Khi bạn ở độ tuổi 20, cha mẹ đã đi hết bao phần quãng đời?

Đối với tôi, gia đình vô cùng quan trọng. Hẳn nhiên, có cả triệu người cũng có suy nghĩ này, và cũng nói được một câu khẳng định hoàn chỉnh như vậy...

Đôi ba tháng trước, nhà tôi chuyển ra ngoại thành sống. Thật ra, ngoài việc đang từ nhà riêng chuyển thành chung cư, cũng chẳng có gì gọi là thay đổi đáng kể. Những tưởng không gian thu hẹp lại, con người ta cũng sẽ quây quần hơn. Ấy vậy mà vẫn là bầu không khí rời rạc ấy của một gia đình sáu người đông con. Vẫn là chuỗi ngày dài với thế giới của cha mẹ và con cái được phân tách thành hai mảnh - dường như đều bận bịu như nhau, nhưng hoá ra lại chẳng có chủ đề chung nào để san sẻ. Ngoài giờ ăn tối dài nhất khoảng một giờ đồng hồ, chẳng còn lúc nào khác cho những tương tác gia đình tối thiểu. Và đó là gia đình của những con người vẫn luôn miệng nói “gia đình là trên hết” đấy các bạn ạ. 

 

Việc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đổ vỡ thật ra không phải lúc nào cũng vì bất đồng quan điểm, vì cãi cọ đôi bên. Như nhiều mối quan hệ giữa người với người khác, sự nứt vỡ trong tình thương gia đình có thể đơn thuần xuất phát từ sự xa cách lâu ngày và liên tục. Vốn cha mẹ nào cũng thích gần các con, và đứa con nào cũng khao khát hơi ấm từ cha mẹ. Song, con càng lớn, cha mẹ càng già đi, khoảng cách giữa con với cha mẹ cũng ngày một nới rộng. Lên 4 tuổi con đi mẫu giáo, thời gian con ở bên cha mẹ đã ít hơn so với hồi còn bập bẹ hơi sữa. Nói gì đến quãng thời trưởng thành sau này, khi mà thế giới thì rộng lớn, cha mẹ lại chẳng đủ sức bắt kịp bước chân con. 

 

Có lẽ bởi trong lòng ai cũng rõ ràng về một ngày chia cách như vậy, chúng ta mới tập coi nhẹ sự hiện diện của đối phương và quen dần với cảm giác đơn độc. Mãi cho đến khi, đứa trẻ đột nhiên cảm thấy tràn trề tự tin rằng mình ổn kể cả khi không có cha mẹ ở bên. Đó không hẳn là vì sự hiện diện của cha mẹ không còn cần thiết nữa. Mà có lẽ chúng đã quen một mình, đến mức quên mất rằng từ sâu thẳm, bản thân vốn luôn khao khát hơi ấm đó đến nhường nào. 

 

Tôi là mẫu người có phần điển hình của xã hội hiện đại: học tập và sự nghiệp dường như đã ngốn hết gần 20 năm cuộc đời đã qua. Ngày ngày vùi đầu trước màn hình máy tính đến khi sức lực bị bòn rút cạn kiệt. Vốn đã chủ động dừng lại các mối quan hệ xã hội - một người bạn xã giao cũng không cần, để may ra còn bớt được chút ít thời gian bên gia đình. Ấy vậy mà không hiểu sao, đến cả mấy bước chân từ phòng riêng ra phòng khách trong một căn hộ chung cư chưa đầy trăm mét vuông để đón chào cha mẹ đi làm về, tôi cũng không làm nổi. Trước đây, khi còn ở nhà riêng nhiều tầng, ngụy biện là bản thân không để ý hoặc đang dở việc đã đành. Đến giờ, tôi nhận ra, vốn chẳng có gì gọi là bất khả thi cả. Chỉ có con người ta không muốn làm và không nguyện ý làm mà thôi. 

 

Chúng ta luôn có cả ngàn lý do để bào chữa cho những hành động trái niềm tin của mình. Tôi tin rằng mình rất trân quý gia đình, và họ chính là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của tôi. Rồi để biện hộ cho việc ngay cả 15 phút mỗi ngày ngồi bên cha mẹ cũng không có, tôi lấy lý do là bận rộn, là dở việc, là mệt mỏi. Có lẽ, cũng chẳng phải lắm công chuyện gì đâu. Mà là chưa thực sự tin rằng gia đình quan trọng hơn sự nghiệp, là hai chữ “sự nghiệp” vẫn có sức nặng hơn hai chữ “gia đình”. Xét về đức hạnh, điều này đã chẳng phải phép. Xét về hiện thực, dù có phần khó nghe, nhưng chẳng phải chúng ta vẫn luôn chỉ giữ hai chữ “gia đình” trong tim, còn thực tại cuộc sống lại dành hết cho sự nghiệp hay sao? 

 

Đối với tôi, gia đình vô cùng quan trọng. Hẳn nhiên, có cả triệu người cũng có suy nghĩ này, và cũng nói được một câu khẳng định hoàn chỉnh như vậy. Song, cuối cùng cái quan trọng kia nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ suy nghĩ và niềm tin. Suốt quãng thời trẻ tuổi đã qua, liệu có mấy người dám hiện thực hoá sự quan trọng đó của gia đình? Bàn cân giữa sự nghiệp và gia đình là một đấu trường khốc liệt, khi mà người trẻ tuổi buộc phải buông bỏ một vài thứ thì mới có đủ sức để tiến gần hơn với thứ còn lại. 

 

Nhưng thật ra, nói đi cũng phải nói lại, buông bỏ được vài phần trong hai chữ “sự nghiệp” cũng không phải một việc dễ làm đến vậy. Khi mà vốn xã hội này đã bao bọc con người ta bằng quá nhiều quy chuẩn về thành tựu vật chất, về giá trị bề mặt, đến nỗi ngay cả một đứa trẻ mới vượt ngưỡng 10 cũng đã bắt đầu lo lắng đến tương lai bản thân nếu không thể đạt được cái này hay không thể giành được cái nọ, và ngay cả một học sinh chưa rời ghế tiểu học cũng đã phải dành nhiều thời gian hơn cho đống đề luyện thay vì cha mẹ chúng. 

 

Đến bao giờ người ta mới có thể toàn tâm toàn ý bồi đắp cho những màu nhiệm hiện thực và sẵn có hơn trong cuộc đời như gia đình hay một chiều Xuân tràn nắng? Đến bao giờ người trẻ tuổi mới có thể sẵn sàng vứt bỏ những áp lực ở chữ “thành công” mà xã hội tạo dựng nhằm nuôi dưỡng niềm tin và hạnh phúc họ thầm khao khát? Đến bao giờ chỗ đứng của những giá trị tinh thần mới có thể vững chãi trong xã hội loài người? Đến bao giờ hai chữ “gia đình” mới có thể nhẹ tênh vụt qua hai chữ “sự nghiệp”?... 

 

Vậy nên, ở đây tôi vốn chẳng có quyền gì để phán xét những người trẻ lựa chọn sự nghiệp thay cho gia đình. Vốn dĩ, tôi cũng không có khả năng đấy, khi mà chính tôi cũng đang vật lộn tìm cho mình một lối thoát trên bàn cân tuổi trẻ này. Nhưng tôi tin rằng, ai cũng có cho mình một gia đình - một nơi cho họ cảm giác an yên và ấm áp. Mấy ngày trước, tôi có vô tình xem được một video giúp gợi nhớ về vòng sinh diệt của đời người. Lúc đó, trong đầu tôi bỗng hiện lên câu hỏi: “Khi bạn ở độ tuổi 20, cha mẹ bạn đã bao nhiêu tuổi, gia đình bạn đã đi hết bao phần quãng đời?” Rồi chợt nhận ra, sự nghiệp có thể lập dựng ở tuổi tứ tuần, nhưng đến khi ta chạm ngõ 30, cha mẹ đã bắt đầu chạy đua về phía ánh dương tà, và ta khi đó cũng sẽ phải chạy đua cùng thời gian để chắt chiu từng giây phút ở bên họ. Vậy sao không thư thả mà làm việc này sớm hơn một chút? 

 

Tác giả: Diệu

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan