Không chỉ những công thức, những đứa trẻ cũng nên được học về sức khoẻ tâm thần

Sẽ thế nào nếu những đứa trẻ được dạy về sức khoẻ tâm thần? Để rồi chúng sẽ có khả năng đối diện tốt hơn với những khó khăn trong cuộc sống

Trường học từ trước đến nay chỉ dạy chúng ta về sức khoẻ vật lý, về chế độ dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất,… như những thứ duy nhất liên quan đến sức khoẻ cần được quan tâm. Một phần vì thế mà khi sức khoẻ tâm thần của mình có vấn đề, những đứa trẻ sẽ có xu hướng cảm thấy mình kì quặc, đơn độc, như có gì đó “sai” với mình và nghĩ rằng bản thân không thể nói về chuyện đó với thầy cô và gia đình.

 

Trong khi, để có được một sự phát triển “toàn diện” như người ta vẫn luôn khuyến khích và kỳ vọng, những đứa trẻ nên được dạy rằng hầu hết mọi người đều sẽ gặp phải những vấn đề về sức khoẻ tâm thần vào ít nhất một thời điểm nào đó của cuộc đời, hoặc nếu không chúng ta cũng sẽ quen biết ai đó ở trong hoàn cảnh như vậy. Nhà trường cần cho những đứa trẻ biết rằng việc nói ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình, hay việc hỏi người khác liệu họ có ổn không cũng quan trọng không kém việc đạt được thành tích cao và duy trì hạnh kiểm tốt.

 

Những đứa trẻ nên được dạy rằng sức khoẻ tâm thần không phải là một vấn đề cấm kị, bất kể trong môi trường gia đình hay xã hội. Nó không phải là thứ gì đó chúng cần phải cảm thấy xấu hổ, hay phải giữ bí mật vì sợ “làm ảnh hưởng xấu” đến các bạn khác, đến những người xung quanh. Những đứa trẻ cần được biết rằng chúng không cần phải biết ơn vì chuyện của mình đã không tệ hơn. Nỗi đau của chúng là của chúng và chúng có quyền để cảm nhận. Không phải vì “con nhà người ta” ở trong hoàn cảnh bất lợi và tồi tệ hơn nên chúng phải tự biết so sánh và dồn nén nỗi đau “chẳng có gì to tát” của mình. Nỗi đau là nỗi đau, chứ không phải là thứ để đưa ra cạnh tranh như điểm số. Người khác đau “hơn”, mệt mỏi “hơn”, không có nghĩa là sự tổn thương hay mệt mỏi của chúng không có thật. Chúng cần được dạy rằng mỗi con người, dù lớn hay bé đều có khả năng đối mặt và chịu đựng khác nhau. Và kể cả khi một vài người ở trong tình trạng ít nghiêm trọng hơn (dựa theo một thước đo định kiến nào đó), thì điều đó cũng không có nghĩa là vấn đề của họ không đáng được quan tâm và chú ý.

 

Những đứa trẻ cần được dạy rằng chúng có thể mở lòng để nói về những điều tiêu cực trong cuộc sống, trong thế giới mà người ta vẫn xem là nhẹ nhàng và bé nhỏ của mình, mà không cần phải đợi đến lúc mọi thứ trở nên tồi tệ. Chỉ việc được bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình như vậy thôi đã có thể giúp chúng ngăn các bệnh tâm thần phát triển.

 

Những đứa trẻ cũng cần được dạy rằng khi chúng lớn lên, khi cuộc sống có thêm nhiều thử thách, khi thế giới bên trong của chúng dần trở nên phức tạp, sẽ có những ngày chúng cảm thấy mơ hồ và rối ren với tâm trí của mình, chúng có thể cảm thấy bế tắc, nản lòng và thất vọng, những ngày thậm chí bản thân chúng chẳng muốn bước ra khỏi giường hay đi ra bên ngoài… Nghe có vẻ nặng nề và “tiêu cực”, nhưng thực tế những lời chia sẻ đó sẽ có khả năng giúp những đứa trẻ hiểu rằng tất cả những vấn đề kia đều bình thường hơn chúng nghĩ, vì vậy, chúng không cần phải phán xét và nhìn bản thân với ánh mắt khác đi khi nói về những điều tương tự. Nhưng đi kèm với bài học đó cũng cần là những lời cổ vũ rằng chúng cũng có sức mạnh để đối mặt với những khó khăn, rằng chúng kiên cường hơn chúng nghĩ. Để rồi mỗi đứa trẻ đều sẽ có lòng bao dung với chính mình và đều sẽ xây dựng và giữ cho bản thân một niềm tin, niềm tin vào khả năng chống chọi với cuộc đời.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan