Khía cạnh văn hóa của giấc mơ - Những góc nhìn mới về giấc mơ trong tâm lý học nhân loại

Một làn sóng nghiên cứu nhân học mới đang mở rộng tri thức của chúng ta về cách mà những giấc mơ phản ánh và các phản ứng chủ động đối với tác động của văn hóa, xã hội, chính trị và tôn giáo trong cuộc sống của mọi người.


Các nhà tâm lý học và nhân học đều có nhiều điểm chung trong nghiên cứu các giấc mơ. Giấc mơ xuất hiện dựa trên não bộ, tâm trí và trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân. Thế nhưng, nó còn phản ánh một cách rõ ràng môi trường văn hóa của cá nhân đó – ngôn ngữ, phong tục, ý niệm và hành động của một xã hội lớn hơn của con người đó. Để hiểu được các giấc mơ, chúng ta phải tìm cách để hiểu những khía cạnh này của việc nằm mơ.


Một làn sóng nghiên cứu nhân học mới đang mở rộng tri thức của chúng ta về cách mà những giấc mơ phản ánh và các phản ứng chủ động đối với tác động của văn hóa, xã hội, chính trị và tôn giáo trong cuộc sống của mọi người. Đặc biệt, trong thời gian chứa nhiều thay đổi và biến cố, các giấc mơ trở thành một nguồn thông tin rộng lớn giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc vào hiệu ứng động của sự ảnh hưởng lẫn nhau của tinh thần và văn hóa.


Trong một cuộc gặp gỡ gần đây của các nhà nhân loại học chuyên nghiệp có nhiều hiểu biết trong cả ngành tâm lý học, các giấc mơ đã trở thành đối tượng được thảo luận sôi nổi. Cộng đồng tâm lý nhân loại học (SPA) đã tổ chức hội nghị hai năm một lần ở New Mexico vào đâu tháng tư, trong đó phiên họp tiêu đề “Những hướng đi mới trong khía cạnh nhân loại học của việc nằm mơ” đã diễn ra dưới sự điều hành của Jeannette Mageo và Robin Sheriff. Tôi là người duy nhất không thuộc về ngành nhân loại học trong cuộc hội thảo này, và mặc dù đã biết trước hầu hết các diễn giả, tôi vẫn hơi tụt hậu so với suy nghĩ hiện tại của họ trong các lĩnh vực của mình. Những gì diễn ra ở đây khiến tôi rất phấn khích khi nghĩ đến tương lai của các nghiên cứu nhân loại học sử dụng đối tượng là những giấc mơ, cùng với tiềm năng đóng góp to lớn của nó vào những cuộc đối thoại liên môn tầm cỡ vĩ mô về bản chất và chức năng của giấc mơ.


Bruce Knauft (Đại học Emory) đã khám phá ra việc tập luyện yoga mơ và định thần của các đệ tử Phật giáo Tây Tạng đã tạo ra một số mức độ ý thức mà các nhà tâm lý học phương Tây gần đây gọi là “mơ có ý thức” (lucid dreaming). Knauft miêu tả các phương thức tập luyện thiền, chi tiết hóa quá trình hình dung và niệm kinh là phương thức mà các tín đồ Tây Tạng sử dụng để có được giấc mơ trong trạng thái tỉnh táo vượt trội và cho rằng những giấc mơ như vậy có thể thay đổi về mặt cơ bản các trải nghiệm chủ quan và tạo thuận lợi cho quá trình đi tới các mức tự nhận thức kế tiếp. Các nhà khoa học phương Tây đang dần nhận ra quá trình nhận thức như vậy là hoàn toàn khả thi trên thực tế trong khi ngủ, theo cách mà các truyền thống tôn giáo đã tích cực truyền dạy, trau dồi và lưu lại qua nhiều thế kỷ.


