sao mẹ lại không bị thôi thúc để chuyển đến vùng Vịnh? Mẹ luôn gợi ý bạn nên tìm việc ở Birmingham hay mời bạn đi tới khu Lake. Đôi khi bạn trở nên bất lịch sự với mẹ và tránh xa những người khác giống vậy như thể tránh bệnh dịch: người bạn nhút nhát ở trường hay tự ti về cân nặng; bạn cùng phòng là một kỹ sư liên lạc vô tuyến đầy đam mê trong việc bàn luận về vấn đề chính trị địa phương. Ở bên cạnh những người chán ngắt và thiếu hoài bão như vậy khiến bạn có cảm giác như mình sẽ chết trong sự tẻ nhạt.



Về phần mình, người có tâm hồn cổ điển hiểu rằng những điều thực sự hay ho đang diễn ra trên thế giới là điều đương nhiên, nhưng họ cũng hoài nghi liệu những dấu hiệu rõ ràng của sự hấp dẫn có phải là đường đi đến với chúng. Họ thích nghĩ rằng tiểu thuyết hay nhất trên thế giới có thể không có đề cử giải thưởng nào hay đang gây sốt trong danh sách bán chạy nhất vào thời điểm hiện tại. Những con người cổ điển hết sức chú ý đến những phẩm chất tốt đẹp tồn tại đồng thời với những điều cực kỳ giản dị. Mọi thứ đối với họ đều là pha lẫn linh tinh với nhau cả. Khẩu vị tệ hại của người liên tục chuyển từ thứ này sang thứ khác có thể tương đương với khả năng thấu hiểu phi thường. Những chứng chỉ học thuật có thể chẳng đánh giá được một đầu óc thực sự tinh anh. Người nổi tiếng cũng có thể nhạt nhẽo. Những điều khó hiểu có thể rất đáng chú ý. Tại một bữa tiệc nhóm, uống cocktail tại quầy rượu đỉnh nhất thế giới cũng chưa chắc đã khiến bạn không cảm thấy buồn và lo lắng. Bạn có thể có cuộc trò chuyện sâu sắc nhất đời mình với dì – mặc dù dì thích xem bắn bi-a trên TV và đã ngừng nhuộm tóc.


Bản tính của người cổ điển cũng sợ bỏ lỡ, nhưng đồng thời lại có một danh sách khác về những thứ mà họ sợ mình không biết tận hưởng: thực sự hiểu được bố mẹ của một ai đó, học được cách đối mặt với cô đơn; biết được sức mạnh làm khuây khỏa của rừng cây và mây trời; tìm lại được những bản nhạc đi cùng năm tháng thơ ấu, tán gẫu với một đứa trẻ bảy tuổi… Những tâm hồn thông thái đó biết rằng, trên thực tế, một người có thể bỏ lỡ những điều thực sự quan trọng nếu như cứ hớt hải chạy thật nhanh để tìm sự tuyệt vời ở đâu đó – cuống cuồng phi tới một quán rượu thời thượng có thể khiến bạn bỏ qua những người sáng tạo nhất thành phố đang nói chuyện với công chúng – từ điển của họ luôn đánh dấu một từ “Chậm rãi”. 


Dịch bởi: #DeathBlossom


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan