Khi Tình Yêu Chi Phối Cuộc Sống Của Bạn, Và Làm Thế Nào Để Yêu Đương Lành Mạnh?

Có phải tâm trí bạn đang bị chi phối bởi chính tình yêu của mình? Tất cả chúng ta đều không thể tránh khỏi những điều sau: liên lục chờ tin nhắn của người ấy, trăn trở trong đêm tối …

Có phải tâm trí bạn đang bị chi phối bởi chính tình yêu của mình?

Tất cả chúng ta đều không thể tránh khỏi những điều sau: liên lục chờ tin nhắn của người ấy, trăn trở trong đêm tối cô đơn, hồi tưởng lại những khoảnh khắc bên nhau, tự hỏi người kia đang suy tư điều gì.

Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta đều trải qua cảm giác ý thức của mình bị xâm chiếm bởi bóng hình của một ai đó, cảm giác khó chịu khi phải mong ngóng sự hồi đáp của người ấy về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.

Khi hai người rơi vào lưới tình, họ có thể cảm nhận sự trỗi dậy mãnh liệt của những cảm xúc (lo âu, sợ hãi hoặc khao khát) gây ra bởi nỗi bất an về tương lai và mối đe dọa từ quá khứ. Việc dồn hết sự tập trung của mình vào đối phương và đưa họ trở thành mối bận tâm hàng đầu của mình là điều hoàn toàn bình thường. Sau tất cả, các mối quan hệ là một trong những mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta.

Đối với phần đông mọi người, những cảm xúc này sẽ dâng trào rồi nhanh chóng tan biến, hoặc có thể được xoa dịu bởi sự nhẫn nại và những hành động yêu thương với người ấy. Mặt khác, một số người vẫn đang loay hoay trong những cảm xúc đó, và chính họ cũng nhận ra bản thân đang bị mối quan hệ ám ảnh đến mức khiến họ kiệt quệ của về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Bất cứ ai đang phải trải qua tình trạng này đều nên tự mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu mình có đang theo đuổi một mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng, mở ra một chương mới tốt đẹp cho cuộc đời hay mình chỉ đang lao vào sự mê hoặc của tình yêu, thứ sẽ khiến mình phát điên nếu sống thiếu nó?”. Dành cho những ai muốn có cho mình câu trả lời chính xác nhất, bạn hãy xem mối quan hệ này có vai trò gì trong cuộc đời mình và nếu không có nó thì cuộc sống này sẽ tồi tệ đến mức nào.

Nhiều người xem mối quan hệ của họ như một liều thuốc tê để quên đi nỗi đau. Bằng cách này theo tôi không thể chữa trị triệt để nỗi đau bắt nguồn từ sự cô đơn trong lòng họ, mà chỉ che lấp đi sự đau đớn hay nỗi sợ mà họ không đủ can đảm để đối mặt. Với vài người khác, họ xem người yêu của mình như một cái phao cứu nạn, tình yêu với họ như một cách lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Họ dùng tình yêu để định nghĩa và tự thuyết phục bản thân rằng mọi việc cuối cùng đã ổn.

Mặc dù điểm sáng của một mối quan hệ nằm ở chỗ chúng ta được người kia chắp cánh và tầm quan trọng của họ thật sự không thể đong đếm nổi, tuy nhiên việc quan trọng hóa quá mức vai trò của người kia có thể mang đến nhiều tai hại. Một người có thể đánh mất bản thân trong một mối quan hệ hoặc chọn cho mình một lối đi mà ở đó họ nghĩ mình đang chìm trong tình yêu, thế nhưng cảm xúc thực sự ở đây chỉ là cảm giác tuyệt vọng của một kẻ thiếu thốn tình cảm.

Mối bận tâm này có thể trở nên mạnh mẽ đến mức gây tác động xấu lên tâm trí bạn. Bạn sẽ bắt đầu cho rằng cuộc sống của mình không thể thiếu đối phương, hoặc bắt đầu đặt lên đối phương những áp lực hay kỳ vọng phi lý. Những cảm xúc như bất an, ganh tị và lo âu có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào theo cách đâm sâu hơn vào nỗi phiền muộn, từ đó kéo dãn khoảng cách giữa hai người.

Dấu hiệu dễ thấy trong những mối quan hệ gây nghiện chính là khi một người cố gắng và theo đuổi, trong khi người còn lại không ngừng tránh né và tạo khoảng cách. Sự thiếu vắng tình thương và quan tâm từ nửa kia càng khiến cho những khoảnh khắc được quan tâm từ họ thêm sâu sắc hơn, khiến người cố gắng càng cảm thấy chúng trở nên bội phần đặc biệt và chứa đầy yêu thương. Vì thế họ lại tiếp tục bám víu và theo đuổi với hi vọng lại một lần nữa được sở hữu cảm xúc đó.

Elizabeth Gilbert đã mô tả đầy đủ diễn biến tâm lí này trong tác phẩm Eat Pray Love: “Sự mê đắm trong tình yêu có bản chất như cảm giác của một kẻ nghiện. Nó bắt đầu khi đối tượng mà bạn cảm mến mang đến một thứ gì đó gây ra cảm xúc mãnh liệt, gây ảo giác, thứ mà bạn không bao giờ dám thừa nhận mình cần nó – đó là một loại thuốc phiện cảm xúc, có lẽ bắt nguồn từ tình yêu mạnh mẽ và niềm phấn khởi dâng trào. Không lâu sau đó bạn sẽ trở nên thèm muốn sự quan tâm từ họ cùng với cơn ảo ảnh triền miên như bất kỳ con nghiện nào. Một khi bị dừng thuốc, ngay lập tức bạn trở nên mệt mỏi, bấn loạn, và kiệt sức (chưa kể đến cơn giận dữ trút lên người đã châm ngòi cơn nghiện này từ đầu nhưng giờ lại trở mặt, ngừng hẳn việc cấp hàng).”

Điều này không chỉ là sự say mê mà một người tìm kiếm từ nửa kia của họ, mà còn là sự ý thức về bản thân. Họ chỉ cảm thấy mình ổn khi nhận được tình yêu từ con người này, bằng không trong lòng họ tràn đầy cảm giác mệt mỏi, kiệt sức. Sự thật này nằm ngoài tầm nhận thức, khiến họ bị rơi vào trạng thái tái khẳng định mặt tiêu cực của bản thân và khao khát xoay chuyển tình thế bằng cách đoạt được tình yêu từ đối phương.

Sự tác động qua lại kiểu này là nguyên nhân chính của mối quan hệ mập mờ. Người ta không chỉ “nghiện” mối quan hệ này mà còn “nghiện” cả sự khước từ mà đối phương mang đến, điều này gây nên sự bế tắc đáng kể.  Không những thế người ta còn vô tình lựa chọn cho mình sai đối tượng để tiếp tục hoàn thiện mẫu hình mà bản thân đang theo đuổi và sở hữu. Từ đó có thể thấy được mối liên hệ giữa khuôn mẫu gắn bó của một người với tình trạng quan hệ mà người đó sẽ đắm chìm hoặc theo đuổi. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểu gắn bó mang lại những lo âu phần lớn hình thành nên sự ám ảnh trong tình yêu. Khi một người trải qua sự gắn bó đầy lo âu trong thời thơ ấu, ở giai đoạn trưởng thành họ thường có nhu cầu thân mật với đối phương nhằm nhận đủ sự đảm bảo của người kia dành cho mình. Trong họ thường trực nỗi lo âu hoặc thất vọng với người yêu và rơi vào kiểu tình yêu không như mong đợi, nhưng bản thân họ nghĩ rằng mình khó mà sống ổn khi thiếu đi mối quan hệ này.

Một trong nhiều lý do con người ta lạc lối vào những hoàn cảnh không khôn ngoan này là vì họ đã tạo ra một kiểu kết nối tiềm thức mạnh mẽ với người kia, khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình sẽ chênh vênh nếu lạc mất người còn lại, đó là định nghĩa của một khái niệm do bố tôi – một nhà tâm lý học và một nhà văn – Robert Firestone đưa ra với tên gọi “mối liên kết giả tưởng”. Chính sự kết nối không có thật này đã làm trỗi dậy nhu cầu được bảo vệ, gia cố thêm sự phụ thuộc của một người tới đối phương. Tuy nhiên, khi ở trong “mối liên kết giả tưởng”, các cặp đôi thường đặt tầm quan trọng về mặt biểu hiện hơn là tính chất của mối quan hệ. Nói cách khác, họ xem giá trị của mối quan hệ này nằm ở chỗ chỉ cần hai người ở bên nhau, việc tình yêu này có thực sự đến từ hai phía hay không không quan trọng.

Khi một người đang ở trong mối liên kết giả tưởng, thay vì đóng vai trò là một phiên bản độc nhất và hoàn thiện, nhìn nhận người bạn đời của họ như một cá thể độc lập đang sống trong cuộc sống riêng, thì họ lại coi đối phương là một phần của mình. Từ đó họ áp đặt những kỳ vọng và hành động kiểm soát nhất định nhằm bảo toàn cảm giác an toàn này.

Mặc dù mối quan hệ này chỉ khiến động lực sống bị giới hạn và suy tàn, thế nhưng nó lại không dễ dàng để phá vỡ. Người đó sẵn sàng chối bỏ một phần giá trị của bản thân và các mối quan hệ xã hội khác quan trọng hơn để xây nên một bức tường bảo vệ bao quanh họ và người kia. Một sự ảo tưởng thôi thúc họ cho rằng người kia có thể cứu rỗi cho cuộc sống và giúp họ tránh xa mọi đau khổ. Điều này khiến ý tưởng về một cuộc chia tay hoặc bất kỳ mối đe dọa nào cũng trở nên quá đáng sợ.

Khi nhìn vào một mối quan hệ gây nghiện, đặc biệt khi mối liên kết giả tưởng đã được thiết lập, người ta thường liên tục đòi hỏi sự đảm bảo. Họ có thể trải qua những cảm xúc ghen tuông, bất an, đau khổ, thụ động, hay tuyệt vọng. Việc liên tục phải “bỏ công sức” để giữ gìn mối quan hệ đem lại rất nhiều áp lực. Người ta luôn phải cẩn trọng nếu không muốn mọi chuyện đổ vỡ.

Trong trường hợp này họ sẽ chấp nhận, hợp lý hóa và bào chữa cho việc bị đối xử tệ, lạnh nhạt, từ chối hay bị kiểm soát và thao túng. Đôi khi chính sự ràng buộc vô hình khiến người ta không thể thoát ra mối quan hệ không mong muốn này.

Hiển nhiên điều này tạo ra rất nhiều áp lực và căng thẳng cho tinh thần, mối quan hệ và cả nửa kia của họ. Thông thường một mối quan hệ với những biến cố kiểu này dẫn tới một kết thúc đau thương, nhưng người chưa rũ bỏ được khao khát sẽ tiếp tục phải chịu đựng và có thể lặp lại kiểu quan hệ tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, mọi việc sẽ không quá bi thương đối với những ai cảm thấy cuộc sống của mình bận rộn, bởi vì việc cần thiết phải sửa chữa ở đây không nằm ở người kia hay mối quan hệ mà là sâu thẳm bên trong con người họ.

Để tạo dựng một tình yêu đẹp, lành mạnh, bất kì cặp đôi nào cũng đều cần cảm thấy hài lòng với chính mình. Khi một người đã đạt được sự hài lòng đó và khám phá những lý do chân thật cũng như sâu sắc nhất về việc họ dựa vào người khác để cảm thấy bản thân được hoàn thiện, họ có thể làm chủ được hạnh phúc của chính mình bắt đầu bằng việc thay đổi cách cảm nhận về bản thân và các mối quan hệ, từ đó trở nên tốt đẹp hơn.

Họ có thể bắt đầu bằng cách tự vấn và cởi mở đón nhận nỗi đau tiềm ẩn thực sự của mình là gì. Điều gì khiến họ cần người khác để cảm thấy bản thân được thỏa mãn? Làm cách nào để nhận ra chính mình đã là một bản thể hoàn thiện? Con đường nào để tiến tới cánh cửa tình yêu đích thực, không còn mải mê trong những vòng lặp của đau khổ và sự chối bỏ?

Bằng việc học hỏi từ trải nghiệm cá nhân và đánh giá tính chất của các khuôn mẫu gắn bó từ thuở thơ ấu, một người có thể khám phá ra nhận thức cá nhân và niềm khao khát trong các mối quan hệ. Họ có thể nuôi dưỡng nên lòng trắc ẩn dành cho những gì đã gây ra nỗi đau, từ đó đánh dấu cho sự thay đổi bản thân để sẵn sàng cho những mối quan hệ bền vững, đủ để nuôi dưỡng sự an lạc cho chính mình.

———————————–

Dịch: Jade

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan