Hướng nội thì sao, chẳng sao cả

Hướng nội, là một đặc quyền mà tạo hoá ban tặng cho bạn. Vì vậy, thay vì buồn, thay vì tự trách bản thân hay thu mình lại, hãy trân trọng con người "hướng nội" bên trong bạn.

Hồi còn nhỏ


Từ khi còn nhỏ, mình thường bị gắn mác là một đứa ít nói, lì lợm và đôi khi là “tự kỷ”. Mặc dù mình biết những lời nói ấy không có gì ác ý, thế nhưng hỏi mình có buồn không, có tủi thân không thì tất nhiên là có chứ. Hồi còn nhỏ, mình không hiểu sao mọi người lại nhìn mình bằng ánh mắt như vậy, rằng mình là một đứa không bình thường. Mình không hẳn là đứa ít nói, mình nói chuyện rất nhiều với người thân nhưng lại có những lúc im bặt không nói một lời. Mình thường thích làm một số việc một mình, và đôi khi là gặm nhấm nỗi đau hay ăn mừng chiến thắng một mình. Mình còn nhớ trong suốt những năm tháng mình còn học cấp hai, cấp ba, mình được nhiều thành tích có thể nói là khá lớn. Thế nhưng, mãi cho tới khi mình nhận bằng khen, bố mẹ mình mới thực sự biết được điều đó. 


Bước chân vào cánh cửa đại học


Mình còn nhớ như in cái ngày mình nhận được thông báo trúng tuyển, mình đã rất vui, mình và bố cùng đi nhận giấy và làm thủ tục nhập học chỉ vài ngày sau đó. Cái cảm giác sau rất nhiều năm cố gắng, từ một đứa nhút nhát chỉ biết quẩn quanh ở cái ao làng, mình dường như cảm thấy bản thân sắp trưởng thành, sắp được thoả cái mong ước bay thật xa khỏi vòng tay bao bọc của bố mẹ. Thế nhưng, cuộc đời thật biết khéo đùa với chúng ta. Thời gian đầu bước chân vào cuộc sống theo mình lúc đó là “tự do" ấy, mình đã rất nhớ nhà. Nếu người bình thường nhớ nhà một thì những đứa hướng nội như mình nhớ nhà mười. Chưa kể, mình còn phải vật lộn vì việc phải chạy đua cho kịp các bạn ở trường. Vì mình vốn là đứa ở quê ra, từ nhỏ đến lớn, tiếng Anh với mình chỉ là những bài đọc, cấu trúc ngữ pháp mà cả một quyển sổ ghi chép chi chít của mình lưu lại từ những năm còn học cấp hai. Lên đại học, các bạn ở tỉnh, ở thành phố rất giỏi, đến mức đã có lúc mình cảm tưởng như muốn hét lên rằng mình quá nhỏ bé, mình muốn bỏ học và…Không biết mọi người có để ý không, nhưng những đứa hướng nội như mình hoặc hơn thế nữa, họ vốn dĩ có khả năng đặc biệt, họ có một sự bền bỉ đáng gờm và một khi họ đã ăn sâu vào tiềm thức cái gì đó, họ sẽ “giỏi", rất “giỏi". Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó, thời gian đầu, mình gặp rất nhiều khó khăn để đuổi kịp các bạn, chưa nói đến việc hơn chúng nó. Đã vậy, cái “tôi" trầm lắng ở mình lại bộc phát, và dường như rơi vào trạng thái “burn out" (tức là muốn nổ tung lúc nào không hay) và pha cả chút trầm cảm nhẹ nữa. Trong khi lớp đại học của mình có hết nhóm này đến nhóm kia ríu rít với nhau thì mình lại chọn cách ở một mình, làm mọi thứ một mình, và thậm chí gặm nhấm cái nỗi buồn một mình. Có chăng chỉ là những mối quan hệ hơi thân, đôi ba người bạn mình cảm thấy có thể tin tưởng để chia sẻ. Vậy đó, mình cảm thấy lạc lõng không? Tất nhiên là có chứ. 


Nhưng bạn biết đấy, mình biết điều đó, đôi lúc mình cũng cần chia sẻ chứ, nhưng để chọn giữ được là chính mình và “lạc lõng" giữa những “tâm hồn" khác, mình chọn được là chính mình. Bạn thử nghĩ xem, trong một mảnh ghép, nếu bạn cố gắng ghép một miếng ghép “lệch lạc" và không vừa vặn, nó sẽ làm hỏng miếng ghép ấy, và hỏng cả bức tranh ấy. Và mình cảm thấy may mắn hơn nhiều người hướng nội cô đơn khác, đó là mình hiểu mình cần gì và không cần gì. Mình hiểu lúc nào cảm xúc của mình lên tới tột cùng và tìm cách để “tự" gặm nhấm hay kìm hãm nó lại. Vì mình hiểu, đối với người hướng nội như mình, không quá khó để tự gặm nhấm nỗi buồn, bởi vì đó đã là một thứ bản năng của họ. Hành trình ấy, bạn có thể sẽ cô đơn, bạn có thể sẽ muốn bỏ cuộc vì chỉ có “một mình". Nhưng bạn sẽ hiểu được những giá trị của bản thân mà trước đây bạn vẫn luôn nghi hoặc hay cố giấu nó đi.


Hướng nội thì sao, chẳng sao cả | Ảnh: Pinterest


Ai cũng có một phần “hướng nội" trong mình


Không biết bạn có tin không, nhưng mình thì tin vào phần “hướng nội" trong mỗi con người, chỉ là họ có để cho nó bộc phát ra nhiều hay ít mà thôi. Một thầy giáo mình rất ngưỡng mộ từng dạy mình bộ môn khởi nghiệp. Thầy vốn dĩ là đồng sáng lập của một startup cũng khá thành công. Và các bạn biết thầy nói gì không? Thầy nói rằng “Thầy là một người sếp hướng nội, một giảng viên hướng nội, và thầy lại làm việc rất tốt với những con người hướng ngoại.” Ngay cả những người hướng ngoại nhất cũng có những lúc muốn ở một mình, cũng có những lúc muốn gặm nhấm nỗi buồn một mình hay thả mình vào tiềm thức của những câu chuyện, kỷ niệm trong quá khứ. Mình tin rằng, nếu chúng ta biết tận dụng những phần tích cực của con người “hướng nội" trong mình và biết khi nào phần “hướng nội” đó nên lên tiếng, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi và tự hào rất nhiều. Vì chí ít, bạn cũng rất đặc biệt.


Bạn thấy đấy, nhiều khi chúng ta sinh ra đã không thể cứ muốn bản thân là người nọ người kia, thế nhưng cuộc đời lại “dội gáo nước lạnh” vào mặt bạn, khiến bạn trở thành phiên bản mà bạn chưa từng nghĩ đến. Thế nhưng, khi bạn biết mình là ai, bạn không cần phải chứng minh cho bất kỳ ai cả. Đó là câu nói mình hay dặm đi dặm lại trong nhiều bài viết của mình. Và mình tin chắc rằng, hướng nội không phải lỗi của bạn, bạn chẳng có lỗi gì cả, có chăng lỗi lớn nhất chỉ là việc bạn không công nhận chính mình.


Tác giả: Hạ Mây

Nếu bạn muốn có một người lắng nghe, thì hãy ở lại đây với mình. Mình cũng chẳng có gì nhiều, chỉ có đôi tai luôn sẵn sàng lắng nghe: https://www.facebook.com/gomlittlestories/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan