Khi nào bạn nhận ra mình vẫn chưa quên được người thân đã mất?

Khi đó tôi mới biết rằng, thật ra mình vẫn chưa quên được bà. Bà vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi, dù trái tim tôi đã ngàn lần thử gạt bỏ những nỗi nhớ và cả những đớn đau mỗi khi nghĩ về bà, giữa thực tại tàn khốc rằng bà không còn nữa.


Bà nội tôi đã mất cách đây 12 năm - khoảng thời gian dài hơn một thập kỷ. Mà bạn biết đó, đất nước mình khi trải qua một thập kỷ thì thay da đổi thịt nhiều như thế nào. Tôi cũng không dám tưởng tượng điều đó nữa, vì dường như nó vượt ngoài khả năng suy nghĩ của bản thân. Giữa những năm 2000, tôi nhớ hình như lúc đó điện thoại di động chưa phổ biến được như bây giờ, huống hồ gì lúc này, phần lớn mọi người đều dùng điện thoại cảm ứng, iphone, ipad. Khi ấy, nhà tôi chỉ có một chiếc điện thoại bấm rất cũ... được một người họ hàng xa vì không dùng nữa mà để lại cho. Những hôm tan trường trở về nhà, tôi thường xin cha mấy mươi phút dùng điện thoại, hí hoáy mở những trò chơi có sẵn như lướt ván, giải đố sudoku... Có những ngày vì mải chơi mà bỏ ăn cơm, tôi bị cha mẹ tịch thu điện thoại, sau đó cất vào một ngăn tủ kín đáo mà tôi không tìm ra. Tôi mặt mày tiu nghỉu, suốt ngày cứ thơ thơ thẩn thẩn, đi ra đi vào. Bà tôi thấy vậy bèn mở tivi rồi ngồi xem cùng tôi - đó là một chiếc tivi cũ trắng đen, bật toàn những kênh hoạt hình tôi yêu thích. Dù cho thời điểm đó, cha tôi nhắc bà không được bật tivi cho tôi xem, vì sợ tôi ham vui mà không chịu học hành.


Ngoài việc bật tivi để chiều lòng tôi, bà còn gói ghém ít tiền lẻ, đi ra chợ mua cho tôi gói kẹo, cái bánh. Với một đứa trẻ chẳng thể kiếm ra tiền để mua những món ngon như vậy, thì hành động của bà lúc đó trong mắt tôi như là vị thiên sứ. Khác với thiên sứ trong tưởng tượng của các bạn, “thiên sứ” của tôi có làn da ngăm đen, cháy nắng. “Thiên sứ” sở hữu một mái tóc dài nhưng đã bạc phơ, được búi gọn lỏn trên đầu. Những hôm cha mẹ tôi vắng nhà, “thiên sứ” nấu cơm cho tôi ăn, ngủ cùng tôi, chiều chiều lại dắt tôi ra vườn, tôi ngồi một góc nhìn “thiên sứ” làm cỏ, hái rau, tưới nước. Cả hai lại cùng nhau vui vẻ nói cười.


Đó là những câu văn mà sau này khi đã lên cấp hai, tôi bắt đầu lục lại hình ảnh của bà trong hồi ức - để viết trong một buổi học tập làm văn. Khi đề bài yêu cầu học sinh miêu tả về người bà của mình, thì bỗng nhiên hình ảnh về bà nội chợt lóe lên trong tâm tưởng của tôi. Lúc ấy, nước mắt tôi chực trào ra, khi những đứa bạn xung quanh đều lấy chất liệu có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để miêu tả về bà của chúng nó, thì tôi lại viết về bà nội trong những khắc khoải lúc nhớ, lúc quên của hoài niệm. Khi đó tôi mới biết rằng, thật ra mình vẫn chưa quên được bà. Bà vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi, dù trái tim tôi đã ngàn lần thử gạt bỏ những nỗi nhớ và cả những đớn đau mỗi khi nghĩ về bà, giữa thực tại tàn khốc rằng bà không còn nữa.


Khi bà ra đi, tôi chỉ là một đứa trẻ học tiểu học. Hè năm đó, thay vì được cha mẹ đưa rước đến nhà văn hóa thiếu nhi để tham gia hội diễn văn nghệ như những năm trước, thì giờ đây tôi lại ở nhà. Mẹ tôi vì bận chăm bà ốm mà không đưa rước tôi được như trước nữa. Tôi cũng vì cớ đó mà xin mẹ hè này được ở nhà chơi, phụ giúp cả nhà những công việc linh tinh. Những ngày cuối đời của bà, tôi vẫn còn là một đứa trẻ hồn nhiên, không mảy may nghĩ đến những phút giây tồi tệ sắp xảy ra với bà mình. Hôm ấy trời nắng đẹp, sau khi ăn một chén cháo trong khó nhọc, bà ra đi. Tôi vẫn còn nghe tiếng cha mẹ tự nhủ với nhau giữa những đợt nấc nghẹn ngào: “Dù sao má cũng đi thanh thản rồi. Má không còn đau nữa. Chứ nhìn má đau hoài thế này, tôi chịu không nổi…”. Đêm hôm đó, tôi ngủ cùng một người bà con, vì cha mẹ tôi vẫn còn bận tiếp khách ngoài kia. Những ngày sau đó, tôi dường như cũng dần hiểu ra được sự mất mát, nhưng bản thân vẫn cố chấp không tin. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ non nớt ấy, sự biến mất của bà rất vô lý và hoang đường. Tôi không thấy đau đớn, cũng không chảy nước mắt như cha mẹ tôi.


Khi nào bạn nhận ra mình vẫn chưa quên được người thân đã mất? | Nguồn ảnh: Unplash


Nhiều tháng trôi qua, tôi có lịch nhập học. Năm ấy, tôi vào lớp bốn. Ngày đầu tiên đến trường, tôi vẫn thản nhiên cười đùa cùng đám bạn, mừng rỡ vì được gặp lại nhau sau khoảng thời gian nghỉ hè dài đằng đẵng. Có lẽ vào tại thời điểm đó, tôi cũng nghĩ rằng, rồi mình sẽ sớm gặp lại bà mà thôi.


Sau này khi đã vào cấp ba, lần đầu tiên mặc lên người chiếc áo dài trắng, tôi giật mình nhớ đến lời tâm sự của người bà năm xưa. Khi còn là một đứa trẻ mới bước vào lớp một, bà dắt tay tôi đến nhận lớp đầu năm. Lần đầu tiên thấy tôi mặc bộ quần áo học sinh, bà khẽ cười hiền hậu, bảo với mẹ không biết đến bao giờ mới nhìn thấy tôi mặc trên người chiếc áo dài được nhỉ… Mẹ phì cười bảo với bà: “Má lo xa quá. Biết bao năm nữa con bé mới vào lớp mười”. Vậy mà thoắt cái nhiều năm qua đi, tôi vào cấp ba. Giữa đêm khuya ngồi ủi áo dài cho buổi khai trường, tôi bỗng nhiên bật khóc vì nhớ bà quá đỗi.


Một ngày mùa đông giữa năm hai đại học, lần đầu tiên nắm tay người con trai mình thương, tôi sực nhớ đến bà. Tôi rất muốn chia sẻ niềm hạnh phúc này với “thiên sứ” ngày xưa ấy của tôi. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm tháng, chưa bao giờ hình ảnh về nụ cười của bà lại xuất hiện rõ ràng trong tâm trí tôi đến thế. Hai năm sau đó, tôi vinh dự nhận được kết quả tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Lần đầu thay mặt toàn thể sinh viên của trường đứng trên bục phát biểu cảm nghĩ, tôi dường như mường tượng ra hình ảnh bà đang ngồi dưới hàng ghế khán đài, chăm chú dõi theo tôi, hệt như đang ngồi xem tôi nhảy múa trên sân khấu nhà thiếu nhi những ngày tôi còn học tiểu học. Tôi đưa tay lên mắt, giả vờ chỉnh sửa lại mái tóc đang chắn ngang tầm nhìn… để che đi những giọt nước mắt đang rơi dài trong nhung nhớ.


Mãi sau này tôi mới nhận ra, khi một người thân thương nào đó của mình ra đi, thì trái tim của họ vẫn vĩnh viễn tồn tại. Dù sự hiện diện của họ đã không còn trong ngôi nhà ấy nữa, nhưng hình bóng, nụ cười, giọng nói… và tất cả những nỗi nhớ nhung vẫn luôn ngự trị trong trí nhớ của những đứa con, đứa cháu suốt nhiều năm sau này. Cái chết chỉ là một cột mốc - đánh dấu sự ghi nhớ vĩnh hằng… cho tất cả những người thân của mình đã rời xa cõi tục. Chỉ khi ký ức về họ trong chúng ta đã mất đi, lúc ấy, họ mới thật sự biến mất khỏi thế gian rộng lớn này.


---


Tác giả: Trúc Phạm

BẢN THẢO
Bài viết liên quan