Khủng Hoảng Bản Sắc (Identity Crisis)

Bạn đã từng nghe thấy thuật ngữ “khủng hoảng bản sắc” trước đây và bạn có thể đã và đang có kha khá ý niệm về nó. Vậy sự kiện này từ đâu mà có?

Bạn đã từng nghe thấy thuật ngữ “khủng hoảng bản sắc” trước đây và bạn có thể đã và đang có kha khá ý niệm về nó. Vậy sự kiện này từ đâu mà có? Tại sao mọi người lại trải qua khủng hoảng mang tính cá nhân này? Liệu có phải nó chỉ diễn ra trong những năm tháng của tuổi vị thành niên?

Khái niệm “khủng hoảng bản sắc” xuất hiện lần đầu tiên trong nghiên cứu của Erik Erikson, một nhà tâm lý học về ngành tâm lý theo lứa tuổi, ông tin rằng sự định hình bản sắc là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một đời người.

Mặc dù sự phát triển nhận thức về bản sắc rất rõ rệt của tuổi vị thành niên, Erikson tin rằng sự định hình và phát triển căn tính không chỉ giới hạn trong độ tuổi này. Thay vào đó, bản sắc phát triển và thay đổi từng chút, trải suốt đời người, đặc biệt là khi ta đối diện với những thách thức mới và va chạm với những trải nghiệm khác biệt.


Khủng hoảng bản sắc cá nhân – cuộc xung đột xuyên suốt cuộc đời.

Khủng hoảng bản sắc là gì?


Có bao giờ bạn thấy không mơ hồ và mông lung về vai trò của bạn trong cuộc đời này? Đôi lúc, bạn thậm chí nghĩ rằng bạn không hề biết gì về ‘con người thật của mình’? Nếu bạn trả lời là “Có” cho hai câu hỏi trên, khả năng bạn đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc.


Nhà tâm lý học Erikson coi khủng hoảng bản sắc là một trong những xung đột quan trọng nhất mà con người đối mặt trong quá trình phát triển. Theo Erikson, mỗi một lần khủng hoảng bản sắc là một lần để ta phân tích, khám phá những góc cạnh mới lạ của bản thân mình. 


Cuộc đời với nhiều biến cố khiến Erikson quan tâm đặc biệt đến bản sắc từ khi còn nhỏ tuổi. Là một trẻ Do Thái được nhận nuôi, ông trông rất giống một người xứ Bắc Âu, nhưng ông thường cảm thấy rằng ông chẳng thuộc về nhóm người nào trong hai nhóm đó. Những nghiên cứu sau này của ông về đời sống văn hóa giữa những người thổ dân Yurok phía bắc California và vùng Sioux phía nam Dakota đã giúp Erikson định hình nên ý tưởng về sự phát triển bản sắc và khủng hoảng bản sắc.

Erikson mô tả bản sắc là “một sự nhận thức mang tính chủ quan, một giá trị riêng biệt có thể quan sát trong lâu dài và liên tục. Nó phát triển nhất khi một người tìm ra chính bản thân anh ta cũng như tìm được cộng đồng nơi mình thuộc về”.


Thuyết Trạng Thái Bản Sắc


Nhà nghiên cứu James Marci (1966, 1976, 1980) đã mở rộng lý thuyết sơ khởi của Erikson. Theo Marcia và các cộng sự, sự cân bằng giữa sự xác định bản sắc và sự mơ hồ về nó là cam kết gắn bó với một bản sắc nào đó.


Marcia cũng phát triển một phương pháp phỏng vấn để đo lường bản sắc cũng như bốn trạng thái bản sắc khác nhau. Phương pháp này quan sát trong ba lĩnh hoạt động khác nhau: vị trí nghề nghiệp; niềm tin và hệ giá trị; tính dục.

  • Trạng thái tìm ra bản sắc là lúc một người đã trải qua một hành trình tìm hiểu nhiều bản sắc khác nhau và cam kết gắn bó với một trong số đó.
  • Trạng thái “treo” là tình trạng mà một người chủ động dấn thân tìm hiểu những bản sắc khác biệt nhưng chưa đi đến một cam kết gắn bó.
  • Trạng thái miễn cưỡng là khi một người quyết định cam kết ngay mà không hề nỗ lực khám phá bản sắc.
  • Tình trạng mơ hồ là khi không hề có khủng hoảng bản sắc hay cam kết gì cả. Những người với trạng thái này có khuynh hướng cảm thấy mình ở bên lề thế giới và không tìm kiếm bản sắc.

Những nguyên nhân

Trong những mô tả của Erikson về các giai đoạn phát triển tâm lý, sự khủng hoảng bản sắc xuất hiện trong suốt tuổi vị thành niên – giai đoạn mà người ta đối diện với rất nhiều cảm giác lạc lõng, sự mơ hồ về hệ giá trị.


Trong một thế giới thay đổi chớp nhoáng như ngày nay, với sự giao lưu và hội nhập xuyên biên giới, sự tăng cường tương tác giữa toàn bộ loài người, các cuộc khủng hoảng bản sắc ngày càng phổ biến hơn. Và những xung đột này chắc chắn không chỉ xảy ra đối với vị thành niên. Người ta có thể trải nghiệm cuộc khủng hoảng này ở bất kì giai đoạn nào trong cuộc đời, thường đi kèm với những sự kiện gây tác động lớn, có thể kể đến:

  • Mất việc hay bắt đầu một công việc
  • Bắt đầu một mối quan hệ mới
  • Chấm dứt một cuộc hôn nhân hay tình trạng phối ngẫu
  • Có con cái
  • Mất đi người mình thương yêu
  • Chuyển nơi ở
  • Trải nghiệm chấn thương tâm lý
  • Sự nhận biết về tình trạng sức khỏe

Những người có vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, sự lệ thuộc, rối loạn trẩm cảm gián đoạn, rối loạn cảm xúc có tỉ lệ trải qua khủng hoảng bản sắc cao hơn người thường


Các triệu chứng

Làm sao để biết bạn đang có khủng hoảng bản sắc? Ai cũng tò mò về việc “Tôi là ai” , “ Tôi thực sự là ai”, liệu đó có phải là khủng hoảng bản sắc? Hãy nhớ đến những lúc bạn đang trải qua một sự thay đổi lớn hay khoảng thời gian căng thẳng trong cuộc sống và những câu hỏi sau đây bắt đầu quấy rầy mỗi ngày sống của bạn:

  • Tôi là ai? Câu hỏi này có vẻ chung chung, hoặc liên quan tới các mối quan hệ của bạn, tuổi tác, sự nghiệp.
  • Đâu là giá trị của tôi?
  • Tôi có vai trò gì trong xã hội này? Mục đích của đời tôi?
  • Những tín điều tâm linh của tôi là gì?
  • Tôi đam mê điều gì?

Những câu hỏi với tần suất liên tục không ngừng làm phiền bạn và bạn dần không khống chế được dòng suy nghĩ đó, rất có thể bạn đang trải qua khủng hoảng bản sắc.

Vượt qua một cuộc khủng hoảng bản sắc là một điều tốt lành. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng những người có những cam kết mạnh mẽ gắn bó với một bản sắc nào đó thì có khuynh hướng hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn những người không có.

Hãy thử tìm hiểu những khía cạnh mới của chính bạn trong đa dạng lĩnh vực của đời sống, bao gồm vai trò của bạn trong công việc, trong gia đình, trong các mối quan hệ tình cảm, có thể giúp củng cố bản sắc cá nhân của bạn. Hãy suy xét nhìn vào bên trong bạn để tìm ra những tố chất và đặc điểm mà chúng định nghĩa con người bạn và làm cho bạn thấy vững vàng và hạnh phúc, và cả các giá trị của bạn, những quan tâm, đam mê, và sở thích.


Dịch: Savio

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài: https://www.verywellmind.com/what-is-an-identity-crisis-2795948

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan