Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến hành vi đạo đức của con người?

Việc phơi nhiễm trong không khí độc hại, hay chỉ đơn giản là tưởng tượng về việc phơi nhiễm, cũng dẫn đến các hành vi vô đạo đức (unethical behavior) - theo kết quả từ một nghiên cứu trên tạp chí Psychological Science (một tạp chí thuộc Hiệp hội Khoa học Tâm lý - APS).



Việc phơi nhiễm trong không khí độc hại, hay chỉ đơn giản là tưởng tượng về việc phơi nhiễm, cũng dẫn đến các hành vi vô đạo đức (unethical behavior) - theo kết quả từ một nghiên cứu trên tạp chí Psychological Science (một tạp chí thuộc Hiệp hội Khoa học Tâm lý - APS). Tổng hợp từ các nghiên cứu lưu trữ (archival studies) và thí nghiệm liên quan cho thấy việc tiếp xúc với không khí độc hại, dù là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp (tưởng tượng), có liên quan tới các hành vi vô đạo đức như phạm pháp hay gian lận. Những khám phá từ các thí nghiệm này còn gợi ý về mối liên hệ giữa hai yếu tố trên có thể có một phần nguyên nhân đến từ sự lo âu (anxiety) gia tăng ở con người. 


“Thí nghiệm này hé lộ ra tác động tiêu cực về đạo đức mà không khí ô nhiễm mang lại cho con người đã vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta về sức khỏe và môi trường,” theo Jackson G. Lu, nhà khoa học hành vi tại trường Columbia Business School, cũng là tác giả của bài nghiên cứu. “Đây là một khám phá quan trọng, khi không khí ô nhiễm đang là một vấn đề nghiêm trọng ở phạm vi toàn cầu, tác động tới hàng tỉ con người đang sinh sống. Tại Mỹ, hơn 142 triệu người vẫn đang sống tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi không khí độc hại.”


Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra việc phơi nhiễm trong không khí độc hại làm gia tăng cảm xúc lo âu ở con người. Lo âu còn được biết đến với những liên hệ về một số hành vi vô đạo đức. Lu và các cộng sự đã đặt ra giả thiết rằng sự ô nhiễm sẽ dẫn tới sự gia tăng các hành vi phạm pháp và vô đạo đức qua việc làm tăng cảm giác lo âu. 


Một nghiên cứu đã đánh giá không khí ô nhiễm và dữ liệu về tội phạm tại 9,360 thành phố tại Mỹ trong giai đoạn kéo dài 9 năm. Dữ liệu về mức độ ô nhiễm, được cung cấp bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), bao gồm thông tin về 6 chất ô nhiễm (pollutants) chính, bao gồm các hợp chất trong bụi (PM - particulate matter), khí CO (carbon monoxide),  nitrogen dioxide, và lưu huỳnh dioxide. Dữ liệu về tội phạm, được cung cấp bởi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), bao gồm thông tin về các tội danh nằm trong 7 hạng mục chính, bao gồm giết người, tấn công nghiêm trọng (ví dụ: bao gồm vũ trang), và cướp của. 


Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tỉ lệ phạm tội tăng cao tại các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động. Mối liên hệ này vẫn tồn tại sau khi các nhà nghiên cứu đã tính đến các yếu tố tiềm năng khác, bao gồm tổng dân số, số lượng nhân viên chấp pháp, độ tuổi trung vị, phân bổ về giới tính, phân bổ về sắc tộc, tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tính khác thể không quan sát được (unobserved heterogeneity) ở các thành phố (ví dụ: hệ thống pháp luật, vùng đô thị), và các tác động không quan sát được theo thời gian (ví dụ: tình hình kinh tế vĩ mô). 



Để đưa ra được liên hệ trực tiếp, nhân quả (causal) giữa trải nghiệm về không khí ô nhiễm và các hành vi vô đạo đức, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một loạt các thí nghiệm hỗ trợ. Lý do bởi họ không thể ngẫu nhiên đưa các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu trải nghiệm trực tiếp các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau, do đó các nhà nghiên cứu đã tập trung vào điều chỉnh (manipulate) khi các tình nguyện viên tưởng tượng về trải nghiệm của họ trong không khí độc hại.


Trong một thí nghiệm, 256 tình nguyện viên được xem một bức hình thể hiện không khí ô nhiễm hoặc trong lành. Họ sẽ phải tưởng tượng việc sống tại các địa điểm đó và liên tưởng tới cảm nhận khi đi dạo xung quanh khu vực đó và hít thở không khí. 


Trong một nhiệm vụ không liên quan khác, họ được quan sát một loạt các từ ngữ ám chỉ (ví dụ: đau, vai, mồ hôi) và được yêu cầu phải tìm ra một từ khác có liên hệ với các từ được đưa ra sẵn (ví dụ: lạnh); với mỗi câu trả lời đúng, tình nguyện viên nhận được 0.50 đô la. Do trục trặc về kỹ thuật, câu trả lời đúng sẽ hiện ra trên màn hình nếu tình nguyện viên giữ chuột tại vị trí trả lời câu hỏi, và các nhà nghiên cứu đã yêu cầu họ không giữ chuột tại đó. Trong khi tình nguyện viên thực hiện, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận số lần họ “liếc” vào câu trả lời.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tình nguyện viên nghĩ về việc sinh sống tại các khu vực ô nhiễm đã gian lận nhiều hơn những người nghĩ về việc sinh sống tại khu vực có không khí sạch.


Trong hai thí nghiệm khác, những người tham gia được xem các bức hình thể hiện không khí ô nhiễm hoặc trong lành ở cùng một địa điểm tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), và viết về cảm nhận của họ nếu được sống tại đó. Các nhà lập trình không liên quan tới bên nghiên cứu sẽ đánh giá các bài viết dựa vào mức độ lo âu mà người viết thể hiện ra. 


Trong các hoạt động thí nghiệm liên kết với các sinh viên tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ thường xuyên gian lận của các tình nguyện viên trong việc báo cáo kết quả từ trò xúc xắc. Tại Ấn Độ, các nhà nghiên cứu thực hiện nghiên cứu trên những người trưởng thành, đo mức độ “sẵn lòng” của họ trong việc sử dụng các chiến lược thương lượng một cách vô đạo đức. 


Một lần nữa, những người tham gia vào nhiệm vụ viết cảm nhận đã cho kết quả như mong đợi: những người viết về cuộc sống tại những khu vực ô nhiễm đã thể hiện các hành vi vô đạo đức nhiều hơn những người viết về cuộc sống tại khu vực sạch sẽ hơn; đồng thời, những người viết về cuộc sống tại khu vực ô nhiễm cũng thể hiện cảm xúc lo âu nhiều hơn trong bài viết của họ. Đúng như giả thuyết ban đầu từ các nhà nghiên cứu, mức độ lo âu là yếu tố trung gian giữa trải nghiệm tiếp xúc với không khí ô nhiễm và các hành vi vô đạo đức ở con người. 


Tổng hợp lại, các nghiên cứu lưu trữ và kết quả thí nghiệm đã cho thấy việc phơi nhiễm trong không khí độc hại, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều có liên hệ với các hành vi có xu hướng phạm tội, qua sự gia tăng mức độ lo âu.


Lu và các cộng sự cũng lưu ý rằng có thể có các cơ chế khác, bên cạnh sự lo âu, có liên hệ với không khí ô nhiễm và hành vi vô đạo đức. Họ cũng cho rằng việc tưởng tượng về trải nghiệm trong không khí ô nhiễm không tương đương với việc trực tiếp trải nghiệm, và họ nhấn mạnh đây là một trong những giới hạn cần được nghiên cứu sâu hơn. 


Cuối cùng, nghiên cứu cũng hé lộ về một quá trình mà các tác nhân xung quanh con người sẽ ảnh hưởng tới hành vi của người đó. 

“Các kết quả mà chúng tôi tìm được cho thấy ô nhiễm không khí không chỉ tác động xấu tới sức khỏe con người mà còn làm cho đạo đức của chúng ta bị “nhiễm độc”, Lu chia sẻ. 


Các tác giả của nghiên cứu này bao gồm Julia J. Lee từ Đại học Michigan, Francesca Gino từ Harvard Business School, và Adam D. Galinsky từ Columbia Business School. 


Dịch và trình bày: Phương Anh - Viện Tâm lý học & Truyền thông.

Ảnh: Photoholgic từ Unsplash

Tham khảo: 

Woolcock, B. (2018). Polluted Air May Pollute Our Morality [Online] Available at: <https://www.psychologicalscience.org/news/releases/polluted-air-may-pollute-our-morality.html?fbclid=IwAR37Zb1Q64O2SwwEp9ZSrSEKKKcA2DpVF-HVPMQWU85WuzZnHn0f65K6XlQ> [Accessed 15 July 2021]



BẢN THẢO
Bài viết liên quan