Không có "bạn thân" có sao không?

Nếu bạn thực sự muốn tìm được một người bạn tri kỉ, nếu bạn thực sự mở lòng đón nhận tình cảm chân thành của người khác, thì muộn mấy cũng không sao.

Bạn thân. Chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ ai mà chẳng có ít nhất một người bạn thân. Vậy thì đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu hai chữ “bạn thân" thực sự là gì? Bạn thân là người hợp với mình từ sở thích, suy nghĩ, phong cách sống? Hay bạn thân là người luôn kề cạnh bên ta, nói đủ thứ chuyện trên đời?


Theo mình, một đứa đã từng có một tình bạn có thể gọi là đẹp thì…hai chữ “bạn thân" không dễ định nghĩa như vậy?


Năm 18 tuổi và suốt những năm tháng cấp 3 đầy nhiệt huyết ấy, mình đã từng có một cô bạn thân, hợp nhau đến từng chi tiết, từng suy nghĩ, thậm chí cả gu bạn trai lý tưởng. Hai đứa đã cùng trải qua những năm tháng thanh xuân hết mình, cùng nhau đi học, cùng nhau ôn thi vào đại học và cùng nhau mơ…


Câu chuyện rẽ sang một hướng khác khi cả hai cùng đỗ vào trường đại học như ý nguyện ban đầu. Chúng mình vẫn liên lạc, lâu lâu vẫn nói chuyện thâu đêm suốt sáng vì những chuyện trên trời dưới đất chẳng biết bắt đầu từ đâu. Thế nhưng, những cuộc trò chuyện bắt đầu vơi dần đi, và sau đó không lâu là nhạt dần đi. Chúng mình mỗi đứa có những mối quan tâm riêng, có những chuyện “không thể chia sẻ". Đúng vậy. Kể cả là bạn thân thì cũng sẽ có những chuyện “khó nói", có những bí mật chỉ cất giữ cho riêng mình. Thế nhưng, tình bạn ấy mờ nhạt dần và rơi vào bế tắc không phải vì có quá nhiều “bí mật" không tiện nói ra, mà chính bởi có quá nhiều chuyện “không thể chia sẻ"


Kể từ giây phút ấy, mình không còn “vội tin" vào cái gọi là “bạn thân", rằng cứ hợp nhau sẽ được gọi là “bạn thân", rằng cứ tâm sự với nhau nhiều chuyện là sẽ thành đôi bạn tri kỷ. “Bạn thân", theo mình, đó là:


Luôn hiểu và nắm bắt cảm xúc của đối phương dù họ không hề nói ra suy nghĩ của mình


Ngay cả mình đôi khi còn không hiểu chính bản thân mình thì làm sao ai đó có thể chú ý đến bạn cả ngày chỉ để hiểu bạn đang nghĩ gì. Đúng vậy, điều đó hoàn toàn không sai. Thế nhưng, nếu đã là “bạn thân", ngay cả khi bạn im lặng, người bạn ấy cũng sẽ âm thầm đọc được suy nghĩ trong từng ánh mắt, cử chỉ, hành động hay thái độ của bạn. Đó là một sự kết nối hơn cả về mặt tính cách. Đó dường như là một sự “giao cảm" mà đôi khi bạn phải mất rất lâu mới có thể hiểu hết được. 


Khi bạn vui hay khi bạn buồn, ánh mắt của bạn đã nói lên tất cả. Thế nhưng, khi bạn bị bế tắc và cố tỏ ra mạnh mẽ, bạn sẽ cố tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo đến ngay cả bạn hay những người thân yêu bên cạnh bạn còn bị đánh lừa bởi nó. Thế nhưng, một người “bạn thân" thực sự sẽ hiểu được rằng bạn đang có vấn đề, rằng trái tim bạn đang rất muốn lên tiếng. Đôi khi, không cần nói gì nhiều, cũng không cần phải làm gì đó cho nhau, chỉ cần có một người “thấu hiểu" và lẳng lặng bước đi cùng mình trong cuộc hành trình đơn phương chống chọi với thứ cảm xúc hỗn loạn ấy, bạn cũng được tiếp thêm một nửa sức mạnh.



Nếu bạn tìm được một người có thể hiểu và đón nhận cảm xúc của bạn cho dù nó tích cự hay không, hãy trân trọng họ | Ảnh: Pinterest


Luôn biết đâu là lúc nên an ủi, đâu là lúc nên “im lặng" lắng nghe


Lẽ thường, ai trong chúng ta cũng có những khoảng lặng và căn phòng bí mật của riêng mình. Bạn không thể cố tỏ ra mạnh mẽ suốt, cũng không thể yếu đuối mãi được. Bạn không muốn tỏ ra đáng thương, nhưng lại luôn muốn người khác hiểu mình, bên cạnh mình. Ngay cả những người cô đơn và khép kín nhất, họ cũng có những lúc chạnh lòng, cảm thấy kiệt sức trên hành trình đấu tranh để vượt qua vũng lầy tiêu cực. Thế nhưng, cái tôi trong họ lại quá lớn, đến mức họ sẵn sàng thu mình lại một góc tối, từ từ gặm nhấm nỗi buồn hay nỗi đau ấy. Cho đến một ngày, họ nhận ra, quả bóng cảm xúc trong họ dường như muốn nổ tung, và họ rất cần một người ở bên cạnh, chỉ cần ở bên cạnh họ, lắng nghe họ, vậy là đã quá đủ. 


Không phải chuyện gì cũng an ủi là xong, không phải chuyện gì cũng đồng cảm là xong. Hơn hết, bạn thân là người luôn luôn ở cạnh chúng ta mỗi khi có chuyện, nhưng không phải lúc nào cũng “lên tiếng" nói chúng ta nên “buồn" hay “nên vui". 


Luôn vui khi bạn đạt được thành công và luôn lo lắng không yên mỗi khi bạn gặp vấn đề 


Ai trong chúng ta dù ít dù nhiều cũng có những lúc cái tôi “đố kỵ" trong mình trỗi dậy. Và chúng ta có thể đánh mất tình bạn đẹp ấy chỉ vì cái tôi đó. Không sai, chúng ta có quyền “đố kỵ" chứ, vì đó là tự do của chúng ta mà. Thế nhưng, “đố kỵ" không có nghĩa là mù quáng. Hãy “đố kỵ" một cách văn minh. Hãy lấy thành công của bạn làm động lực thôi thúc bạn cố gắng gấp 10 lần thậm chí 100 lần hơn thế. Mối quan hệ dựa trên sự hợp tác, để giúp nhau cùng tiến bộ mới đích thị là tình bạn thực sự. Mình đã đọc rất nhiều bài viết về chủ đề “Peer Pressure" và phần nhiều trong số đó là những câu chuyện kể về áp lực đồng trang lứa khiến họ suy nghĩ tiêu cực, khiến họ ganh đua,...Mình ngẫm lại, nếu đã là “bạn thân", tại sao lại 

tính toán mỗi khi bạn đạt được một thứ gì đó. Tại sao lại buồn và tự trách bản thân sao chưa cố để giỏi bằng họ? Thay vì vậy, hãy vui và tự hào, vì chí ít, bên cạnh mình, có một người bạn thật tài giỏi. 


Thế giới này có biết bao nhiêu người bước qua nhau, chạm được vào nhau, nhưng không thể ở lại bên nhau, đều là do ta chưa thể “bao dung" và thấu hiểu


Không ngại ngần “nói thẳng" khi cần


Mình từng rất miễn nhiễm với những lời “nói thẳng". Mình thường né tránh mỗi khi bị ai đó móc mé hay tìm ra một khuyết điểm của bản thân mà mình rất cố gắng để dấu diếm thật kỹ. Đúng vậy, không phải lời “nói thẳng" nào cũng chân thành, không phải lúc nào họ cũng có ý muốn tốt cho mình nên mới nói ra như vậy. Có người nói thẳng vì tính cách họ như vậy. Có người buột miệng vì họ không để ý. Có người lại cố ý nói ra như vậy vì họ muốn bạn phải xấu hổ, mặc dù điều họ nói về bạn chẳng có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, bạn đã tìm thấy người bạn “nói thẳng" có nghệ thuật chưa. Mình đã từng đọc được một đoạn trong cuốn sách kể về 5 cô gái trưởng thành. Họ đã thân với nhau được mấy năm trời. Đột nhiên, trong một buổi đi chơi, một cô bạn trong nhóm không biết vô tình hay cố ý trêu đùa cô bạn khác, rằng bắp tay cô ta quá to, và cô ta mặc bộ váy này thật không ổn chút nào trước mặt những người bạn khác. Nói xong câu đó, mặt cô gái ấy đỏ bừng, cô ấy cảm thấy như bị xúc phạm, rồi tình bạn cứ thế gặp trúc trắc, sứt mẻ. Mình lại đọc được đâu đó trong cuốn sách ấy, về câu chuyện của hai em bé 10 tuổi. Trải qua một biến cố lớn, bố cô bé phải phá sản, nợ nần chồng chất đến mức mẹ cô phát điên. Trong một buổi chơi đùa ngoài sân trường, một đám bạn đã đến và luôn miệng chỉ vào cô bé và nói đại loại rằng mẹ cô bị điên, rằng bà là một bà điên. Ngay lúc đó, cậu bé ấy đã chứng kiến tất cả, và im lặng không nói câu gì và lẳng lặng bỏ đi. Cô bé đã nghĩ buổi sáng hôm sau nhất định chuyện này sẽ bị bêu xấu cho cả lớp, rằng cô có lẽ sẽ phải nghỉ học vì xấu hổ. Nhưng không, không những câu chuyện không được phanh phui mà cậu bé chứng kiến ấy còn tỏ ra hoàn toàn bình thường như không có chuyện gì. 


Vậy đó, đôi khi bạn không cần phải lên tiếng, đôi khi bạn không cần phải “an ủi", cũng không cần làm điều gì cho đối phương. Thế nhưng hành động và thái độ của bạn sẽ nói lên tất cả. 


Suốt những năm tháng đại học và cho đến mãi bây giờ, mình vẫn vậy, vẫn không có lấy một người “bạn thân" thực sự. Nhưng điều đó không có nghĩa mình bản thân mình không tốt và không xứng đáng có được tình bạn đẹp. Nếu bạn thực sự muốn tìm được một người bạn tri kỉ, nếu bạn thực sự mở lòng đón nhận tình cảm chân thành của người khác, thì muộn mấy cũng không sao. Miễn sao trên hành trình ấy, bạn hiểu rằng bạn không cô đơn. Vì bạn luôn có một người bạn thân, là “chính bản thân bạn".


Và mình vẫn đang trên hành trình đi tìm người “bạn thân” ấy. 


Không có “bạn thân" ư? Hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Nếu có thể, hãy cố gắng để làm bạn với chính bản thân mình. Vì suy cho cùng, nếu bạn không thể hiểu và thấu hiểu chính bản thân mình thì chẳng có một ai đủ bao dung để hiểu và trân trọng bạn.


From Ori - Editor ACM



BẢN THẢO
Bài viết liên quan