Roger Ivar Lohmann (Đại học Trent) đã chia sẻ về một cuộc đối thoại xoay quanh các giấc mơ và tôn giáo với một trong số những người cấp tin từ cộng đồng người Asabano của Papua New Guinea. Người Asabano rất coi trọng những giấc mơ của mình và coi đó như những bằng chứng có giá trị ủng hộ niềm tin nền tảng của họ về cái chết, thiên đường và các điều kiện tâm linh tỏ ra thuận lợi cho săn bắn. Lohmann miêu tả sự thực tế trong giấc mơ của người Asabano đã tạo nên một hiệu ứng có tên “còn lại sau đêm” (night residue) tác động lên cuộc sống của họ - ký ức được những giấc mơ tạo nên có ảnh hưởng trực tiếp đến hành động khi tỉnh giấc cũng như bản thân họ. Đặc biệt trong những lúc xảy ra xung đột văn hóa (ví dụ như sự áp đặt của tư tưởng thực dân và quyền kiểm soát của chính phủ), những giấc mơ như vậy đã tích hợp một cách sáng tạo kinh nghiệm với ký ức và truyền thống để tạo ra một thứ mà Lohmann gọi là “quá trình tự động cập nhật văn hóa” (autonomic culture updating process).



Matt Newsom (Đại học Bang Washington) đã miêu tả nghiên cứu của mình về một loạt các giấc mơ từ các sinh viên bằng tuổi tại Đức, tập trung vào ký ức nhóm và sự hình thành đặc tính cá nhân từ cái bóng của Thế Chiến II. Newsom đã thu thập được vài trăm giấc mơ từ một ngôi trường tại Berlin và thấy rằng nhiều trong số đó xoay quanh sự đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc Đức đang tìm cách trỗi dậy và bạo lực đối với người nhập cư và tị nạn. Trong một mẫu tương tự nhưng với người từ một thành phô tương đối tự do, những học sinh cảm thấy hết sức lo lắng về những áp lực văn hóa đó, và họ có xu hướng hình thành các đặc tính cá nhân gắn liền với một số nguồn quan hệ xã hội khác. Câu hỏi “mình thuộc về đâu?” dường như luôn hiện hữu trước mặt tâm trí của mọi người trong khi mơ, mặc dù mối bận tâm này không phải là điều hay được chú ý trong cuộc sống hàng ngày của họ. Newsom nói rằng những phát hiện này đã củng cố ý tưởng rằng những giấc mơ có giá trị trong việc “xác định những mối lo âu xã hội và lịch sử tồn tại trong một xã hội xác định.”


Jeannette Mageo (Đại học Bang Washington) tập trung vào tầm quan trọng của các biến thể dựa trên hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ, và những gì chúng có thể làm hé lộ từ các hình mẫu tâm lý mà chúng ta thường dùng để hợp lý hóa cuộc sống của mình. Những hình mẫu này bắt nguồn từ các nguồn văn hóa, và chúng định hình cách chúng ta cảm nhận, suy nghĩ và ứng xử. Các mô hình văn hóa có thể tạo ra áp lực trong cuộc sống của một con người, và chúng hiện ra đặc biệt rõ ràng trong các giấc mơ. Công trình của Mageo với các sinh viên Mỹ cùng lứa tuổi đã cho thấy các mô hình văn hóa mơ hồ về giới tính đã khiến nhiều người trẻ tuổi gặp khó khăn lớn trong quá trình hình thành nhận thức tự thân chắc chắn về mình. Trong giấc mơ của họ, các hình mẫu giới tính (ví dụ như siêu nam tính, Lọ Lem) có khả năng xuất hiện và cũng có thể thay đổi dựa trên thông tin tiếp nhận tạo thành các biến thể tiểu thuyết và các hình ảnh tự phát thách thức hay phủ nhận sự bó buộc của các hình mẫu.


Robin Sheriff (Đại học Hampshire) đã tham gia khám phá giấc mơ trong lúc coi đó là cách để thấy hiểu trải nghiệm của các sinh viên cùng tuổi ở Mỹ đối với truyền thông, văn hóa của người nổi tiếng, các thực tại có trung gian kỹ thuật số. Trong bài phát biểu, Sheriff miêu tả một tập hợp nhỏ các giấc mơ của những phụ nữ trẻ đối mặt với chủ đề “sát nhân lạ mặt”, ví dụ như bị tấn công bởi một kẻ giết người hàng loạt. Sheriff tìm hiểu những nỗi lo sợ, căng thằng và xung đột được miêu tả trong những giấc mơ này, và thấy rằng chúng liên hệ với nhau theo nhiều cách phức tạp để dẫn đến các câu chuyện kinh hoàng đang rất phổ biến về sát nhân hàng loạt. Ở một mức độ nào đó, các giấc mơ giống như bộ mô phỏng mối đe dọa có thể thực sự xảy ra khi tỉnh giấc. Ở một mức độ khác, Sheriff cho thấy cách mà các giấc mơ phê bình những hành động văn hóa và bệnh lý xã hội làm xuất hiện những mối đe dọa và nguy hiểm đó. Một kết luận rộng hơn của cô nói rằng nằm mơ cho phép chúng ta nhìn vào sự phát triển động và hỗn độn, thông qua một cửa sổ nhỏ, vào tính chủ quan có trung gian kỹ thuật số trong thế kỷ 21.


Douglas Hollan (Đại học California Los Angeles) công nhận trong những năm gần đây, ngành nhân loại học chưa thực sự dành cho giấc mơ sự chú ý tương xứng. Do đó, cuộc hội thảo này là một bước quan trọng nhằm khích lệ các nhà nhân loại học chú ý nhiều hơn tới một hiện tượng trên nhiều nền văn hóa, một hiện tượng bắt rễ từ sâu trong tâm trí mọi người và các môi trường văn hóa của nhân loại. Hollan nhắc đến chủ đề lặp lại theo chu kỳ của việc mơ như là một tài nguyên có giá trị trong các cuộc xung đột và khủng hoảng, mang ý nghĩa về cả mặt cá nhân lẫn tập thể. Khi những điều đó có thể được đưa vào nhận thức trong lúc tỉnh táo và tích hợp với nhận thức cá nhân trong cuộc sống thường ngày, điều đó sẽ giúp hình thành một liệu pháp tự nhiên với các hiệu ứng có đầy tiềm năng trong thay đổi cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Mọi bài phát biểu trong cuộc họp đều đưa ra bằng chứng cho khả năng này và gợi ý rằng có rất nhiều con đường để đặt câu hỏi, khám phá và nghiên cứu.

Bất cứ ai có hứng thú với những giấc mơ sẽ thấy công trình nghiên cứu của những học giả này đặc biệt hữu ích khi đi tìm hiểu các khía cạnh văn hóa của việc nằm mơ. Dựa trên chất lượng của các bài thuyết trình và sự tương đồng trong nhiệt huyết của tác giả mỗi bài thuyết trình, rất có khả năng họ sẽ tiếp tục đem đến nhiều khám phá và cái nhìn sâu sắc trong tương lai.


Dịch bởi: #DeathBlossom

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/dreaming-in-the-digital-age/201904/the-cultural-dimensions-dreaming

--------------------

Bạn có thể theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

A Crazy Mind: https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết sáng tạo: https://www.facebook.com/acm.vietsangtao

A Crazy Mind Books - Những trang sách chạm đến tâm hồn: https://www.facebook.com/ACMbook.Healing

BFN Academy - Nghệ thuật chữa lành: https://www.facebook.com/bfn.academy

----

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành: http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi: https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

------------

Kênh youtube: https://bit.ly/3bBwaLJ

Kênh spotify: http://bit.ly/ACM-spoti

Kênh instagram: https://www.instagram.com/acrazymindvn/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan