Không ai trong chúng ta có quyền đánh giá về người khác

Không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác, vậy nên đừng vội đánh giá bất kỳ điều gì nếu như bạn chưa bao giờ trải qua những câu chuyện của họ.

Tôi từng nghe nhiều người lớn nói rằng, tuổi còn trẻ, sức còn dài thì làm gì có vấn đề nào mà phải bận tâm lo lắng, hay có điều gì quá mức khó khăn đến nỗi không thể vượt qua được. Có lẽ phần lớn những bậc làm cha làm mẹ, những người đi trước hiện nay vẫn còn xem nhẹ nỗi buồn và những trăn trở của người trẻ.


Họ từ chối sự hiện diện của những lo âu trong chính con cái của mình, cho rằng chỉ đơn giản là một vài vấn đề không đáng bận tâm, liên quan đến chuyện yêu đương, chuyện bạn bè. Họ cho rằng người trẻ bây giờ sung sướng hơn thời trước, chỉ cần ăn, ngủ và học, không cần phải lo nghĩ đến những vấn đề của cuộc sống. Bởi vậy nên đó là một trong những lý do vì sao con cái thường cảm thấy xa cách và khó mở lòng để tâm sự cùng cha mẹ hay nhờ cậy đến sự giúp đỡ của gia đình.


Có lẽ những lời nhận xét như vậy cũng không phải là không đúng khi chúng ta là thế hệ được trao cho nhiều cơ hội phát triển bản thân và được sống một cuộc sống hoà bình, điều mà thế hệ đi trước đã phải hy sinh cả xương máu để dành lấy cho xã hội, cho các mầm non tương lai sau này.


Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, dù là thế hệ nào, dù là ở khoảng thời gian nào, không ai có thể đo đếm được những nỗi đau và mất mát để so sánh xem liệu ai là người phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Nỗi đau là thử không có hình hài, chúng có thể trở thành những con rắn độc dễ dàng nhìn thấy. Có thể là một quả táo với bề ngoài đẹp mắt nhưng bên trong đã được tẩm một liều thuốc độc, hay là những viên thuốc giúp ai đó không còn mất ngủ hàng đêm nhưng lại có thể giết chết người ta từ bên trong.


Phải chăng con người ta đang quá khắt khe với nhau, để rồi đánh mất đi khả năng cảm thông cho nỗi buồn của người khác? (Nguồn: Unplash)

Mỗi người từ giây phút bắt đầu biết suy nghĩ, biết đến những nỗi lo, những sự kỳ vọng vô hình, những nỗi sợ hãi, những buồn bã và cả sự thất vọng tột cùng, thì đều đã và đang phải trải qua những khó khăn bằng nhiều cách khác nhau, nhiều câu chuyện khác nhau và họ cũng luôn đấu tranh để tự đứng dậy trên đôi chân của mình.


Nhìn cách nhiều người bàn luận về nỗi đau của người khác, những lời chê bai, những câu từ xúc phạm, khinh thường, những cái lắc đầu thương hại trước sự ra đi của một linh hồn tan vỡ ở tuổi đời còn quá trẻ. Có lẽ chẳng ai mong rằng cả thế giới sẽ thấu hiểu cho nỗi đau của mình nhưng cũng mong người ta có thể nhẹ nhàng và dịu dàng với việc ai đó lựa chọn rời bỏ cuộc sống này.


Phải chăng con người ta đang quá khắt khe với nhau, để rồi đánh mất đi khả năng cảm thông cho nỗi buồn của người khác?

Bạn có thể chỉ cần mất một khoảng thời gian vừa đủ, cùng những buổi tụ tập bên người bạn thân, đọc những cuốn sách giúp bạn thay đổi góc nhìn về cuộc sống, nghe những bài nhạc hợp tâm trạng,... Những hành đọng nhỏ đó có thể khiến nỗi đau của bạn từ từ rút lui khỏi tâm trí. Lại có những người mất nhiều công sức hơn thế, cần nhiều nỗ lực hơn thế, không phải vì họ yếu đuối hơn bạn, không phải vì họ không có ý chí hay nghị lực, chỉ là con đường tự chữa lành của họ khác với bạn.


Đứng trước những nỗi đau muôn màu, trước sự đa dạng và khó nắm bắt của xúc cảm, mỗi người đều có quyền lựa chọn cách đối diện với chúng theo khả năng và quỹ thời gian của riêng mình. Họ có thể trở nên yếu đuối rồi mạnh mẽ, hoặc cố gắng thật mạnh mẽ để rồi lại quay trở về với phần yếu mềm. Hoặc có thể để mặc cho sự buồn bã tuôn trào như con đập lâu ngày bị tắc nghẹn, hoặc làm mọi cách để kìm nén chúng lại bên trong, để cho mọi thứ trôi ra thật chậm rãi.


Những đau đớn từ vết sẹo chưa lành chỉ mình bạn cảm thấy. (Nguồn: Unplash)

Dù sự lựa chọn có ra sao thì người phải chịu trách nhiệm cho tất cả kết quả đều là chính bản thân bạn, không phải gia đình, cũng không phải bạn bè, càng không phải những kẻ buông lời phán xét về cuộc đời của người khác trong khi bản thân chưa sống được ngày nào cho chính mình. Những đau đớn từ vết sẹo chưa lành chỉ mình bạn cảm thấy, những cú ngã trầy da chỉ mình bạn trải qua, những buồn bã tột cùng chỉ mình bạn hiểu thấu. Sau cùng, chúng ta đều có cuộc đời riêng phải sống, câu chuyện của người trong cuộc như thế nào, chỉ có chúng ta mới hiểu được cảm xúc của mình.


Chỉ buồn thật nhiều rằng, thế giới này có quá nhiều những đớn đau, những tổn thương không tên, những mảnh đời khiếm khuyết, quá nhiều để mà người ta lãng quên đi cách sống đồng cảm, thừa nhận những tổn thương của người khác.

“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”


Dù vậy tôi vẫn muốn cho bạn biết rằng, bạn không hề đơn độc trên hành trình tự chữa lành của chính bản thân mình. Những bờ vai, những cái ôm, những niềm hạnh phúc dù là nhỏ nhoi như một món ăn yêu thích, một bài nhạc hợp gu, một con phố với hàng cây quen thuộc,… Chỉ cần là những điều giữ bạn còn sống thì xin đừng bao giờ cảm thấy nỗi cô đơn của mình rộng lớn hơn cả bầu trời, đến nỗi chẳng ai hiểu thấu, chẳng ai đủ kiên nhẫn để ôm lấy nó.


Dù chỉ còn lại hơi thở cuối cùng, đủ để mình thức giấc vào buổi sáng, nhìn thấy cuộc sống vận hành theo một quỹ đạo đầy kết nối: mây trắng đi cùng với trời xanh, khóm hoa dại nhỏ bé vẫn kiên cường nở rộ ở ven đường, chiếc lá vẫn còn bám trụ trên cành cây cao, thì đó cũng chính là những điều giản đơn đã khiến mình cảm thấy mãn nguyện hơn tất thảy.


Nhớ rằng, dẫu cả thế giới có quay lưng không thể thấu hiểu được bạn thì bạn cũng không được phép buông rơi chính mình.


---------


Tác giả: Lido


---

BẢN THẢO
Bài viết liên quan