Khi nào cần cù không bù được thông minh?

Nhiều khi vùi đầu vào học thâu đêm suốt sáng cũng chẳng hiệu quả bằng phương pháp học tập thông minh!


Bạn có bao giờ cảm thấy thói quen học tập của mình chỉ đơn giản là không thể rút ngắn được không? Bạn có từng tự hỏi rằng mình nên làm thế nào để học tập tốt hơn kể cả trên lớp và trong các kỳ thi không? Nhiều học sinh nhận ra thói quen học tập ở những năm học cấp 3 của họ không còn phù hợp với đại học. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đại học hoàn toàn khác với cấp 3. Các giảng viên ít xoay quanh sinh viên của họ hơn, các lớp học đông hơn, các kỳ thi phải bõ công ôn luyện hơn, việc đọc hiểu bài đọc căng thẳng hơn và các lớp học cũng có nhiều đòi hỏi cao hơn rất nhiều. Điều đó không có ý nói bạn đang có vấn đề gì; chỉ là bạn cần học hỏi thêm một số kỹ năng học tập hiệu quả hơn. May mắn thay, đã có nhiều chiến lược học tập thiết thực, hiệu quả được chứng minh là hữu hiệu trong các lớp học đại học.


Bài viết này cung cấp một vài lời khuyên về việc học tập hiệu quả. Áp dụng những lời khuyên này đều đặn vào thói quen học tập sẽ giúp bạn học tập một cách hiệu quả và hiệu suất hơn. Hãy thử nghiệm và tìm ra những điều phù hợp với bạn.


Chỉ đọc thôi vẫn chưa đủ


Chỉ đọc đi đọc lại văn bản hoặc ghi chú không phải là tham gia tích cực vào bài học. Nó chỉ đơn giản là đọc lại những ghi chép của bạn. Chỉ “hoàn thành” những bài đọc để chuẩn bị cho lớp không phải học. Nó chỉ đơn giản là đọc ở lớp. Việc đọc đi đọc lại dẫn đến nhanh quên.


Hãy nghĩ việc đọc là một phần quan trọng của việc nghiên cứu trước, nhưng việc tìm hiểu kiến thức đòi hỏi phải tham gia tích cực vào bài học (Edwards, 2014). Tham gia tích cực là quá trình tạo dựng ý nghĩa từ nội dung bao gồm việc tạo ra những kết nối với bài giảng, hình thành các ví dụ và điều chỉnh việc học tập của bản thân (Davis, 2007). Học tập tích cực không có nghĩa là đánh dấu hoặc gạch dưới văn bản, đọc đi đọc lại hay học thuộc lòng. Mặc dù những việc làm này có thể giúp bạn duy trì tham gia vào bài học, nhưng chúng không được coi là phương pháp học tập tích cực và dường như chẳng giúp ích việc cải thiện học tập (Mackenzie, 1994).


Những ý tưởng giúp học tập tích cực bao gồm:


  • Sáng tạo một bảng hướng dẫn học tập theo chủ đề. Hình thành các câu hỏi và vấn đề sau đó viết ra những câu trả lời hoàn chỉnh. Tạo câu đố dành riêng cho bạn.


  • Trở thành một giáo viên. Nói to kiến thức bằng lời của chính bạn như thể bạn là người hướng dẫn và giảng dạy các khái niệm cho cả lớp.


  • Tìm ra các ví dụ liên quan đến kinh nghiệm của riêng bạn.


  • Sáng tạo những sơ đồ hoặc biểu đồ khái niệm giải thích bài học.


  • Khai thác những hình ảnh biểu tượng đại diện cho các khái niệm.


  • Đối với những khóa học không liên quan đến kỹ thuật (ví dụ: Anh văn, Lịch sử, Tâm lý học), hãy tìm ra những ý tưởng quan trọng để bạn có thể giải thích, đối chiếu và đánh giá lại chúng.


  • Đối với những khóa học về kỹ thuật, hãy giải quyết các vấn đề và giải thích các bước cần thực hiện và lý do các bước này hoạt động.


  • Nghiên cứu về câu hỏi, dẫn chứng và kết luận: Câu hỏi mà người hướng dẫn/tác giả đặt ra là gì? Bằng chứng mà họ đưa ra là gì? Kết luận là gì?


