Khởi Đầu Của Các Chứng Bệnh Tâm Thần

Tự kỷ, tâm thần phân liệt và các chứng rối loạn tâm thần khác có thể đã bén rễ từ những giai đoạn đầu đời của chúng ta. Bệnh tâm thần bắt nguồn từ đâu? Nghiên cứu mới đây nêu …

Tự kỷ, tâm thần phân liệt và các chứng rối loạn tâm thần khác có thể đã bén rễ từ những giai đoạn đầu đời của chúng ta.

Bệnh tâm thần bắt nguồn từ đâu? Nghiên cứu mới đây nêu ra ý kiến rằng hạt giống của những vấn đề tâm lý này đã được gieo trước cả khi chúng ta sinh ra, khi ta vẫn còn là thai nhi trong bụng mẹ.

Ví dụ như tâm thần phân liệt, thường được cho rằng có liên quan tới rối loạn di truyền. Nhưng các yếu tố bên ngoài cũng có thể gia tăng nguy cơ khởi phát, thỉnh thoảng tác động này khá là lớn. Alan Brown, MD[1], MPH[2], giáo sư ngành tâm thần học và dịch tể học tại Đại học Columbia và Viện Tâm thần học Bang New York, đã tìm ra rằng nhiều sự kiện đầu đời có thể gia tăng nguy cơ khởi phát tâm thần phân liệt. (theo tạp chí khoa học Progress in Neurobiology, năm 2011). Ví dụ, những người có mẹ bị cúm khi mang thai mình sẽ có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần, còn việc người mẹ bị thiếu chất sắt khi đang mang thai khiến nguy cơ con cái mắc phải chứng bệnh này tăng gấp 4 lần.

“Đó không phải chỉ là những ảnh hưởng nhỏ”, Brown nói.

Tâm thần phân liệt không phải căn bệnh tâm thần duy nhất có liên quan tới quá trình mang thai. Dựa vào dữ liệu từ các ca sinh đẻ tại Hà Lan, Brown nhận ra rằng những người có mẹ bị thiếu dinh dưỡng khi mang thai có tỉ lệ mắc các giai đoạn rối loạn khí sắc chủ yếu, ví dụ như hưng cảm và trầm cảm, tăng mạnh, và mức độ nghiêm trọng của nó đủ cao để khiến người bệnh phải nhập viện (theo tạp chí khoa học American Journal of Psychiatry, năm 2000).

Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những sự kiện có tác động xấu trong thời gian mang thai, bao gồm nhiễm trùng, tiếp xúc với hóa chất độc hại hay áp lực, có thể gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề như trầm cảm, lo âu, tự kỷ, rối loạn khí sắc và rối loạn tăng động giảm chú ý trong tương lai của thai nhi. Những sự kiện trong những năm tháng đầu đời cũng có mối liên hệ với những vấn đề sức khỏe tâm lý dai dẳng. Ví dụ như việc bị bạo hành thời thơ ấu có thể gia tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm hay chứng rối loạn stress sau sang chấn ở giai đoạn trưởng thành.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu cuối cùng cũng đã bắt đầu hiểu về quá trình sinh học làm nền tảng cho mối liên hệ này- những phát hiện có thể hướng việc điều trị các bệnh lý tâm thần và rối loạn hành vi sang bước ngoặt mới, và thậm chí còn có thể đưa ra lộ trình để phòng ngừa chúng. Một cách đơn giản như là chăm sóc tốt cho sản phụ – từ việc chích ngừa cúm cho tới cung cấp đủ dưỡng chất – có thể sẽ giúp ngăn chặn chuỗi các phản ứng sinh học làm tiền đề cho các vấn đề tâm lý.

Căng thẳng? Có thể

Các nhà nghiên cứu khoa học về nguồn gốc phát triển của các bệnh lý tâm thần hiện đang chú ý tới một yếu tố tình nghi: sự phản hồi của cơ thể với stress. Khi cơ thể phản ứng với nguồn gây áp lực, hai hệ thống sẽ được kích hoạt. Hệ nội tiết sản sinh ra các hooc-môn căng thẳng như là cortisol[3]. Và hệ thần kinh giao cảm tự động tạo ra một lượng lớn các hooc-môn khác liên quan tới căng thẳng như epinephrine[4] và norepinephrine[5]- những thành tố khiến nhịp tim tăng nhanh, đổ mồ hôi tay (căng thẳng quá độ) hay còn được biết đến là phản ứng chiến-hay-chạy[6].

Thaddeus Pace, tiến sĩ, phó giáo sư (assistant professor) thần kinh học và khoa học hành vi tại trường Đại học Y Emory University School of Medicine nói rằng: “Tuy nhiên, cơ chế sinh lý của căng thẳng bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ những hoóc-môn căng thẳng”. Căng thẳng còn tác động tới cả chức năng miễn dịch. Pace nói: “Các sự kiện gây căng thẳng có thể ảnh hưởng sâu sắc tới rất nhiều hoạt động đang được tiến hành trong hệ thống miễn dịch chống viêm”.

Các vết viêm tấy có thể là yếu tố quan trọng trong phản hồi căng thẳng. Nó cũng liên quan tới một số căn bệnh của cơ thể, từ tiểu đường, bệnh tim cho tới trầm cảm và chứng Alzheimer (bệnh đãng trí). “Tôi nhìn nhận chứng viêm như một trong những thế lực xấu xa bậc nhất trong cấu trúc sinh học của động vật có vú”, phó giáo sư Pace nói.

Đương nhiên, hệ miễn dịch thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng – chứ không chỉ là chống lại bệnh tật. “Hệ miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của não bộ”, theo lời của Staci Bilbo, tiến sĩ, phó giáo sư (assistant professor) tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Duke. Các tế bào được gọi là microglia, tế bào thần kinh đệm[7], là các tế bào miễn dịch tồn tại trong não bộ. Chúng là pháo đài phòng thủ tuyến đầu của hệ thần kinh trung ương nhằm chống lại bệnh truyền nhiễm và các kẻ thù xâm nhập khác. Và, theo như Bilbo nói, “chúng thực hiện rất nhiều hoạt động quan trọng để xây dựng não bộ.”

Ban đầu, microglia tham gia vào việc cắt giảm số lượng xy-náp và quá trình chết rụng tế bào (programmed cell death). Chúng cũng truyền nhanh các cytokine[8], các phân tử phát tín hiệu có chức năng như người đưa tin giữa các tế bào với nhau và là hợp chất quan trọng trong phản hồi của cơ thể đối với chứng viêm. Cytokine rất quan trọng với sự phát triển cấu trúc não bộ cơ bản, từ mạch máu cho tới các sợi trục thần kinh. Chúng tham gia cả quá trình điều hòa nhận thức và khí sắc, Bilbo nói.

Cô ấy khám phá về các tế bào miễn dịch của não bằng cách khiến những con chuột non mới sinh ra được 4 ngày bị nhiễm trùng vi khuẩn E. coli, một giai đoạn phát triển tương đương với tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ con người. Những con chuột con phục hồi hoàn toàn sau khi bị nhiễm trùng, và khi trưởng thành, chúng biểu hiện bình thường như bao con chuột khác trong các bài kiểm tra trí nhớ và nhận thức. Nhưng những vết nhiễm trùng từ nhỏ đã để lại dấu ấn cho chúng. (trans: tui cũng chả biết dấu ấn gì, chắc về tâm lý nên sợ gì đó tương tự chăng)

Cô Bilbo nói: “Tế bào microglia của chuột đã được ‘kích ngòi’. Về bản chất, các tế bào sẽ ở trạng thái cảnh giác cao độ với những tác nhân gây nhiễm trùng trong tương lai.” (Trans: yeah, tui đoán đúng nè). Khi những con chuột trải qua lần nhiễm trùng thứ hai – mà cô gọi là “phát đánh thứ hai” – trong khi đang một nhiệm vụ mới, chúng đã thể hiện sự suy giảm sâu sắc về trí nhớ trong nhiệm vụ đó. Cô khám phá ra rằng những con chuột đã bị kích ngòi này thể hiện nồng độ cytokine quá mức khi phản ứng với “phát đánh thứ hai” (theo Journal of Neuroscience, 2011). Cô nói “Hệ thống miễn dịch của chúng đã có sự thay đổi dài hạn như là một kết quả của lần nhiễm trùng lúc mới sinh. Và vì hệ thống miễn dịch có ảnh hưởng đến chức năng não bộ, những biến đổi của chúng thể hiện cả về mặt hành vi.”

Cô nói: “Xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều căn bệnh thoái hóa thần kinh của con người. Nhiễm trùng ngoại khoa sẽ đột ngột khiến chức năng tâm lý suy giảm mạnh, và bạn có thể đo được nồng độ của cytokine trong dịch não tủy mà vốn dĩ trước đó không thể xác định.”

Chứng Viêm Bùng Phát Hoạt Động

Các nghiên cứu về các loài động vật khác đã giúp bổ sung thêm một số chi tiết. Paul Patterson, tiến sĩ, nhà sinh học thần kinh tại Viện Công nghệ California và là tác giả cuốn “Infectious Behavior: Brain-Immune Connections in Autism, Schizophrenia, and Depression (tạm dịch: Hành vi truyền nhiễm: Mối liên hệ Miễn dịch-Não bộ trong Tự kỷ, Tâm thần phân liệt, và Trầm cảm (2011); phát hiện ra nguồn gốc của bệnh lý tâm thần ở chuột. Ông đã gây bệnh truyền nhiễm cho những con chuột mang thai với vi-rút influenza và đồng thời kích thích hệ miễn dịch của chúng trong trường hợp không có mầm bệnh. Ông nói: “Khi bạn kích hoạt hệ thống miễn dịch của con chuột mẹ, bạn đã kích hoạt khá nhiều cytokine để chống lại căn bệnh truyền nhiễm.”

Patterson nhận ra rằng các con chuột con của chuột mẹ bị nhiễm bệnh thể hiện cả tá các hành vi bất thường. Trong số đó là ba “triệu chứng chính về mặt hành vi của tự kỷ”. Ông liệt kê: khiếm khuyết trong giao tiếp, giảm tương tác xã hội và các hành vi mang tính lặp lại, theo khuôn mẫu (theo tạp chí khoa học Trends in Molecular Medicine, 2011). Hơn thế, con chuột thể hiện sự lo âu bị tăng cao và nhạy cảm với các thuốc gây ảo giác – sự nhạy cảm đó cũng được thể hiện ở những người bị tâm thần phân liệt.

Những thay đổi này có thể bắt nguồn từ sự hiện diện của một loại cytokine gọi là  interleukin-6 (IL-6). Khi cơ thể chuột mẹ đang mang thai tạo ra liều lượng quá lớn, phân tử IL-6 sẽ kích hoạt các nhóm tế bào thần kinh trong não thai nhi. IL-6 cũng kích hoạt các tế bào nhau thai, điều chỉnh chức năng nội tiết và thay đổi hooc-môn phát triển. “Điều này có khả năng cao tác động tới sự phát triển (của bào thai)”, Patterson nói.

Cytokine, ba gồm cả IL-6 cũng có thể gây trở ngại cho quá trình tổng hợp hoóc-môn serotonin[9], Pace nói thêm. Quá nhiều cytokine dẫn tới một loạt các hoạt động phân tử quấy nhiễu con đường tổng hợp, ngăn việc tạo ra serotonin. Và serotonin, đương nhiên, lại là hợp chất cần thiết để duy trì một tâm trạng lành mạnh, tích cực.

Nghiên cứu này có thể liên quan tới việc các bệnh nhân trầm cảm phải bổ sung chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) (trans:có lẽ để thúc đẩy cơ thể tạo nhiều sero nhất có thể). Nghiên cứu của Charles Nemeroff, bác sĩ y khoa, tiến sỹ của Đại học Miami và các đồng nghiệp chỉ ra rằng người bị trầm cảm mà đã từng trải qua những sự kiện đau khổ trong thời thơ ấu có thể ít đáp ứng với thuốc SSRIs hơn so với những bệnh nhân trầm cảm không phải trải qua áp lực thời thơ ấu (theo tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, 2003). Điều này là hợp lý nếu đáp ứng miễn dịch[10] đang hoạt động quá mức để chống lại serotonin trong não, Pace nói. “Nếu chứng viêm thực sự đứng đằng sau vấn đề này, thì những loại thuốc như Zoloft[11] sẽ không còn tác dụng trong khoảng thời gian chứng viêm vẫn còn tự do chạy nhảy.”

Vì lý do đó, Pace nói rằng, “điều quan trọng là phải hiểu được liệu một người có trải qua trải nghiệm thống khổ giai đoạn đầu đời không.” Ví dụ, những bệnh nhân như vậy có thể đáp ứng tốt với phương pháp trị liệu tâm lý hơn là chỉ đơn thuần sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Pace và các nhà nghiên cứu khác hiện đang tìm hiểu các phương pháp trị liệu thay thế để giảm chứng viêm và điều trị trầm cảm. Anh tìm thấy bằng chứng rằng thiền định trắc ẩn (compassion meditation) giúp giảm hoóc-môn căng thẳng cortisol cũng như chứng viêm, ít nhất là ở các đối tượng khỏe mạnh (theo tạp chí khoa học Psychoneuroendocrinology, 2009). Bước tiếp theo chính là kiểm tra kỹ thuật này trên bệnh nhân trầm cảm.

Các nhà khoa học cũng để ý tới tác dụng của các loại thuốc chống viêm trong việc điều trị trầm cảm, dùng riêng hoặc dùng cùng với thuốc chống trầm cảm. Những nhà khoa học khác cũng đã bắt đầu kiểm tra tác dụng của thuốc chống viêm trong điều trị tự kỷ và tâm thần phân liệt. “Nghiên cứu vẫn đang ở những giai đoạn đầu, nhưng những kết quả ban đầu có vẻ khả quan”, ông Patterson nói.

Ông dự đoán rằng sẽ không lâu nữa cho đến khi các loại thuốc chống viêm được chỉ định để điều trị các chứng rối loạn hành vi và khí sắc. “Hãy chú ý vì những nghiên cứu này đang dần hoàn thiện. Nếu bạn thay đổi trạng thái miễn dịch nghĩa là bạn cũng có thể thay đổi hành vi.”

Tóm tắt:

(lưu ý: đây là bản tóm tắt của người dịch nên có thể có sai sót)

1)    Stress khi còn nhỏ ảnh hưởng lớn tới tâm lý và các căn bệnh tâm thần sau này.

2)    Lý do: cơ thể khi nhỏ sẽ nhạy cảm hơn với các tác động -> sẽ tạo ra liều lượng quá nhiều các hooc-môn, thụ thể và chất để chữa/chống lại tác nhân gây hại

->chất được tạo ra quá nhiều gây ức chế và ảnh hưởng tới tâm lý

3)    Viêm là cơ chế của cơ thể nhằm giảm đau và áp lực cơ thể phải gánh chịu nhưng tác hại của nó cũng như mục (2)

4)    Biện pháp đề ra là kích thích cơ thể tạo ra nhiều hơn các hooc-môn bị ức chế bằng cách tạo ra môi trường THIẾU loại hooc-môn đó (giống như cảm giác thèm ăn)5)    Thiền định và các cách làm giảm stress khác có tác dụng giống như viêm nhưng lại không có tác dụng phụ như chứng viêm.

Chú thích:

[1] MD: viết tắt của Medical Doctor-nghĩa là bác sĩ y khoa, một loại bằng cho những người học chuyên sâu về y sau khi đã tốt nghiệp

[2] MPH: viết tắt của Master of Public Health-chuyên gia (thạc sĩ) về sức khỏe cộng đồng

[3] Cortisol: là một loại hooc môn corticosteroid (một loại hooc môn loại steroid – tức là loại hợp chất hữu cơ tự nhiên được tổng hợp bởi các tuyến nội tiết trong cơ thể) được sản sinh bởi bộ phận tên là Zona fasciculata trên vỏ thượng thận (thuộc tuyến thượng thận), làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, có tác động ức chế miễn dịch (chống viêm), chống dị ứng

[4] Epinephrine:tên gọi khác là Andrenaline. Loại hooc-môn kích thích này chắc không ai lạ với nó cả, nó làm kích thích thần kinh và cảm giác trong người, gia tăng sự chú ý và khả năng suy nghĩ.

[5] Norepinephrine: tên gọi khác là Noradrenaline. Có tác dụng như Andrenaline- tác dụng lên adrenoceptor, đặc biệt là thụ thể α, ở mức độ thấp hơn đối với thụ thể β (tim, phổi), nhưng tác động yếu hơn Andrenaline.

[6] Phản ứng chiến-hay-chạy: là một phản ứng sinh lý xảy ra trong khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn. Walter Bradford Cannon là người đầu tiên mô tả phản ứng này.

[7] Tế bào thần kinh đệm: thường có nhiều nhánh, đan chéo nhau tạo thành mạng lưới có tác dụng che chở, đệm đỡ cho các thân và sợi trục của neuron.

[8] Cytokine: là các protein hay glycoprotein không phải kháng thể được sản xuất và phóng thích bởi các tế bào bạch cầu viêm và một số tế bào khác không phải bạch cầu. Các protein này hoạt động trong vai trò là các chất trung gian điều hòa giữa các tế bào trong cơ thể.

[9] Serotonin: một chất dẫn truyền thần kinh Monoamine được phát hiện vào năm 1935 bởi nhà khoa học người Ý Vittorio Erspamer. Serotonin chủ yếu được tìm thấy trong đường tiêu hóa và hệ thống thần kinh trung ương. Serotonin bị suy giảm dẫn đến việc cảm thấy buồn chán, giảm sự ham muốn, giảm quan tâm hoặc dễ dàng cáu giận, gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc

[10] Đáp ứng miễn dịch: cơ thể sẽ tạo ra chất chống lại dịch bệnh tương ứng (vừa đủ) với mầm bệnh (ai học kỹ sinh 10,11 chắc nhớ :V )

[11] Zoloft: tên thương mại của thuốc chống trầm cảm của nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

Dịch: Tuấn Ngọc (Mastermind)

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Blue Creating

Nguồn bài viết: https://www.apa.org/monitor/2012/02/mental-illness

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan