Kĩ Thuật Thuyết Phục Tâm Lý Của Những Kẻ Lạm Dụng Tình Dục

Tin tức về những người nổi tiếng lạm dụng tình dục đang tràn ngập trên các mặt báo báo thời gian gần đây. Chuyện này đã dẫn tới rất nhiều câu hỏi làm thế nào mà những kẻ lạm dụng …

Tin tức về những người nổi tiếng lạm dụng tình dục đang tràn ngập trên các mặt báo báo thời gian gần đây. Chuyện này đã dẫn tới rất nhiều câu hỏi làm thế nào mà những kẻ lạm dụng đó lại có thể thao túng nhiều nạn nhân đến thế, và vì sao nạn nhân của chúng không ngay lập tức chạy trốn. 

Xét trường hợp của bác sĩ Larry Nassar – người thành lập ra USA Gymnastics, hiện đang bị kết án là một kẻ quấy rối tình dục trẻ em, kẻ này bị buộc tội tấn công tình dục của hơn 250 người gồm cả trẻ em và thanh niên. Một chuyên gia tài chính với khối tài sản hàng triệu đô – Jeffrey Epstein – kẻ phạm tội xâm phạm tình dục, đã bị buộc tội tấn công tình dục hơn 100 cô gái, rất nhiều người trong số đó được tuyển dụng từ những khu dân cư nghèo khó. Ca sĩ/nhạc sĩ R. Kelly bị kết án hàng chục năm tù vì tội tấn công tình dục trẻ vị thành niên và giam giữ phụ nữ trái pháp luật.

Những tài liệu, những câu chuyện được phơi bày gần đây đã đi sâu chi tiết vào những cáo buộc liên quan đến những kẻ này. Rất nhiều nạn nhân dũng cảm đã lên tiếng chống lại những kẻ tấn công tình dục này, và câu chuyện của họ đã làm sáng tỏ một số kĩ thuật thao túng – thứ cho phép tội ác này tồn tại trong một thời gian dài. Những kĩ thuật này đều dựa trên các nguyên tắc tâm lý sử dụng hàng ngày nhằm chi phối hành vi của con người. Các nguyên tắc này thậm chí còn được dạy tại những trường đại học dạy kinh doanh để thao túng hành vi của người tiêu dùng, khiến cho họ phải chi nhiều tiền hơn.

Dưới đây là 4 kĩ thuật thuyết phục tâm lý mà những kẻ lạm dụng tình dục sử dụng để bóc lột nạn nhân:

1. Thiên Kiến Uy Quyền

Thiên kiến uy quyền mô tả xu hướng dễ bị tác động bởi ý kiến và hành động từ những người có quyền lực (giáo viên, linh mục, huấn luyện viên, người nổi tiếng,…). Hầu hết chúng ta đều được cho hòa nhập với xã hội khi vẫn còn nhỏ để tuân theo chỉ đạo từ người lớn và những người có chức quyền khác, và tin rằng họ “hiểu biết hơn”. Kết quả là, rất nhiều người sẵn sàng nghe lời của các nhân vật quyền cao chức trọng kể cả khi điều đó đi ngược lại với lợi ích của họ.

Nhà tâm lý xã hội học Stanle Milgram đã nghiên cứu rất kĩ về thiên kiến này vào năm 1961 khi ông điều tra mức độ người trưởng thành sẽ vâng lời một người có thẩm quyền (một người đàn ông mặc áo khoác thí nghiệm trắng) – người này chỉ đạo họ đánh đập một người vô tội với mức độ ngày càng gia tăng. Trước khi thí nghiệm bắt đầu, một nhóm các chuyên gia đã dự đoán chỉ những cá nhân có xu hướng “thần kinh không ổn định” mới tiếp tục đánh đập nạn nhân dù kết quả cuối cùng có thể gây chết người (nếu những cú đánh đó là thật). Theo đó, các chuyên gia dự đoán rằng chỉ 1 – 3% trong số những người này sẽ không dừng lại. Họ đã rất sững sờ khi đến 65% số người không ngừng lại việc đấm đá, cho dù họ có cảm thấy đau khổ trước những tiếng thét gào cũng như những đau đớn mà nạn nhân phải chịu. Milgram kết luận rằng con người ta thường nghe lời và làm trái với mong muốn của mình để tỏ ra rằng mình có hợp tác, kể cả khi điều đó có xung đột với lương tâm của họ.

Những kẻ lạm dụng tình dục đã tận dụng thiên kiến uy quyền như một lợi thế của riêng mình, chúng thường nhắm đến trẻ em hoặc những người có quyền lực ít hơn chúng. Nạn nhân thường sẽ tuân theo, bởi vì, như những người đàn ông trong thí nghiệm của Milgram, họ không nhận thức được rằng mình có thể nói “không”. Thay vào đó, nạn nhân thường sẽ cam chịu sự bạo hành, vì họ tin kẻ bạo hành hơn là chính bản thân họ.

Nassar cũng vậy, ông ta có thể trục lợi từ hàng trăm cô gái và bố mẹ của họ là nhờ vào đống bằng cấp của mình. Trong phiên điều trần, một nạn nhân đã lên án “Ông thao túng chúng tôi để chúng tôi đặt lòng tin vào ông, vì ông là một bác sĩ, và bác sĩ thì không gây hại cho người khác, bác sĩ chỉ biết chữa lành.” Tương tự như vậy, một nạn nhân bị R. Kelly tấn công tình dục được đưa đến tòa đã nói rằng “Tôi cảm thấy rằng đó là việc tôi phải làm, chứ không phải việc tôi muốn làm hay không. Đó là R. Kelly đấy, bạn là ai mà dám nói không với R. Kelly chứ?”

2. Bằng Chứng Xã Hội

Bằng chứng xã hội là nguyên tắc chúng ta dùng để quyết định cách ta ứng xử bằng cách nhìn vào những gì người khác làm. Nếu những người khác, đặc biệt là những người liên quan đến chúng ta cũng đang làm chuyện gì tương tự, chúng ta thường sẽ không có thắc mắc về chuyện đó.

Bằng chứng xã hội là một kĩ thuật tiếp thị cực kì phổ biến và hiệu quả. Sức mạnh của bằng chứng xã hội chính là lý do vì sao các công ty ngày càng chi tiền mạnh tay cho ngân sách quảng cáo với người nổi tiếng trên mạng xã hội, để họ xúc tiến việc quảng cáo các sản phẩm của công ty tới những người đang theo dõi mình. Dưới hình thức đơn giản nhất của bằng chứng xã hội, một số người lao động như nhân viên quầy bar hay nghệ sĩ đường phố lợi dụng nguyên tắc này bằng cách đặt sẵn vài tờ dollar vào trong bình đựng tiền tip của mình trước khi bắt đầu ca làm việc.

Theo như trình báo lại, cả Epstein và R. Kelly đều sử dụng những cô gái trẻ để tuyển dụng nạn nhân cho mình. Việc sử dụng người đồng trang lứa để tuyển dụng làm tiêu tan các mối nghi ngờ của nạn nhân và bình thường hóa tình hình. Tài liệu tại tòa án vạch mặt Epstein rằng ông ta thường dùng những phụ nữ trẻ để tiếp cận các nạn nhân tiềm năng, cho họ cơ hội kiếm tiền chỉ với việc mát xa cho ông ta. Không may mắn là, trong một lần ông ta ở một mình với một cô gái, Epstein đã tấn công cô ấy. Trong khi rất nhiều nạn nhân trẻ nói rằng lúc đầu khi được đề nghị, họ cũng cảm thấy đáng nghi, thế nhưng khi họ thấy những cô gái khác cùng tuổi mà họ quen biết cũng đang làm công việc tương tự, họ đã xem xét lại lời đề nghị rồi cuối cùng lại thấy nó như một cơ hội hợp pháp để kiếm tiền.

3. Kĩ Thuật Door-in-the-face (Sập Cửa Trước Mặt)

Với kĩ thuật Door-in-the-face, người thuyết phục sẽ bắt đầu với một yêu cầu cao mà họ đã dự đoán trước là người khác sẽ từ chối. Người thuyết phục muốn tỏ ra như thể cánh cửa đóng sầm trước mặt mình để họ có thể tỏ ra chán nản, thu hút sự đồng cảm từ người từ chối. Sau đó người người thuyết phục sẽ phản công với một yêu cầu thấp hơn – mà nạn nhân không hề nghi ngờ gì rằng đó mới là mục tiêu ngay từ đầu của họ.

Trong một nghiên cứu kinh điển năm 1980 được dẫn dắt bởi Robert Cialdini, các nhà nghiên cứu hỏi các sinh viên trường cao đẳng rằng liệu họ có sẵn lòng điền vào phiếu điều tra về vấn đề an toàn nhà ở hay không. Họ bảo với các sinh viên rằng cuộc khảo sát chỉ mất 15 phút thôi. Chỉ có 25% những người được hỏi đồng ý hoàn thành cuộc khảo sát. Trong một tình thế khác, các nhà nghiên cứu bắt đầu với một yêu cầu cao hơn rất nhiều. “Cuộc khảo sát tốn khoảng 2 giờ đồng hồ”, họ bảo với sinh viên như vậy. Sau đó, sau khi đối tượng chắc chắn từ chối tham gia như được dự đoán, các nhà nghiên cứu liền hạ thấp yêu cầu xuống: “… Nhìn này, có một phần của phiếu khảo sát đặc biệt quan trọng và khá là ngắn. Chỉ mất có 15 phút để thực hiện thôi.” Số sinh viên đồng ý tham gia gần như tăng gấp đôi.

Một số thủ phạm sẽ đưa ra một yêu cầu lớn rồi giả vờ như bị tổn thương với hy vọng rằng nạn nhân sẽ thấy tồi tệ và tuân theo những yêu cầu thấp hơn. Bởi vì khi nạn nhân nói “không” với những yêu cầu cao, họ có thể sẽ thấy như mình nợ kẻ lạm dụng một ân huệ gì đó, hoặc họ nghĩ rằng mình nên thỏa hiệp vì kẻ lạm dụng thấy hối lỗi khi đã đưa ra yêu cầu cao như vậy. Một nạn nhân của Jeffery Epstein nói rằng, “Ông ta (mô tả đã được biên soạn lại vì hành vi xâm phạm tình dục), và tôi nhảy lùi lại. Tôi giật lại và nói “Whoa”. Rồi ông ta kiểu, “Không sao đâu. Không sao đâu. Tôi xin lỗi. Tôi sẽ không làm thế nữa đâu. Tôi sẽ không làm thế nữa.” Rồi sau đó ông ta lại tiếp tục (mô tả đã được biên soạn lại vì hành vi xâm phạm tình dục).”

4. Chi phì chìm

Trong kinh tế học, chi phí chìm là bất cứ thứ gì đã được chi trả và không có khả năng hồi phục. Sai lầm bắt đầu xuất hiện khi khoản đầu tư của một người biến thành khoản thua lỗ, sự chán ghét thua lỗ buộc họ phải đưa ra những quyết định tồi tệ hơn liên quan đến khoản đầu tư đó, ví như rót nhiều tiền hơn, dựa trên những phản ứng không lý trí hoặc cảm tính.

Có rất nhiều ví dụ hằng ngày về sai lầm đến từ chi phí chìm bên ngoài thế giới tài chính. Xem xét trường hợp một người phụ nữa sống trong đau khổ với một cuộc hôn nhân 10 năm, nhưng cô không hề ly dị, chỉ vì cô không thể chịu được suy nghĩ rằng 10 năm qua chỉ là sự lãng phí. Thay vì để cho mình một cơ hội có tương lai hạnh phúc hơn, cô ấy đã chọn duy trì tình trạng tồi tệ, bởi vì sự khó chịu tâm lý khi phải đối mặt với “những năm đã mất” là quá khó khăn.

Rất nhiều nạn nhân trẻ của R. Kelly đã bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn về một sự nghiệp thăng tiến hoặc một mối quan hệ lãng mạn. Nạn nhân có lẽ đã cảm thấy cần làm cho hành vi lạm dụng tình dục họ từng phải trải qua có giá trị gì đó, và vì thế, họ mắc kẹt trong cái hy vọng rằng sẽ được đáp ứng những nhu cầu ban đầu. Cho dù hành vi lạm dụng tiếp tục diễn ra, họ vẫn cứ “ném tiền vào đó” mà không suy nghĩ, vì họ không muốn những gì họ phải trải qua trở nên vô giá trị. Rất nhiều nạn nhân bị tổn thương mong mỏi rằng trải nghiệm tiếp theo với kẻ xâm phạm sẽ tích cực hơn, và bằng cách nào đó bù đắp cho trải nghiệm tiêu cực trước đó. Không may mắn là, chuyện này hiếm khi nào xảy ra, và thay vào đó, sự lạm dụng chỉ có kéo dài hơn.

Chúng ta thường có xu hướng xem nhẹ hiệu quả của việc thuyết phục, nhưng như Aesop nói, “Thuyết phục bao giờ cũng hiệu quả hơn so với ép buộc.” Nhận thức được những kĩ thuật đề cập bên trên có thể giúp chúng ta bảo vệ bản thân và bọn trẻ tốt hơn khỏi việc trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục. Và với nhận thức sâu sắc hơn về hiệu quả của các kĩ thuật thao túng tâm lý mà những kẻ lạm dụng tình dục sử dụng, chúng ta có thể hy vọng giảm bớt được những lời buộc tội bị đổ lên đầu các nạn nhân.

——————

Theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

🌱Youtube: http://bit.ly/YT-ACM

🌱Website: https://acrazymind.vn/

🌱A Crazy Mind (Page): https://www.facebook.com/acrazymindVN/

🌱Viết để trưởng thành (Page): https://www.facebook.com/acm.vietdetruongthanh

🌱A Crazy Mind – Viết để trưởng thành (nhóm công khai): http://bit.ly/Group-VDTT

🌱Câu chuyện điên rồ của tôi (nhóm riêng tư): https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

🌱A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

🌱A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

Nguồn:  https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-new-teen-age/201905/the-psychological-persuasion-techniques-sexual-predators?collection=1138527

Dịch: Phương Nguyên

Biên tập: Tuấn Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan