Khi sự thay đổi trong một mối quan hệ đến quá trễ

Không phải bất cứ sự thay đổi nào cũng giải quyết được vấn đề. Có đôi khi, một sự thay đổi đến quá trễ sẽ chẳng còn tác dụng gì nữa.

 Chúng ta đều hoan nghênh những thay đổi tích cực, nhưng vài sự thay đổi sẽ chỉ tích cực nếu nó xảy ra ở một thời điểm nhất định. Một vài sự thay đổi xảy ra nhiều năm sau thời khắc chúng được cần đến. Số khác thì đánh mất cánh cửa hy vọng chỉ vì trễ một vài mili giây. Chúng ta có thể nhận được lợi ích từ sự thay đổi nào đó ngay lập tức, nhưng với sự thay đổi khác thì ta lại phải gặp gỡ nó nhiều lần trước khi nó thật sự có hiệu quả. Sự thay đổi trong một mối quan hệ nên xảy ra ở đúng thời điểm.

 

Thật tiếc khi sự đổi thay xảy đến với ta khi nó đã trở nên vô dụng; có lẽ tình trạng lúc đó của ta đã thay đổi hoặc chúng ta không còn nhận được lợi ích gì từ sự thay đổi đó nữa. Chúng ta có thể trở nên mệt mỏi khi cố gắng đuổi theo sự thay đổi nhưng không bao giờ đạt được nó, hoặc khi chúng ta đã thành công thay đổi nhưng chỉ sau khi ta không còn cần đến nó nữa.

 

Một sự đổi thay đến quá trễ dẫn đến nỗi bi thương, nhất là trong một mối quan hệ

 

Bất hạnh làm sao khi một sự thay đổi cần thiết xảy đến sau khi một trong hai người đã mệt mỏi vì phải chờ đợi điều đó và bỏ cuộc. Khi sự thay đổi xảy đến cũng là khi cảm xúc của họ, trước sự không kiên nhẫn và bất tận, đã trở nên nguội lạnh, tan biến, hoặc bị vây quanh bởi đống tro tàn mà sẽ không bao giờ sáng bừng lên như ngọn lửa được nữa vì nó đã lụi tàn.

 

Càng bất hạnh hơn khi những sự đổi thay đến quá trễ bởi vì người nào đó đã không chọn thay đổi kịp lúc dù cho họ đã có thể. Đó là lý do vì sao những sự thay đổi chậm trễ sẽ đau thương hơn. Nó cho ta thấy bằng chứng rõ ràng của những gì ta đã có thể làm nhưng ta lại không làm.

 

Đối mặt với bằng chứng xác thực này, ta không thể nào trốn tránh hiện thực được nữa và phải đối mặt với sự thờ ơ của người ấy đối với hoàn cảnh và yêu cầu của ta. Chúng ta không còn có thể giữ vững sự vô tư của mình như cách chúng ta thường dùng nó như một tấm khiên bảo vệ. Nên, bạn thấy đó, tấm khiên ấy có thể bảo vệ ta vào một lúc nào đó, nhưng cuối cùng nó sẽ chỉ khiến ta trở nên mỏng manh hơn.

 

Những sự thay đổi trong một mối quan hệ mà ta không nên chờ đợi

 

Có một vài sự thay đổi mà ta không nên trông chờ vào, bởi vì chúng ta không phải là người có thể bắt đầu thực hiện điều đó. Điều này có thể là do ta chấp nhận tình huống như cách nó vẫn vậy và cho phép bản thân trở nên kiệt sức, hay bởi vì điểm khởi đầu tốt cho sự thay đổi đó đã biến thành thứ gì đó ta không mong muốn.

 

Chúng ta mong đợi những phản ứng, sự thay đổi, hay sự thỏa hiệp từ những người chưa từng có ý định bắt đầu làm những điều đó hoặc kiên trì với chúng. Không ai có quyền được yêu cầu ai đó thay đổi nếu họ không muốn. Tuy nhiên, nếu đối phương gửi một loạt những tín hiệu hỗn loạn thì sẽ khó khăn cho ta biết được liệu họ có ý định thay đổi hay không.

 

Đúng vậy, chúng ta không có quyền đòi hỏi sự thay đổi từ người khác, nhưng chúng ta có thể dừng cuộc chơi với họ. Trong tình huống này, chúng ta là người nên thay đổi bằng việc bắt đầu tôn trọng bản thân và những giá trị mà ta tin rằng chúng quan trọng trong một mối quan hệ. Chúng ta cũng nên nhận diện những lỗi sai của chính mình: có lẽ sự kỳ vọng của chúng ta quá cao và chỉ rõ ra điều này sẽ giúp ta cân bằng lại mối quan hệ.

 

“Nỗi thất vọng cũng như sự phá sản – sự phá sản của một tâm hồn đã tiêu tốn quá nhiều cho sự hy vọng và kỳ vọng.” – Eric Hoffer | Nguồn ảnh: Unsplash.com

 

Khi ý thức sâu sắc rằng người kia từ chối thay đổi, một vài người thích tự mình thực hiện sự thay đổi ấy, ngay cả khi họ phải làm nó một mình. Họ lựa chọn hứng chịu nỗi đau mất mát và sự vỡ mộng để thay đổi khi họ cảm thấy cần thiết, thay vì ngồi chờ đợi. Số khác thì lại lựa chọn chờ đợi người kia thay đổi và bị mắc kẹt khi trông chờ vào sự đổi thay sẽ không bao giờ xảy ra. Họ cảm thấy bị trói buộc vì những lời hứa sẽ không bao giờ thành sự thật; họ cố cầu xin, yêu cầu, đòi hỏi một cách vô dụng.

 

Một số khác thì thay đổi tình cảnh của chính họ mà không hề suy xét đến nỗi đau họ sẽ phải chịu vì mãi mãi đánh mất thứ gì đó. Với họ, mọi thứ đã được quyết định và họ buộc cảm xúc của mình không bị ảnh hưởng bởi quyết định ấy. Sự kỷ luật này được tạo nên thông qua nỗi đau và nỗi khổ sở. Dần dần, nó sẽ cho phép ta bước tiếp thật nhanh và để lại quá khứ ở phía sau.

 

Tầm quan trọng của thời gian cho sự thay đổi trong một mối quan hệ

 

Mặc dù việc cảm thấy tuyệt vọng với sự đổi thay không còn có lợi ích gì cho chúng ta là một cảm giác khó chịu, nhưng đó thực sự là bước đầu tiên đi đến sự giải phóng cảm xúc. Đến cuối cùng, chúng ta có thể sẽ cảm thấy dễ chịu khi biết được người kia đã thay đổi, dù cho điều đó không còn liên quan gì đến ta nữa.

 

Liệu một sự thay đổi xảy ra sau khi niềm đam mê đã chết thì có mang đến ý nghĩa gì không? Ngay cả sau khi trái tim của chúng ta đã không còn quan tâm đến những lời yêu thương? Ngay cả khi sự thay đổi ấy không giúp trái tim ta cảm thấy ấm áp hơn mà thay vào đó là cảm thấy giá lạnh hơn và thờ ơ hơn? Ngay cả khi sự thay đổi ấy không khiến ta bật khóc vì niềm vui mà mang đến những cảm xúc buồn chán và yếu đuối?



Khi sự thay đổi đến quá muộn, chúng bỏ lỡ những chi tiết quan trọng. Chúng đến quá muộn để có thể nhận được sự ủng hộ vô điều kiện và cuối cùng chỉ nhận được sự hững hờ tột cùng.

 

Hầu như không có bất cứ lợi ích gì đến từ sự thay đổi chậm trễ, bởi vì những gì ta đã có thể làm có thể đã trở nên vô nghĩa. Đó là lý do vì sao chúng ta phải đấu tranh cho những thứ quan trọng với mình trước khi cuộc diễu hành vô tận về câu nói “Anh/em xin lỗi” xảy ra và cơ hội thứ hai xảy đến.

 

Chúng ta cần làm điều này vì một lúc nào đó có thể người đã chờ đợi sự thay đổi ấy đã bước tiếp và không còn nghĩ về nó nữa. Những thay đổi ấy có thể không còn mang ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần thay đổi đúng lúc nếu chúng ta muốn những thay đổi đó có tác dụng.

 

Những thay đổi muộn màng trở nên quá hạn, vì mảnh đất cần đến sự thay đổi đó không còn tồn tại nữa và sẽ không bao giờ có được sự sống nữa. Chúng là những thay đổi chỉ biết ngồi nhìn chính mình lỡ mất trạm dừng chân của chính chúng. Niềm hy vọng trở nên chán nản và rời đi, mang đi cả những phép màu và sự ngây thơ đã duy trì nó.

 

------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Hamy

Nguồn bài viết: <https://exploringyourmind.com/when-change-arrives-too-late-in-a-relationship/> 

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan