Ký ức của chúng ta đã bị sang chấn tâm lý xuyên tạc như thế nào?

Tác giả: Tiến sĩ Deryn Strange, Giáo sư Tâm lý học Pháp y, Cao đẳng John Jay, Đại học New York Ký ức của chúng ta không phải là một cuộn băng có thể tua lại một cách hoàn hảo …

Tác giả: Tiến sĩ Deryn Strange, Giáo sư Tâm lý học Pháp y, Cao đẳng John Jay, Đại học New York

Ký ức của chúng ta không phải là một cuộn băng có thể tua lại một cách hoàn hảo những sự kiện đã xảy ra. Thay vào đó, “nhớ” là một quá trình của sự tổ hợp, chắp ghép những chi tiết rời rạc, đưa ra những suy luận nhằm lấp vào các khoảng trống ký ức để tạo ra một câu chuyện có tổng thể thật mạch lạc. Thông thường, quá trình suy luận này phục vụ rất tốt cho chúng ta, chúng cho phép ta đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát với những sự kiện mà ta từng thấy, từng làm. Tuy nhiên, không phải hồi ức nào dựa trên sự suy luận cũng 100% là chính xác.

Quá trình suy diễn đó hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi các động cơ, thành kiến, khuôn mẫu hay mong đợi của con người, và kết quả cuối cùng là chúng xuyên tạc các ký ức của chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận chuyện những ký ức về các sự kiện quen thuộc hằng ngày bị biến dạng theo nhiều cách, nhưng ngược lại nhiều người tin rằng, các ký ức về sang chấn thì khác, chúng sẽ ăn sâu bén rễ và được bảo vệ một cách chắc chắn để trí nhớ của chúng ta về chúng là hoàn toàn chính xác.

Các ký ức sang chấn sẽ “ngày một lớn dần” theo thời gian

Trong thực tế, bất kể bạn đã trải qua những trải nghiệm sang chấn nào – đó có thể là một sự kiện diễn ra riêng lẻ (ví dụ như một cuộc tấn công tình dục) hoặc đó là một chuỗi các sự kiện liên hoàn gây stress dai dẳng (chẳng hạn như chiến tranh), thì chúng đều có thể dễ dàng bóp méo ký ức của bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng, sự xuyên tạc ký ức sang chấn có một dấu hiện rất phổ biến để nhận biết, đó là chủ thể có xu hướng nhớ về những trải nghiệm với nỗi đau gấp trăm gấp vạn lần so với thực tế những gì đã diễn ra. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn của chứng “rối loạn căng thẳng sau sang chấn” (Post-traumatic stress disorder, PTSD) bởi trí nhớ của họ về các tổn thương, đang ngày-một-lớn-dần-hơn.

Nói đơn giản hơn là, các sang chấn được ghi nhớ một cách thái quá (over-remembering) có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của chủ thể. Một dẫn chứng tiêu biểu cho luận điểm trên đó là nghiên cứu của Southwick và cộng sự. Ông đã phỏng vấn một cựu chiến binh trong chiến tranh Vùng Vịnh tại thời điểm 1 tháng và 2 năm sau chiến tranh để khám phá là liệu có những sự kiện đau lòng nào xảy ra khi họ đang làm nhiệm vụ hay không (ví dụ như bị bắn tỉa hay ngồi cạnh đồng đội đang hấp hối). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy 88% cựu chiến binh được phỏng vấn đã thay đổi câu trả lời của họ về ít nhất một sự kiện và 61% đã thay đổi câu trả lời về nhiều sự kiện mà họ gặp phải. Mà điểm mấu chốt ở đây, đó là đa số những câu trả lời được thu thập đã thay đổi từ “không, chuyện đó đã không xảy với tôi” thành “đúng vậy, chuyện đó đã xảy ra với tôi”. Sự ghi nhớ thái quá này có liên quan mật thiết tới sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Tại sao lại như vậy?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại có sự liên quan này? Dưới góc nhìn từ thuyết tiến hóa, làm sao con người có thể thích nghi nếu như việc ghi nhớ những sự kiện đau buồn cứ theo chiều hướng tăng dần theo thời gian, và điều này khiến chủ thể chịu nhiều tổn thương về tinh thần hơn, ngoài ra, nó còn làm tăng các triệu chứng của PTSD, để rồi từ đó làm trì trệ quá trình hồi phục của chủ thể?

Câu trả lời được đưa ra là mặc dù điều đó trông không tương thích với sự tiến hóa của loài người, nhưng nó là một sản phẩm phụ bất đắc dĩ của hệ thống trí nhớ đầy quyền năng và đậm tính linh hoạt của loài người. Hệ thống này cũng tương tự như hệ thống ACL (Anterior Cruciate Ligament: dây chằng chéo trước). Mặc dù dây chằng chéo trước là điểm yếu ở đầu gối của con người nhưng hệ thống này cũng dẫn đến sự tiến hóa của loài người: khả năng đi bằng hai chân. Có thể sự ghi nhớ thái quá các sang chấn – cũng tương tự như các sai số trong bộ nhớ – là hậu quả của quá trình giám sát nguồn các ký ức.

Theo khung kiểm soát nguồn ký ức (source monitoring framework), con người không ghi nhớ những chi tiết sự kiện dựa vào việc “dán nhãn” cho chúng. Mà thay vào đó họ dựa vào phương pháp “học trên kinh nghiệm”, chẳng hạn như những kỷ niệm đó mang lại cảm giác quen thuộc đến mức nào, rồi từ đó xác định xem sự kiện đó thực sự đã xảy ra hay chỉ là kết quả của sự tưởng tượng. Một cách nghiêm trọng mà nói thì quá trình hậu sự kiện (post-event processing) – ví dụ như việc chủ thể chủ động tưởng tượng ra những chi tiết mới hay việc xuất hiện những suy nghĩ phiền phức, không mong muốn – có thể khiến cho những chi tiết không có thực trở nên quen thuộc hơn và thậm chí là chúng gần gũi đến mức khiến chủ thể nhầm lẫn rằng nó là một chi tiết thực, đã xảy ra. Điều này góp phần làm biến dạng các ký ức.

Để xác thực đáp án trên, chúng tôi đã thực hiện một thực nghiệm, trong đó người tham gia được cho xem một đoạn phim ngắn mô tả sinh động một vụ tai nạn ô tô có thật. Đoạn phim này được chia làm nhiều phần ngắn, giữa các phần là cảnh quay trống. Những cảnh quay này đại diện cho những chi tiết phim bị xóa đi. Một số cảnh bị xóa là những cảnh thảm khốc (ví dụ cảnh đứa trẻ gào khóc gọi bố mẹ mình), trong khi các cảnh còn lại chỉ là những cảnh quay thông thường (ví dụ cảnh trực thăng cứu hộ bay đến). 24 giờ sau, những người này thực hiện một bài kiểm tra trí nhớ của họ về bộ phim, cũng như là suy nghĩ của họ và cách họ sắp xếp các chi tiết bộ phim trong 24 giờ đã qua.

Những người tham gia thực nghiệm đã nhận diện các cảnh phim khá tốt. Tuy nhiên, khoảng ¼ thời gian, họ cũng “công nhận” nốt những cảnh phim mà họ chưa từng được xem. Họ có xu hướng ghi nhớ thái quá các thảm cảnh hơn là các cảnh phim thông thường, hơn nữa họ còn vô cùng tự tin về trí nhớ của mình nữa.

Thêm vào đó, một số người cũng thể hiện triệu chứng tương tự như các triệu chứng của PTSD. Họ thú nhận rằng họ đã nghĩ về những thảm cảnh trong phim mặc dù họ không có ý định hoặc không hề muốn như vậy (intrusive thought). Họ cũng chủ động tránh tiếp xúc những sự vật, hiện tượng gợi họ nhớ đến những cảnh phim đau lòng kia. Không những thế, một phát hiện thú vị ở đây, đó là những người mang triệu chứng tương tự PTSD có xu hướng ghi nhớ thái quá về những chi tiết thảm khốc mà họ thực chất chưa bao giờ được xem, nhiều hơn so với nhóm còn lại. Điều này góp phần củng cố cho mối liên hệ giữa PTSD và việc xuyên tạc ký ức.

Nếu nhầm lẫn trong quá trình kiểm soát trí nhớ là kết quả của mớ ký ức méo mó, xuyên tạc này, thì đáng lẽ ra những người tham gia thực nghiệm trên nên được thông báo trước về một số cảnh quay đã được lược bỏ, để họ “nâng cao cảnh giác” trước quá trình ghi nhớ chứ nhỉ?

Trong một nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi đã chứng minh được rằng việc thông báo trước này thực sự có hiệu quả. Một lần nữa, kết quả lại được xác nhận, rằng các thảm cảnh được dùng để chắp vá vào các thước phim trống nhiều hơn là các cảnh quay thông thường. Tuy nhiên, đối với các đối tượng được thông báo trước về các cảnh phim bị cắt, thì họ không có xu hướng ghi nhớ thái quá về những cảnh quay mà họ thực chất không được cho xem. Ngoài ra, một điều hứng thú không kém trong lần nghiên cứu này, là đối với những người được đọc trước kịch bản mô tả những đoạn phim bị cắt thì họ lại có xu hướng ghi nhớ thái quá về chúng.

Nói tóm lại, những thông tin chúng tôi có được đã thể hiện rằng, cách làm việc lơ đễnh của hệ thống giám sát nguồn ký ức có thể dẫn đến sự méo mó trí nhớ con người và trớ trêu thay, những cái “bẻ cong sự thật” hay “thêm mắm dặm muối” này lại thường dính dáng đến các ký ức thuộc loại sang chấn tâm lý của con người. Mặc dù những thông tin này không trả lời được câu hỏi của thuyết tiến hóa, nhưng nó cũng cung cấp một khung kiến thức giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các khiếm khuyết trong đời sống tinh thần, thể hiện thông qua quá trình hình thành trí nhớ. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh mức độ trung thực của thông tin ký ức, cũng như là các nội dung có liên quan khác. Lý do có thể là các sự kiện sang chấn cùng với làn sóng cảm xúc mãnh liệt lúc đó và hoạt động thiếu hài hòa của sự nhận thức, đã làm quá tải quá trình nhận thức – một quá trình cần thiết cho việc đề ra các chiến lược cho sự hình thành trí nhớ. Nếu không có chiến lược đa dạng trên, bộ não con người sẽ ngưng tiếp nhận các yếu tố khác, bao gồm cả các yếu tố thực lẫn yếu tố ảo do con người tưởng tượng ra.

Sự ghi nhớ thái quá – dưới góc nhìn tích cực

Liệu đây có phải đơn thuần chỉ là một thiếu sót ở bộ não con người trong quá trình nhận thức thôi hay không? Câu trả lời là cũng có thể có. Hoặc liệu quá trình ghi nhớ đầy khiếm khuyết này thực sự tương thích với loài người chúng ta? Một lợi ích sinh học có từ chuyện xuyên tạc ký ức này đó là, những gợi nhớ về sang chấn có thể giúp con người gia cố các hành vi đề phòng trước tình huống nguy hiểm. Bình thường thì nỗi sợ và sự ác cảm của con người về một tình huống nguy hiểm sẽ phai dần đi nếu họ không phải đối mặt với nó nữa. Cái tật kỳ cục ưa làm quá các ký ức sang chấn lên theo thời gian của bộ não, ở một góc nhìn tích cực hơn, sẽ làm dịu đi nỗi sợ của con người trước các vấn đề nguy hiểm này. Nỗi sợ, trong tình huống này, lại trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ và là điều kiện cần kíp để tránh xa các mối đe dọa.

Tiếp theo đây là sự lý giải dưới góc nhìn của thuyết tiến hóa. Thứ nhất, chúng ta đã biết rằng những sang chấn gây ra bởi chiến tranh có thể dẫn đến hội chứng PTSD cũng như nỗi ám ảnh càng ngày càng tăng về các vận động bất ngờ, những âm thanh lớn và cảm giác ác cảm. Nếu chúng ta thay thế chiến tranh hiện đại bằng thế Cánh Tân (Pleistocene) ở châu Phi (Thế Cánh Tân cách đây hơn 2,5 triệu năm. Thời điểm kết thúc thế Cánh tân tương ứng với thời gian kết thúc thời kỳ đồ đá cũ trong quan niệm của Khảo cổ học) thì lúc đó giá trị sinh học của nỗi ám ảnh này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Hãy thử nghĩ về những trải nghiệm kinh hoàng của một thợ săn hoặc một kẻ hái lượm. Một cuộc chạm trán với hổ hoặc rắn, hay thậm chí là một con voi đang giận dữ, cũng có thể gây nên những sang chấn tâm lý. Sự “phát triển” của các loại ký ức này sẽ khiến nó tiếp tục trở nên ngày một đáng sợ hơn trong tương lai. Và khi đó, một hiện tượng tương tự PTSD có thể xảy ra và rồi chủ thể có thể sẽ né tránh một cách “vô cùng tích cực” với các tác nhân gây ra nỗi sợ này.

Sự hình thành nỗi sợ hậu sang chấn này linh hoạt hơn so với các nỗi sợ được mã hóa trong gen và truyền đời cho các thế hệ (chẳng hạn như việc con người sợ rắn và nhện). Các nỗi sợ hình thành hậu sang chấn sẽ phụ thuộc và khác nhau ở từng cá thể, chính vì vậy, thay vì ngồi đợi bộ gen của con người biến đổi để thích nghi với thời thế (có thể mất tận hàng ngàn năm) thì chúng ta đã có một cơ chế khác để thích nghi nhanh hơn.  

Chúng tôi đưa ra kết luận rằng, hội chứng PTSD cũng có thể là một cơ chế thích nghi. Nó giúp con người tránh khỏi những mối hiểm nguy tiềm ẩn, và khả năng ghi nhớ thái quá của con người cũng có thể là một hiện tượng tự nhiên nhằm giúp con người không lãng quên các bài học quý giá hậu sang chấn trước dòng chảy của thời gian.

Dịch: Thanh Ha Le T

Biên tập: Vũ Dương

Minh họa: Nguồn ảnh từ: theconversation.com, aestheticsmilereconstruction.com, news.cnrs.fr, educadoreslive.com, pinterest.com, brandonkidwell.com, medium.com

Nguồn bài viết: https://thehumanevolutionblog.com/2015/10/13/why-does-trauma-cause-memory-distortion/?fbclid=IwAR0ToyoN18WP0-Gm9e7CGA6f2XdklFyLLU2ypt3WlSFM15dQfmZ4Q044uA8

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan