Khoảng trời bị đánh cắp

Không phải ai cũng may mắn có riêng cho mình một khoảng trời tự do. Có những người đã phải phấn đấu cả một đời để tìm lại cho mình vùng trời bị đánh cắp.


Mỗi chúng ta đều có riêng một khoảng trời. Trong vùng trời bao la ấy, ta cất giữ cho mình biết bao hoài bão, ước mơ, và cả những khát khao thầm kín nhất. Nơi đó có thể cất giấu những câu chuyện mà ta không muốn ai biết đến, cũng có thể lưu giữ vô vàn những kỷ niệm sống động - dù thực tại dĩ vãng ấy đã trôi qua từ rất lâu. Sống dưới khoảng không bao la và rộng lớn như vậy, chúng ta như được tiếp thêm đôi cánh, để có thể tự do bay lượn đến bất cứ nơi nào.


Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có riêng cho mình một khoảng trời tự do. Có những người đã phải phấn đấu cả một đời để tìm lại cho mình vùng trời bị đánh cắp. Trong cuộc đời ấy, họ chỉ sống như một cái bóng - lầm lũi và tẻ nhạt, nỗ lực đuổi theo những mong muốn, khao khát riêng của người khác mà chưa một lần nhìn lại nhu cầu của bản thân. Họ không có sở thích riêng, cũng chưa từng dám đánh đổi mọi thứ để có thể theo đuổi lý tưởng của chính mình. Giữa vô số những khoảng trời tự do, họ đứng ở đó - một mình, ngước nhìn theo vùng trời của người khác.


1. Ai đã lấy đi khoảng trời bình yên ngày hôm ấy?

 

Khi một đứa trẻ được sinh ra, những kỳ vọng và mong muốn của người lớn cũng theo đó mà dần hình thành. Mỗi lần chúng nhoẻn miệng cười bởi cảm giác thỏa mãn khi được ăn no hay ngủ đủ giấc, người lớn lại cảm thấy yên tâm và hài lòng. Ngược lại, khi thấy chúng quấy khóc mà chẳng rõ lý do vì sao, cha mẹ lại bắt đầu lo lắng sốt vó suốt cả một đêm dài. Dần dần, nhiều người lớn vì quá yêu thương đứa con của mình, đã bắt đầu nuôi dưỡng chúng trong một cái vỏ bọc thật chắc chắn. Họ tin rằng, chỉ cần bản thân ra sức bảo vệ con, và hướng con theo những điều mình mong muốn, thì đứa trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Lớn lên trong những suy nghĩ ấy của cha mẹ, nhiều đứa trẻ đã dần mất đi khoảng trời riêng của mình.


Nhiều người lớn vẫn hay lầm tưởng rằng, sự kỳ vọng họ đặt ra cho con cái chính là một cách thức thể hiện tình yêu thương của mình đối với các con. Thế nhưng, sự kỳ vọng ấy lớn đến nỗi giống như một tảng đá, đè nặng trong lòng mỗi người. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi sự kỳ vọng thường sống với những cảm giác lo lắng, bất an - thay phiên nhau đeo bám chúng suốt cả cuộc đời. Không chỉ có thế, những người mẹ, người cha với vô số mong muốn và tiêu chuẩn của họ dành cho con, cũng xem như đã hoàn toàn đặt để cảm xúc của họ cho những đứa con có quyền được quyết định. Khi các con làm đúng ý mình, cha mẹ cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Ngược lại, nếu những đứa trẻ không làm theo những gì mà cha mẹ ước mong, các bậc phụ huynh sẽ bắt đầu cảm thấy bất an và khó chịu. Có lẽ, lúc này đây, những đứa trẻ - và cả người lớn… đã đánh mất khoảng trời riêng của mình rồi.


Khoảng trời bị đánh cắp | Nguồn ảnh: Unsplash


2. Đi đâu để tìm lại khoảng trời riêng của mình?


Có những người dù đã trưởng thành, nhưng trái tim của họ như bị giam cầm trong ngục tối - xám xịt và lạnh tanh. Những trái tim ấy tôi gọi là những trái tim màu xám, vì chúng không đập lên nhịp đập của ước mơ và hy vọng. Khi một trái tim biết rung cảm bởi những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, trái tim ấy sẽ sáng rực với những gam màu nóng ấm. Lúc trái tim chỉ ngập tràn gam màu lạnh, những mỹ cảnh trên đời dẫu lộng lẫy bao nhiêu cũng chẳng lay động chúng được nữa rồi.


Sống dưới khoảng trời riêng bị đánh cắp, nhiều đứa trẻ mang trong mình hình hài của một người lớn vô cảm. Không phải chỉ đơn giản là vô cảm với những sự kiện xảy ra trong đời sống, mà chính là vô cảm với những cảm xúc và ước mơ của mình. Khi khoảng trời riêng đã bị đánh cắp, nhiều “đứa trẻ” phải chung sống với nguyện vọng và ước mơ của người khác. Họ chọn học tại một trường đại học mà người khác yêu thích, làm công việc mà người khác đã sắp đặt, và kết hôn với người mà bản thân chẳng có bất kỳ một cảm giác rung động nào - chỉ bởi đó là đối tượng mà người khác mong muốn họ tiến tới. Loay hoay trong những kế hoạch mà bản thân họ vốn dĩ cũng chẳng có quyền được lựa chọn, những “đứa trẻ” ấy bỗng cảm thấy bơ vơ và lạc lõng. Chúng tự hỏi, phải đi đâu để tìm lại khoảng trời riêng của mình?


Thật khó để biết được, ở đâu sẽ gửi lại cho “bạn nhỏ” khoảng trời riêng mà bất kỳ ai cũng đều có. Những đứa trẻ bên trong thân xác của một người lớn trưởng thành đôi khi phải mất cả một đời, để tìm lại những ước mơ và hoài bão của chính họ. Có những vùng trời tìm lại được, nhưng có những vùng trời khác thì lại không. Bởi vốn dĩ, biết bao thứ trên đời khi đã mất đi rồi, thì thật khó để sở hữu thêm một lần nữa. Và có chăng, nếu tìm thấy được, khoảng không ấy chắc cũng đã không còn vẹn nguyên như hình hài thuở ban đầu.


Nếu một đứa trẻ nói rằng chúng yêu thích một món đồ, hay một điều gì đó, nếu có thể, hãy cho chúng được phép thích thứ ấy. Dù những người lớn đôi lúc sẽ bỏ mặc nhu cầu của trẻ con, cảm thấy phiền toái bởi những lời nài nỉ, hay thi thoảng sẽ gạt phăng ý nghĩ mua cho chúng món đồ yêu thích ấy. Nhưng tha thiết mong những người lớn - dù vui vẻ đón nhận hay lơ là mong muốn của trẻ con, hãy vẫn để chúng được nuôi dưỡng niềm yêu thích ấy của mình. Yêu thích không có nghĩa là phải có được. Yêu thích là để giúp chúng được tự do bay nhảy trong vùng trời riêng của mình. Và có lẽ rằng, khi niềm yêu thích bị cấm đoán, những đứa trẻ đôi khi sẽ phải loay hoay suốt cả một đời - chỉ để biết được rằng, điều chúng thích là gì, và ước mơ nào đã từng bị chúng lãng quên, bỏ mặc trong quá khứ…


---


Tác giả: Trúc Phạm


BẢN THẢO
Bài viết liên quan