Sắp xếp và lập kế hoạch sẽ giúp bạn chủ động học tập cho các khóa học của mình. Khi làm bài kiểm tra, hãy sắp xếp tài liệu của bạn trước và sau đó bắt đầu ôn tập tích cực theo chủ đề (Newport, 2007). Thường thì các giáo sư sẽ cung cấp các chủ đề phụ trong đề cương bài giảng. Hãy vận dụng chúng như một hướng dẫn để giúp sắp xếp bài học của bạn. Ví dụ: tập hợp tất cả các tài liệu cho một chủ đề (ví dụ: ghi chú PowerPoint, ghi chú sách giáo khoa, bài tạp chí nghiên cứu, bài tập về nhà, v.v.) và xếp chúng vào thành một nhóm. Viết tên nhãn rồi gắn vào mỗi nhóm theo từng chủ đề và học theo những chủ đề đó.


Hiểu về Chu kỳ học tập


Chu kỳ học tập, được phát triển bởi Frank Christ, chia nhỏ từng phần riêng biệt của việc học như: xem trước, tham gia lớp học, xem lại, nghiên cứu và kiểm tra cách hiểu của bạn. Mặc dù thoạt nhìn qua mỗi bước đều có vẻ rõ ràng, nhưng sinh viên thường cố đi đường tắt và bỏ lỡ cơ hội học tập tốt. Ví dụ, bạn có thể bỏ qua một bài học trước khi đến lớp vì giáo sư giảng dạy cùng một tài liệu trong lớp; làm như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội then chốt để học theo những phương pháp khác nhau (như đọc và nghe) và để hưởng lợi từ việc nhắc lại và thực hành phân bổ (xem ý #3 bên dưới) mà bạn sẽ nắm được bài từ việc đọc trước và tham gia lớp học. Hiểu được tầm quan trọng của tất cả các giai đoạn của chu kỳ này sẽ chắc chắn giúp bạn không bỏ lỡ cơ hội học tập hiệu quả.


Phân chia việc học hiệu quả


Một trong những chiến lược học tập hiệu quả nhất là “thực hành phân bổ” – sắp xếp việc học của bạn chia thành vài khoảng thời gian ngắn trong vài ngày và vài tuần (Newport, 2007). Cách thực hành hiệu quả nhất là học tập trong một thời gian ngắn cho từng lớp mỗi ngày. Tổng thời gian dành cho việc học sẽ bằng (hoặc ít hơn) so với một hoặc hai phiên “chạy đua” học ở thư viện, nhưng bạn sẽ tìm hiểu lượng thông tin sâu hơn và ghi nhớ nhiều hơn trong thời gian dài – điều này sẽ giúp bạn đạt điểm A trong kỳ thi cuối kỳ. Điều quan trọng là bạn tận dụng thời gian học tập như thế nào chứ không phải học trong bao lâu. Thời gian học tập kéo dài dẫn đến sự thiếu tập trung và do đó thiếu khả năng tiếp thu và khả năng ghi nhớ.


Để dàn trải việc học trong thời gian ngắn trong vài ngày và vài tuần, bạn cần kiểm soát thời gian biểu của mình. Tuân theo một danh sách các bài tập cần hoàn thành hằng ngày sẽ giúp bạn thêm vào các buổi học tích cực đều đặn ở mỗi buổi học. Cố gắng làm điều gì đó ở mỗi buổi lên lớp hằng ngày. Hãy đi vào chi tiết và thực tế về khoảng thời gian bạn dự định dành cho mỗi bài tập – không nên có nhiều bài tập trong danh sách vượt mức khả năng hoàn thành hợp lý của bạn trong ngày.


| Nguồn: Julia Khalimova | Ảnh: pexels


Ví dụ, bạn có thể làm một vài bài toán mỗi ngày thay vì làm tất cả chúng một giờ trước khi đến lớp. Trước đó, bạn có thể dành 15–20 phút mỗi ngày để chủ động nghiên cứu các ghi chép trên lớp của mình. Như vậy, thời gian học tập của bạn có thể vẫn kéo dài như nhau, nhưng thay vì chỉ chuẩn bị bài cho mỗi một lớp học, bạn sẽ chuẩn bị bài cho tất cả các lớp học của mình trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp tập trung, nắm được bài giảng của bạn và ghi nhớ thông tin.


Ngoài việc tìm hiểu sâu hơn nguồn tài liệu, việc sắp xếp những công việc cần làm sẽ giúp hạn chế sự trì hoãn. Thay vì phải đối mặt với dự án đáng sợ trong bốn giờ vào thứ Hai, bạn có thể đối phó với dự án đáng sợ đó chỉ trong 30 phút mỗi ngày. Rút ngắn thời gian hơn, nhất quán hơn để thực hiện một dự án đáng sợ thì dễ được chấp nhận và sẽ ít khả năng bị trì hoãn đến phút cuối. Sau cùng, nếu bạn phải ghi nhớ bài học trên lớp (ví dụ tên, ngày tháng, công thức), tốt nhất bạn nên làm flashcard ( loại thẻ ghi chú, mang thông tin ở cả hai mặt, được sử dụng cho việc học bài trên lớp hoặc trong nghiên cứu cá nhân) cho bài học này và xem lại định kỳ trong ngày thay vì một buổi học kéo dài và cố ghi nhớ (Wissman và Rawson, 2012).


Chuyên tâm học tập tốt


Không phải tất cả việc học đều như nhau. Bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nếu bạn chuyên tâm học tập. Các buổi học chuyên tâm thường ngắn và sẽ giúp bạn hoàn thành bài học mà không tốn nhiều công sức. Thời gian chuyên tâm học tập càng ngắn sẽ càng mang lại hiệu quả hơn là học kéo dài.


Trên thực tế, một trong những chiến lược học tập hiệu quả nhất là phân chia việc học qua nhiều buổi học (Newport, 2007). Các buổi học chuyên tâm có thể kéo dài 30 hoặc 45 phút và bao gồm các chiến lược học tập tích cực. Ví dụ, tự kiểm tra là một chiến lược học tập tích cực giúp cải thiện cường độ và hiệu quả học tập. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch bỏ ra hàng giờ để tự kiểm tra có thể khiến bạn bị phân tâm và mất tập trung.


Mặt khác, nếu bạn dự định đặt câu đố cho bản thân về bài học trên lớp trong 45 phút và sau đó nghỉ giải lao, nhiều khả năng bạn sẽ duy trì sự tập trung và ghi nhớ thông tin. Hơn nữa, các bài giảng càng ngắn, cường độ học càng cao có thể sẽ tạo ra áp lực cần thiết để ngăn chặn sự trì hoãn.


Khi im lặng không phải là “vàng”


Nên hiểu rõ nơi học tập lý tưởng nhất. Sự yên tĩnh của thư viện có thể không phải là nơi tốt nhất dành cho bạn. Điều quan trọng là phải xem xét bạn phù hợp với bối cảnh tiếng ồn nào nhất. Bạn có thể nhận thấy bạn tập trung tốt hơn với một số tiếng ồn xung quanh. Một vài người cho rằng nghe nhạc cổ điển trong lúc học sẽ giúp họ tập trung, trong khi những người khác lại thấy điều này rất mất tập trung. Vấn đề là sự yên tĩnh của thư viện có thể gây mất tập trung (hoặc hơn) so với tiếng ồn của phòng tập thể dục. Do đó, nếu sự yên tĩnh làm mất tập trung, nhưng bạn lại thích học ở thư viện hơn, hãy thử ngồi học ở tầng một hoặc tầng hai, nơi có nhiều “tiếng xì xào” xung quanh hơn.


Hãy nhớ rằng học tập tích cực hiếm khi tĩnh lặng vì nó thường yêu cầu đọc to bài học.


Những vấn đề đôi khi có ích


Việc thiết lập và tái thiết lập những vấn đề rất quan trọng đối với các khóa học về kỹ thuật (ví dụ: toán, kinh tế). Có thể giải thích các bước giải quyết vấn đề và tại sao các bước này hoạt động.


Trong các khóa học về kỹ thuật, thông thường giải quyết vấn đề quan trọng hơn là đọc giáo trình (Newport, 2007). Trên lớp, hãy ghi chép lại chi tiết các vấn đề thực hành đã được giảng viên trình bày. Chú thích từng bước và đặt câu hỏi nếu bạn thấy chưa hiểu rõ. Ít nhất, hãy ghi chép lại câu hỏi và câu trả lời (ngay cả khi bạn bỏ lỡ các bước thực hiện).


Khi chuẩn bị cho các bài kiểm tra, hãy tập hợp lại một danh sách lớn các vấn đề từ các tài liệu và bài giảng của khóa học. Làm rõ các vấn đề và giải thích các bước và tại sao các bước này hoạt động (Carrier, 2003).


Cân nhắc lại việc làm nhiều việc cùng lúc


Một số lượng đáng kể nghiên cứu chỉ ra rằng làm nhiều việc cùng lúc không cải thiện hiệu quả và thực sự gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả (Junco, 2012).


Để học tập thông minh hơn, không còn phải vất vả, bạn cần phải loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng trong các buổi học của mình. Phương tiện truyền thông xã hội, các trang web, game, tin nhắn, v.v. sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cường độ học tập của bạn nếu bạn “dung túng” chúng! Nghiên cứu chỉ ra rằng làm nhiều việc cùng lúc (ví dụ: trả lời tin nhắn, trong lúc học), làm tăng lượng thời gian cần phải có để tìm hiểu tài liệu và làm giảm chất lượng của việc học (Junco, 2012).


|Nguồn: cottonbro | Ảnh: pexels


Loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng sẽ giúp bạn gắn kết trọn vẹn trong các buổi học của mình. Nếu bạn không cần máy tính để làm bài tập về nhà, thì đừng sử dụng nó. Sử dụng các ứng dụng để giúp bạn đặt giới hạn về lượng thời gian bạn có thể dành cho một vài trang web nhất định trong ngày. Hãy tắt điện thoại của bạn. Phần thưởng cho việc chuyên tâm học hành bằng thời gian nghỉ ngơi được sử dụng mạng xã hội (nhưng đảm bảo rằng bạn tính thời gian cho quãng nghỉ của mình !) Xem tài liệu hướng dẫn quản lý công nghệ của chúng tôi để biết thêm các mẹo và chiến lược.


Thay đổi bối cảnh học tập


Thử tìm một số địa điểm để học tập trong và xung quanh khuôn viên trường và thay đổi không gian của bạn nếu bạn nhận thấy đó không còn là không gian thích hợp để học tập. Nên hiểu rõ bạn học khi nào và học ở đâu là tốt nhất. Có thể thời gian lúc 10:00 tối bạn không dễ tập trung như lúc 10:00 sáng. Có lẽ bạn học tập hiệu quả hơn tại một quán cà phê có tiếng ồn xung quanh, hay ở phòng đợi trong ký túc xá của bạn. Có lẽ khi học trên giường của bạn, bạn dễ ngủ quên.


Có rất nhiều nơi bên trong và xung quanh khuôn viên trường là môi trường học tập tốt cho bạn. Bằng cách đó, dù bạn ở đâu, bạn cũng có thể tìm thấy điểm học tập hoàn hảo cho mình. Sau một thời gian, bạn có thể nhận thấy địa điểm học tập của mình quá dễ chịu và không còn là nơi tốt để học nữa, như vậy đã đến lúc chuyển sang một địa điểm mới!


Đặt mình vào vị trí giảng viên


Hãy thử giải thích tài liệu bằng lời của bạn, như thể bạn là một giảng viên. Bạn có thể thực hiện việc này trong một nhóm học tập, với một người bạn học, hoặc một mình. Đọc to tài liệu sẽ chỉ ra chỗ bạn đang nhầm lẫn và cần thêm thông tin và sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin đó. Khi bạn đang giải thích tài liệu, hãy sử dụng các ví dụ và tạo mối liên hệ giữa các khái niệm (giống như cách một giảng viên làm). Bạn hoàn toàn có thể (thậm chí được khuyến khích) làm điều này với những ghi chú trong tay. Ban đầu, bạn có thể cần dựa vào ghi chép của mình để giải thích tài liệu, nhưng cuối cùng bạn sẽ có thể dạy nó mà không cần xem ghi chép.


Tự tạo một câu đố cho chính mình sẽ giúp bạn có suy nghĩ giống như giảng viên vậy. Giảng viên của bạn muốn bạn biết điều gì? Đặt ra các câu đố cho bản thân là một phương pháp học tập hiệu quả cao. Tạo một bảng hướng dẫn học tập và mang theo bên mình để bạn có thể xem lại các câu hỏi và câu trả lời định kỳ trong ngày và trong nhiều ngày. Xác định những câu hỏi mà bạn không biết và chỉ tự hỏi mình những câu hỏi đó. Đọc to câu trả lời của bạn. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin và chỉnh sửa chúng ở những chỗ cần thiết. Đối với các khóa học về kỹ thuật, hãy xử lý các vấn đề mẫu và giải thích cách bạn đi từ câu hỏi đến câu trả lời. Làm đi làm lại những vấn đề mà bạn gặp rắc rối. Học tập theo cách này giúp vận dụng trí não một cách tích cực và sẽ cải thiện đáng kể trí nhớ của bạn (Craik, 1975).


Kiểm soát lịch trình của bạn


Kiểm soát lịch trình của bạn và điều gây xao nhãng sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình.


Nếu bạn kiểm soát được lịch trình của mình, bạn sẽ có thể hoàn thành bài tập và nắm rõ bài học của mình. Sau đây là các bước giúp kiểm soát lịch trình của bạn:


  • Vào cùng một ngày mỗi tuần, (có thể là tối Chủ Nhật hoặc sáng thứ Bảy), hãy lên kế hoạch cho tuần tiếp theo của bạn.


  • Xem qua từng lớp học và viết ra những gì bạn muốn hoàn thành cho mỗi lớp trong tuần đó.


  • Nhìn vào lịch trình của bạn và xác định xem bạn có bao nhiêu giờ để hoàn thành bài tập của mình.


  • Xác định xem danh sách của bạn có thể được hoàn thành trong khoảng thời gian bạn có sẵn hay không. (Bạn có thể đặt khoảng thời gian dự kiến ​​để hoàn thành mỗi bài tập.) Thực hiện các điều chỉnh nếu cần. Ví dụ: nếu bạn nhận thấy rằng sẽ mất nhiều giờ để hoàn thành bài tập của mình hơn thời gian hiện có, bạn có thể sẽ cần phải đặt ra thứ tự ưu tiên việc đọc của mình. Hoàn thành tất cả các bài đọc là một điều xa xỉ. Bạn sẽ cần phải đưa ra quyết định về các bài đọc của mình dựa trên những gì được đề cập trong lớp. Bạn nên đọc và ghi chú lại tất cả các bài tập từ nguồn tài liệu được ưu tiên trong lớp (nguồn tài liệu được sử dụng nhiều trong lớp). Đây có thể là sách giáo trình hoặc bài đọc đề cập trực tiếp đến chủ đề trong ngày. Bạn có thể đọc lướt các bài đọc bổ sung.


  • Đánh dấu bằng bút chì vào lịch trình lúc nào bạn dự định hoàn thành bài tập.


  • Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy lập kế hoạch cho ngày hôm sau. Thức dậy với một danh sách kế hoạch sẽ giúp bạn học tập hiệu quả hơn.


Tận dụng thời gian chết để thúc đẩy bản thân


Hãy cẩn thận với những tuần "dễ thở". Đây là sự bình yên trước cơn giông bão. Những tuần làm việc nhẹ nhàng hơn là thời điểm tuyệt vời để tiến bộ trong học tập hoặc bắt đầu các kế hoạch dài hơi. Tận dụng thêm thời gian để hoàn thành trước các bài tập được giao hoặc bắt đầu các đề án hoặc bài luận văn lớn. Bạn nên lên kế hoạch học tập cho mỗi lớp học hàng tuần ngay cả khi bạn không có bất kỳ bài tập nào cần hoàn thành. Trên thực tế, tốt hơn là bạn nên làm một vài bài tập cho mỗi buổi lên lớp mỗi ngày. Dành ra 30 phút cho từng lớp học mỗi ngày sẽ tăng thêm tối đa 3 giờ mỗi tuần, nhưng kéo dài thời gian này trong sáu ngày sẽ hiệu quả hơn việc nhồi nhét tất cả kiến thức trong một buổi học dài 3 giờ. Nếu bạn đã hoàn thành tất cả bài học cho một lớp cụ thể, thì hãy tận dụng 30 phút để tạo nên sự tiến bộ hoặc bắt đầu một kế hoạch dài hơn.


Tận dụng tất cả các nguồn lực của bạn


Hãy nhớ rằng bạn có thể thu xếp một buổi hẹn với một cố vấn học tập để bắt tay vào thực hiện bất kỳ chiến lược nào được đề xuất trong tài liệu này.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Phoebe Trịnh

[Online] Available at: 

<https://learningcenter.unc.edu/tips-and-tools/studying-101-study-smarter-not-harder/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan